Nhà máy điện hạt nhân Fukushima liên tục rò rỉ phóng xạ

Thứ Bảy, 07/09/2013, 14:40
Liên tục trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan Điều hành Hạt nhân Nhật Bản (NRA) tiếp tục nâng cấp báo động lên cấp 3 theo thang quốc tế Sự kiện Phóng xạ và Hạt nhân (INES) bao gồm 7 mức theo tiêu chuẩn quốc tế sau khi khoảng 300 tấn nước (272.152 lít) nhiễm xạ cao trong bồn chứa (được thiết kế chứa 1.000 tấn nước) ở Nhà máy Fukushima 1 được cho là bị rò rỉ ra biển mỗi ngày - một lượng nước đủ để làm đầy hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic - đồng thời chính quyền nước này có thông báo khẩn cấp đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) để nhờ trợ giúp...

Sau trận động đất kết hợp với sóng thần tấn công Nhật Bản vào năm 2011, thảm họa đã xảy ra ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 (hay còn gọi là Fukushina Dai-ichi) nằm ở quận Fukushima thuộc đảo Honshu và sau đó lan đến Nhà máy Fukushima 2 nằm cách đó 11,5km về phía nam. Cả hai nhà máy đều do Công ty điện lực Tokyo Nhật Bản (TEPCO) quản lý và thảm họa buộc chính quyền nước này phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và nhanh chóng sơ tán các khu dân cư quanh những nơi xảy ra sự cố hạt nhân.

Sau hai năm chống chọi với thảm họa, cho đến nay Nhật Bản vẫn chưa hoàn toàn khắc phục được vấn đề ô nhiễm phóng xạ cực kỳ nguy hiểm.

Liên tục trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan Điều hành Hạt nhân Nhật Bản (NRA) tiếp tục nâng cấp báo động lên cấp 3 theo thang quốc tế Sự kiện Phóng xạ và Hạt nhân (INES) bao gồm 7 mức theo tiêu chuẩn quốc tế sau khi khoảng 300 tấn nước (272.152 lít) nhiễm xạ cao trong bồn chứa (được thiết kế chứa 1.000 tấn nước) ở Nhà máy Fukushima 1 được cho là bị rò rỉ ra biển mỗi ngày - một lượng nước đủ để làm đầy hồ bơi theo tiêu chuẩn Olympic - đồng thời chính quyền nước này có thông báo khẩn cấp đến Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) để nhờ trợ giúp. Đầu tiên, chính quyền Nhật Bản chỉ tuyên bố cảnh báo mức 1 và đây là lần đầu tiên nước này nâng cảnh báo lên mức 3.

Toàn cảnh nhà máy Fukushima Dai-ichi nhìn từ trên không.

Do tính chất nghiêm trọng hiện nay, NRA lo ngại thảm họa phóng xạ sẽ nằm ngoài khả năng đối phó của TEPCO. Shunichi Tanaka, Chủ tịch Tổ chức Giám sát hạt nhân NRA của Nhật Bản, nhận định TEPCO đã thất bại trong việc phát hiện sự rò rỉ trong suốt nhiều ngày - thậm chí có lẽ vài tuần - bất chấp những biện pháp tuần tra kiểm soát mỗi bồn chứa nước nhiễm xạ cao được tiến hành vào 2 lần/ ngày.

Theo các báo cáo mới nhất từ Nhà máy Fukushima 1, một số lượng nước nhiễm xạ cao có thể đã ngấm vào đất và rò rỉ ra Thái Bình Dương, và đe dọa trực tiếp đến các ngư trường. Để đối phó tạm thời, các công nhân Nhà máy Fukushima dùng bao cát phong tỏa bồn chứa để hút nước nhiễm xạ rò rỉ - đây là công việc được đánh giá là vô cùng nguy hiểm cho công nhân.

Giới chức IAEA đánh giá tình hình ở Fukushima là "nghiêm trọng" và sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Nhật Bản, trong khi đó Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại sâu sắc và yêu cầu Tokyo cung cấp thông tin thường xuyên cũng như chính xác về mức độ ô nhiễm nước biển. Sự rò rỉ nước nhiễm xạ có thể gây nhiễm lượng phóng xạ cho người đứng gần gấp 5 lần giới hạn trung bình đối với nhân viên làm việc bình thường trong nhà máy điện hạt nhân.

