Nga và Anh bị IS trả thù

Thứ Năm, 04/08/2016, 18:10
Chỉ sau một ngày Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tung video kêu gọi thành viên nhóm thực hiện các cuộc tấn công tại Nga thì tại Syria, một máy bay trực thăng của Nga bị bắn rơi. Còn nước Anh có thể sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo cho những vụ khủng bố.

Phát biểu trên tờ The Mail số ra ngày Chủ nhật 31-7, Sir Hogan-Howe, Giám đốc Cảnh sát Thủ đô London cho rằng, việc nước Anh sẽ bị (IS) và các nhóm Hồi giáo cực đoan  tổ chức khủng bố là vấn đề “xảy ra khi nào”. Và lần này, những kẻ cuồng tín mặc áo bom tự sát hoặc vũ trang súng tiểu liên được thay bằng những chiếc máy bay không người lái (drone) mang theo chất nổ và thậm chí là vũ khí hóa học.

Hình ảnh chiếc Mi-8 của Nga bị bắn hạ hôm 1-8.

Nga muốn “thắng sớm” thì phải trả giá

Trong một đoạn video dài 9 phút được IS tung lên mạng ngày 31-7, một người đàn ông bịt mặt lái xe trên sa mạc hét lên: “Nghe này Putin, bọn ta sẽ đến Nga và sẽ giết ông ngay tại nhà của ông. Các anh em ơi, hãy tiến hành phong trào Jihad, hãy chiến đấu và giết chúng!”.

Hình ảnh trong video cho thấy những người đàn ông có vũ trang tấn công xe bọc thép và lều trại, thu lượm vũ khí trên sa mạc. Hiện chưa thể xác minh video nhưng đường dẫn đến video này được đăng trên một tài khoản Telegram mà nhóm chiến binh sử dụng. Đoạn video trên được tung ra vào thời điểm Nga và Mỹ đang bàn bạc về việc thúc đẩy hợp tác quân sự và tình báo chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và al-Qaeda ở Syria.

Một ngày sau khi đoạn video trên được đưa ra, hôm 1-8, tại tỉnh Idlib của Syria, một chiếc trực thăng vận tải quân sự Mi-8 của Nga sau khi thực hiện việc vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến thành phố Aleppo và trên đường trở về căn cứ Hmeymim đã bị bắn rơi do hỏa lực từ mặt đất. Trên chiếc Mi-8 lúc đó có 3 thành viên tổ lái và 2 sĩ quan của Trung tâm Hòa giải của Nga cho các lực lượng tham chiến ở Syria. Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, cả 5 quân nhân trên chiếc trực thăng này đều hi sinh.

Trung tướng Sergey Rudskoy, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga gọi đây là hành động tấn công khủng bố, vì chiếc trực thăng Mi-8 bị bắn hạ ở khu vực do lực lượng Jabhat al-Nusra (mới đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham) kiểm soát. Người phát ngôn Quốc hội Nga Matvienko gọi việc bắn rơi máy bay trực thăng Nga là hành động đê hèn, vì chiếc Mi-8 này đang làm nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo.

Ở tỉnh Aleppo trong những tháng gần đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt nhất. Một vài ngày trước đây, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng Moskva và Damasus đang bắt đầu một hoạt động nhân đạo quy mô lớn tại thành phố Aleppo đang bị bao vây: ba hành lang an toàn sẽ được tạo ra cho những người dân thường muốn thoát ra khỏi thành phố và cho các chiến binh đầu hàng, bốn hành lang nhân đạo sẽ được mở ra để tiếp vận lương thực, nhu yếu phẩm cho dân thường.

Dù đã rút lực lượng chính của mình ra khỏi Syria, Nga vẫn không từ bỏ cam kết cung cấp vũ khí và thiết bị quân sự cho quân đội của Chính phủ Syria, tiếp tục chương trình đào tạo các chuyên gia quân sự, đồng thời tiếp tục duy trì căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hậu cần hải quân ở Tartous.

