Nhật Bản: Ngân sách quốc phòng “khủng” chi thế nào?

Thứ Năm, 07/12/2017, 11:41
Nếu được phê chuẩn, một khoản ngân sách trị giá 5,26 ngàn tỷ Yên (tương đương 47,8 tỷ USD), sẽ dành cho hiện đại hóa quốc phòng Nhật Bản; số tiền này tăng gấp 2,5% so với khoản ngân sách ban đầu cho Năm thời khóa 2017 (FY17) và là năm thứ 6 kể từ khi Thủ tướng Abe trở lại Nội các Nhật vào năm 2012.

Trong nhiệm kỳ của mình, ngoài việc đảo ngược các khoản ngân sách quốc phòng từ những thời kỳ trước đó, chính quyền của ông Abe thật sự đã lên kế hoạch làm "mềm hóa" những giới hạn xuất khẩu quốc phòng đồng thời cho phép quân đội Nhật được chinh chiến ở nước ngoài. 

Giờ đây, ông Abe hy vọng rằng với khoản ngân sách đề xuất kỷ lục này, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ có thể giải quyết danh sách mua sắm "hàng nóng" cho lực lượng Phòng vệ Nhật Bản với những hệ thống và tên lửa quốc phòng.

Hệ thống phòng thủ tên lửa

Hiện thời Nhật Bản đang áp dụng biện pháp phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) bằng cách triển khai các loại tàu khu trục công nghệ cao Aegis trên biển để thu thập thông tin về các loại tên lửa trong vũ trụ, và các hệ thống can thiệp đánh chặn PAC-3 nhằm đối phó với các loại tên lửa tầm thấp.

Nhật Bản mua tàu khu trục công nghệ cao Aegis của Mỹ.

Những hoạt động thử tên lửa gần đây của CHDCND Triều Tiên bay qua lãnh hải Nhật Bản, và vụ mới nhất được xem là lần phóng tên lửa dài nhất của CHDCND Triều Tiên, đã khiến cho BMD có chỗ đứng vững chắc và làm dấy lên mối bận tâm về năng lực quốc phòng hiện có của Nhật Bản.

Số tiền 47,2 tỷ Yên sẽ được dùng để mua hệ thống tên lửa can thiệp đánh chặn Block IIA thuộc Tên lửa tiêu chuẩn 3 (SM-3) loại mới nhất, nhằm giúp đánh chặn các loại đầu đạn bên ngoài bầu khí quyển và số tiền 20,5 tỷ Yên là dùng để mua loại tên lửa cao cấp PAC-3 MSE giúp tăng phạm vi hiệu quả lên gấp đôi của loại tên lửa phòng thủ Patriot.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng giới thiệu một hệ thống chống tên lửa đạn đạo mới được trang bị trên tàu Aegis - phiên bản trên bộ của hệ thống tàu hiện đang có của Nhật Bản, là mặt hàng mà nước này có nhiều khả năng mua nhất. 2 loại hệ thống vũ khí này sẽ bao phủ toàn bộ diện tích lãnh thổ Nhật Bản và chi phí cho mỗi loại "hàng nóng" sẽ tròm trèm vào cỡ 80 tỷ Yên, mặc dù theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, giá tiền xác thực hiện còn đang thương thảo với Mỹ.

Tokyo cũng báo cáo về việc họ đang nhắm mua hệ thống Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Thêm vào đó cũng có đề xuất chi thêm 10,7 tỷ Yên để cập nhật và tăng cường khả năng cảnh báo và phát hiện tên lửa được cho là động thái phản ứng lại việc CHDCND Triều Tiên dùng các quỹ đạo tên lửa "trồi lên cao" gây khó khăn cho các hệ thống hiện có.

Ngoài ra còn có báo cáo về số tiền 19,6 tỷ Yên để Bộ Quốc phòng Nhật Bản phát triển ra một phiên bản radar mới nhằm tăng cường khả năng phát hiện các vật thể trong không gian, đặc biệt là kể từ khi chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng dường như cho thấy ít dấu hiệu của một hệ thống đang hoạt động ở giai đoạn đầu.

