Nhân tố chính trị mới tại Trung Đông

Thứ Bảy, 02/07/2005, 06:37
Trái với dự đoán, một nhân vật với bề dày chính trị mờ nhạt - thị trưởng Teheran Mahmoud Ahmadinejad (48 tuổi) - đã đắc cử tổng thống thứ 6 của Cộng hòa Hồi giáo Iran, trước ứng cử viên - cựu Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani (trong cuộc bầu cử vòng hai ngày 24/6/2005).

Tại cuộc phỏng vấn vài ngày trước thời điểm bầu cử, Ahmadinejad đã chỉ trích Liên Hiệp Quốc có thái độ "một phía, chống lại thế giới Hồi giáo" cũng như phản đối quyền phủ quyết của năm thành viên thường trực Hội đồng bảo an.

 

Một đại diện của lực lượng Hồi giáo bảo thủ


Sinh tại Garmsar, xuất thân từ giai cấp lao động (bố làm thợ rèn), Mahmoud Ahmadinejad là nhân vật chính trị bình thường cho đến khi đắc cử Thị trưởng Teheran vào năm 2003. Ông cũng không nổi đình đám trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Gần như không tốn đồng nào cho chiến dịch tranh cử, nhưng Ahmadinejad được ủng hộ mạnh mẽ từ cánh chính trị Hồi giáo bảo thủ.

 

Cũng do chính kiến bảo thủ, Tổng thống (trước khi mãn nhiệm, thuộc lực lượng cải cách) Mohammad Khatami từng cấm Ahmadinejad tham gia họp nội các (đặc quyền mà theo truyền thống, các thị trưởng Teheran thường được hưởng). Cổ xúy giá trị Hồi giáo tinh tuyền, Ahmadinejad với tư cách thị trưởng Teheran từng cho đóng cửa các nhà hàng thức ăn nhanh, đồng thời yêu cầu viên chức thị chính phải để râu và mặc áo thụng.

 

Ông từng đích thân thực hiện chiến dịch chống dùng hình ảnh cầu thủ bóng đá David Beckham. Tuy nhiên, Mahmoud Ahmadinejad được tiếng sống liêm khiết và được ủng hộ từ lực lượng trẻ thuộc thành phần Abadgaran (“Những người phát triển”; được xem là thế hệ cách mạng Hồi giáo thứ hai) có ảnh hưởng mạnh trong Majlis (Quốc hội).

Học Đại học Kỹ thuật - Khoa học Iran (IUST) và lấy bằng tiến sĩ công chánh, Ahmadinejad từng là thủ lĩnh đại diện IUST với loạt chiến dịch xuống đường ủng hộ giáo chủ Khomeini năm 1980. Các buổi quy tụ sinh viên tương tự trước đó từng dẫn đến việc thành lập Văn phòng củng cố thống nhất - tổ chức sinh viên đứng sau vụ tấn công Tòa đại sứ Mỹ đưa đến cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày (lúc đó, Ahmadinejad đề nghị tấn công cả Tòa đại sứ Liên Xô nhưng bị bác bỏ).

 

Giai đoạn chiến tranh Iran - Iraq, Ahmadinejad gia nhập Quân đoàn Vệ binh cách mạng năm 1986; chịu trách nhiệm tiến hành điệp vụ mật tại Kirkuk (Iraq). Sau chiến tranh, Ahmadinejad làm phó thống đốc Maku rồi thống đốc Khoy; cố vấn cho Bộ Văn hóa và Hướng dẫn Hồi giáo; thống đốc tỉnh mới thành lập Ardabil từ năm 1993 đến năm 1997. Dù vậy, tên tuổi Ahmadinejad vẫn không được biết nhiều, cho đến khi đắc cử thị trưởng Teheran ngày 3/5/2003.

 

Ở vị trí này, Ahmadinejad thay đổi tất cả cải cách từng được những người tiền nhiệm thực hiện, nhấn mạnh yếu tố thuần khiết Hồi giáo trong sinh hoạt cộng đồng (buộc nam nữ trong công sở hành chính phải đi thang máy riêng và đề nghị chôn thi hài chiến sĩ tử trận trong cuộc chiến Iran-Iraq tại những quảng trường chính của Teheran... Dù vậy, sau hai năm ngồi ghế thị trưởng Teheran, Ahmadinejad có mặt trong danh sách 65 thị trưởng nổi bật nhất thế giới năm 2005 (trong 550 thị trưởng thế giới được đề cử chỉ có 9 thị trưởng châu Á).