Vụ bắn rơi máy bay Mi-8 gây thương vong cao nhất cho quân đội Nga kể từ khi tham gia cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Điều đáng ngạc nhiên là đa số các vụ rơi máy bay đều diễn ra sau khi Nga tuyên bố giảm hoạt động ở Syria, trong khi vào thời cao điểm can thiệp thì không có sự cố nào.

Việc trực thăng Nga bị bắn hạ ngay thời điểm phiến quân thánh chiến đang mở đại chiến dịch phá vây tại áAleppo có thể còn là đòn cảnh cáo với Nga chớ can thiệp. Bởi phe thánh chiến hiểu rằng, nếu Nga hỗ trợ hỏa lực đường không cho quân đội Syria thì phe thánh chiến sẽ hết đường chiến thắng.

Dù mọi việc chưa tới mức thảm họa, nhưng có lẽ đã đến lúc Nga phải thay đổi chiến thuật. Giải pháp thương thảo mà Nga đang tiến hành sẽ mãi giằng co không có hồi kết, vì cả Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Arập Xêút... đều không có thực tâm. Họ chỉ nói về hòa bình nhưng mặt khác lại tiếp tục tiếp đạn cho phe thánh chiến, nổi dậy ở Syria. Trong khi các lực lượng do Nga hỗ trợ thì ngày càng yếu đuối (như quân đội Syria, mất tự tin (như Hezbollah), và chần chừ (như Iran) thì để nhanh chóng đi đến một kết quả cho cuộc chiến Syria, Nga nên vào cuộc trở lại. Chờ đợi Mỹ hợp tác đánh IS hay Al-Nursa thì... “đến tết Congo”.

Chim đại bàng (đậu trên vai người huấn luyện) sau khi đã quắp gọn một chiếc drone.

Tuy nhiên, về mặt mục tiêu dài hạn, thì Nga chấp nhận những mất mát như thế này. Có thể Nga nghĩ rằng nếu “thắng sớm” thì Nga phải trả giá những thứ khác. Nhưng không hiểu nếu như thương vong cứ diễn ra mà tình hình Syria không tới đâu thì liệu dân Nga có chịu đựng nổi không? Hình ảnh xác phi công Nga bị dẫm đạp, kéo lê, sỉ nhục... sau vụ bắn rơi máy bay Mi-8 lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt. Đó thực sự là một cú sốc...

Cho tới nay, Tổng thống Putin cho thấy ông là người vô cùng kiên nhẫn để đạt được các mục tiêu của mình. Nhưng hy vọng là sự kiên nhẫn này không phải trả giá quá nhiều, tại một nơi mà Nga phải đụng độ nhiều đối thủ từ cao tới thấp và đều là những bậc thầy về tráo trở.

Chính phủ Syria hôm 31-7 cho biết đã sẵn sàng nối lại các hòa đàm do LHQ bảo trợ với phe đối lập tại Geneva vào cuối tháng 8, mà không có các điều kiện tiên quyết hay “ảnh hưởng từ bên ngoài”. Nhiều vòng đàm phán trước đây của LHQ đã đổ vỡ vì bạo lực tiếp diễn và câu hỏi chính về việc liệu ông Assad có từ chức hay không vẫn chưa được giải quyết. Mỹ và các cường quốc phương Tây khác nhất mực đòi ông Assad phải ra đi trong khuôn khổ bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, trong khi các đồng minh của ông, chủ yếu là Nga, đã bác bỏ lập trường đó.

IS sẽ tấn công nước Anh bằng máy bay không người lái?

Cảnh báo này trước đó được Chính phủ Anh phát đi hôm 28-7. Bà Baroness Anelay St Johns, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Anh cho biết: “Chính phủ Anh có những tài liệu, bao gồm cả hình ảnh, chứng minh rằng IS đã sử dụng drone tại Syria và Iraq để chụp ảnh các căn cứ quân sự của quân đội Anh, Mỹ, cũng như lên kế hoạch tấn công những mục tiêu này bằng chất nổ hoặc vũ khí hóa học được đặt sẵn trên mỗi chiếc drone”.

Đại tá Hamish de Bretton Gordon, chỉ huy Cơ quan Nghiên cứu vũ khí hóa học, vũ khí sinh học thuộc quân đội Anh và NATO kể rằng hồi tháng 5 năm nay, lần đầu tiên ông nhìn thấy một chiếc drone của IS bay trên một vị trí đóng quân của lính Iraq ở khu vực Qa’im, giáp với Syria.