Hôm 21/8, Zengo Aizawa - Phó Chủ tịch TEPCO, nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo rằng "có nhiều quốc gia khác bên ngoài Nhật Bản có kinh nghiệm xử lý những lò phản ứng hạt nhân không còn sử dụng vì thế chúng tôi hy vọng có thể xin ý kiến cố vấn của họ nhiều hơn cũng như vận dụng kinh nghiệm của họ.

Minoru Takata, Giám đốc Trung tâm Sinh học Phóng xạ (RBC) thuộc Đại học Kyoto, cho biết nước nhiễm xạ không đặt mối đe dọa ngay tức thì đến sức khỏe con người trừ phi một người đứng gần các lò phản ứng hạt nhân bị tổn hại. Nhưng trong thời gian dài, Takata lo ngại sự rò rỉ phóng xạ có thể làm tăng tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở Nhật Bản.

Các nhà khoa học ở Nhật Bản và ở Mỹ nhận định sự rò rỉ nước nhiễm xạ cao vào Thái Bình Dương ít đe dọa đến nước Mỹ. Bất chấp sự cố nguy hiểm đang diễn ra cũng như sự giận dữ của công chúng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn ủng hộ ý kiến cho tái khởi động những nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima. Ông Shinzo Abe  đang có những nỗ lực phục hồi nền kinh tế đang trì trệ của nước này và các nhà  máy điện hạt nhân là yếu tố chủ chốt nhằm làm giảm bớt sự nhập khẩu năng lượng đắt tiền từ nước ngoài.

Nếu chính quyền Nhật Bản giải quyết thành công tình trạng rò rỉ phóng xạ, tất nhiên các chính khách sẽ có cơ hội để ủng hộ kế hoạch tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân một lần nữa. Thời gian sau này, chính quyền Nhật Bản đã cho phép giới truyền thông quốc tế đi sâu vào khu vực cấm bao quanh Nhà máy Fukushima 1 và thỉnh thoảng người dân cũng được phép trở lại thăm nhà cũ của họ nhưng không được lưu lại lâu và phải được kiểm tra phóng xạ nghiêm ngặt khi rời khỏi khu vực nhiễm xạ. Các xét nghiệm mẫu nước giếng mới đây trong khu vực cũng cho thấy mức phóng xạ vẫn còn cao gấp 100 lần mức an toàn cho phép uống được.

Ken Buesseler, nhà khoa học ở Viện Hải dương học Woods Hole, đã tiến hành phân tích hàng ngàn mẫu cá trong khu vực biển nhiễm xạ và vẫn tìm thấy mức cao cesium-134, chất đồng vị phóng xạ phân rã nhanh. Theo báo cáo tháng 10/2012 của TEPCO, công ty đã có nhiều phương án để cố gắng kiểm soát nước nhiễm xạ. Ví dụ, TEPCO đã cho xây dựng hệ thống tạo dòng chảy khác cho nước  ngầm.

Các công nhân Nhà máy Fukushima 1 cũng nỗ lực tạo ra một rào chắn ngầm dưới đất bằng cách bơm hóa chất xuống đất làm cho đất rắn lại. TEPCO cũng tăng cường thêm bồn chứa có khả năng chứa đến 400.000 tấn nước (360 triệu lít) nhiễm xạ và có kế hoạch xây dựng thêm bồn chứa 300.000 tấn nước vào 3 năm tới. Tuy nhiên, do những nỗ lực nói trên vẫn chưa đủ hiệu quả ngăn chặn sự rò rỉ cho nên TEPCO đang hướng đến giải pháp khác - đó là hệ thống tách các chất phóng xạ ra khỏi nước.

Theo tạp chí New Scientist của Anh, hệ thống mới này được cho là có khả năng lọc 62 chất phóng xạ khác nhau. Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 4/2013 của IAEA, hệ thống lọc chất phóng xạ như thế hãy còn đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm

Duy Ân (tổng hợp)
.
.