Nhật - Hàn tìm kiếm một thỏa hiệp

Thứ Hai, 23/12/2019, 12:17
Phủ Tổng thống Hàn Quốc ngày 18-12 xác nhận Tổng thống Moon Jae-in sẽ hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn dự kiến diễn ra ngày 24-12 tại Thành Đô, Tứ Xuyên.

Trước đó, phát biểu tại một sự kiện ở Tokyo ngày 13-12, Thủ tướng Nhật Bản cũng nói rằng ông sẽ tham dự Hội nghị thượng đỉnh tại Thành Đô, đồng thời nhân dịp này hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Theo giới quan sát, các vấn đề nổi cộm trong quan hệ song phương như quy chế xuất khẩu của Tokyo và Hiệp định Đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn Quốc - Nhật Bản dự kiến sẽ là chủ đề chính mà hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung trao đổi.

Căng thẳng giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á leo thang kể từ tháng 10-2018 khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho những nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong thời gian Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910 đến năm 1945. Căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên cao sau khi Nhật Bản hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chip điện tử và màn hình - các lĩnh vực mũi nhọn của Hàn Quốc và loại Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách Trắng” gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại.

Đáp lại, Hàn Quốc thông báo quyết định không gia hạn GSOMIA được Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc ký năm 2016. Tuy nhiên, chỉ vài giờ trước khi GSOMIA hết hiệu lực, ngày 22-11, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gia hạn thỏa thuận này kèm theo một số điều kiện.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp mặt tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, ngày 28-6.

Tiếp xúc ngoại giao

Trước đó, hãng thông tấn Kyodo cho biết Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi và người đồng cấp Hàn Quốc Kang Kyung-wha đi đến nhất trí về sự tiếp xúc cấp cao của hai nước sau cuộc gặp kéo dài 10 phút tối 15-12 bên lề Hội nghị ngoại trưởng các nước Á - Âu (ASEAM) ở Madrid (Tây Ban Nha).

Trong cuộc hội đàm kéo dài 10 phút, hai ngoại trưởng đã thảo luận về các quy định kiểm soát xuất khẩu, cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Bà Kang kêu gọi Nhật Bản sớm rút lại những hạn chế đã áp đặt với hoạt động xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hai bên cũng khẳng định sẽ đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh tại Thành Đô.

Trả lời báo giới về kết quả cuộc gặp, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hạ thấp kỳ vọng đạt được bất kỳ giải pháp nhanh chóng nào đối với tranh chấp thương mại song phương. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Suga nói: “Chúng tôi hướng đến sự đánh giá toàn diện”, ám chỉ một giải pháp sẽ mất nhiều thời gian.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-san đang tìm cách thiết lập một quỹ bồi thường cho các lao động thời chiến của Hàn Quốc trong đó có một lựa chọn cho phép các công ty Nhật Bản đóng góp cho quỹ bồi thường này. Quỹ sẽ chi tổng cộng 300 tỷ won (27,7 tỷ yen) cho 1.500 người, trong đó có những lao động bị buộc phải làm việc cho các công ty Nhật Bản trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên.

Trước đó, trong chuyến thăm Tokyo hồi đầu tháng 11, Tổng thống Moon đã đề xuất thành lập một quỹ như vậy nhưng các chi tiết cụ thể không được công khai. Hãng tin Yonhap cho biết dự luật này quy định quỹ hiện tại dành cho các lao động thời chiến trước đây sẽ được chuyển thành quỹ mới, trong đó các công ty và người dân của cả hai nước có thể đóng góp tài chính.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi gần 5 tỷ won/năm cho việc vận hành quỹ. Bên cạnh đó, Hàn Quốc sẽ sử dụng 6 tỷ won từ một quỹ hỗ trợ cho những “phụ nữ mua vui” do Nhật Bản tài trợ nhưng đã bị giải thể để tài trợ một phần chi phí về việc thành lập quỹ.

Khủng hoảng thương mại

Trong khi đó, giới chức thương mại cấp cao của Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 16-12 đã bắt đầu cuộc đàm phán nhằm tháo gỡ những tranh chấp thương mại kéo dài nhiều tháng qua. Đây là cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Nhật Bản áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các nguyên liệu công nghệ cao của Hàn Quốc, vốn đẩy mối quan hệ vốn đang được thử thách của hai nước đồng minh của Mỹ này rơi vào cuộc khủng hoảng mới. 

Cuộc gặp lần đầu tiên trong vòng ba năm rưỡi qua của ông Yoichi Iida, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát thương mại thuộc Bộ Thương mại Nhật Bản và người đồng cấp Hàn Quốc, Lee Ho-Hyeon, đã diễn ra ở Tokyo. Nội dung thảo luận bao gồm những quy định thắt chặt của Nhật Bản đối với xuất khẩu 3 loại vật liệu công nghệ cao của mình sang Hàn Quốc và việc Tokyo loại Seoul ra khỏi danh sách các nước được hưởng ưu đãi thương mại.

Trong cuộc đàm phán kéo dài hơn 10 giờ đồng hồ này, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến các hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước, bao gồm quy định về các công nghệ nhạy cảm.

Tại cuộc đàm phán, các quan chức Nhật Bản và Hàn Quốc đã tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước và nhất trí tiếp tục đàm phán để giải quyết tranh cãi thương mại kéo dài nhiều tháng qua.

Trong một tuyên bố, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nêu rõ: “Hai nước có thể tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về hệ thống quản lý xuất khẩu của mỗi nước... và nhất trí tiếp tục liên lạc và đàm phán để góp phần giải quyết vấn đề (tranh cãi thương mại) cũng như cung cấp cập nhật về những việc nên làm trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu của mỗi nước và biện pháp thực thi”. Theo bộ này, hai bên cũng nhất trí tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo tại Seoul vào “thời điểm sớm nhất có thể”.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshi Kajiyama cho biết việc quan chức hai nước đối thoại được với nhau đã là một tiến triển đáng khích lệ. Ông nhấn mạnh đối thoại sẽ giúp hai nước đưa ra các quyết định.

Tuy nhiên, hãng tin AP dẫn lời ông Suga tại cuộc họp báo này khẳng định rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản là một phần trách nhiệm quốc tế của đất nước, đồng thời khẳng định đây là chính sách nhất quán và không thay đổi. Ông nói: “Chúng tôi kêu gọi Hàn Quốc hành động một cách khôn khéo”.

Theo các nhà phân tích, những tiến triển trong cuộc đối thoại cấp cao Hàn - Nhật sắp tới sẽ là bước đi quan trọng đầu tiên để hai bên dỡ bỏ những bất đồng trong tương lai. Điều quan trọng là Nhật Bản và Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm cho sự phát triển hòa bình ở Đông Á.

Cả Seoul và Tokyo đều có lợi ích trong việc hợp tác đối với những vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững trong kinh tế thế giới và tình hình an ninh khu vực. Cuộc chiến thương mại hiện nay là một sự chệch hướng không đáng có của quan hệ hai nước.

Nam Sơn
.
.