Nga “phản đòn” vào Tổng thống Trump hay giới tinh hoa nước Mỹ?

Thứ Tư, 02/08/2017, 09:32
Từ khi bước chân vào Nhà Trắng, chưa khi nào ông Donald Trump được giới truyền thông và chính trị Mỹ để cho yên. Trong số nhiều vấn đề mà các đối thủ chính trị khai thác để làm cho ông “mất điểm” trong mắt dân chúng Mỹ thì Nga là điểm yếu nhất của gia đình Trump.

Căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ hiện nay cũng vì Tổng thống Trump mà ra nhưng lại không phải do ông gây nên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng con rể Jared Kushner (trái) và con trai cả Donald Trump Jr.

 “Đã đến lúc cần chứng tỏ là Nga không ngồi yên chịu trận mà không đáp trả!”

 Ngày 30-7, đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rằng 755 nhân viên ngoại giao Mỹ sẽ bị trục xuất khỏi Nga, hạn chót là vào ngày 1-9 tới đây. Trước đó, ngày 28-7, Moskva tuyên bố sẽ tịch thu một khu phức hợp và một nhà kho được phái đoàn ngoại giao Mỹ sử dụng, dọa đáp trả tương xứng nếu Washington tính trục xuất thêm các nhà ngoại giao của Moscow.

“Trong số hơn 1.000 nhân viên, các nhà ngoại giao lẫn nhân viên hỗ trợ, đã và đang làm việc ở Nga, 755 người phải ngưng hoạt động tại Liên bang Nga”, ông Putin nói. Số lượng người Mỹ bị trục xuất lần này là chưa từng có trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước, kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và nặng hơn nhiều so với việc chính quyền Obama trục xuất 35 người Nga vào tháng 12-2016. Và việc phải rút 755 nhân viên đoàn ngoại giao sẽ khiến hoạt động của Mỹ tại Nga gần như tê liệt.

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối bình luận về số lượng chính xác nhân viên sứ quán và lãnh sự tại Nga. Tuy nhiên, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ gọi động thái của Nga là “hành động đáng tiếc và không cần thiết”. Trong khi một quan chức giấu tên tại Đại sứ quán Mỹ ở Nga nói rằng, cơ quan này đã tuyển dụng khoảng 1.100 nhà ngoại giao và nhân viên hỗ trợ, bao gồm cả công dân Nga và Mỹ.

Khi trả lời cuộc phỏng vấn trên truyền hình Rossiya 1 ngày 30-7, người đứng đầu Điện Kremlin giải thích rằng, Moskva không muốn làm điều đó vì nó sẽ làm tổn thương sự phát triển của quan hệ quốc tế nhưng nước Nga không còn lựa chọn nào khác và “Nga có thể sẽ tiến hành thêm các biện pháp chống Mỹ nhưng không phải ngay lúc này”. Ông nhận xét: “Sự kiên nhẫn của Nga khi chờ đợi có sự cải thiện trong mối quan hệ với Mỹ chỉ có giới hạn. Lâu nay chúng ta đã chờ đợi và hy vọng sẽ có sự thay đổi nào đó cho tốt đẹp hơn, nhưng sau khi xem xét thì thấy nếu có thay đổi cũng sẽ không sớm xảy ra”.

Cũng cần phải nói thêm rằng trong suốt hơn 2 năm qua, Mỹ và châu Âu đã liên tục tiến hành các biện pháp trừng phạt Nga và chỉ đến gần đây người ta mới thấy người đứng đầu nước Nga chính thức  biểu lộ thái độ phản kháng vì “sự chịu đựng của Moskva đã đạt giới hạn”. Đối với Tổng thống Nga, “đã đến lúc cần chứng tỏ là Nga không ngồi yên chịu trận mà không đáp trả”.

