Nhân quyền và vấn đề tự do – dân chủ
Tuy nhiên, hàng năm vào những ngày này, các thế lực thù địch, bọn phản động, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam, đã triệt để lợi dụng tạo nên các chiến dịch tuyên truyền vu cáo Việt Nam “vi phạm quyền con người; vi phạm tự do dân chủ; đàn áp những người bất đồng chính kiến…”. Việc làm đó nằm trên lộ trình của hoạt động “Diễn biến hòa bình”; hoạt động phá hoại tư tưởng lợi dụng dân chủ, nhân quyền hòng làm giảm uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Không những thế, nó còn tác động tư tưởng một bộ phận quần chúng, trong đó có cả cán bộ, đảng viên bởi nhẹ dạ cả tin, lại bị chi phối bởi nhiều nguồn thông tin trái chiều dẫn tới hành động vô lối gây nguy hại tới an ninh đất nước và trật tự an toàn xã hội, bị các cơ quan chức năng xử lý bằng pháp luật. Đó là các hành động:
- Hình thành nhen nhóm hoạt động gây rối, gây bạo loạn, phá hoại tài sản quốc gia, chống lực lượng thi hành công vụ…
- Biên soạn, tán phát tài liệu đả kích chế độ, bịa đặt, vu khống nhằm bôi nhọ uy tín nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Lợi dụng chủ trương của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên vi phạm để kích động quần chúng về cái gọi là “bản chất của chủ nghĩa xã hội”; Đó là những tài liệu hàm chứa nội dung thâm độc nhằm gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, đoàn kết quân dân, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết nội bộ…
Nguy hại là những tài liệu trên được tán phát trên mạng xã hội và chuyển cho các tổ chức phản động ở nước ngoài sử dụng vào các chiến dịch phản tuyên truyền chống Việt Nam.
Tự do, dân chủ, nhân quyền là ước vọng của loài người tiến bộ. Song, nó phải nằm trong khuôn khổ luật pháp. Không một quốc gia nào lại chấp nhận cái thứ “tự do vô chính phủ” – muốn nói gì thì nói, bất biết đúng sai. Đó chính là hành động vi phạm luật pháp cần phải nghiêm trị.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực tăng cường và đạt được nhiều thành tựu trong bình đẳng giới và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa đồng bằng với vùng núi. |
2. Hiện tượng thu thập, biên soạn, tán phát tài liệu bất hợp pháp, tài liệu hàm chứa nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; tuyên truyền chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng… không chỉ mới rộ lên thời gian gần đây, mà thực ra nó đã xuất hiện tràn lan từ vài chục năm trước; từ giai đoạn thực hiện công cuộc đổi mới; từ cái thời mà Internet, mạng xã hội còn xa lạ với nhiều người. Người ta thu thập, biên soạn, thu gom, tán phát tài liệu chủ yếu thông qua photo copy.
Còn nhớ, khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, hiện tượng trên “nở rộ” ở hầu hết các địa phương trên toàn quốc mà trong đó có nhiều tài liệu từ các trung tâm phá hoại tư tưởng, các tổ chức phản động trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài chuyển về như: “Đảng nhân dân hành động”, “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng”, “lực lượng chí nguyện hải ngoại phục quốc”…
Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo Tổng cục An ninh, các đơn vị chức năng của Bộ đã phối hợp với Công an các địa phương mở nhiều đợt truy xét, thu gom tài liệu bất hợp pháp; tiến hành phân loại đối tượng để có biện pháp xử lý phù hợp, không ít trường hợp đã tàng trữ loại tài liệu trên với số lượng lớn, phải tính bằng cân, nhiều cân chứ không tính bằng số trang, số bản.
Qua tiếp xúc, có thể đánh giá hầu hết trong số đó là những người ngộ nhận về đổi mới, ngộ nhận về tự do dân chủ, nên sau khi được giải thích về âm mưu của kẻ địch và tác hại của các loại tài liệu trên, họ đã tự giác giao nộp hết tài liệu và cam kết không tái phạm. Chỉ còn lại một số ít người có thể do tâm tư bất mãn nên cố tình không hiểu vấn đề “tự do – dân chủ trong khuôn khổ luật pháp” hoặc bị ngấm đòn chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng của các tổ chức phản động hải ngoại, nên vẫn tiếp tục sưu tầm, biên soạn, tán phát tài liệu xấu, mặc dù các cơ quan chức năng địa phương đã can ngăn nhiều lần. Những trường hợp như thế, lẽ ra phải bị truy tố theo mục C, điều 82 Bộ luật Hình sự lúc bấy giờ.
Song, xét về nhân thân những người vi phạm, họ từng là những cán bộ có quá trình tham gia cách mạng, đã từng “vang bóng một thời”, nên Công an địa phương đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên không truy tố họ trước pháp luật mà xử lý bằng những văn bản dưới luật đó là Nghị định số 31 của Chính phủ, với nội dung cơ bản là: “Những người vi phạm mục C, điều 82 Bộ luật Hình sự, nếu có quá trình tham gia Cách mạng thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính 2 năm theo tinh thần Nghị định 31 vừa để răn đe, giáo dục, vừa tước bớt điều kiện hoạt động vi phạm pháp luật của họ, thay hình thức phạt tù.
Thiết nghĩ, thời điểm đó, việc làm trên mang ý nghĩa nhân văn, góp phần cảm hóa họ. Song, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự việc trên, dấy lên “chiến dịch” phản tuyên truyền vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ - nhân quyền, đàn áp những người bất đồng chính kiến”. Hành động vô lối trên đã kéo dài nhiều năm sau đó và trở thành cao trào vào mỗi dịp cuối năm, trước ngày tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (ngày 10 tháng 12).
Chuyện cũ đã qua lâu rồi. Bây giờ, chúng ta đang sống trong thời điểm xây dựng Nhà nước pháp quyền – Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Bất kể anh là cán bộ, đảng viên, quần chúng cỡ nào, nếu vi phạm luật pháp phải bị pháp luật trừng trị. Ai vi phạm quyền con người, vi phạm tự do dân chủ sẽ bị xử lý và cố nhiên, ai cố tình lợi dụng vấn đề quyền con người, lợi dụng tự do, dân chủ hoạt động kích động gây rối an ninh, trật tự cũng không tránh khỏi phán xét của pháp luật.