Người dân rầm rộ xuống đường ủng hộ Tổng thống Erdogan

Thứ Hai, 15/08/2016, 14:00
Cuộc diễu hành của những người "Dân chủ và tử đạo" diễn ra tại quảng trường Yenikapi phía nam thành phố Istanbul, là biểu hiện rõ ràng nhất sức mạnh của ông Erdogan. Quảng trường vốn được xây dựng để chứa hơn một triệu người đã chật kín, các đường phố xung quanh cũng bị tắc nghẽn bởi đám đông ủng hộ ông Erdogan.

Một thành viên thân cận của tổng thống đưa những con số vào khoảng 5 triệu người tham gia cuộc mít tinh. Sự kiện này cũng được phát sóng trực tiếp trên màn hình công cộng tại các quảng trường khắp đất nước và qua truyền hình trên 81 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tại buổi mít tinh, Tổng thống Tayyip Erdogan nhấn mạnh với hơn một triệu người rằng cuộc đảo chính thất bại hôm 15-7 sẽ là một cột mốc quan trọng trong việc xây dựng một Thổ Nhĩ Kỳ mạnh hơn, bất chấp những lời chỉ trích của phương Tây về cuộc thanh trừng hàng loạt và thề sẽ tiêu diệt những người đằng sau các cuộc nổi dậy.

Người dân mang cờ với khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống Erdogan. Ảnh: RT.

Trong buổi mít tinh, ông Erdogan đã bác bỏ những chỉ trích từ châu Âu về những hành động cứng rắn với những người liên quan đến cuộc biểu tình. Những người ủng hộ Tổng thống Erdogan mang theo mình biểu ngữ với thông điệp rất rõ ràng: "Nếu ngài muốn chúng tôi hi sinh, chúng tôi sẽ làm điều đó", thậm chí có người còn gọi ông là "Món quà của Thượng đế".

Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ các nhà lãnh đạo đối lập cùng nhiều người thuộc các dòng Hồi giáo khác nhau, các nhóm xã hội khác nhau cùng tham gia một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ.

"Những kẻ ra tay phá hoại nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm 15-7 đã phải thức dậy sáng hôm sau với sự thật thất bại rằng cuộc sống của chúng sẽ khó khăn hơn từ lúc đó" - ông Erdogan nói về cuộc đảo chính ngày 15 tháng 7 - "Ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ cẩn thận xem xét lại lực lượng quân đội và ngành tư pháp, những người trung thành sẽ ở lại với Thổ Nhĩ Kỳ và chúng ta sẽ ném những kẻ khác ra khỏi cửa".

Ông Erdogan tuyên bố sẽ loại bỏ khỏi các lực lượng an ninh, tư pháp và các cơ quan chính phủ khác những thành viên của mạng lưới ủng hộ giáo sĩ lưu vong tại Mỹ Fethullah Gulen. Trong buổi mít tinh, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh: Nếu quốc hội tán thành, ông sẽ ngay lập tức khôi phục án tử hình, vốn bị các quốc gia châu Âu phản đối kịch liệt.

Nhưng nếu được thông qua, hành động này sẽ chặn đường trở thành thành viên Liên minh EU của Thổ Nhĩ Kỳ: Một trong những tiêu chí cơ bản để trở thành thành viên của EU là phải tham gia Công ước châu Âu về quyền con người, trong đó nhấn mạnh việc sử dụng án tử hình là chống lại quyền con người. Gạt khỏi những quan ngại của EU, Erdogan nói hiện còn rất nhiều quốc gia vẫn sử dụng án tử hình, trong đó có Mỹ.

Biển người ủng hộ Tổng thống Erdogan hôm 7/8. Ảnh: AFP.

Trong mắt của những đảng đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, Erdogan từng là một người tàn bạo và thường xuyên nhận nhiều chỉ trích vì những hành động cứng nhắc với các đối thủ chính trị. Tuy nhiên, lần này, ông đã kêu gọi các đảng đối lập và các nhóm xã hội tới dự buổi mít tính như một sự thách thức những lời chỉ trích của phương Tây.

"Chúng tôi ở đây để cho thấy rằng lá cờ này sẽ không bao giờ bị hạ xuống, những lời cầu nguyện đã được đền đáp và đất nước của chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cắt" - Haci Mehmet Haliloglu, 46 tuổi, một công chức đã di chuyển quãng đường dài 900km từ thị trấn Ordu đến Istanbul để tham gia buổi mít tinh. "Đây là một điều gì đó thiêng liêng hơn chính trị và đảng phái, đây là sự tự do hoặc nó sẽ là cái chết của chúng tôi!", người đàn ông này nói tiếp với một lá cờ Thổ Nhĩ Kỳ lớn trên vai.

"Erdogan đã từng tàn bạo và không công bằng với chúng ta trong quá khứ, nhưng tôi tin rằng bây giờ ông ấy đã hiểu được tầm quan trọng thực sự của những giá trị của nền dân chủ" - Ilhan Girit, 44 tuổi, một nhạc sĩ và thành viên đảng đối lập CHP khẳng định.

"Ông ấy đã gây ra một số sai lầm, nhưng ông không phải là một nhà độc tài", Okan Sakar, 35 tuổi, một thanh tra viên thuế Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang học tập tại Hoa Kỳ cho biết.

Đoàn kết như vậy có thể không kéo dài. Đã có những lo ngại rằng việc tái cơ cấu quân đội thiếu sự giám sát của quốc hội đang đi quá xa. Việc này dấy lên mối lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Erdogan sẽ không còn là một quốc gia ổn định và đủ năng lực để đóng vai trò làm vùng đệm giữa châu Âu và Trung Đông hỗn loạn.

Nguyễn Viết Phùng (tổng hợp)
.
.