Ngày Giỗ tổ - Vài điều suy ngẫm

Thứ Năm, 24/04/2014, 19:30

Bắt đầu từ năm 2007, ngày Giỗ tổ Hùng Vương (tính theo ngày Âm lịch 10/3 hằng năm), người lao động, học sinh sinh viên, công chức… sẽ được nghỉ, hưởng nguyên lương.

Thời điểm đó, đây là một quyết định nhận được sự đồng thuận và hoan nghênh của dư luận. Trước khi quyết định này được ban hành, rất nhiều nhà sử học có uy tín đã kiến nghị về một ngày nghỉ lễ nhân Giỗ tổ Hùng Vương, như là một sự tri ân tiền nhân với mục đích hết sức tốt đẹp là “Hướng về cội nguồn dân tộc, uống nước nhớ nguồn, tri ân công đức tổ tiên, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Tuy nhiên, cái cách tổ chức ngày Giỗ tổ của các cơ quan quản lý văn hóa cho thấy, họ vẫn chưa có một ý niệm xác đáng, đúng tầm trong ngày lễ lớn này của dân tộc. Nhiều đơn vị xem đây là dịp để quảng bá hình ảnh cho công ty mình hơn là sự bày tỏ lòng thành kính nên đã có những trò lố đã xuất hiện.

Năm nay, Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng diễn ra trong 5 ngày, từ 5 đến 9/4 (tức từ ngày 6 đến 10/3 âm lịch). Tiếc rằng, cũng như xưa, Lễ hội năm nay vẫn gặp sự cố.

Lễ vật dâng Vua, danh vọng thu về

Vài năm trước, khi mà phong trào tranh nhau có cho bằng được một xác nhận của Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) của một số đơn vị, thì Ngày Giỗ Tổ chính là cơ hội cho người ta thay nhau "trưng bày sản phẩm được công nhận kỷ lục" vì đây là sự kiện thu hút sự quan tâm của khách hành hương lẫn báo giới. Một thời gian truyền thông thay nhau tẩn cái thói cố chấp có được kỷ lục bằng mọi giá (thậm chí, còn có cả kỷ lục cho cái nồi nấu… nước phở to nhất Việt Nam) những tưởng ý thức của ít nhiều cá nhân sẽ thay đổi. Biết đâu cho đến tận năm này, người ta vẫn hân hoan với cái bánh chưng to nhất Việt Nam sẽ được dâng lên Vua Hùng.

Lăng Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh, Phú Thọ.

Năm 2007, nhân "Tuần lễ Cà phê Thế giới", một hãng cà phê trong nước đã giới thiệu đến khách tham quan một kỷ lục quốc gia mới, đó là chiếc ly có thể chứa được hơn 3.500 lít cà phê. Sau khi biểu diễn ở Tuần lễ Cà phê Thế giới, ly cà phê nhìn rất quái này tiếp tục trình diễn tại Festival Hoa ở Đà Lạt, và cuối cùng người ta quyết định mang ly cà phê ấy ra Đền Hùng ở núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì (Phú Thọ)… tiến cống Vua Hùng trong ngày Giỗ Tổ 2008.

Một vài cơ quan truyền thông viết về sự kiện này với những mỹ từ như sau: "Ly cà phê đã được Guiness công nhận đến ngoài việc thể hiện tấm lòng của con cháu làm cà phê đất Việt dâng lên tổ tiên, sự có mặt của ly cà phê lớn nhất thế giới tại Lễ hội Đền Hùng năm nay đã làm cho ngày Quốc giỗ thêm nhiều ý nghĩa. Con cháu mọi miền đất nước quy tụ về đây và du khách nước ngoài đến lễ hội đều rất ấn tượng với ly cà phê này".

Tiếp đến nữa là: "Thế giới sẽ biết đến một phong tục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, biết đến truyền thống lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam. Và ly cà phê lớn nhất thế giới là cách mà con cháu Vua Hùng đã khiến thế giới nghiêng mình trước các vị anh linh của dân tộc mình", lời của một đại diện trong đoàn dâng ly cà phê lên Vua Hùng. Nhắc lại, ly cà phê ấy chỉ đựng cà phê hòa tan.

Năm 2009, một công ty tại TP HCM dâng lên Vua Hùng cặp bánh chưng bánh dày có khối lượng kỷ lục, "với nguyên liệu gồm: 1 tấn nếp, 100 kg thịt heo, 200 kg đậu xanh, 350 kg lá chuối và 20 kg lá dong". Chiếc bánh chưng sẽ có kích thước "ngoại cỡ" trọng lượng của bánh sau khi nấu chín nặng 2 tấn, phá kỷ lục của chiếc bánh chưng làng Ước Lễ, Hà Tây nặng 1,4 tấn vào năm 2002. Trong khi đó chiếc bánh giầy sau khi chín cũng sẽ nặng đến 1 tấn".

Được vận chuyển từ TP HCM ra đến Đền Hùng bằng xe đông lạnh, tiếc rằng sau khi dâng Vua Hùng, cặp bánh được hạ xuống để chia cho khách thập phương theo dự tính thì người ta phát hiện ra rằng cặp bánh dâng Vua Hùng đã bị ôi thiu, đầy nấm mốc… Đây thực sự là “cơn địa chấn” trong dư luận ở thời điểm này, các phương tiện truyền thông từng khen ngợi cái tâm tốt đẹp của đơn vị dâng lễ vật lên Vua Hùng trước đó cũng quay sang công kích thói "háo danh, bất kính với tổ tiên" của đơn vị dâng bánh hết lời.

Đền tưởng niệm các Vua Hùng trong công viên Tao Đàn.

