Người dân Catalonia đối mặt với định mệnh

Thứ Hai, 25/12/2017, 09:13
Ngày 21-12, cử tri vùng Catalonia đi bỏ phiếu cho tương lai của mình trong tâm trạng còn nhiều chia rẽ. Cuộc bầu cử còn cho phép xem xét sức nặng của phong trào ly khai từ khi tự tuyên bố độc lập cách đây hơn 2 tháng, đẩy vùng giàu có nhất Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng.

Ngày 21-12, hơn 5,5 triệu cử tri vùng Catalonia của Tây Ban Nha đi bỏ phiếu để bầu ra Hội đồng Lập pháp của vùng tự trị này, sau khi hội đồng vùng và chính quyền địa phương trước đó bị chính quyền trung ương Madrid giải tán do có những hành động vi hiến khi đơn phương đòi độc lập cho Catalonia.

Để hiểu được bối cảnh cuộc bầu cử ngày 21-12, chúng ta cần trở lại chuyện làm nóng ran chính trường Tây Ban Nha hồi đầu tháng 10-2017. Ngày 1-10, chính quyền vùng Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân đòi độc lập mà không được sự chấp thuận của chính quyền Madrid và Hiến pháp Tây Ban Nha. Chính phủ trung ương của Thủ tướng Mariano Rajoy sau đó đã đình chỉ quy chế tự trị của vùng này, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tuyên bố tổ chức cuộc bầu cử địa phương nhằm bầu ra hội đồng lập pháp mới. Nên biết rằng Hội đồng Lập pháp Catalonia chủ trương độc lập và đầu têu cho cuộc trưng cầu dân ý hôm 1-10.

Ngoài kết cục trên, Chủ tịch vùng Catalonia là ông Carles Puigdemont bị cách chức và đang phải sống lưu vong ở Bỉ. Cùng với đó, ngày 2-11, ông Carles Puigdemont cùng 13 thành viên chính quyền địa phương cũ được lệnh triệu tập tới tòa và có thể bị truy tố về tội “phản loạn” sau tuyên bố “Catalonia độc lập”.

Trước khi bước vào cuộc bầu cử hội đồng lập pháp địa phương ngày 21-12, phe đòi độc lập cho Catalonia như “rắn mất đầu” vì bộ phận đầu não lãnh đạo, người lưu vong ở Bỉ, người bị giam ở Tây Ban Nha. Mặc dù vậy phe chống ly khai ở Catalonia cũng không hay ho gì hơn.

Các cuộc thăm dò gần đây còn cho thấy không một đảng chính trị nào sẽ có được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử ngày 21-12 để điều hành vùng Catalonia này. Hiện tại hai đảng dẫn đầu cuộc đua là Ciudadanos - cánh trung và đảng cánh tả Cộng hòa Catalonia (ERC), có tỷ lệ ủng hộ sít sao: 25,2% và 23,1%.

Cử tri vùng Catalonia bỏ phiếu bầu cử Hội đồng lập pháp ngày 21-12.

Bất kể đảng nào về đầu trong cuộc bỏ phiếu, mức tỷ lệ ủng hộ này còn quá xa với mức quá bán như yêu cầu để có được đa số tuyệt đối. Việc thành lập chính phủ liên minh cầm quyền dường như khó tránh và sẽ không dễ một chút nào. Ciudadanos có thể trông cậy vào đảng Xã hội PSC và đảng Nhân dân của Thủ tướng Rajoy, nhưng cũng chưa đủ để có được hơn 30 trong tổng số 68 ghế ở Hội đồng Lập pháp Catalonia, do hai đảng này có tỷ lệ ủng hộ cực thấp.

Trong khi đó, các đảng chủ trương độc lập thì lại chia rẽ, không thành lập được một mặt trận chung. Việc tự mỗi bên đưa ra một ứng viên đã làm giảm cơ may cho phe đòi độc lập có được đa số tuyệt đối. Theo nhận xét của giới chuyên gia, được Reuters trích dẫn, Ciudadanos cũng như cánh tả Cộng hòa Catalonia ERC, trong trường hợp thắng lợi, có thể đều phải trông cậy vào hai đảng Podemos và CUP để lập liên minh đa số.