Đối phó với Hải quân Trung Quốc

Sự bành trướng trên biển của Trung Quốc thời gian gần đây đã tạo thành một động lực thứ hai cho kế hoạch chi tiêu quốc phòng mới nhất của Tokyo. Tàu của Trung Quốc đã hiện diện tại những vùng biển đang tranh chấp quanh đảo Senkaku của Nhật Bản (Điếu Ngư gọi theo Trung Quốc) tại biển Hoa Đông. Những hành động như thế cho thấy Bắc Kinh đang muốn khẳng định chủ quyền đối với khu vực này, và chắc chắn sẽ khiến Tokyo lo lắng về những thứ xảy ra tiếp theo. Mặt khác, cho đến nay Trung Quốc có vẻ cũng không thèm đếm xỉa tới những vấn đề ngoại giao dựa trên luật pháp quốc tế đã từng cố định trong vòng 70 năm qua.

Rõ ràng Trung Quốc không quá quan tâm đến Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) và sự khác nhau giữa các cường quốc phương Tây và đồng minh của họ. Bắc Kinh đã đơn phương tuyên bố một vùng rộng lớn trên Biển Đông là "Khu vực nhận diện phòng không" của Trung Quốc, tiến tới đã tăng cường xây dựng và quân sự hóa các hòn đảo nhân tạo ở biển Đông và từ chối luật pháp quốc tế về chủ quyền đối với vùng biển quanh Philippines. Và cũng dễ hiểu rằng Nhật Bản đang rất quan tâm tới chủ quyền của các vùng lãnh thổ ở nơi hẻo lánh.

Mối đe dọa không phải là chuyện mới. Các ngân sách quốc phòng trước đây của Nhật Bản cũng đã nhấn mạnh đến mối đe dọa "quần đảo hẻo lánh" và khiến Nhật Bản muốn giành lại nó, còn thời điểm này thì đã là hết sức bức thiết. Năm 2016, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã thực hiện một đợt tấn công giả định trước âm mưu xâm lược quần đảo Senkaku của giặc ngoại bang.

Và ngân sách tài trợ cho FY2018 đã phản ánh một cách tiếp cận thực tế hơn. Người Nhật lên kế hoạch mua sắm vũ khí để "tăng cường khả năng bảo vệ quần đảo hẻo lánh" gồm việc trang bị 2 đội tàu hộ tống với khả năng phòng thủ trên biển và 1 đề xuất mua tàu ngầm mới, 6 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Lockheed Martin F-35A Lightning II và 4 chiếc máy bay vận tải cánh quạt Osprey.

 Một đề xuất ngân sách tương đương 55,2 tỷ Yên sẽ dùng để nâng cấp khí tài ở Okinawa, cách Tokyo khoảng 400 hải lý về phía Nam của Nhật Bản, và thành lập Lực lượng phòng vệ gần nhất đến với quần đảo Senkaku. Thêm vào đó, một số tiền hơn 10 tỷ Yên dùng để phát triển ra một loại "bom tốc độ cao" - nó có lẽ là một loại bom lượn - nhằm hỗ trợ cho các sứ mạng "đánh chặn kẻ thù trên hoang đảo".

Phát triển đơn vị không gian

Tokyo cũng đang lên kế hoạch thành lập một "đơn vị không gian mới" nằm ngay trong biên chế của Lực lượng phòng vệ nhằm bảo vệ các vệ tinh do người Nhật và người Mỹ sử dụng và tránh cho chúng bị thiệt hại do sự tấn công của rác vũ trụ.

Kế hoạch này cần chi tới 4 tỷ Yên nhằm xây dựng một hệ thống trạm quan sát. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đề xuất chi 11 tỷ Yên cho Chương trình nghiên cứu công nghệ an ninh quốc gia (NSTRP), một chương trình tập trung vào các vệ tinh cảnh báo sớm và phòng thủ mạng.

Nguyễn Thanh Hải (theo Army Technology)
.
.