Nhật Bản: Thay trang “Hiến pháp thái bình”

Thứ Hai, 19/01/2015, 21:25
70 năm sau Thế chiến II, vấn đề mở rộng hoạt động quốc phòng vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm đối với Nhật Bản. Nhưng hiện nay, nước Nhật đang "bước qua lời nguyền", sẵn sàng gác lại quá khứ để đưa đất nước mặt trời mọc trở lại quỹ đạo của một quốc gia thông thường trên thế giới, trong đó quân đội được triển khai ra nước ngoài và các công ty công nghiệp quốc phòng được phép xuất khẩu vũ khí.

Theo cách hiểu truyền thống, Hiến pháp Nhật từ sau Thế chiến II không cho phép nước Nhật đưa quân đội ra nước ngoài, chỉ phục vụ công việc bảo vệ an ninh cho đất nước, nên thường được gọi là Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Mỹ và các đồng minh đã vận dụng Hiến pháp này để kiềm chế quân đội Nhật ở mức tối đa để tránh tái diễn các hành động quá hung hăng của nước Nhật trong chiến tranh. Còn việc xuất khẩu vũ khí thì do chính nước Nhật tự cấm các công ty của mình. Với lệnh cấm này, các công ty công nghiệp quốc phòng Nhật Bản lâu nay chỉ chủ yếu phục vụ thị trường trong nước.

Nhật Bản đang thương thảo bán xe tăng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ khi ông Shinzo Abe lên nắm quyền Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào năm 2012, ông đã đẩy mạnh việc thay đổi quan điểm đối với vấn đề quân sự, quốc phòng. Ông đã đề xuất thay đổi cách diễn giải Hiến pháp Thái bình (Pacifist Constitution) để cho phép quân đội Nhật được triển khai chiến đấu bảo vệ các đồng minh bị tấn công. Bước đầu tiên của sự thay đổi đó là việc thành lập Bộ Quốc phòng Nhật Bản.

Đồng thời, ông Abe cũng gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã tồn tại hàng chục năm qua. Mặc dù vậy, nước Nhật vẫn theo đuổi đường lối yêu chuộng hòa bình, xuất khẩu vũ khí nhưng không khuyến khích đánh nhau. Việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí đã được thông báo vào tháng 4/2014, nhưng đến nay số người Nhật ủng hộ việc này vẫn rất ít. Đa số hiện nay vẫn theo chủ nghĩa Thái bình (Pacifism) vì không muốn lặp lại lịch sử và cũng vì những vấn đề khó xử mà lịch sử để lại.

Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, những thay đổi trong quan điểm về quân sự, quốc phòng được căn cứ theo 3 nguyên tắc. Thứ nhất, chính quyền Nhật cấm các hợp đồng bán vũ khí vi phạm các hiệp ước hay lệnh cấm vận quốc tế, không xuất khẩu cho CHDCND Triều Tiên và Iran hay các quốc gia tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang. Thứ hai, chỉ xuất khẩu vũ khí phục vụ cho các nỗ lực quốc tế vì hòa bình và phục vụ việc bảo đảm an ninh cho nước Nhật. Và cuối cùng là chỉ bán cho các quốc gia nào có thể kiểm soát công nghệ, hạn chế việc chuyển giao công nghệ cho bên thứ ba.

Cho đến nay, Chính phủ Nhật đã chuẩn y việc bán các bộ cảm biến dẫn hướng tên lửa sử dụng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Đồng thời nước này cũng đã phát động một chương trình nghiên cứu hợp tác với nước Anh trong lĩnh vực công nghệ tên lửa không đối không dùng cho máy bay chiến đấu.

Còn hiện tại, Chính phủ Nhật đang thương thảo hợp đồng bán hơn chục chiếc tàu ngầm chạy dầu diesel lớp Soryu cho Australia trị giá 20 tỉ USD. Thương lượng chưa đạt được kết quả như mong muốn vì một số vấn đề gút mắc giữa hai bên, chẳng hạn như địa điểm đóng tàu ngầm. Chính phủ Australia yêu cầu hợp đồng mua bán tàu ngầm này phải tạo công ăn việc làm cho người dân Australia, còn phía Nhật thì đề nghị cùng hợp tác đóng tàu, theo tờ Mainichi Shimbun của Nhật.

Nhật Bản đang thương thảo hợp đồng bán tàu ngầm lớp Soryu cho Australia.

Mỹ ủng hộ việc Australia mua tàu ngầm lớp Soryu của Nhật vì nó thích hợp với các hệ thống chiến đấu của Mỹ, từ đó tạo thuận lợi cho quân đội Mỹ một khi đồng minh cũng sử dụng trang thiết bị giống Mỹ. Các quan chức Bộ Quốc phòng và Bộ Công nghiệp Nhật Bản đã tham gia nhiều sự kiện triển lãm công nghiệp quốc phòng ở châu Âu, như triển lãm Eurosatory ở Paris, Pháp, hay như triển lãm hàng không Farnborough ở Anh.

Hãng tin Reuters gần đây cho biết Nhật Bản đang tìm cách bán máy bay chiến đấu săn tàu ngầm P-1 cho Anh, với hợp đồng trị giá khoảng 1 tỉ USD. Các quan chức Nhật Bản cũng đã tiếp xúc với các đại diện đến từ các công ty quốc phòng Mỹ, kể cả Lockheed Martin và Boeing, và hai bên đã thảo luận về việc bán các thủy phi cơ cho Ấn Độ và xe tăng cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật khẳng định, việc xuất khẩu vũ khí đối với nước Nhật không chỉ đơn thuần là những thỏa thuận mua bán, xuất khẩu vũ khí vì tiền bạc, mà chủ yếu là để đóng góp vào hòa bình và an ninh quốc tế. Quan điểm cơ bản là nước Nhật kiên định với đường lối yêu chuộng hòa bình, không cổ vũ cho xung đột, chiến tranh. Các công ty công nghiệp quốc phòng lớn của Nhật sau thời gian dài sống trong lệnh cấm đã quen với "văn hóa hòa bình" không còn khái niệm về buôn bán vũ khí ra nước ngoài, cho nên có thái độ thờ ơ đối với việc mở rộng ra thị trường quốc tế, tuyên bố rằng, chỉ xuất khẩu vũ khí khi nào Chính phủ Nhật yêu cầu.

Trong nền văn hóa hòa bình ấy, các công ty công nghiệp nặng của Nhật, như Mitsubishi và Fuji Heavy Industries, chỉ dành ra 5% tổng sản lượng cho công nghiệp quốc phòng, chủ yếu là cung cấp các trang thiết bị phụ trợ, thiết bị công nghệ cao cho Lực lượng Phòng vệ Nhật và các căn cứ quân sự Mỹ đóng trên đất Nhật.

Tiểu Khang (tổng hợp)
.
.