Người phụ nữ da đen đầu tiên được in hình lên đồng đôla

Thứ Hai, 25/04/2016, 10:54
Không nổi tiếng như nhân vật Rosa Parks, nhân vật tiêu biểu cho phong trào chống kỳ thị chủng tộc tại Mỹ đầu thế kỷ XXI, Harriet Tubman đã lặng lẽ qua đời vào năm 1913 (năm Rosa Parks sinh ra) và bà đã bị quên lãng trong suốt nhiều thập niên. Nhưng chân dung của bà sẽ được in trên tờ 20 đôla, tờ tiền được người dân Mỹ tiêu xài nhiều nhất, phát hành vào năm 2020- theo tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew.

Đây là một quyết định lịch sử vì ngoài cô gái thổ dân Pocahontas được in trên tờ 20 đôla cũ, chưa có người phụ nữ nào được in chân dung trên một tờ tiền giấy của Mỹ.

Tháng 12-1955, Rosa Parks đã từ chối nhường ghế cho một người da trắng trên xe buýt và hành động này đã bị cảnh sát phạt 15 đôla. Bà kháng án, kéo theo sự tẩy chay của người da đen đối với công ty xe buýt trong suốt 381 ngày. Đến tháng 11-1956, Tối cao Pháp viện Mỹ bãi bỏ luật phân biệt chủng tộc trên xe buýt vì cho rằng bất hợp hiến. Rosa Parks qua đời năm 2005 giữa lúc rất nổi tiếng vì đã tôn vinh lý tưởng bình quyền của người da đen.

Rất nhiều người biết về Rosa Parks, nhưng có mấy ai biết đến Harriet Tubman? Thật ra tại Mỹ trong thập niên 60 thế kỷ XIX, bà là hiện thân của phong trào đấu tranh chống nô lệ. Nhà nhân chủng học Bill Maurer ở Đại học California giải thích: “Bà là một trong các anh hùng thời đó mà mọi học sinh cấp 1 đều biết qua các bài học lịch sử”.

Phần lớn quãng đời của bà liên quan đến Underground Railroad, một mạng lưới hoạt động chống tình trạng nô lệ được hình thành từ năm 1840, họ đã trợ giúp hàng chục ngàn nô lệ da đen trốn lên miền Bắc và sang Canada. Tubman là một trong các nô lệ đó, bà trưởng thành tại một đồn điền ở Maryland.

Lúc 6 tuổi bà bị tách khỏi cha mẹ và bị bán như người giúp việc và giữ trẻ cho một gia đình, ở đây đối xử tàn tệ với bà và cuối cùng gửi trả bà lại cho đồn điền. Trong số hàng chục nô lệ bị tách khỏi gia đình để bán cho các thương nhân và được đưa xuống miền Nam rồi không bao giờ biết được tin tức của họ nữa, có 2 người em gái của bà. Bà thề sẽ không chấp nhận số phận đó.

Năm 1849, ở tuổi 27, bà trốn sang bang Pennsylvania vói sự trợ giúp của Underground Railroad. Đây không phải là lần đầu tiên người da trắng bảo vệ cho các nô lệ . Cuộc chiến Nam Bắc đã đến gần, ngày càng có nhiều nô lệ không chấp nhận số phận và muốn bỏ trốn.

Cuộc phiêu lưu cực kỳ nguy hiểm, nhiều kẻ săn nô lệ lùng sục khắp vùng nông thôn để bắt những người trốn chạy. Ai bị bắt lại có nguy cơ bị đánh dấu bằng sắt nung trên má hoặc trên trán một chữ “R” “vì sự hèn hạ”. Hoặc một ông chủ nô ở Colombus đánh dấu các nô lệ với những chữ đầu tên ông ta bằng sắt nung để ngăn cản họ trốn thoát.

Sau vài tháng trốn thoát, Tubman quyết định quay về địa ngục để giúp đỡ gia đình bà tìm lấy tự do. Một quyết định thật táo bạo mà sau đó bà có biệt danh là “Moise” (người đã giúp người Do Thái trốn thoát khỏi Ai Cập - ND). Bà trở về đúng nơi bà đã trốn đi trong khi cái đầu của bà đã bị treo giá và nhiều người có thể nhận biết bà.

Tubman giúp gia đình trốn thoát rồi quay lại nhiều lần nữa để giúp đỡ cho hàng chục nô lệ khác. Dường như bà không có sự sợ hãi. Ý nghĩ có thể bị những kẻ săn nô lệ hay chủ nô bắt được có vẻ như không hề nảy ra trong trí bà.

Cuộc chiến tranh Nam Bắc bùng nổ, Tubman gia nhập Bắc quân và đến tháng 6-1863 bà dẫn dắt một chuyến hành quân đường thủy trên sông Combahee để giải thoát cho 750 nô lệ. Một bức ảnh vào thời đó chụp bà với một khẩu súng, nhưng thật ra “bà chưa bao giờ ủng hộ bạo lực”. Nhưng sẽ không ngạc nhiên khi một phần nước Mỹ không muốn biến bà thành một người hùng.

Vào tháng 10-1994, Lynne Cheney, vợ của cựu Phó Tổng thống Dick Cheney thời George W. Bush đã chỉ trích việc Tubman được quá xem trọng trong các sách giáo khoa. Ngay cả hiện nay, “hình ảnh của bà trên một tờ tiền hẳn sẽ không làm vui lòng một số người. Tôi chắc rằng sẽ có nhiều người không muốn xài đồng tiền đó” - nhà nghiên cứu xã hội Bill Maurer nhận định.

Sau cuộc nội chiến, Harriet Tubman chịu cảnh nghèo khó nên bà phải đi giúp việc. Bà đã xin trợ cấp cựu chiến binh nhưng ý tưởng đó không làm cho mọi người hài lòng. “Tại Quốc hội, những dân biểu miền nam rất bực tức nếu người ta trợ cấp cho bà. Phải mất 30 năm bà mới đạt được điều đó bất chấp những vị tướng miền bắc đã viết thư ủng hộ bà. Khi bà nhận được trợ cấp, đấy là phần thu nhập ổn định đầu tiên trong đời. Và bà đã dùng món tiền đó cho ngôi nhà từ thiện của bà. Quả là một con người quảng đại đến khó tin” - nhà sử học Catherine Clinton cho biết.

Quyết định đưa hình ảnh của bà lên tờ tiền được dân Mỹ sử dụng nhiều nhất là một vụ việc phức tạp. Hình ảnh của bà, trong số nhiều nhân vật khác, được lựa chọn để in trên tờ 10 đôla. Có điều là tờ 10 đôla ít được sử dụng hơn và đã có hình của Alexander Hamilton, người được các nhà kinh tế ngưỡng mộ. Tờ 20 đôla được dùng nhiều hơn, và ít ai tiếc rẻ hình ảnh của Andrew Jackson, vị Tổng thống “diệt người da đỏ”.

Còn phải mất vài năm nữa để Harriet Tubman được xuất hiện trên hàng tỉ tờ tiền. Nhưng giờ Harriet Tubman đã có thể mỉm cười: Mọi nô lệ mà bà giúp đỡ đã bình yên đi đến điểm cuối của chuyến hành trình - tự do.

Tờ 20 đôla trong tương lai.

Minh Luân (tổng hợp)
.
.