"Người thổi còi" trong mối quan hệ giữa Mỹ - Nga - Trung Quốc - Ecuador

Thứ Sáu, 05/07/2013, 21:50

Edward Snowden, "người thổi còi" từ Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), đang trở thành vấn đề lớn trong mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ với các nước Nga, Trung Quốc và Ecuador. Mỹ ráo riết săn lùng để bắt Snowden về nước "hỏi tội", trong khi các nước nói trên xem Snowden như một người tự do, và thậm chí tạo điều kiện để Snowden thoát khỏi vòng vây của luật pháp Mỹ. Vấn đề đang làm cho quan hệ giữa Mỹ với 3 quốc gia nói trên thêm căng thẳng.

Sự việc Đặc khu hành chính Hồng Công (HKSAR) bất ngờ để cho Snowden lặng lẽ chuồn đi trên chuyến bay của Hãng hàng không Aeroflot (Nga) đến Moskva chiều tối hôm 23-6 đã làm cho nước Mỹ bị bẽ mặt. Có vẻ như người Mỹ tính toán rằng HKSAR và Trung Quốc sẽ không dễ dàng để Snowden chạy trốn khỏi tầm tay nên đã không chủ động thực hiện một số biện pháp cần thiết, như hủy hộ chiếu chẳng hạn, để chôn chân Snowden tại chỗ. Bởi thế, khi Snowden đã đến Moskva, giới chức Mỹ tức giận chỉ trích HKSAR và Trung Quốc đã hành động "thiếu trách nhiệm".

Vốn đã căng thẳng với nhau trong vấn đề gián điệp mạng trước đó, khi Snowden tiết lộ hồ sơ về chương trình nghe lén đọc trộm PRISM của NSA, quan hệ giữa 2 nước tiếp tục căng thẳng thêm. Trung Quốc phản kích Mỹ có thái độ ngạo mạn trong lĩnh vực tình báo.

Đến ngày 28/6, Snowden đã 5 ngày bị kẹt lại khu vực quá cảnh sân bay quốc tế Shermetyevo, Moskva. Từ ngày 23/6, Snowden đi từ Hồng Kông đến Moskva để quá cảnh đi tiếp theo lộ trình từ Moskva đến thủ đô La Habana của Cuba, sau đó sẽ đi tiếp sang Venezuela và cuối cùng là thủ đô Quito của Ecuador.

Snowden đã viết thư xin tị nạn gửi Ngoại trưởng Ecuador Ricardo Patino khi ông này đang kinh lý ở nước ngoài. Và việc Ecuador chấp nhận đơn xin tị nạn của Snowden đã thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong quan hệ giữa nước này với Mỹ. Màn đấu khẩu hôm 27/6 là diễn biến mới nhất cho sự leo thang căng thẳng.

Trước đó, Tổng thống Eucador Rafael Correa đã khẳng định trách nhiệm của Ecuador trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận của "người thổi còi" Snowden trước sự truy đuổi gắt gao của chính quyền Mỹ. Ngoại trưởng Patino thậm chí cho rằng, chương trình nghe lén đọc trộm tuyệt mật PRISM của Mỹ đe dọa "gây nguy hiểm cho tất cả chúng ta".

"Người đang cố gắng đưa ra ánh sáng và làm minh bạch những hành động gây ảnh hưởng đến quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người giờ đây đang bị truy đuổi bởi những người lẽ ra nên giải thích cho các chính phủ và công dân trên thế giới về những việc làm của họ bị Snowden tiết lộ" - ông Patino phát biểu và đặt vấn đề: "Chúng ta phải hỏi xem ai đang phản bội ai đây?".

Tổng thống Ecuador Rafael Correa.

