Ngoại ngữ của công chức thời hội nhập

Thứ Sáu, 27/03/2009, 04:55
Ở đâu, ở cơ quan nào, tuy đa số công chức, cán bộ đều có trình độ tiếng Anh từ bằng A trở lên nhưng tìm ra người nói thông viết thạo lại là chuyện khác. Đa phần chỉ diễn đạt được những câu giao tiếp thông thường, mà phổ biến vẫn là “nói tiếng Anh... mỏi cả tay”!?

Trong bối cảnh nước ta ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, ngoại ngữ đã trở thành yêu cầu bức thiết cho những ai muốn mở cánh cửa vào đời... Bên cạnh đó, nhu cầu giao tiếp, giao thương với nước ngoài đòi hỏi trình độ ngoại ngữ, nhất là Anh ngữ của cán bộ công chức phải được nâng cao.

Tuy nhiên, để tự tin giao tiếp, trao đổi với người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài để học hỏi, tìm hiểu nâng cao kiến thức về phục vụ quê hương đất nước,... thì khó có thể trông chờ nhiều vào những người đang sở hữu những tấm bằng ngoại ngữ loại A, B hay C, mà hiện nay rất dễ bắt gặp ở nhiều cơ quan đơn vị của Nhà nước...

Những tấm bằng này, đối với khá nhiều người, gần như chỉ là một “tấm giấy thông hành vào đời”, một “bửu bối” để hợp thức hóa các yêu cầu cần có của một người mỗi khi đi xin việc, thi công chức, để xét lên lương, đi thi chuyên viên chính, thi cao học...

Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi tuyển nhân viên yêu cầu có bằng B ngoại ngữ trở lên. Có khá nhiều người đã đáp ứng yêu cầu này, nhưng giữa bằng cấp và thực tế có một khoảng cách khá xa.

Chất lượng và số lượng hoàn toàn không đi liền với nhau. Có người nói hài hước rằng, trình độ Anh ngữ của cán bộ công chức bây giờ, phổ biến là dạng “Bê thui” (B thui) hoặc “Xê sủi” (C sủi).

Vì vậy, ở đâu, ở cơ quan nào, tuy đa số công chức, cán bộ đều có trình độ tiếng Anh từ bằng A trở lên nhưng tìm ra người nói thông viết thạo lại là chuyện khác. Đa phần chỉ diễn đạt được những câu giao tiếp thông thường, mà phổ biến vẫn là “nói tiếng Anh... mỏi cả tay”!?

Đã có nhiều sở, ban, ngành có cán bộ công chức tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh hệ chính quy và một số địa phương cũng quy định mỗi sở, ngành phải tự lo việc phiên dịch mỗi khi giao tiếp với đối tác nước ngoài đến làm việc với cơ quan mình.

Tuy nhiên, rất ít cơ quan tự túc được khâu này mà vẫn “cầu viện” đến Sở Ngoại vụ, trong khi đơn vị này, về chức năng chỉ phục vụ công tác đối ngoại của cơ quan Đảng, chính quyền tỉnh, thành phố. Có khá nhiều trường hợp, chỉ vì không đáp ứng được tiêu chuẩn “thông thạo tiếng Anh” mà đành phải  để vuột mất cơ hội ra nước ngoài để học hỏi.

Thực trạng trên dẫn đến việc một số cơ quan, đơn vị có người được đi nước ngoài đến mức “bội thực” vì thành thạo tiếng Anh, trong khi lại có cơ quan, phải có công văn phản hồi là không tham gia được vì không có người đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ mà khóa học hay cuộc hội thảo nào đó ở nước ngoài đặt ra.

Bên cạnh đó, có một thực tế đáng suy ngẫm là, không ít cán bộ, công chức, sinh viên có trình độ ngoại ngữ từ khá trở lên, sau một thời gian làm việc ở các cơ quan nhà nước, đã xin nghỉ để chuyển sang làm cho các công ty liên doanh hoặc doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, các tổ chức ODA hoặc tổ chức phi chính phủ có đại diện tại Việt Nam... những nơi có thu nhập cao hơn nhiều lần cũng như có cơ hội thường xuyên để sử dụng, trau dồi, nâng cao vốn kiến thức của mình.

Từ đó dẫn đến tình trạng trong bộ máy nhà nước, người giỏi ngoại ngữ đã hiếm lại càng thêm hiếm.

Trong giai đoạn mở cửa, hội nhập hiện nay, đòi hỏi phải có sự phát triển toàn diện về mọi mặt, trong đó không thể xem nhẹ việc nâng cao trình độ ngoại ngữ của các đối tượng liên quan đến lĩnh vực đối ngoại. Trình độ ngoại ngữ của đội ngũ trí thức, cán bộ công chức,  học sinh sinh viên phải thực sự được nâng cao hơn nữa về chất.

Và quan trọng hơn là, phải tạo môi trường thuận lợi để giữ chân nguồn nhân lực có năng lực về dịch thuật, giao tiếp quốc tế... tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, thường xuyên được trau dồi kiến thức ngoại ngữ, được tạo cơ hội để giao tiếp quốc tế...

Có như vậy, đất nước mới có đủ lực để vươn ra biển lớn của khu vực và thế giới, tự tin khi tiếp cận những thành tựu tiên tiến về mọi lĩnh vực của thế giới vì một nước Việt Nam giàu mạnh

Dân Hùng
.
.