Vấn đề đặt ra là bên trong phe “trọng tài” này, Podemos và CUP có quan điểm khác nhau. Tuy chống tuyên bố đơn phương đòi độc lập của ông Puigdemont, nhưng Podemos có lập trường khác xa với Ciudadanos và do vậy khó có thể đạt được thỏa thuận với đảng cánh trung này. Ngược lại, CUP - lực lượng chống chủ nghĩa tư bản, vốn chủ trương một nền độc lập một cách nhanh nhất, lại chỉ trích gay gắt những tính toán sai lầm của vị cựu chủ tịch, Carles Puigdemont.

Trong bối cảnh đó, nguy cơ xuất hiện một vùng Catalonia vô chính phủ là rất lớn. Nếu như các cuộc thương lượng giữa các đảng để tìm kiếm một liên minh có đa số cho phép thành lập chính phủ mà không thành, thì người dân Catalonia sẽ lại phải bỏ phiếu vào tháng 5-2018.

Giới chuyên gia cảnh báo, khủng hoảng chính trị càng kéo dài thì sẽ càng đè nặng lên nền kinh tế và tài chính công không chỉ của vùng Catalonia mà cả Tây Ban Nha. Thêm vào đó, xã hội Tây Ban Nha và nhất là Catalonia đã có sự phân rẽ sâu sắc hơn bao giờ hết. Những lời lẽ ôn hòa giờ đã biến mất mà thay vào đó là những lời thóa mạ ầm ĩ. Bên đòi “ở lại” gọi phe đòi ly khai là “những kẻ ngoài vòng pháp luật, xứng đáng để ngồi tù”.

Marta Rovira, ứng viên đảng Cánh tả Cộng hòa Catalonia ERC và Inès Arrimadas, lãnh đạo phong trào Ciudadanos tại Catalonia.

Phía đòi độc lập thì coi những người muốn thuần phục Madrid là “quân phát-xít”. Một số áp phích dùng những từ rất thô tục để chỉ các ứng viên thân Madrid. Trong nhiều thập niên qua, dân cư trong vùng Catalonia cùng chung sống trong hòa bình, nay lại có thể sử dụng một thứ ngôn ngữ không mấy thân thiện và đấy là điềm xấu báo trước bạo động còn có thể nổ ra trên vùng đất này.

Liên quan tới cựu lãnh đạo phong trào ly khai Carles Puigdemont đang sống lưu vong tại Vương quốc Bỉ, tờ La Croix của Pháp ra ngày 21-12 đặt câu hỏi: Nếu như phe này đắc cử, liệu ông ta sẽ ở lại Bruxelles hay về nước để đi thẳng vào tù? Nhật báo Le Monde thì viết: từ Bruxelles, ông Carles Puigdemont kêu gọi bỏ phiếu cho danh sách ứng viên của ông.

Theo quan điểm của nhật báo Le Figaro, cuộc bỏ phiếu ngày 21-12 không hơn không kém là một cuộc trưng cầu dân ý về tương lai Catalonia. Trong bài xã luận, tờ báo hy vọng, với vòng phiếu này, “sự đam mê quay cuồng” của cả đôi bên sẽ lắng xuống. Nhật báo kinh tế Les Echos thì cảnh báo: đàm phán còn dài trước khi danh tính tân Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Catalonia được công bố, bởi theo các cuộc thăm dò, kết quả sẽ rất sít sao. Muốn biết xem đảng nào thắng cử thì phải đợi rất lâu, chắc chắn là nhiều ngày nữa, nhất là do thiếu nhân viên kiểm phiếu tại các khu làng nhỏ.

Cho đến lúc này, người ta không rõ đời sống chính trị Catalonia sẽ ra sao. Đa số các nhà quan sát tỏ ra bi quan và nghĩ rằng có nhiều khả năng tái diễn cuộc bầu cử lập pháp ở Catalonia. Một kịch bản tốt đẹp cho Catalonia đang được cộng đồng quốc tế mong mỏi và kỳ vọng, đó là cử tri Catalonia bầu ra được một hệ thống chính quyền địa phương ổn định, có trách nhiệm, điều hành và quản lý tốt vùng này trong khuôn khổ Hiến pháp Tây Ban Nha và luật pháp quốc tế.

Một khi Catalonia ổn định thì sự toàn vẹn, thống nhất của Tây Ban Nha sẽ được củng cố và điều này sẽ tăng cường thêm sức mạnh, sự thống nhất và đoàn kết của toàn bộ EU.

M.T. (tổng hợp)
.
.