Những tưởng sau sự cố này, Ngày Giỗ Tổ sẽ không phải chứng kiến những trò nhố nhăng ấy của các công ty, đơn vị sản xuất. Nhưng, trong dịp Lễ Giỗ Tổ Hùng vương 2010, một công ty sản xuất rượu đã dâng lên Vua Hùng chai vodka cao 5,2m, đường kính 1,17m, chứa khoảng 4 nghìn lít rượu và sau đó tự hào: "Nối gót tiền nhân, Lang Liêu dâng bánh chưng bánh giầy, An Tiêm dâng dưa hấu, tất cả các sản vật đặc biệt đều dâng lên các Vua Hùng. Để thể hiện lòng thành kính và tưởng nhớ các Vua Hùng có công ngàn năm dựng và giữ nước, chúng tôi dâng cúng một món quà đặc biệt, đó chính là chai rượu này, như các cụ đã nói "Phi tửu bất thành lễ. Đây là chai rượu lớn nhất thế giới sẽ là điểm nhấn trong dịp đại lễ năm nay" (Trích lời ông lãnh đạo của công ty dâng rượu).

Năm 2014 này, theo những gì mà ông trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Giáp Ngọ 2014 đã nói với truyền thông, thì ban tổ chức sẽ từ chối những lễ cống này khẳng định toàn bộ hiện vật dâng tiến sẽ được thẩm định, xem xét một cách cẩn trọng. Những lễ vật được phô trương, quá to, quá lớn sẽ bị từ chối để tránh sự phản cảm như đã từng xảy ra trước đó.

Nhưng rồi, người ta cũng đã kịp làm cái bánh chưng "nặng khoảng 4,3 tấn được làm từ 3 tấn gạo nếp, 3 tạ đường, 3 tạ đỗ, 5 tạ lá dong và 1,5 tạ lạt buộc. Chiếc bánh chưng này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam" để dâng cúng Vua Hùng ngay tại Đền thờ Mẫu Tổ của địa phương.

Có lần, chúng tôi hỏi một lãnh đạo của Trung tâm Kỷ lục Việt Nam (VietKings): "Vì sao Vietkings cứ thừa nhận hết những kỷ lục nghe ra rất kỳ quặc như kiểu: bánh chưng lớn nhất, ly cà phê to nhất, nồi nấu phở lớn nhất…?". Vị này trả lời, "Xét về các tiêu chí của Trung tâm Kỷ lục Thế giới mà chúng tôi đang thực hiện theo thì chúng tôi buộc phải công nhận kỷ lục cho những vật mà họ đề cử".

Mọi thứ đang tẻ nhạt dần đi

Năm nay, lại có sự cố xảy ra tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Đó là nhóm thanh niên của một huyện thuộc tỉnh Phú Thọ tham gia hội trại tại Lễ hội đã bật mở nhạc (loại nhạc dành cho các quán bar, vũ trường) với công suất lớn và lắc múa theo rất phản cảm, bất chấp dòng người đang im lặng thành kính dâng hương xung quanh. Sau khi đoạn clip ấy được một trang báo mạng lớn loan tin, đã có nhiều phản ứng lại hành động của nhóm thanh niên trên với những ngôn từ rất nặng nề...

Xác tính thông tin trên từ một đồng nghiệp, người am tường đời sống tinh thần của nhiều người dân nông thôn Bắc Bộ. Anh bảo: "100% là sự thật”. Anh cho biết, tham gia Lễ hội Đền Hùng, mỗi huyện của Phú Thọ sẽ có một gian hàng sinh hoạt, kiểu như vừa tham gia hội trại vừa giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Thế nên, để thu hút được sự quan tâm của khách hành lễ tại Đền Hùng, họ sử dụng đến âm thanh. Và cái cách mà nhóm thanh niên nhảy nhót trong tiếng nhạc sàn là để thu hút khách.

Đền thờ Vua Hùng tại Thảo Cầm Viên, TP HCM.

Đó là điều bất kính với tiền nhân? Có lẽ họ không nghĩ thế, bởi họ là những thanh niên nông thôn có đời sống văn hóa tinh thần rất buồn tẻ. Họ chỉ làm thế chứ không nghĩ rằng hành động đó sẽ là sự bất kính với tiền nhân. Họ không ý thức được rằng hành vi của mình là phản cảm trong không khí trang nghiêm ấy.

Điều đáng tiếc này, trách nhiệm phần lớn thuộc về những người tổ chức, hoạch định kế hoạch Giổ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Họ vẫn chưa ý thức được tầm vóc của một ngày Quốc Giỗ đầy tính tâm linh và tri ân tiền nhân quan trọng ra sao. Họ cứ loay hoay giữa khái niệm Giỗ Tổ hay lễ hội… Chính vì thế họ đã tạo điều kiện cho những thứ không hay xảy ra liên tiếp trong cái ngày mà đáng ra không nên xảy ra bất cứ điều tiếng gì. Họ không có một kế hoạch tuyên tuyền hợp lý giúp cho đám đông đến gần hơn với vị vua được vinh danh như là nguồn cội của dân tộc Việt Nam.

Tất nhiên, để đám đông cùng hướng về tiền nhân là điều rất khó thực hiện. Bởi lòng thành kính đa phần đến từ ý thức cá nhân thông qua quá trình tự tu dưỡng. Đó là một quá trình lâu dài và nhất thiết phải nhận được hỗ trợ từ các phương tiện truyền thông.

Điều đáng tiếc nhất, chúng ta đã may mắn có được một bậc tiên hiền để cùng hướng về. Nhưng cái cách làm thế nào để tất cả cùng hướng về thì vẫn chưa đạt được theo sự chờ mong của nhiều người

Ngô Nguyệt Hữu
.
.