Phát biểu sau chuyến sang Iraq để huấn luyện các lực lượng địa phương, ông nói với tạp chí Daily News: “Rõ ràng là máy bay không người lái do IS điều khiển đã tham gia chiến đấu. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều này trước đây. Lính Iraq đã bắn nhưng không hạ được nó - có lẽ là do kích thước khá nhỏ. Loại drone này có thể mang theo một quả bom 5kg, đủ để giết chết vài người. Nó cũng có thể mang theo khí clo hoặc tác nhân mù tạt, hoặc chất thải hạt nhân để thực hiện những vụ khủng bố sinh học”.

Vẫn theo đại tá Hamish de Bretton Gordon: “Nếu IS sử dụng drone ở Syria, Iraq thì chúng cũng có thể sử dụng ở Anh, nơi mà việc đặt mua một chiếc drone qua mạng Internet là việc rất dễ dàng”. Đô đốc West, trước đây là bộ trưởng an ninh và hiện là người đứng đầu lực lượng hải quân Anh Quốc cho biết phát hiện của đại tá Hamish de Bretton Gordon là điều “cực kỳ đáng lo ngại”. Ông nói biện pháp tích cực nhất là giám sát chặt chẽ việc mua bán drone ở nước Anh bằng những quy định cứng rắn nhằm giữ an toàn cho mọi người.

Với kích thước nhỏ gọn, có thể hoạt động nhiều giờ liền trên trời, âm thanh phát ra từ động cơ không to lắm, kỹ thuật điều khiển đơn giản, những chiếc drone dễ dàng luồn lách qua những khoảng trống giữa những tòa nhà hoặc ẩn nấp sau những bụi cây rồi lao vào mục tiêu với một khối thuốc nổ, hoặc truyền hình ảnh mục tiêu về trung tâm chỉ huy để nơi đây ra lệnh cho những chiến binh lái xe bom thực hiện đánh bom tự sát.

Máy bay không người lái sẽ trở thành vũ khí giết người trong tay bọn khủng bố.

Việc bắn hạ drone nếu phát hiện nó cũng khó. Một quan chức quân đội Mỹ ở Iraq cho biết không thể sử dụng một khẩu đội súng máy phòng không chỉ để tiêu diệt một chiếc drone. Ngay cả những xạ thủ bắn tỉa bằng súng trường chuyên dụng đôi lúc cũng bó tay với loại máy bay bé tí này.

John V., một trong những lính bắn tỉa hàng đầu của lực lượng SEAL thuộc Hải quân Mỹ nói: “Phải đến phát đạn thứ 4 tôi mới hạ được chiếc drone giả lập là của bọn khủng bố. Nhưng nếu nó mang vũ khí sinh học hoặc chất thải hạt nhân thì việc bắn hạ nó đồng nghĩa với việc góp phần tán phát những chất độc chết người”.

Đứng trước nguy cơ ấy, hồi đầu năm nay, cựu Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có buổi thảo luận về cách đối phó với một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sử dụng chất thải hạt nhân. Theo kịch bản, những kẻ khủng bố ăn cắp vật liệu hạt nhân hoặc mua chuộc nhân viên quản lý ở những cơ sở y tế để có được vật liệu hạt nhân rồi bí mật chuyển vào nước Anh. Tiếp theo, bằng cách sử dụng drone, chúng tán phát rộng rãi chất độc chết người xuống những khu dân cư, những trung tâm thương mại.

Kế hoạch mà hai nhà lãnh đạo đặt ra là yêu cầu những hãng sản xuất drone áp dụng công nghệ “hàng rào địa lý” trên những chiếc máy bay không người lái do họ chế tạo. Andrew, kỹ sư thiết kế của hãng Boeing giải thích: “Tất cả những địa điểm được cho là mục tiêu của bọn khủng bố sẽ được tích hợp trong bộ vi xử lý của drone. Và drone sẽ không thực hiện mệnh lệnh khi bọn khủng bố điều khiển nó bay đến mục tiêu đó, ở một khoảng cách mặc định nào đó”.

