Nga – phương Tây: Tái diễn đối đầu

Thứ Tư, 17/06/2015, 19:30
Mỹ bắn tiếng đưa vũ khí tới các nước Liên Xô cũ, Liên minh châu Âu giữ nguyên đến cuối năm nay các hình thức trừng phạt Nga... Cuộc đối đầu Nga - phương Tây xung quanh vấn đề Ukraine đang lên cơn co thắt mới.

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine từ hơn một năm qua đã kéo theo cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Các biện pháp trừng phạt Nga từ ngoại giao, kinh tế, chính trị và quân sự đều đã được Mỹ và các đồng minh châu Âu tung ra. Tuy nhiên, tác động của những đòn đánh trên chỉ hạn chế và nước Nga trong một năm qua vẫn ổn định về đối nội và phát triển về đối ngoại.

Dường như cảm thấy chưa đủ để khiến người đứng đầu Điện Kremlin chùn bước trước vấn đề Ukraine (theo cách nói của các chính khách phương Tây, mặc dù Nga luôn phủ định mọi trách nhiệm trong cuộc khủng hoảng nội bộ tại Ukraine), Mỹ và EU gần đây lại tung thêm những cú đánh mới.

Xe tăng Abrams của Mỹ tham gia tập trận chung với các thành viên NATO và được triển khai tại 3 nước Baltic thuộc cảng Riga Port, ngày 9/3/2015.

Trước hết, đáp ứng lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc “đứng lên chống lại sự xâm lược của Nga”, các nhà lãnh đạo G7 khi họp tại Đức ngày 8/6, đã cam kết duy trì các biện pháp trừng phạt Moscow cho đến khi Tổng thống Vladimir Putin và phe ly khai Ukraine thực thi đầy đủ thỏa thuận ngừng bắn ký tại thủ đô Minsk - Belarus hôm 12/2/2015.

Kế đến, báo New York Times ngày 13/6 tiết lộ, Mỹ dự tính triển khai vũ khí hạng nặng, xe tăng và tối đa 5.000 lính sang các nước vùng Baltic và Đông Âu.

Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cũng có kế hoạch xây dựng các tuyến đường sắt và kho chứa vũ khí mới tại các nước thành viên NATO. Các kho chứa vũ khí này sẽ do các nhà thầu địa phương chịu trách nhiệm canh giữ và bảo vệ. Trong trường hợp đề nghị của Bộ Quốc phòng Mỹ được hành pháp chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên Mỹ đặt vũ khí hạng nặng tại các quốc gia vừa gia nhập NATO.

Trích dẫn một số nguồn tin thông thạo, báo New York Times cho biết, mục tiêu của Lầu Năm Góc nhằm trấn an các quốc gia trong vùng Baltic và Đông Âu sau sự kiện bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga và xung đột ở miền Đông Ukraine kéo dài.

Trước mắt cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter lẫn Nhà Trắng cùng chưa lên tiếng về vấn đề này. Nhưng vẫn theo một nguồn tin được New York Times trích dẫn, trên nguyên tắc kế hoạch của Mỹ đưa vũ khí hạng nặng sang Đông Âu sẽ được thông qua trước cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO được dự trù tổ chức tại Bruxelles trong tháng 6 này.

Các nước liên quan đến kế hoạch quân sự của Mỹ bao gồm 3 nước trong vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva, cộng thêm với các nước Đông Âu như Ba Lan, Rumani, Bulgari, và có thể là cả Hungary.

Tiếp theo bài báo của New York Times, ngày 14/6, tờ The Guardian (Anh) đưa tin Mỹ và Ba Lan đang thảo luận việc triển khai vũ khí hạng nặng của Mỹ tại Đông Âu để đối phó với cái gọi là "hiểm họa binh đao tại khu vực".

Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết, Washington và Warsaw đang thương lượng về việc triển khai lâu dài xe tăng chiến đấu và các vũ khí hạng nặng khác của Mỹ tại Ba Lan và các nước khác trong khu vực. Nỗ lực này là một phần trong các kế hoạch của NATO phát triển các lực lượng triển khai nhanh "Xung kích" nhằm ngăn chặn âm mưu gây bất ổn các nước thuộc khối Xôviết cũ hiện gia nhập NATO và EU.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Siemoniak, các cuộc thảo luận về vấn đề này đã được tiến hành tại Lầu Năm Góc hồi tháng trước. Cùng ngày, Warsaw cũng cho biết quyết định về việc cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạng nặng tại Ba Lan sẽ sớm được đưa ra.

