Nghề vệ sĩ: lắm tiền nhiều rủi ro

Thứ Ba, 10/10/2006, 10:00

Tại Moskva, một vệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo “ngon lành” có thể kiếm việc làm với mức lương 1.500 USD/tháng, tức gấp đôi mức lương bình quân của một viên chức nhà nước, nhưng họ rất được giới triệu phú Moskva tín cẩn.

Ở mục tiêu này, tất cả những viên đạn bắn ra đều trúng vào đầu. Vì thế kết quả rất tốt. Hãy tiếp tục nhìn mục tiêu bên cạnh”, Dmitri Fonaryev nói với các học viên. Những học viên đang được ông đào tạo căng thẳng chờ từng lời nhận xét của ông. Kế sinh nhai, và quan trọng hơn nữa là sinh mệnh của họ, có thể tùy thuộc vào trình độ tập luyện và kỹ năng của họ hoàn thiện đến mức nào.

Ở tuổi 48, tóc buộc đuôi gà và mặc chiếc quần jean bạc phếch, Dmitri có vẻ giống một nhạc sĩ già chơi nhạc rock hơn là chuyên gia vệ sĩ. Để bắt đầu câu chuyện, ông mang ra một đĩa nhạc ưa thích, đó là một thú tiêu khiển từ thời trai trẻ. Nếu không chọn nghề vệ sĩ, có thể ông đã trở thành một ngôi sao nhạc pop từ lâu lắm rồi.

Ông từng là một nhân viên tình báo KGB. Nghề của ông là phải bảo đảm không có bất kỳ sự nguy hiểm nào xảy ra với các nhà lãnh đạo Liên bang Xôviết, và những khách mời quan trọng của họ. Dmitri Fonaryev thuộc đội bảo vệ cho cá nhân cựu Chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbachev. Ngay cả những khi các nguyên thủ nước ngoài đến thăm Moskva, chẳng hạn cựu Thủ tướng Anh - "bà đầm thép" Margaret Thatcher - hay cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, ông cũng chịu trách nhiệm bảo vệ tất cả.

 Ai cũng nghĩ rằng nghề vệ sĩ là nghề béo bở, thế nhưng chính cái nghề đỡ đạn cho thân chủ này hiện nay được xem là nguy hiểm nhất thế giới. Dmitri Fonaryev hiện có 3 học viên, 2 trong số họ làm việc cho một công ty kim cương ở Siberia, và người còn lại bảo vệ cho một doanh nhân ở Ukraina. Dmitri cho biết, hầu hết các thành viên thuộc Tổ chức Vệ sĩ Quốc gia Nga, nơi ông làm giám đốc, đều là cựu quân nhân. Họ chọn theo nghề vệ sĩ tốt nhất là cuối lứa tuổi 20.

Tại Moskva, một vệ sĩ chuyên nghiệp được đào tạo “ngon lành” có thể kiếm việc làm với mức lương 1.500 USD/tháng, tức gấp đôi mức lương bình quân của một viên chức nhà nước, nhưng họ rất được giới triệu phú Moskva tín cẩn. Bởi thỉnh thoảng vẫn có hợp đồng giết người được giới sát thủ Nga tiến hành, tuy không nhiều như thời kỳ cách nay chục năm. Dmitri nói rõ tại sao có nhu cầu bảo vệ chuyên nghiệp: “Tình huống xấu có thể xảy ra với những người nổi tiếng, nhất là những người có trọng trách lớn với Chính phủ Nga”.

Dmitri Fonaryev nhắc lại cái chết tức tưởi của Andrei Kozlov, 41 tuổi, Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, trước đây một tuần. Ông này bị hạ sát ngay khi vừa rời khỏi Trung tâm Thể thao Spartak. Viên tài xế chết ngay tại chỗ, còn ông Kozlov mất tại bệnh viện vào sáng hôm sau. Chắc chắn rằng chiến dịch vận động của ông nhằm phong tỏa và trong sạch hóa những ngân hàng có dính líu đến vấn nạn rửa tiền đã khiến ông phải trả giá bằng sinh mệnh của mình.

Các nhà điều tra tin rằng chính sự bất cẩn của ông Kozlov (từ chối nhận sự bảo vệ nghiêm ngặt, dẫu biết trước trong xã hội có nhiều kẻ muốn hãm hại ông) đã tạo cơ hội cho các sát thủ ra tay quá dễ dàng.

Ông Kozlov quyết định không cần đến bất kỳ người vệ sĩ nào, trong khi đa số các đại gia Nga lại nghĩ khác. Họ luôn có sẵn tối thiểu một vệ sĩ to lớn kè sát mỗi bước chân, ngay cả xe hơi họ đi tới các siêu thị hoặc nhà hàng đắt tiền cũng là thứ chắn đạn tốt nhất nhì thế giới. Tất cả đều nhằm vào mục tiêu đi đến nơi về đến chốn

Minh Nhựt (theo BBC News)
.
.