Tuy nhiên, vẫn theo kỹ sư Andrew, hoàn toàn có thể cài đặt lại chương trình “hàng rào địa lý” nếu IS có những chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, nhưng sẽ phải mất nhiều thời gian để bẻ khóa bộ mã hóa.

Một biện pháp khác: Bất kỳ ai đặt mua drone đều phải đăng ký, điều mà nước Mỹ và Ireland hiện nay đã thực hiện. Nhưng cũng như chương trình “hàng rào địa lý”, những “con sói đơn độc” IS có thể thông qua những mối quan hệ xã hội để nhờ người khác - những người không nằm trong danh sách tình nghi khủng bố - mua hộ mình.

Với giới quân sự, họ không chịu khoanh tay ngồi im nhìn IS sử dụng drone để tấn công họ. Hiện tại, các chuyên gia an ninh Anh và Hà Lan đang huấn luyện những chú đại bàng để săn lùng drone mà họ nghi là khủng bố. Ông Mark Wiebes, Chánh thanh tra cảnh sát Hà Lan cho biết nước này đã có kinh nghiệm đối phó với drone như gây nhiễu tín hiệu điều khiển, giăng lưới bắt sống, dùng drone chống drone hoặc bắn rơi bằng loại đạn nổ 2 lần - tương tự như pháo cao xạ, và bây giờ là dùng... chim đại bàng.

Ý tưởng dùng chim đại bàng để săn drone do ông Sjoerd Hoogendoorn, cố vấn an ninh của cảnh sát Hà Lan nghĩ ra. Cùng với người bạn là Bende Keijzer - đã có 25 năm kinh nghiệm về huấn luyện chim đại bàng, cả hai thành lập công ty mang tên Guard From Above (Bảo vệ từ trên cao) với tiêu chí: “Áp dụng kỹ thuật đơn giản để giải quyết vấn đề mang tính công nghệ tiên tiến”.

Bằng cách sử dụng một sân bay quân sự đã bỏ hoang ở miền nam Hà Lan, Bende Keijzer dạy con chim cách quắp lấy một chiếc drone rồi đặt nó xuống đất an toàn ngay cả trong điều kiện thời tiết xấu.

Theo ông Bende Keijzer, nguy cơ lớn nhất có thể xảy ra là cánh quạt của drone chém trúng chân con chim khi nó thò móng vuốt xuống. Vì vậy, họ bọc bộ vuốt bằng một loại vật liệu đặc biệt nhưng vẫn bảo đảm tính năng vồ, chụp của đại bàng.

Khác với những loài chim khác, đại bàng thường không hoạt động vào ban đêm nhưng những con chim do Bende Keijzer huấn luyện vẫn có thể bay được, tuy chưa hoàn hảo lắm. Ông Sjoerd Hoogendoorn cố vấn an ninh của cảnh sát Hà Lan nói: “Khi khóa huấn luyện hoàn tất, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm tất cả 30 lần - trong đó có 15 lần vào lúc trời chạng vạng tối và lần nào cũng thành công. Điều đặc biệt là nhân viên điều khiển drone (hoàn toàn không được cho biết về cuộc thử nghiệm) vẫn cứ tưởng chiếc drone của anh ta bay lệch hướng là do lỗi thời tiết. Điều ấy tránh được nguy cơ bọn khủng bố phát hiện và cho nổ tung drone ngay khi nó còn nằm trong móng vuốt của chim đại bàng”.

Cuối năm 2014, Công ty Guard From Above đã hợp tác với cảnh sát Hà Lan trong việc dùng chim đại bàng chống drone khủng bố hoặc sử dụng drone với mục đích xấu - chẳng hạn như dùng camera quay lén cuộc sống riêng tư của người khác, thu thập thông tin bằng hình ảnh để âm mưu cướp bóc, rải truyền đơn kích động biểu tình. Tại Anh, chương trình này cũng bắt đầu đi vào hoạt động với một “tiểu đội đại bàng” đang được huấn luyện ở Scottland.

Mộc Thạch - Xuân Hòa (tổng hợp)
.
.