“Ngột ngạt” bao trùm dãy Himalaya

Thứ Tư, 19/07/2017, 10:53
Quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ lại trở nên căng thẳng liên quan đến cuộc đối đầu quân sự dọc một phần biên giới ở Himalaya. Đây được coi là tranh chấp biên giới tồi tệ nhất suốt 30 năm qua” giữa hai nước. Những lời cảnh báo đã được cả hai bên gửi tới nhau.

Trung Quốc đã tập trận bắn đạn thật, trong khi đó, Ấn Độ cũng gấp rút chuẩn bị đạn dược, vũ khí. Không khí “ngột ngạt” đang bao trùm dãy Himalaya.

Binh sĩ Ấn Độ triển khai luyện tập ở khu vực biên giới. Ảnh: Asia Times.

 “Đất vàng” biên ải

Căng thẳng bùng phát giữa Trung Quốc và Ấn Độ xảy ra ở Doklam, gần ngã ba biên giới Sikkim - Tây Tạng - Bhutan. Nguyên nhân được cho là do quân đội Trung Quốc xây dựng một con đường tại khu vực này. Ấn Độ chỉ trích việc Trung Quốc thi công làm đường tại khu vực Himalaya tiếp giáp Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan đang gây ra những “quan ngại nghiêm trọng về an ninh”.

Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã “đơn phương” tiến hành thi công đoạn đường tại khu vực tiếp giáp của ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Tuyên bố nêu rõ “Ấn Độ quan ngại sâu sắc trước những hành động gần đây của Trung Quốc và đã nêu rõ với Chính phủ Trung Quốc rằng hành động xây dựng này sẽ làm thay đổi đáng kể hiện trạng giữa hai nước và gây ra những tác động an ninh nghiêm trọng cho Ấn Độ”.

Tuyên bố cũng nhấn mạnh New Delhi “coi trọng hòa bình tại khu vực biên giới Ấn Độ - Trung Quốc” đồng thời hối thúc Bắc Kinh giải quyết mâu thuẫn thông qua đối thoại.

Bhutan cũng gửi một phản đối chính thức tới Trung Quốc, cho rằng con đường mà Bắc Kinh xây dựng vi phạm một thỏa thuận song phương và đề nghị Bắc Kinh dừng công trình.

Về phần mình, Trung Quốc cáo buộc lực lượng bảo vệ biên giới của Ấn Độ từ bang đông bắc Sikkim đã đi vào vùng lãnh thổ Tây Tạng của Trung Quốc để ngăn cản việc xây đường của nước này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết gốc rễ của của mâu thuẫn “rõ ràng là do Ấn Độ đưa quân trái phép vào khu vực biên giới của Trung Quốc”.

Từ quan điểm không thống nhất của cả ba nước đã khiến tình hình tại khu vực vô cùng căng thẳng. Phía Trung Quốc cho rằng, mặc dù Trung Quốc và Bhutan đã trải qua nhiều thập kỷ đàm phán biên giới mà không có sự cố nghiêm trọng nào, nhưng lần này Bhutan đã cầu viện đến sự trợ giúp của Ấn Độ, một đồng minh lâu đời, để đưa quân tới khu vực tranh chấp. Căng thẳng đã tăng cao khi cả Trung Quốc và Ấn Độ cùng điều quân đến.

Báo chí Ấn Độ trích dẫn nguồn tin quân đội cho biết đã có khoảng 3.000 binh sĩ mỗi bên được triển khai trong cuộc đối đầu “trực diện” ở Doka La (tên gọi của Ấn Độ cho khu vực này, trong khi Bhutan gọi là Doklam) còn Trung Quốc tuyên bố đây là một phần của vùng Donglang.

