Nhân việc phát hiện 2,5 tấn hóa chất “tạo nạc” ở Công ty Nhân Lộc, Đồng Nai:

Người tiêu dùng hãy thận trọng với thịt lợn “siêu nạc”

Thứ Ba, 20/03/2012, 15:02

Những ngày vừa qua, dư luận không ngớt xôn xao về việc cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai đã phát hiện tại kho của Công ty TNHH Nhân Lộc, đặt tại xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai một số lượng lớn chất "tạo nạc" cho lợn, dùng để trộn vào thức ăn gia súc. Theo nhiều chuyên gia, thành phần của chất "tạo nạc" này là Sabutamol, Clenbuterol hoặc Ractopamine, tất cả đều thuộc nhóm beta-agonist, và là chất độc cho người nếu ăn phải thịt lợn được nuôi bằng thức ăn có chứa Clenbuterol, Salbutamol.

Clenbuterol, Salbutamol là chất gì?

Theo tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, giảng viên Khoa Dược - Đại học Y Dược TP HCM, thì Clenbuterol được xếp vào nhóm thuốc trị hen suyễn. Trên thị trường, nó xuất hiện dưới những cái tên như Broncodil, Clenbuerol, Ventolax, Protovent. Trong thú y, Clenbuterol cũng được dùng làm thuốc giãn phế quản, trị bệnh khó thở cho lợn.

Cũng như Clenbuterol, Salbutamol dễ dàng hấp thu qua đường tiêu hóa. Đây là loại thuốc dùng cắt cơn hen, làm giãn phế quản trong bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), giúp người bệnh dễ thở hơn. Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, nói: "Sử dụng Salbutamol không đúng chỉ định có thể dẫn đến bệnh tim mạch, rối loạn mạch vành, trụy mạch, thậm chí tử vong".

Bên cạnh đó, dùng Salbutamol lâu dài có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến việc đi đứng, lao động không được như bình thường. Nếu bà mẹ mang thai hoặc cho con bú mà dùng Salbutamol thì có thể gây độc cho trẻ nhỏ, gây bệnh tim mạch cho trẻ từ trong bào thai. Đối với thai phụ, có thể bị giãn cơ tử cung, ảnh hưởng quá trình mang thai và phát triển của thai nhi.

Tuy nhiên, Clenbuterol và Salbutamol lại không phải là hormon (chất nội tiết) như dư luận vẫn quen gọi, mà đó là hóa chất tổng hợp có tác dụng kích thích thần kinh giao cảm. Sở dĩ nó bị gọi nhầm là hormon do gà mái khi ăn thức ăn trộn Clenbuterol hoặc Salbutamol, lắm con đẻ hai trứng trong ngày, hoặc một trứng nhưng hai lòng đỏ nên nhiều người tưởng rằng nó là hormon sinh dục. Cách đây vài năm, một địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long đã báo động tình trạng sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa Clenbuterol nhằm giúp gà, vịt đẻ trứng to và nhiều, thậm chí còn cho ra loại vịt "siêu thịt".

Năm 2006, Cục Chăn nuôi cũng từng công bố một kết quả kiểm tra, theo đó Cục đã phát hiện 47/428 mẫu thịt heo bán tại TP HCM dương tính với Clenbuterol. Tiến hành giám sát 114 công ty sản xuất thức ăn gia súc, cũng phát hiện trong thức ăn chăn nuôi lợn của 6 công ty có dư lượng chất Clenbuterol. Cùng thời điểm này, Chi cục Thú y TP HCM tìm thấy trong gần 500 mẫu thịt heo bày bán tại các chợ, lò giết mổ, có gần 30% mẫu dương tính với Clenbuterol.

Hàng tấn "chất tạo nạc" bị cơ quan chức năng phát hiện.

Theo kết quả kiểm tra hàng loạt mẫu thức ăn chăn nuôi bày bán trên thị trường TP HCM và Đồng Nai mới đây của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thì có khoảng 17% mẫu thức ăn cho lợn có chứa chất  Salbutamol. Ông Nguyễn Nam Vinh - Trưởng đại diện Văn phòng Vinastas phía Nam cho biết: Trước những thông tin phản ánh nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trộn các chất độc hại thuộc nhóm beta-agonist, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng thuộc Hội đã tiến hành mua 12 mẫu thức ăn chăn nuôi bày bán tại thị trường TP HCM, Đồng Nai rồi gửi kiểm nghiệm tại Trung tâm Kỹ thuật 3. Kết quả, trong tổng số 12 mẫu này, có 2 mẫu chứa chất độc hại bị cấm triệt để là Salbutamol.

