Nhật Bản - Trung Quốc tranh giành Mỹ Latinh

Thứ Sáu, 08/08/2014, 18:55

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa rời châu Mỹ Latinh với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, đến lượt Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đáp máy bay đến 5 quốc gia trong khu vực này với mục đích "không buông tha một tấc đất nào cho Trung Quốc".

Sau châu Phi, giờ đến lượt Mỹ Latinh là mục tiêu quyến rũ của Bắc Kinh. Ngày 17/7, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du chính thức Brazil, mở màn chiến dịch chinh phục Mỹ Latinh với quyết tâm cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trong khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và từng có thời gian được coi là sân sau của nước Mỹ.

Tại Brazil, ông Tập Cận Bình được mời khai mạc một diễn đàn kinh tế đầu tiên với các nước Mỹ Latinh và vùng Caribe (Celac). Trước đó, tại diễn đàn Quốc hội Brazil, Chủ tịch Trung Quốc đã có những phát biểu nghe khá bùi tai nhưng không giấu được tham vọng cắm chân sâu vào khu vực Mỹ Latinh: "Trung Quốc sẵn sàng chia sẻ với Brazil và các nước khác trong khu vực để trở thành những người bạn tốt và những đồng minh cùng có chung quyền lợi", hay "Trung Quốc không phát triển như một nước biệt lập với thế giới. Trung Quốc coi trọng chiến lược mở cửa và cùng có lợi".

Thành quả cụ thể đầu tiên tại Mỹ Latinh là Trung Quốc cùng với 4 cường quốc kinh tế khác đã lập ra một ngân hàng phát triển, mà trụ sở chính sẽ được đặt tại Thượng Hải. Ngân hàng này được lập ra với mục tiêu giúp các nước đang phát triển có được quyền tự chủ trước các định chế tài chính do Mỹ chi phối.

Sáng kiến này đã được các quốc gia Nam Mỹ và Caribe nhất loạt hoan nghênh và sẽ tạo đà thuận lợi cho ông Tập Cận Bình trong chiến dịch quyến rũ vùng đất Mỹ Latinh và Caribe giàu tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là dầu mỏ, những thứ mà Trung Quốc luôn “khát” để phục vụ cho tham vọng phát triển của họ.

Trong vòng nhiều năm qua, Bắc Kinh đã nhanh chóng vươn lên thành đối tác thương mại đứng hàng thứ 2 ở khu vực Mỹ Latinh. Theo con số chính thức của Bắc Kinh thì trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực này hiện là 261,6 tỉ USD.

Thậm chí riêng với Brazil, đầu tàu kinh tế của Nam Mỹ, Trung Quốc đã soán ngôi đầu của Mỹ trong trao đổi thương mại. Tỷ trọng trao đổi làm ăn của Trung Quốc với khu vực này chủ yếu dựa trên việc mua ồ ạt nguyên vật liệu cơ bản của Mỹ Latinh và bán lại những sản phẩm gia công. Mối quan tâm chủ yếu của Trung Quốc hiện nay tập trung vào các dự án mời thầu cho ngành đường sắt, đường bộ và sản xuất điện.

Tháng 10/2013, Trung Quốc đã có mặt trong một tập đoàn liên quốc gia khai thác dầu tại Brazil với số vốn tham gia ngang bằng với các tập đoàn lớn như Shell của Anh hay Total của Pháp. Ngoài ra, một điểm đến không thể thiếu của lãnh đạo Trung Quốc lần này đó là Venezuela, nguồn cung cấp dầu lớn mà Bắc Kinh cũng như Caracas đều muốn trở thành những bạn hàng hàng đầu của nhau.

Tại Argentina, Trung Quốc cũng hứa đầu tư 7,5 tỉ USD vào ngành năng lượng và giao thông. Tại Cuba, 29 hiệp định được ký kết để tài trợ việc thăm dò dầu mỏ tại khu vực vịnh Mexico.

Giải thích cho sự gia tăng hiện diện của Trung Quốc ở khu vực Nam Mỹ, André Perfeito, nhà phân tích thuộc Văn phòng Đầu tư kinh doanh của Brazil nói: "Trung Quốc tới Mỹ Latinh là bởi Mỹ không còn ở thế thượng phong để có thể bảo vệ thị trường này. Trong khi Trung Quốc tỏ ra rất khôn khéo trong việc tìm kiếm thị trường". Đây là một thị trường lớn mà trong năm 2013 Bắc Kinh đã đổ vào tới 20% vốn đầu tư nước ngoài của mình.

Không phải bây giờ Trung Quốc mới quan tâm đến khu vực Mỹ Latinh với nguồn nguyên vật liệu quặng mỏ dồi dào, với một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng. Bây giờ là lúc Bắc Kinh muốn ăn sâu bám rễ tìm kiếm sự ảnh hưởng lâu dài trong khu vực kề cận với nước Mỹ trong khi Washington vẫn đang mải miết lo cho chiến lược xoay trục về châu Á.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brasilia tháng 7/2014.