G7 quyết định duy trì lệnh trừng phạt Nga tại phiên họp của nhóm.

Cựu Tư lệnh tối cao của NATO tại châu Âu, Đô đốc Mỹ James Stavridis nói rằng quyết định trên đánh dấu một "sự thay đổi chính sách rất có ý nghĩa" trong bối cảnh xuất hiện những phàn nàn từ các nước Đông Âu về "sự hờ hững" của phương Tây và Mỹ trong việc đảm bảo an ninh cho các nước này, tiếp sau hành động sáp nhập Crimea của Nga.

Chưa dừng lại ở đó, ngày 15/6, Hãng tin Itar-TASS dẫn lời Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek cho biết EU sẽ giữ nguyên các lệnh trừng phạt Nga ít nhất cho đến cuối năm nay.

Phát biểu trên Đài Truyền hình quốc gia, ông Zaoralek nói: “Tôi tin vào khả năng lớn nhất rằng thời hạn của các lệnh trừng phạt sẽ kéo dài đến cuối năm. Tôi đã đi đến kết luận này sau các cuộc thảo luận (với các chính trị gia EU)”.

Theo ông Zaoralek, vấn đề dỡ bỏ hay nới lỏng các lệnh trừng phạt hiện không có trong chương trình nghị sự. Ông Zaoralek cho biết, ông không hy vọng về “việc đưa ra những lệnh trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Nga”.

Thực ra những đòn trừng phạt mới được phương Tây đưa ra nhằm vào Nga không có gì mới. Trước hết nói về các biện pháp kinh tế và chính trị. Sự cấm vận kinh tế và cô lập nước Nga trên diễn đàn quốc tế thời gian qua không đem lại kết quả như các nước phương Tây mong đợi.

Kinh tế Nga gặp khó khăn một phần vì giá dầu giảm mạnh chứ không hoàn toàn do sự phong tỏa của Mỹ và châu Âu. Sự mất giá của đồng rúp và sức khỏe nền kinh tế Nga đã hồi phục nhờ giá dầu tăng. “Nhờ” sự cô lập của phương Tây mà Nga đã có thể mở rộng thêm các đối tác chính trị và kinh tế ở châu Á, Mỹ Latinh...

Về mặt quân sự, việc Mỹ có khả năng triển khai vũ khí tới các nước thuộc Liên Xô cũ có thể là điểm mới kể từ sau Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, chính sách bao vây quân sự của phương Tây với nước Nga ngày nay chưa bao giờ ngừng nghỉ.

Việc Mỹ cố gắng thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa tại Đông Âu trước đây là một ví dụ. Nhưng cũng chính Mỹ thời gian gần đây đã cảm thấy biện pháp này không còn hiệu quả nên thông báo rút hệ thống trên chuyển sang châu Á...

Báo The Guardian nhận định sự nâng cấp đáng kể kế hoạch quân sự của Mỹ tại châu Âu có thể khiến các nước Đức, Pháp, Tây Ban Nha và Italia không thoải mái bởi các nước này không muốn quân sự hóa mâu thuẫn với Nga vì vấn đề Ukraine.

Ngày 15/6, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo Moscow sẽ tăng cường tối đa sức mạnh quân sự ở phía tây nước này nếu Mỹ triển khai vũ khí hạng nặng tại các nước Baltic và Đông Âu.

Tướng Yuri Yakubov, quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nga, mô tả đó là “hành vi hiếu chiến nhất của Mỹ và NATO kể từ thời Chiến tranh lạnh”. “Nga sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc tăng cường quân sĩ và lực lượng ở cánh phía tây” - tướng Yakubov nhấn mạnh.

Ông Yakubov cho biết trước hết Moscow sẽ đưa thêm xe tăng, pháo cối và máy bay chiến đấu tới biên giới phía tây. Điện Kremlin cũng có thể đẩy nhanh việc triển khai tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới vùng Kaliningrad sát châu Âu và tăng số lượng quân sĩ ở Belarus.

Không biết khả năng Mỹ triển khai kế hoạch trên đến đâu, nhưng cứ nhìn vào dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa được bao đời tổng thống Mỹ triển khai ở Đông Âu nhằm bao vây nước Nga thì có thể nói rằng rốt cuộc Washington lại chỉ tốn tiền vào ngăn chặn ảo tưởng “mối nguy hiểm từ nước Nga”.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.