Quyết định trục xuất trên 700 nhà ngoại giao Mỹ của Nga được xem là “cú phản đòn” đầu tiên sau một thời gian dài chỉ “thủ thế” hoặc đánh trả nhẹ nhàng để trả đũa dự luật trừng phạt mà lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã thông qua, tập trung vào các lĩnh vực then chốt của kinh tế Nga như mua bán vũ khí và xuất khẩu năng lượng.

Nhưng nếu Nga tiếp tục “phản đòn” thì họ sẽ nhằm vào những điểm yếu nào của đối thủ? Nhật báo Kommersant của Moskva đã đề xuất một số lựa chọn: cắt giảm xuất khẩu titan hoặc urani làm giàu cho Mỹ - biện pháp có thể gây tổn hại cho ngành hàng không và urani của Mỹ. Tờ này còn đề xuất Nga chặn các sáng kiến ngoại giao của Mỹ như bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc về các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên hay việc hợp tác ở Syria.

Nga cũng có thể tịch thu tài sản của công ty hoặc thậm chí là cấm cửa các công ty Mỹ như Google hay Microsoft đang ăn nên làm ra ở Nga. Một số ý kiến khác là mở rộng hợp tác với châu Âu và tăng cường “làm ăn” với Trung Quốc để làm đối trọng sức mạnh của Mỹ. Các nhà lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự tức giận đối với dự luật trừng phạt của Mỹ, nói rằng chúng có thể gây tác dụng phụ, gây ảnh hưởng đến lợi ích của khối này.

Trong khi cây bút Andrew Roth của tờ Washington Post nhận xét: Moscow biết rằng họ lép vế trong chiến tranh thương mại. Họ thường dùng chính thị trường của mình làm vũ khí, như áp đặt lệnh trừng phạt đối với thực phẩm nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu hay cấm người Mỹ nhận con nuôi Nga vào năm 2013.

Tổng thống Putin ra lệnh trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ.

Ngày 31-7, TASS-hãng Thông tấn nhà nước Nga dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Một lối thoát khỏi tình trạng hiện tại trong quan hệ Nga - Mỹ là thông qua thiện chí chính trị”, chấm dứt các lệnh trừng phạt. Theo ông Peskov, Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn “nhấn mạnh sự quan tâm của Moskva trong tiếp tục phối hợp cùng Mỹ tại những lĩnh vực có chung lợi ích”.

Khi được hỏi tại sao Nga có biện pháp đáp trả trước khi ông Trump ký duyệt, ông Peskov trả lời dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua, “nó sẽ trở thành luật bất kể Tổng thống Mỹ có đồng ý hay không”. Sự cứng rắn mạnh mẽ của Nga lần này là để đáp trả dự thảo luật trừng phạt mới mà lưỡng viện quốc hội Mỹ đã thông qua và đang đặt trên bàn của ông Trump.

Dự luật đã được thông qua ngày 25-7 ở Hạ viện với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, và ở Thượng viện ngày 27-7 với 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống. Như vậy, dự luật dài 184 trang được thống nhất với tỷ lệ ủng hộ gần như tuyệt đối đã dập tắt hy vọng làm ấm mối quan hệ với Nga, nhắm đến những cá nhân bị cho là vi phạm nhân quyền, tham nhũng, cũng như các lĩnh vực có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế Nga như mua bán vũ khí hay xuất khẩu năng lượng.

Dự luật sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt ngành công nghiệp Nga và có khả năng gây tổn thương thêm cho nền kinh tế nước này, vốn đã suy yếu bởi gói trừng phạt cũ mà phương Tây áp đặt từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea vào lãnh thổ. Đây là dự luật về chính sách đối ngoại quan trọng đầu tiên mà Quốc hội Mỹ thông qua dưới thời Trump.

