Nhật Bản: Bất hòa lớn trong đảng cầm quyền

Thứ Bảy, 12/03/2011, 12:40
Tình hình bất hòa trong đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) càng thêm đậm nét vào hôm 1/3, khi 16 dân biểu thuộc đảng này từ chối bỏ phiếu cho ngân sách dành cho tài khóa từ tháng 4/2011 đến 3/2012. Tuy cuối cùng Hạ viện cũng thông qua, nhưng đây là một vố đau cho Thủ tướng Naoto Kan, tại vị vừa được 9 tháng nhưng tỉ lệ tín nhiệm đang ở mức thấp nhất.

Trong bối cảnh đó, ngày 6/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã từ chức sau khi bị tố cáo nhận tài trợ bất hợp pháp.

Theo cuộc thăm dò dư luận mới nhất được phổ biến tại Nhật cuối tháng 2/2011, mức tín nhiệm của người dân với Thủ tướng Naoto Kan chỉ đạt gần 20%, mức thấp nhất kể từ khi ông lên nhậm chức cách nay 9 tháng. Sự sụt giảm này có nhiều nguyên nhân nhưng được giải thích bằng 2 lý do chính. Thứ nhất là mâu thuẫn nội bộ và thứ hai là việc Thủ tướng Naoto Kan đã không thực hiện đúng như ý những gì đưa ra khi tranh cử.

Trước hết xin nói về tình hình nội bộ đảng cầm quyền DPJ. Vấn đề khủng hoảng chính trị lớn nhất của đảng PDJ hiện nay là cuộc đối đầu giữa ông Naoto Kan và ông Ichiro Ozawa. Khi Thủ tướng Hatoyama Yukio từ chức, ông Naoto Kan đã nói với ông Ozawa rằng: "Ông nên nghỉ đi. Điều đó sẽ tốt cho ông, tốt cho nước Nhật và tốt cho chính trị Nhật". Điều này chẳng khác gì sự đuổi khéo ông Ozawa về hưu cho khỏe. Tuy nhiên, ông Ozawa một mặt cho rằng mình là người có tài, mặt khác cánh chính trị của ông trong đảng PDJ lại lớn mạnh nhất, khoảng 100 dân biểu và nghị sĩ, hơn nữa lại có tiền bạc.

Còn nữa, ông Naoto Kan khi làm Thủ tướng đã không giao cho ông Ozawa bất cứ một chức vụ nào cả. Với những lý do trên, ông Ozawa quyết định ra tranh cử chức Chủ tịch đảng PDJ hồi tháng 9/2010 và tạo ra một sự tranh chấp lớn trong nội bộ PDJ. Nhưng ông Ozawa đã thua trong cuộc đua này và giới phân tích nhận định, từ giờ trở đi thế lực của ông Ozawa sẽ bị yếu và không còn nhiều lý do để tấn công ông Naoto Kan nữa.

Chưa hết, trong quá khứ, ông Ozawa đã có nhiều chuyện lem nhem về tiền bạc và thủ đoạn chính trị. Nên biết, 3 người bí thư của ông Ozawa đã từng bị bắt và kết án vì tội quản lý tài chính không minh bạch mặc dù ông Ozawa luôn chối là không có quan hệ gì với những chuyện rùm beng đó. Báo chí Nhật bình luận rằng Thủ tướng Naoto Kan đang muốn gạt hẳn ông Ozawa ra ngoài đảng DPJ để tránh tiếng xấu cho đảng.

Nhân chuyện ông Ozawa vừa bị cưỡng bức khởi tố (Ủy ban Thẩm tra kiểm sát yêu cầu Viện Kiểm sát tối cao khởi tố ông Ozawa mặc dù viện này trước đó không muốn), ông Tổng thư ký đảng PDJ, Okada Katsuya và cựu Thủ tướng Hatoyama muốn ngưng tư cách đảng viên của ông Ozawa cho tới khi có quyết định cuối cùng của tòa án. Chính điều này đã khiến ông Ozawa, từng làm Tổng thư ký, Chủ tịch DPJ, cùng nhóm 16 người thân cận ông trong Hạ viện mà dẫn đầu là ông Wantanabe, phẫn nộ.