Bhutan, vương quốc nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở cuối phía đông dãy Himalaya, đã bị kéo vào vụ tranh chấp của 2 nước láng giềng vì dải đất hẹp nhưng có tầm quan trọng chiến lược. Trong khi Bắc Kinh khẳng định khu vực Donglang là vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan và cáo buộc Ấn Độ can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Bhutan, thì ngược lại Ấn Độ lại cáo buộc Trung Quốc vượt qua ranh giới và dùng xe ủi đất phá hủy 2 boong ke của mình.

Hôm 28-6, Bhutan cho biết đã đưa ra tuyên bố chính thức phản đối sự xâm phạm của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Trung Quốc “ngừng đơn phương thay đổi hiện trạng đất liền” bằng việc xây dựng con đường mới trong khu vực tranh chấp.

Theo các học giả Ấn Độ, thung lũng Chumbi ở khu vực Donglang, nằm ở quận Yadong của Tây Tạng, là lãnh thổ tranh chấp giữa Trung Quốc và Bhutan. Nó có tầm quan trọng chiến lược to lớn đối với cả Trung Quốc và Ấn Độ vì có thể được sử dụng để cắt đứt việc tiếp cận của Delhi tới các bang phía đông bắc Ấn Độ.

Jagannath Panda, người đứng đầu Trung tâm Đông Á của Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng tại New Delhi, Bhutan là trung tâm của các lợi ích an ninh của Ấn Độ trong tiểu vùng Himalaya, trong đó không thể bỏ qua tam giác chiến lược “ba bên” Bhutan - Ấn Độ - Trung Quốc ở khu vực phía đông Himalaya.

Quân đội ấn Độ tuần tra khu vực tranh chấp phía nam Himalaya. Ảnh AFP.

“Cân não” bằng súng đạn

Các nhà phân tích cho rằng, vụ đối đầu một lần nữa cho thấy sự phức tạp của các tranh chấp biên giới, vốn là nguyên nhân chính gây bất ổn quan hệ song phương. Ngày 17-7, mạng tin Hindustan Times cho biết, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tổ chức cuộc diễn tập quân sự bắn đạn thật ở khu vực Tây Tạng, giáp biên giới bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ.

Lữ đoàn của Trung Quốc chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ chiến đấu tại tiền tuyến gần biên giới Ấn Độ đã triển khai “các cuộc diễn tập” bắn đạn thật ở Tây Tạng nhằm tập trung đẩy mạnh “khả năng triển khai quân đội nhanh chóng”. Cuộc tập trận kéo dài 11 tiếng. Nội dung cuộc diễn tập bao gồm các hoạt động di chuyển quân, tác chiến ở vùng núi cao sử dụng lựu đạn chống tăng và tiêu diệt máy bay bằng tên lửa.

Trong một đoạn video về cuộc tập trận công bố bởi Đài Truyền hình Trung Quốc CCTV, cho thấy có sự tham gia của xe tăng chiến đấu tiên tiến Type 96 thuộc quân đội Trung Quốc. Đoạn video còn “phô diễn” các cuộc bắn pháo binh với lựu hỏa tiễn và lựu đạn chống tăng, cũng như các đơn vị radar...

Cuộc tập trận quân sự mới nhất của Trung Quốc tại Tây Tạng được xem như là một thông điệp gửi tới Ấn Độ, trong bối cảnh căng thẳng giữa quân đội hai nước ở khu vực Dokalam-Sikkim-Tây Tạng vẫn tiếp diễn. Trung Quốc tuyên bố việc Ấn Độ rút quân là điều kiện tiên quyết để có thể tiến hành một cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Đáp lại, Ấn Độ cũng phòng xa khi “tích cực” chuẩn bị đạn dược. 46 loại đạn dược và phụ tùng vũ khí như xe tăng chiến đấu bộ binh sẽ được rút gọn thủ tục mua bán cho lục quân Ấn Độ phòng chiến tranh. Theo quy định mới, Phó Tổng tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ sẽ có thể đặt mua trực tiếp 46 loại đạn dược và các loại phụ tùng cho 10 loại vũ khí như xe tăng chiến đấu bộ binh mà không phải thông qua các quá trình phê duyệt mua vũ khí thông thường.