Thế giới trong chính kiến Ahmadinejad

Cuộc bầu cử tổng thống Iran là biểu hiện khá chính xác để một lần nữa, thẩm định lại sức mạnh chính trị Iran trong tay ai, giữa nhóm bảo thủ (Ahmadinejad là đại diện) và phe cải cách (Akbar Hashemi Rafsanjani là tiêu biểu). Kết quả cho thấy lực lượng bảo thủ tiếp tục chiến thắng trước các ý tưởng cải cách. Loạt quy kết gian lận (Ahmadinejad được bí mật ủng hộ từ nhiều tổ chức chính trị - Hồi giáo bảo thủ trong việc điều khiển lá phiếu cũng như giật dây các tổ chức tôn giáo) cũng cho thấy lực lượng cứng rắn cuối cùng vẫn là sức mạnh chi phối hậu trường chính trị Iran, dù Ahmadinejad là người đầu tiên không phải chức sắc Hồi giáo được bầu vào ghế tổng thống.

 

Trong chiến dịch tranh cử, Ahmadinejad bác bỏ cáo buộc vi phạm nhân quyền và chính sách hà khắc nặng nề không khí giáo luật Hồi giáo. “Người ta cứ nghĩ giá trị cách mạng Hồi giáo là vấn đề đội khăn trùm. Vấn đề thật sự của đất nước Iran là giảm tỉ lệ thất nghiệp và đem lại chỗ ăn chỗ ở cho dân...

 

Tôi hãnh diện là công bộc cũng như làm người quét đường cho Iran” - Ahmadinejad nói. Tuy nhiên, xóa đói giảm nghèo chỉ là một phần trong nhiều nghị sự quan trọng cũng như thách thức đối với bất kỳ tân tổng thống nào, mà một trong những khó khăn lớn nhất - xét riêng nội bộ đất nước Hồi giáo 67 triệu dân này - là hàn gắn rạn nứt và bất đồng giữa xu hướng cải cách và đường hướng bảo thủ (trong thực tế, 8 năm tại chức, Tổng thống Khatami đã thất bại trong chính sách cải tổ xã hội cũng như trong cuộc chiến đương đầu lực lượng chính trị bảo thủ).

 

Khuynh hướng “khép kín” của Ahmadinejad còn thể hiện ở chủ trương kinh tế. Nói đến hệ thống ngân hàng tư nhân, Ahmadinejad cho rằng họ “chẳng có vai trò tích cực và mang tính xây dựng gì cho nền kinh tế mà chỉ phá hoại”.

Về vấn đề quốc tế, theo giáo sư Nasser Hadian-Jazy: "Điểm yếu của Ahmadinejad là ông ấy không có khái niệm nào về quan hệ quốc tế cũng như cấu trúc quốc tế. Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ tất nhiên đã bày tỏ lo ngại trước sự lấy lại quyền lực của phe bảo thủ trong chính trường Iran. Ngoại trưởng Anh Jack Straw “hy vọng” Iran tiếp tục hợp tác về vấn đề hạt nhân và Nhà Trắng đã nhắc lại vài cáo buộc từng nói đến (liên quan gian lận bầu cử). Tuy nhiên, dường như rất ít khả năng Iran nhượng bộ về vấn đề hạt nhân trong tương lai, cũng như quan điểm mềm dẻo hơn của Ahmadinejad trong quan hệ phương Tây nói chung.

Thách thức gì cho Washington?

Năm 2001, khi giới ngoại giao Đức lên tiếng việc bắt giam một số nhân vật chính trị cải cách tại Iran trong một hội thảo tổ chức ở Berlin và sau đó Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder hủy chuyến công du Iran, Ahmadinejad phát biểu trên nhật báo Resalat rằng “bệnh tâm thần của người Đức bây giờ cũng y hệt thời Hitler”. Về đối sách ngoại giao với Mỹ, Ahmadinejad nói: “Quan hệ với Mỹ không là cách chữa trị cho tất cả căn bệnh Iran”. Liên quan hạt nhân, Ahmadinejad cho biết: “Năng lượng hạt nhân là kết quả nghiên cứu khoa học của người dân Iran và không ai có thể ngăn cản”.

 

Riêng với Washington, ngoài vấn đề hạt nhân, Iran của một Mahmoud Ahmadinejad-cứng rắn sẽ là một nghị sự khó khăn, trong tổng thể chính sách Trung Đông của Mỹ. Chắc chắn rằng một Trung Đông theo mô hình như Washington từng mong đợi, tiếp tục còn là một khả năng phi thực tế, khi mà chủ trương thay đổi chính thể Iran bây giờ đã thất bại và người ngồi ghế tổng thống Iran vài ngày tới lại là một gương mặt rất ái quốc và bảo thủ

Mạnh Kim
.
.