Nhật Bản tìm lối đi riêng với Triều Tiên

Thứ Tư, 27/06/2018, 15:25
Việc Mỹ và Triều Tiên đạt thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân không được nước Nhật chào đón nồng nhiệt như những quốc gia khác, đặc biệt khi Mỹ tuyên bố hủy vô thời hạn cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, người Nhật càng lo lắng.

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe dường như đang nhận thấy rằng việc phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm và ông đang chọn cho mình một hướng đi riêng.

Trước khởi đầu thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore diễn ra ngày 12-6, Thủ tướng Nhật Bản đã nhiều lần tìm cách thuyết phục Tổng thống Mỹ đừng quên mối an nguy của đồng minh số một tại châu Á trong tiến trình tìm một thỏa thuận lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên.

Theo Reuters, Mỹ thừa biết lập trường của đồng minh Nhật trong hồ sơ Triều Tiên: giải trừ toàn bộ vũ khí hạt nhân, tên lửa các loại. Một nhà ngoại giao Nhật tin chắc là Washington hiểu rõ như thế nhưng Tokyo vẫn lo ngại Tổng thống Donald Trump vì muốn “chinh phục cử tri trong mùa bầu cử giữa nhiệm kỳ” sẽ tìm một thỏa thuận với ông Kim Jong-un, bảo vệ an ninh Mỹ trước đã và đặt Nhật Bản vào tầm tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Tokyo cũng kỳ vọng vào thượng đỉnh Mỹ-Triều để giải quyết một vấn đề quan trọng khác, có thể là mối quan tâm hàng đầu của công luận Nhật: đó là số phận của các công dân Nhật bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 1970. Chính phủ Nhật đã cảnh báo là sẽ không trợ giúp bất cứ điều gì cho Bình Nhưỡng nếu 3 vấn đề nói trên không được giải quyết.

Ngay sau khi những tin tức về thành công của thượng đỉnh Mỹ-Triều được lan truyền, Thủ tướng Shinzo Abe đã hoan nghênh tuyên bố về thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, xem đó là bước đầu tiến tới việc giải quyết các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Abe cũng tỏ ý thất vọng và tỏ vẻ trách cứ Mỹ đã thiếu quan tâm đến quyền lợi đồng minh vì theo Thủ tướng Nhật, các cuộc họp với Triều Tiên trước đây đều không dẫn đến kết quả phi hạt nhân hóa bán đảo. Nhật Bản, đồng minh thân thiết nhất, trung thành nhất của Mỹ ở châu Á, ngày nay cảm thấy rất lẻ loi.

Nhưng người Nhật lo lắng hơn là khi Tổng thống Trump tuyên bố ngừng vô thời hạn các cuộc tập trận với Hàn Quốc và Nhật Bản. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đã công khai lên tiếng khẳng định tính chất tối cần thiết của các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Thông báo của ông Trump còn làm chính quân đội Mỹ ngạc nhiên. Bởi vì, thông báo này không được ghi trong văn bản thông cáo chung mà hai bên đã ký. Nhiều quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho là lời hứa của ông Trump có thể sẽ làm thay đổi triệt để vị thế quân sự thượng phong của Mỹ trong khu vực. Mặt khác, lời hứa này nếu được thực hiện còn có nguy cơ làm giảm năng lực đáp trả của phương Tây trước khả năng xảy ra một cuộc tấn công từ Triều Tiên.

2 ngày sau khi đạt thỏa thuận với Triều Tiên và tuyên bố ngừng tập trận với Hàn Quốc, lãnh đạo ngoại giao Mỹ đã phải sang các nước đồng minh châu Á để trấn an nhưng kết quả không như mong đợi. Giới quốc phòng Nhật Bản cảm thấy hụt hẫng khi Tổng thống Mỹ tuyên bố ông sẽ ngưng các cuộc tập trận "tốn kém" với Hàn Quốc, vốn từ lâu được Tokyo coi như một lá chắn chống lại mối đe dọa do Triều Tiên đặt ra.

Một cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn gần khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, tháng 4-2017.

Cố vấn của Thủ tướng Abe về các vấn đề đối ngoại, nhà lập pháp Katsuyuki Kawai thuộc Đảng Dân chủ Tự do (LDP), tỏ ra kinh ngạc trước việc ông Trump viện dẫn lý do tài chính để đình chỉ các cuộc tập trận chung, trước đây vẫn được Washington coi là quan trọng để chặn đứng những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông nói: "Tôi nghĩ rằng hội nghị thượng đỉnh vừa rồi đã lay tỉnh người dân Nhật để họ nhận ra rằng phó mặc số phận của đất nước mình cho một quốc gia khác là điều nguy hiểm".

Một số nhà lập pháp Nhật tin rằng Tokyo đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Washington thoạt tiên nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải bao gồm cam kết của Triều Tiên phải “giải trừ hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, một lập trường được Nhật Bản hậu thuẫn.

Tuy nhiên, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, cho rằng Tổng thống Trump không mấy lưu tâm tới nội dung, thực chất của hội nghị mà ông lo lắng nhiều hơn tới ý kiến của người khác về ông, về vai trò của ông ở Singapore như thế nào.

Các quan tâm của Nhật Bản về an ninh trùng hợp với những căng thẳng về thương mại giữa nền kinh tế lớn nhất và nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, càng làm tăng những mối lo về ông Trump, một nhân vật chỉ thích thương lượng làm ăn sẽ khiến ông nối kết các quan hệ kinh tế với vấn đề quốc phòng.

Theo các chuyên gia, điều đó có nghĩa là Mỹ có thể tăng áp lực với Nhật, buộc nước này mua nhiều thiết bị quân sự hơn, hoặc có thể, chi nhiều tiền hơn để tài trợ cho lực lượng 50.000 quân Mỹ trú đóng tại Nhật Bản, mặc dù hiện nay Tokyo đã phải gánh vác phần lớn các tổn phí liên quan tới sự hiện diện của các binh sĩ Mỹ tại đây.

Ông Trump đã áp thuế lên các mặt hàng thép và nhôm do Nhật Bản sản xuất, và ông đang đe dọa sẽ có hành động tương tự với xe hơi do Nhật Bản sản xuất. Ông Trump còn rút ra khỏi Hiệp định Hợp tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận mà trong thời gian qua, Thủ tướng Abe đã vận động và cổ vũ như một lực đối trọng chống Trung Quốc.

Khi Mỹ đã tuyên bố như vậy, Nhật Bản không thể ra mặt đối đầu với Triều Tiên như trước vào lúc này mà chọn cách ném đá dò đường. Theo hãng tin Reuters, ngày 22-6, một quan chức tại thành phố Yaita ở miền bắc Nhật Bản đã xác nhận rằng chính quyền thành phố được thông báo là Chính phủ Nhật Bản đã quyết định ngừng các cuộc luyện tập đã được lên kế hoạch, “căn cứ vào tình hình quốc tế” hiện nay.

Quyết định dừng diễn tập chống Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Abe cũng đang mong muốn một cuộc họp thượng đỉnh với lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong-un để giải quyết vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc trước đây. Theo một vài nguồn tin thông thạo về các vấn đề Triều Tiên, các giới chức Triều Tiên đang tiến hành việc chuẩn bị cho cuộc gặp giữa Thủ tướng Abe và lãnh đạo Kim Jong-un, có thể diễn ra sớm nhất vào tháng tới.

Đan Kô (tổng hợp)
.
.