Ngày 27/6, Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục "khẩu chiến" với Ecuador, đe nẹt nước này "sẽ có hậu quả nghiêm trọng" nếu cho phép Snowden tị nạn chính trị. Những "hậu quả nghiêm trọng” đó là gì? Theo báo chí Mỹ, trong cuộc đối đầu với Ecuador, người Mỹ đang nắm trong tay lá bài "quy chế tối huệ quốc" mà Mỹ dành cho Ecuador để duy trì mối quan hệ "sân sau". Quy chế này sẽ hết hạn vào ngày 31/7 tới đây và việc gia hạn quy chế sẽ cần có một cuộc đàm phán, thương lượng giữa 2 nước.

Giới phân tích ở Mỹ rất hăm hở nhận định rằng, Ecuador đang "thất thế" trong cuộc đấu tay đôi với Mỹ quanh vấn đề Snowden, nhận định rằng Ecuador sẽ "không dám" hy sinh thỏa thuận ưu đãi mậu dịch để chọc giận Washington khi cưu mang một con người bị chính quyền Mỹ gọi là "kẻ phản bội".

Giới phân tích, báo chí Mỹ thậm chí còn dọa rằng Washington có thể dùng lá bài quy chế tối huệ quốc và các khoản tài trợ nhân đạo để ép buộc Ecuador không cho Snowden tị nạn chính trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lãnh đạo Ecuador không hề tỏ ra lo ngại về vấn đề này.

Ngày 27/6, trước dư luận báo chí đưa những thông tin trái ngược nhau về thái độ và quyết định của Chính phủ Ecuador đối với việc Snowden xin tị nạn chính trị, Tổng thống Correa đã lên tiếng khẳng định, Snowden cần phải được đặt chân lên đất Ecuador để tiến hành thủ tục tị nạn chính trị.

Tuy nhiên, ông Correa cũng khẳng định do Snowden chưa được cấp giấy phép bay đến Ecuador nên việc giải quyết đơn xin tị nạn của anh ta có thể bị trì hoãn. Thông tin báo chí mấy ngày trước cũng cho biết tiến trình có thể kéo dài 2 tháng.

Đối với nước Nga, người Mỹ xem ra không dám đưa ra luận điệu cứng rắn, bởi mấy lý do: Snowden đến Nga nhưng chưa nhập cảnh mà chỉ lưu trú trong khu vực quá cảnh ở sân bay. Theo quy định của luật pháp Nga, bất cứ ai khi ở trong khu vực này muốn đi đến những địa điểm khác ở sân bay hoặc ra khỏi sân bay phải làm thủ tục nhập cảnh. Snowden hiện tại chưa thể nhập cảnh vào nước Nga do hộ chiếu đã bị chính quyền Mỹ hủy một ngày trước khi anh ta rời HKSAR.

Mặc dù vậy, dù biết Snowden hiện đang ở sân bay Moskva, an ninh và tình báo Mỹ vẫn không thể tiếp cận anh ta vì đó vẫn là lãnh thổ Nga, và an ninh Nga đang triển khai bảo vệ Snowden rất nghiêm ngặt. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 26/6 tái khẳng định Snowden vẫn ở Nga, và sẽ không có chuyện Nga cho dẫn độ anh ta (về Mỹ).

Trước nguy cơ những căng thẳng bộc phát do vấn đề Snowden, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang tìm cách đấu dịu. Ngày 27/6, phát biểu tại cuộc họp báo ở Senegal trong chuyến công du châu Phi, ông Obama đã phát đi tín hiệu mới, tuyên bố  nước Mỹ sẽ không điều chiến đấu cơ để chặn máy bay chở Snowden, như lo ngại của dư luận.

Tổng thống Obama cũng tuyên bố sẽ không gọi điện cho nguyên thủ các nước Nga, Trung Quốc về vấn đề Snowden, vì không cần thiết. Vụ việc chỉ nên xử lý ở tầm thi hành pháp luật. Ông Obama khẳng định, giữa Mỹ và Trung Quốc có mối quan hệ thương mại sâu rộng, và quan hệ đó không thể bị lu mờ đi chỉ vì cuộc săn lùng một kẻ tị nạn

An Châu (tổng hợp)
.
.