Việc cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều ủng hộ mạnh mẽ dự luật trái ngược hoàn toàn với mối bất đồng gay gắt giữa hai đảng này trong quá trình thảo luận cách cải tổ hệ thống y tế Mỹ. Tuy vậy, theo lời ông Fyodor Lukyanov, Chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng - nhóm chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga, thì “rất khó để Nga có thể làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến lợi ích của Mỹ, trừ phi Nga sẵn sàng thực hiện những bước đi có hại cho chính mình”.

Cuộc đấu giữa hai ý thức hệ

Hãng tin AP hôm 28-7 dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Trump sẽ ký dự luật trên. Theo luật, ông Trump sẽ có 10 ngày để quyết định sẽ phê chuẩn hay phủ quyết dự luật này. Nếu ông phê chuẩn dự luật, nó lập tức sẽ có hiệu lực. Nhưng liệu ông Trump không ký được sao? Dự luật này có một điều vô cùng quan trọng là nó quy định ông Trump nếu muốn cải thiện quan hệ với Nga thì phải được lưỡng viện Quốc Mỹ chấp thuận. Như vậy là dù ông Trump có muốn cũng không được.

“Dự luật này không ngăn cản ông ấy đưa những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn. Nhưng đó là khả năng không thực tế”, Edward Fishman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận xét. Theo một số quan chức Nhà Trắng và cố vấn cho Tổng thống Trump, ông đã nói riêng với họ về nỗi bất mãn trước khả năng quốc hội hạn chế hoặc lấn át quyền lực của ông về các vấn đề an ninh quốc gia.

Bên ngoài thì ông bị lưỡng viện quốc hội khống chế, nội tình bộ sậu của ông thì tiếp tục rối mù. Ông Anthony Scaramucci được ông Trump bổ nhiệm làm Giám đốc truyền thông Nhà Trắng mới hôm 21-7.

Đăng đàn báo chí trả lời phỏng vấn của tờ The New Yorker, Scaramucci đã công kích Reince Priebus, khi đó vẫn là Chánh văn phòng Nhà Trắng, và chiến lược gia trưởng Steve Bannon của ông Trump bằng từ ngữ thô tục. Những bình luận từ vị tân Giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci khiến các nghị sĩ và một số lãnh đạo tôn giáo giận dữ nhưng ông này không xin lỗi.

Đáp trả sự chỉ trích, Scaramucci viết trên Twitter cá nhân rằng ông sẽ “không tái sử dụng thứ ngôn ngữ đa dạng” trên cương vị mới. Ngay Tổng thống Trump cũng cảm thấy các bình luận của Anthony Scaramucci trên The New Yorker là không phù hợp nên ngày 31-7, Nhà Trắng đã ra thông báo sa thải Giám đốc truyền thông Anthony Scaramucci, chỉ hơn 1 tuần sau khi ông được Tổng thống Mỹ bổ nhiệm vào vị trí này.

Các thượng nghị sĩ Mỹ sau khi bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga ngày 27-7.

Nếu tin vào lời ông Trump thì ông rõ ràng là người muốn cải thiện quan hệ với Nga. Từ khi tranh cử đến khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump luôn muốn loại bỏ những di sản của chính quyền trước mà mối quan hệ “tăm tối” với nước Nga là một trong những hệ lụy đó. Từ tuyên bố muốn hàn gắn quan hệ với Nga đến việc cử một người từng có nhiều năm làm ăn tại Nga làm ngoại trưởng, xu hướng thân thiện với Nga của ông Trump là rất rõ ràng. Những cũng chỉ vì thiện chí này mà ông bị giới báo chí và lực lượng chính trị đối lập “hành” suốt từ khi ông tuyên bố ra tranh cử cho đến nay.

Có lẽ cử tri Mỹ không quan tâm tới việc ông Trump sẽ làm bạn hay thù với Nga, điều khiến họ bỏ phiếu cho ông là vì ông hứa sẽ giúp họ có cuộc sống tốt hơn, biết lo cho họ trước tiên trước khi lo cho người ngoài. Lên làm tổng thống ngót nửa năm, những vấn đề “dân sinh, dân túy” cho người Mỹ chưa thấy đâu, chuyện ông cứ loay hoay chìa củ cà rốt hay cây gậy ra với Nga khiến dân Mỹ thêm sốt ruột, nên ông mất điểm tín nhiệm là phải!