Thậm chí nhóm này đã rút ra khỏi hội phái và phát triển theo khuynh hướng độc lập. Chính 16 người này đã không tham dự phiên bỏ phiếu thông qua ngân sách mà Thủ tướng Naoto Kan đang đề xuất. Nhưng vì tại Hạ viện, DPJ vẫn chiếm đa số nên cuối cùng bản dự thảo ngân sách trên cũng được thông qua vào lúc 3 giờ sáng ngày 1/3.

Ông Seiji Maehara trong cuộc họp báo với Thủ tướng Nhật Bản, Tokyo, ngày 6/3/2011.
Ông Ichiro Ozawa trả lời báo chí khi bị truy tố.

Nội bộ đảng DPJ còn lục đục liên quan tới chuyện đường lối chủ trương thực hiện. Chẳng hạn liên quan tới vấn đề trợ cấp xã hội, khi ra tranh cử, đảng PDJ đã hứa sẽ trợ cấp cho trẻ em từ 0 đến 15 tuổi mỗi tháng 300 USD/người, miễn các loại phí giao thông đối với lứa tuổi này. Khi đó dư luận Nhật đã rất vui mừng nhưng vấn đề là đảng PDJ sẽ lấy tiền đâu để bù đắp những khoản đó trong khi nợ công đang ngày một lớn. Do vậy, Thủ tướng Naoto Kan đã phải điều chỉnh lại những điều mà đảng của ông đã hứa hẹn trước đây. Cụ thể trong năm đầu, như chính phủ của Thủ tướng Kan đã thông báo, trợ cấp cho trẻ em chỉ là 150 USD thay vì 300 như đã hứa trước đây, rồi sau đó mới từ từ nâng lên.

Nhưng chính điều này đã khiến nhóm chống đối 16 người trên vin vào để chỉ trích sự lãnh đạo của ông Naoto Kan vì theo họ đấy là những lời hứa nhờ đó DPJ lên nắm quyền nhưng nay đã không thực hiện đúng.

Trong bối cảnh đó, ngày 6/3, Ngoại trưởng Nhật Bản Seiji Maehara đã quyết định từ chức trong bối cảnh ngày càng gia tăng những lời kêu gọi ông từ bỏ chức vụ này do nhận khoản tiền quyên góp chính trị trái phép trị giá 50.000 yen, tương đương 600 USD, từ một người ủng hộ gốc Hàn Quốc. Trước đó, ông Maehara hôm 4/3 thừa nhận đã nhận khoản tiền trên từ một phụ nữ Hàn Quốc sống tại Kyoto, hành động vi phạm một điều luật của Nhật Bản cấm nhận những khoản đóng góp từ các cá nhân hoặc thể chế nước ngoài.

Với quyết định trên, ông Maehara sẽ là vị bộ trưởng đầu tiên từ chức kể từ khi Thủ tướng Naoto Kan tiến hành cải tổ Nội các Nhật Bản hồi tháng 1/2011. Chính trị gia 48 tuổi này từng làm Bộ trưởng Giao thông trước khi đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng từ tháng 9/2010.

Giới phân tích cho rằng quyết định từ chức của Bộ trưởng Maehara là một đòn giáng mạnh vào chính quyền của Thủ tướng Kan, trong bối cảnh liên minh cầm quyền đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ phía phe đối lập đòi giải tán Hạ viện và tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn, còn triển vọng thông qua các dự luật liên quan tới dự thảo ngân sách tài khóa 2011 vẫn rất mờ mịt vì mặc dù được Hạ viện thông qua hôm 1/3 nhưng dự thảo này còn phải chờ Thượng viện (lại không do DPJ chiếm đa số) phê chuẩn

M.T. (tổng hợp)
.
.