Ngay khi ông Tập Cận Bình về nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 25/7 đã bắt đầu lên máy bay thăm các nước Nam Mỹ. Chuyến công du lần này kéo dài 11 ngày tại 5 quốc gia (Mexico, Trinidad & Tobago, Colombia, Chile và Brazil) diễn ra trong hoàn cảnh thâm hụt thương mại của Nhật đang đạt mức kỷ lục vào 6 tháng đầu năm.

Thủ tướng Shinzo Abe muốn thúc đẩy trao đổi mậu dịch với khu vực Mỹ Latinh. Hiện Nhật chỉ xuất khẩu 5% sang Mỹ Latinh và chỉ nhập 4% từ lục địa này, chủ yếu là nguyên vật liệu và nông phẩm. Nhật Bản giờ đây cũng muốn cạnh tranh với Mỹ chiêu dụ châu lục này.

Giống như Trung Quốc, Thủ tướng Nhật cũng đặt trọng tâm vào các vấn đề năng lượng, nông phẩm, cơ sở hạ tầng… trong chuyến công du lần này. Chuyên gia Eric Boulanger của Đại học Québec-Montréal, nhận định: "Thủ tướng Abe không muốn buông tha một tấc đất nào cho Trung Quốc. Đây còn là mũi tên thứ ba trong chính sách kinh tế Abenomics: mở cửa kinh tế cho cạnh tranh quốc tế".

Sau thảm họa Fukushima, Nhật Bản muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng và đặc biệt nhắm đến nguồn dầu lửa của khu vực Nam Mỹ. Theo truyền thông Nhật, Thủ tướng Abe và Tổng thống Brazil Dilma Rousseff sẽ tuyên bố xây dựng giàn khoan dầu sử dụng công nghệ Nhật Bản. Ông Shinzo Abe cũng sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng Caribe, một dịp để ông đề cập đến các vấn đề về năng lượng, ngư nghiệp, dự án phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, lý do chính trị, ngoại giao cũng là động lực thúc đẩy ông Abe trong chuyến công du này. Tokyo nhắm đến chiếc ghế không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào năm 2016. Theo chuyên gia Eric Boulanger: "Không nghi ngờ gì nữa, Nhật muốn được thế giới thừa nhận là cường quốc khu vực tại châu Á".

Ông Martyn Davies, Giám đốc Công ty Frontier Advisory, chuyên nghiên cứu về các thị trường mới nổi, nói rằng quyền lợi của Nhật Bản ở Mỹ Latinh tương tự với quyền lợi của Trung Quốc và các nước châu Á khác.

Ông nói: "Các cường quốc truyền thống, các nền kinh tế phương Tây, kể cả Nhật Bản, cũng như trong các cường quốc mới nổi thuộc khối BRICS, cùng với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Singapore và Malaysia. Tại những nước này có một cảm nghĩ là có lẽ người Trung Quốc đang nhìn thấy những điều gì đó ở Nam Mỹ mà chúng ta không nhìn thấy. Và vì thế, tốt nhất là chúng ta cũng tới đây để làm ăn. Tôi cho rằng cảm nghĩ là động cơ chính của chuyến công du của ông Abe".

Mặc dù vậy, ông Davies cũng nêu lên một nhận định là Nam Mỹ lại một lần nữa trải qua một cuộc tranh giành ảnh hưởng của các nước trên thế giới, một cuộc tranh giành đã bắt đầu với chủ nghĩa thực dân nhưng giờ đây đang có một chiều hướng khác.

"Hầu như chúng ta đang có một cảm nghĩ, đây là một cuộc tranh giành mới ở Mỹ Latinh, cuộc tranh giành thứ ba. Cuộc tranh giành thứ nhất là về tài nguyên và lãnh thổ. Cuộc tranh giành thứ nhì có liên hệ tới sự gắn bó về ý thức hệ và về đồng minh chính trị. Và có lẽ đối với vụ tranh giành thứ ba này, chúng ta chưa thể xác định động cơ của nó là gì. Tôi nghĩ rằng phải chăng Trung Quốc là yếu tố xúc tác, là động cơ của việc này.

Rõ ràng không phải là vì lãnh thổ, không phải vì tài nguyên. Có thể là vì dầu khí ở một mức độ nào đó. Nhưng nếu bỏ qua dầu khí thì nó lại không phải là một cuộc tranh giành tài nguyên. Vậy thì điều gì thúc đẩy nó? Tôi nghĩ lý do của sự có mặt của ông Abe ở đây là địa chính trị. Rốt cuộc thì mục đích của sự tranh giành là để chiếm người tiêu thụ, để tranh thủ trái tim, khối óc và cái ví tiền của những người tiêu thụ đang mỗi ngày một đông ở Nam Mỹ".

Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục tìm cách vượt qua quá khứ phức tạp của họ. Nhưng ở đây, tại Mỹ Latinh, nỗ lực đó sẽ diễn ra với những cách thức quyết liệt và phức tạp

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.