Trong thú y, Clenbuterol, Salbutamol cũng được dùng làm thuốc giãn phế quản trị bệnh cho lợn. Tuy nhiên sau một thời gian, những người chăn nuôi nhận thấy tác dụng tăng cơ, tăng trọng rất bất thường của Clenbuterol đối với vật nuôi, nhất là với lợn nên họ đã báo cáo cho cơ quan quản lý thú y.

Năm 1991, một số các nhà khoa học tại Khoa Thú y, Đại học Oklahoma, Mỹ, đã tiến hành những nghiên cứu về tác dụng này, mà cụ thể là công trình "Nghiên cứu tác dụng làm tăng cân của Clenbuterol đối với cừu". Sau 18 tháng, khảo sát trên thịt cừu được nuôi bằng thức ăn có trộn lẫn Clenbuterol, các nhà khoa học nhận thấy mỡ cừu có rất ít mà thay vào đó là thịt nạc, và lượng Clenbuterol tập trung nhiều nhất ở những phần thịt nạc này.

Tiến hành khảo sát trên lợn, khi ăn thức ăn có chất Clenbuterol, lợn tăng cân nhanh hơn bình thường, các cơ cũng phát triển hơn bình thường dẫn đến mỡ ít, lượng thịt nạc nhiều hơn, màu thịt đỏ tươi hơn.  Người tiêu dùng nhìn vào cứ tưởng là thịt ngon, thịt sạch chứ không hề biết có được điều đó là do hóa chất!

Tác hại của thịt lợn chứa Clenbuterol, Salbutamol trong cơ thể người

Khi ăn thịt heo có Clenbuterol, Salbutamol thì chẳng khác gì ta đang uống loại thuốc này. Hàm lượng chất Clenbuterol, Salbutamol tồn dư trong thịt heo bao nhiêu là người ăn lãnh đủ bấy nhiêu. Lâu dài, lượng Clenbuterol, Salbutamol tích lũy lại, dẫn đến ngộ độc bằng các biểu hiện như sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và người mắc phải có thể chết.

Bác sĩ Tiến, chuyên khoa gan mật Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: "Thông thường, khi bệnh nhân nhập viện, ngoài các triệu chứng mà bệnh nhân khai, chúng tôi còn hỏi tỉ mỉ về chế độ ăn uống. Nhưng làm sao biết được thịt lợn, thịt vịt, thịt gà bệnh nhân ăn, có Clenbuterol, Salbutamol hay không?. Vì thế, đứng trước một bệnh nhân đau cơ, nhược cơ hoặc cao huyết áp, ít người nghĩ đến nguyên nhân chính của nó là "chất tạo nạc".

Tiến sĩ, dược sĩ Đào Đại Cường, nói: "Vấn đề là khi trộn Clenbuterol hoặc Salbutamol vào thức ăn chăn nuôi, để giảm chi phí, có thể người ta trộn dạng nguyên liệu thô - nghĩa là vẫn còn tạp chất thay vì Clenbuterol, Salbutamol tinh chất dùng cho người". Mà nếu đã là Clenbuterol, Salbutamol dạng nguyên liệu thô thì mức độ nguy hiểm còn cao hơn nữa.

Ngay từ năm 2002, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấm sử dụng Clenbuterol, Salbutamol  trong thức ăn chăn nuôi và năm 2010, Bộ còn ban hành quy định kiểm tra, giám sát các chất thuộc nhóm beta-agonist. Mặc dù vậy, nó vẫn được một số cơ sở sản xuất lén lút trộn vào, còn người nuôi thì bị mê hoặc bởi những lời quảng cáo "có cánh" in trên bao bì nên cứ vô tư mua về cho lợn. Và mặc dù những chất này bị phân giải ở nhiệt độ cao, đồng thời cũng chưa có tài liệu khoa học nào nói Clenbuterol, Salbutamol cũng như dư lượng của chúng trong sản phẩm chăn nuôi gây ung thư cho người. Nhưng những hậu quả xấu mà nó gây ra như sốt, run cơ, căng thẳng, tim đập nhanh, tăng huyết áp, đau đầu, choáng váng, buồn nôn, là có thật.

Theo bác sĩ Trần Văn Ký,  Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, thì  Salbutamol là chất cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe. Nó vốn là loại thuốc dùng cắt cơn hen, dãn phế quản, dãn cơ trơn. Nếu sử dụng Salbutamol không đúng chỉ định có thể dẫn đến hậu quả nặng nề.

Vì thế, người tiêu dùng chỉ còn biết trông chờ vào sự mạnh tay của các cơ quan chức năng đối với những cơ sở sản xuất đã trộn Clenbuteronl, Salbutamol vào thức ăn gia súc bởi lẽ khi ra chợ rồi nhìn thấy miếng thịt lợn đỏ tươi, săn chắc, không nhão, không nhớt, không trứng sán, ai mà chẳng thấy thèm…

Vũ Cao
.
.