“Đây là một bước đi tích cực. Nó sẽ giúp lấp đầy những thiếu hụt hiện có nhanh chóng và đỡ mất thời gian”, Thiếu tướng hồi hưu Gurmeet Kanwal của Ấn Độ trả lời phỏng vấn Sputnik.

Thay đổi mới của Bộ Quốc phòng Ấn Độ đưa ra ngay trong thời điểm tình hình biên giới với Trung Quốc đang rất căng thẳng. Quân đội nước này hôm 13-7 cũng đã nhận chỉ thị “không nhân nhượng” trong cuộc giằng co với Trung Quốc đang tiếp diễn ở vùng biên giới. Tham mưu trưởng Lục quân Ấn Độ, tướng Bipin Rawat tuyên bố sẵn sàng khai chiến để đối phó với Trung Quốc nếu xung đột biên giới giữa hai nước leo thang.

Tướng Rawat nói rằng, các lực lượng vũ trang Ấn Độ đã sẵn sàng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào đối với chủ quyền nước này, dù từ bên trong hay bên ngoài. Tướng Rawat cũng tiết lộ quân đội Ấn Độ đang hoàn thiện một lực lượng mới có tên Binh đoàn tấn công 17, được xây dựng đặc biệt cho môi trường tác chiến vùng núi.

Các nhà quan sát cho rằng không có giải pháp nhanh chóng nào cho tranh chấp biên giới kéo dài giữa 2 nước lớn ở châu Á vì 2 bên tỏ ra có rất ít động lực để chấp nhận khác biệt và mối quan tâm của nhau. Chừng nào chưa có sự rạch ròi về đường kiểm soát thực tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc, các vụ xâm phạm biên giới sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, căng thẳng có thể dẫn đến một vài cuộc đụng độ lẻ tẻ, nhưng nguy cơ bùng phát chiến tranh lan rộng là rất khó xảy ra đối với hai cường quốc quân sự châu Á này.

Tiềm lực quân sự của hai nước đều rất mạnh, họ đều sở hữu kho vũ khí hạt nhân và những tên lửa đạn đạo chiến lược, do đó hai quốc gia này sẽ không liều mình vào một cuộc chiến tổng lực bất chấp xung đột biên giới vẫn sẽ xảy ra căng thẳng.

Cuộc giằng co không có hồi kết

Tháng 5-2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từng nói: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ châu Á, và điều này phụ thuộc chủ yếu vào những thành tựu mà Ấn Độ và Trung Quốc có, cũng như những gì chúng ta làm được cùng nhau”. Giới lãnh đạo hai nước nhất trí rằng việc cả Ấn Độ và Trung Quốc cùng vươn lên trở thành các cường quốc trên thế giới và trong khu vực sẽ đem lại lực đẩy lớn cho mục tiêu thế kỷ châu Á.

Trong tuyên bố chung năm đó, New Delhi và Bắc Kinh khẳng định “hai bên cần có những động thái tích cực, tôn trọng và thấu hiểu những lo ngại, lợi ích và mục tiêu của nhau để cùng hóa giải bất đồng, hạn chế những mâu thuẫn trong việc thúc đẩy các mục tiêu về phát triển và an ninh”. Câu hỏi đặt ra là liệu mối quan hệ song phương này có đang phát triển theo đúng hướng mà họ đã tuyên bố hay không?

Binh sĩ Trung Quốc trong cuộc tập trận ở Tây Tạng. Ảnh South China Morning Post.

Hai quốc gia đông dân nhất thế giới có chung đường biên giới dài 4.056 km, có những ràng buộc của lịch sử và những diễn biến không ngừng thay đổi trong bối cảnh hiện nay, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc là một sự giao thoa giữa hợp tác và cạnh tranh trong thế chưa thể giải quyết những tranh chấp biên giới kéo dài.

Hơn nửa thế kỷ qua, kể từ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 1-4-1950, Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đồng tác giả của “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”, đã trải qua một mối quan hệ không mấy bằng phẳng.

