Nhật Bản muốn hóa giải căng thẳng Mỹ-Iran
- Iran cảnh báo phong tỏa công khai Eo biển Hormuz, đòi Mỹ lập tức rút quân
- Iran tuyên bố phá mạng lưới gián điệp mạng 'khủng' của CIA
Trong 2 ngày ở thăm Iran, Thủ tướng Shinzo Abe đã gặp Tổng thống Hassan Rohani và lãnh đạo tối cao Iran, Giáo chủ Ali Khamanei. Các chuyên gia gọi đây là nước đi táo bạo đối với nhà lãnh đạo Nhật Bản. Tình hình căng thẳng đã gia tăng một năm sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận giữa Iran và các cường quốc nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
Washington đã triển khai các lực lượng quân sự tới Vùng Vịnh để đề phòng Iran và đang gây áp lực cho các đồng minh như Nhật Bản ngừng mua dầu của Iran. Iran đang đe dọa sẽ khởi động trở lại nỗ lực tinh chế uranium để dùng vào việc chế tạo vũ khí nguyên tử, nếu các quốc gia châu Âu không đưa ra các đề nghị nào để phá vỡ bế tắc, hạn chót là ngày 7-7 tới đây.
“Nhật Bản hy vọng sẽ làm hết sức mình vì hòa bình và ổn định của khu vực”, ông Abe nói với báo giới trước khi lên máy bay từ Tokyo. Ông kêu gọi sự kiên nhẫn từ mọi phía trong cuộc khủng hoảng này. Trong cuộc họp báo sau khi thảo luận với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, ông Abe nói “có nguy cơ xảy ra cuộc chiến không định trước và chiến tranh quân sự phải được ngăn ngừa bằng mọi giá”.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ngày 12-6 tại Tehran. |
Theo người phát ngôn của Chính phủ Nhật Bản, trước khi tới Tehran, ông Abe đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 11-6 về “tình hình Iran”. Một số quan chức Nhật Bản nói rằng ông Abe không đến Tehran để truyền lại các yêu cầu từ Washington. “Thủ tướng Abe không đến Tehran để hòa giải cho Iran và Hoa Kỳ mà chỉ muốn làm giảm căng thẳng giữa hai nước này”, một quan chức Nhật Bản nói với các phóng viên ở Tokyo ngày 11-6.
Về phía Iran, phát ngôn viên chính phủ Ali Rabi nói rằng chuyến thăm của ông Abe là “nhằm củng cố mối quan hệ truyền thống giữa hai nước”. Trước khi có lệnh trừng phạt của Mỹ, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 5% nhu cầu dầu thô từ Iran.
Các chuyên gia ngoại giao cho biết ông Abe hiện đang đứng ở một vị trí độc nhất, nhờ mối quan hệ chặt chẽ với Tổng thống Trump, cũng như mối quan hệ của Tokyo với Iran. Điều này có thể giúp Washington và Tehran giữ liên lạc và giảm thiểu nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Khác với phương Tây, Nhật Bản không có tiền lệ lịch sử hay tôn giáo với khu vực Trung Đông. Nước này luôn thi hành chính sách ngoại giao dầu hỏa.
Trong chuyến thăm Nhật Bản hồi cuối tháng 5-2019, Tổng thống Donald Trump hoan nghênh sự giúp đỡ của ông Abe trong việc đối phó với Iran, sau khi đài truyền hình Nhật Bản NHK cho biết Thủ tướng Abe đang xem xét một chuyến đi tới Tehran. Ông Trump đã khẳng định rằng Iran mong muốn đạt được một thỏa thuận về hạt nhân, tức bật đèn xanh cho chuyến công du này của Thủ tướng Nhật. Ông Trump nói: “Tôi biết là thủ tướng và Nhật Bản có một mối quan hệ tốt với Iran, vậy thì chúng ta sẽ xem chuyện gì xảy ra”.
Theo nhận định của ông Rouzbeh Parsi, chuyên gia về Iran của Đại học Lund tại Thụy Điển, chí ít, chuyến thăm này của ông Abe còn bao hàm rằng ông Trump mong muốn có một kênh đối thoại công khai với Iran. Về phía Tehran, họ cho rằng ông Trump đã gây ra quá nhiều thiệt hại từ 2 năm qua. Họ không còn kiên nhẫn để đợi xem ông Trump có tái đắc cử hay không vào năm 2020 trước khi bắt đầu thương lượng.
Dù rằng, Thủ tướng Nhật Bản không chính thức thừa nhận đóng vai trò trung gian nhưng giới chuyên gia đều đánh giá rằng chuyến đi này của ông đến Iran mang hơi hướng của một hoạt động “hòa giải”. Một số nhà phân tích đánh giá là “đầy rủi ro”. Làm thế nào bảo vệ được các lợi ích của Nhật Bản trong vùng Trung Đông, nguồn cung ứng dầu hỏa chính cho Tokyo, mà không đi ngược với đường lối cứng rắn của chính quyền Tổng thống Donald Trump? Đây quả là một bài toán không dễ chút nào!
Ngoài vấn đề căng thẳng với Mỹ, Thủ tướng Nhật Bản đã thảo luận các vấn đề hợp tác song phương với Iran. Sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Abe Shinzo ngày 12-6, Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh rằng đất nước ông đang tìm cách phát triển hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân dân sự vì Tehran vẫn đang chống lại vũ khí hạt nhân. “Tôi đã đề nghị Thủ tướng Abe rằng trong tương lai hai nước sẽ hợp tác trong lĩnh vực hạt nhân, chúng tôi tin vào các công nghệ hạt nhân của Nhật”, ông Hassan Rouhani nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo tháng 5-2019. |
Về phần mình, Nhật Bản tin rằng sự hợp tác của Iran với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đang diễn ra tốt đẹp và hy vọng Iran tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân, Thủ tướng Abe Shinzo cho biết. “Chúng tôi rất tin rằng Iran đang tiếp tục hợp tác với IAEA và chúng tôi hy vọng Iran sẽ tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015”, ông Abe nói trong một cuộc họp báo. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhiều lần thông báo rằng một sự thay đổi trong hành vi của Hoa Kỳ sẽ là tiêu chí để nối lại đàm phán với nước ông.
Trong một diễn biến khác có liên quan, Ngoại trưởng Đức, Heiko Maas, ngày 10-6, kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận quốc tế về hạt nhân và nên “tiếp tục duy trì đối thoại với châu Âu vì những lợi ích chính trị và chiến lược của đất nước”. Phát biểu trước báo giới ngay khi vừa đến Tehran và trước khi gặp đồng nhiệm Mohammad Javad Jarif, Ngoại trưởng Đức tái khẳng định “Mỹ và châu Âu không muốn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.
Theo ông, Đức và các đối tác châu Âu đã triển khai tối đa các nỗ lực để hoàn thành các cam kết đưa ra trong thỏa thuận đang bị lung lay kể từ khi Hoa Kỳ đơn phương rút khỏi hiệp ước vào tháng 5-2018 và cho tái lập các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Iran.
Một ngày trước khi Ngoại trưởng Đức đến Tehran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran, Abbas Moussavi, lấy làm tiếc là châu Âu “đã không thể hay không muốn giữ các cam kết”. Ngoại trưởng Iran Jarif cho rằng “châu Âu không đủ tư cách để chỉ trích Iran, kể cả trong những vấn đề chẳng có can hệ gì với thỏa thuận Vienna”.