Giới tinh hoa chính trị ở Mỹ mà đại diện là truyền thông, báo chí, quốc hội và tư pháp không phục và họ cho rằng, nếu người dân có quyền bầu ông Trump làm tổng thống thì với quyền hạn của mình, họ sẽ khiến ông trở thành một vị “tổng thống bù nhìn”, chẳng hạn như trong trường hợp dự luật mới đây họ không cho ông đơn phương xích lại với Nga.

Mặc dù Tổng thống Trump hoàn toàn có quyền bác dự luật này nhưng quốc hội lưỡng viện sẽ biểu quyết chung và có khả năng hội đủ đa số 2/3 để thông qua. Cho tới nay, các vị Tổng thống Mỹ thường cố tránh để bị rơi vào tình thế kiểu như vậy, cho nên họ thường phải ủng hộ những dự luật có sự đồng thuận cao ở quốc hội, cho dù cố tình lần lữa đến giờ chót mới hạ bút ký ban hành.

Nếu theo dõi sát “vấn đề Nga” trong chính trường Mỹ từ ngày ông Trump lên làm tổng thống, người ta sẽ thấy được sự quyết tâm của giới tinh hoa chính trị Mỹ trong việc hạ bệ hoặc “trói tay chân” ông Trump. Không chỉ liên quan đến cá nhân ông Trump mà cả con trai, con rể, tay chân tướng tá của ông đều bị “sờ gáy”.

Đúng vào tuần lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga, 3 nhân vật thân tín nhất của Tổng thống Mỹ là con rể Jared Kushner, con trai trưởng Donald Trump Jr và cựu giám đốc ban vận động tranh cử của ông Trump là Paul Manafort bị Quốc hội chất vấn trong các phiên họp kín liên quan tới cuộc gặp của 3 người này với nữ luật sư Nga Natalia Veselniskaya vào ngày 9-6-2016 tại tòa tháp Trump ở New York.

Ngoài các vụ điều trần trước quốc hội, các vụ phanh phui của báo chí, giới tinh hoa chính trị ở Mỹ còn cử ra cả một thẩm phán chỉ để điều tra quan hệ giữa ông Trump với Nga. Theo họ, ông Trump thắng cử bà Hillary Clinton được là “nhờ có tin tặc Nga giúp đỡ theo kiểu gian lận phiếu bầu” chứ chẳng tài cán gì. Cho nên trong dự luật trừng phạt lần này, lý do được nhấn mạnh là “Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016”.

Chưa biết cuộc đấu giữa ông Trump với giới tinh hoa chính trị Mỹ sẽ đi đến đâu trong thời gian tới, cũng không thể lượng trước được mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ đi về đâu. Cuộc đấu giữa Nga và Mỹ thực chất không phải là giữa ông Trump với Tổng thống Putin mà giữa hai ý thức hệ. Paul Craig Roberts, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ khi trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT (Nga) mới đây nói rằng, Nga cuối cùng phải dừng ngay ảo tưởng sẽ hòa giải được với Mỹ.

“Tôi đã làm rõ vấn đề này từ lâu. Cách duy nhất mà Moskva có thể đạt được thỏa thuận với Washington là đầu hàng và chấp nhận sự thống trị của Mỹ” - ông Roberts nói. Nhưng thử hỏi với một Tổng thống Putin cứng rắn thì liệu điều đó có thể xảy ra? Chúng ta sẽ còn nghe chuyện căng thẳng, đối đầu thậm chí là nguy cơ chiến tranh quân sự Nga-Mỹ trong một thời gian dài nữa.

Mộc Thạch - Quang Học (tổng hợp)
.
.