Những ám ảnh của một quá khứ đầy trắc trở. Đó chính là do cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài trong nhiều thập kỷ qua. Nguyên nhân bắt nguồn từ những tranh chấp khu vực biên giới Aksai Chin do Trung Quốc kiểm soát và bang Arunachal Pradesh thuộc sự quản lý của Ấn Độ.

Trong cuộc tranh chấp này, Ấn Độ tuyên bố Aksai Chin là một phần của Ladakh và cáo buộc Trung Quốc lợi dụng việc kiểm soát vùng này để chiếm 38.000 km2 vùng Ladakh, lãnh thổ trên cao nguyên ở dãy Himalaya. Ngược lại, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 90.000 km2 ở khu vực bang Arunachal Pradesh và gọi bang này bằng tên Nam Tây Tạng thuộc Khu tự trị Tây Tạng.

Những căng thẳng giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã dẫn đến cuộc chiến biên giới chớp nhoáng giữa hai nước vào năm 1962, tại nóc nhà thế giới khiến hai bên tổn thất đến gần 2.000 người.

Phải đến năm 1988, Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi mới tiến hành chuyến thăm Trung Quốc sau 34 năm kể từ chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Trong chuyến thăm, hai bên đã nhất trí rằng: “Năm nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình” cần được coi là cơ sở trong quan hệ quốc tế nhằm khôi phục, cải thiện và phát triển quan hệ láng giềng Trung - Ấn. Hai bên còn quyết định thành lập nhóm công tác liên hợp về biên giới để từng bước giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại.

Năm 1993, trong thời gian Thủ tướng Ấn Độ V. Narasimha Rao cầm quyền, hai nước đã ký một hiệp định về duy trì hòa bình dọc Đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) dài 750 km, phân chia lãnh thổ hai bên, và thực thi các cơ chế nhằm tránh khả năng leo thang các vụ vi phạm biên giới.

Năm 1996, hai nước đạt được Thỏa thuận về xây dựng lòng tin liên quan đến vấn đề biên giới. Hai nước đã ký Hiệp định về nguyên tắc chỉ đạo chính trị giải quyết vấn đề biên giới Trung - Ấn vào năm 2005 nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Năm 2009, hai bên nhất trí thiết lập đường dây nóng giữa Thủ tướng hai nước và tiếp tục thương lượng để giải quyết một cách hòa bình những tranh cãi về vấn đề biên giới.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 22 đến 24/10/2013 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai nước đã ký Hiệp định hợp tác biên giới, xem như một biện pháp xây dựng lòng tin, nhằm tránh những xung đột dọc biên giới hai nước đồng thời tăng cường giao lưu và phối hợp thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại.

Ngay sau khi ông Narendra Modi nhậm chức Thủ tướng Ấn Độ vào tháng 5-2014, Ấn Độ và Trung Quốc đã có nhiều cử chỉ ngoại giao hòa dịu. Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9-2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cam kết hợp tác với Ấn Độ để duy trì hòa bình và ổn định. Hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập thành phố kết nghĩa giữa Mumbai và Thượng Hải, cũng như giữa thành phố Ahmedabad và Quảng Châu.

Tuy nhiên, những vấn đề tiềm tàng tồn tại từ lâu nay giữa hai nước là những vấn đề lợi ích dân tộc, chủ quyền quốc gia vẫn chưa thể dung hòa. Cho đến nay Trung Quốc và Ấn Độ đã tiến hành tới 17 vòng đàm phán về biên giới nhưng chưa đạt được kết quả nào.

Các nhà phân tích cho rằng, cho dù Ấn Độ và Trung Quốc có lúc hòa dịu, tăng cường hợp tác nhưng với những căng thẳng liên quan đến vấn đề biên giới lần này sẽ khiến quan hệ hai nước khó có ổn định lâu dài.

Hoa Huyền
.
.