Nhật - Mỹ: Phía sau Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm Mỹ bắt đầu ở thành phố Boston thuộc miền Đông và kết thúc ở thung lũng điện tử Silicon Valley ở miền Tây nước Mỹ. Trong ngày đầu tiên ở Boston, ông sẽ ghé thăm 2 trường đại học danh tiếng là Harvard và MIT, tiếp xúc với các doanh gia Mỹ - Nhật và dùng bữa tối ở nhà riêng của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, trước khi đến Washington để hội đàm với Tổng thống Obama ở Nhà Trắng và dự quốc yến do Tổng thống Obama cùng phu nhân khoản đãi.
Đến ngày 29/4, ông Abe sẽ là nhà lãnh đạo Nhật Bản đầu tiên được mời đọc diễn văn trước Quốc hội Liên bang Mỹ, để trình bày về tầm quan trọng của mối quan hệ chiến lược giữa Washington và Tokyo, và vai trò của Tokyo với thế giới trong tương lai.
Có tin nói rằng trong bài diễn văn này, Thủ tướng Abe sẽ nhắc lại chuyện quá khứ, tức những gì mà Nhật đã làm trong Thế chiến II và những gì Nhật Bản đã đóng góp cho hòa bình toàn cầu sau ngày chiến tranh kết thúc. Tuy nhiên, tin tức cũng nói rằng ông Abe sẽ không ngỏ lời xin lỗi các nước láng giềng về những hành động mà Nhật đã làm khi đô hộ các nước này, cho dù quan hệ giữa Nhật, Trung Quốc và Hàn Quốc đang gặp khó khăn cũng vì điều này.
Riêng với quan hệ giữa Nhật và Mỹ, các chuyên gia cho rằng sẽ không có diễn biến mới xảy ra trong lúc ông Abe có mặt tại Washington, đặc biệt là cuộc đàm phán về bản Hiệp định TPP mà Nhật và Mỹ đang thực hiện. Trước khi ông Abe đến Mỹ, giới chức Nhật nói rằng 2 bên đã đạt được một số thành quả tốt nhưng vẫn chưa giải quyết được một số điểm quan trọng, chẳng hạn như Nhật không đồng ý mở rộng thị trường gạo nội địa để mua hàng do Mỹ sản xuất, hoặc chuyện Mỹ không đồng ý hủy bỏ mức thuế đang đánh trên mặt hàng phụ tùng xe hơi đang nhập khẩu từ Nhật.
Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng song phương, người ta hy vọng có tiến triển. Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe diễn ra trong lúc các giới chức cao cấp của Mỹ và Nhật hoàn tất những văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng để phản ánh vai trò lớn hơn của Nhật trong công tác bảo vệ an ninh cho chính quốc gia của họ. Văn kiện hướng dẫn được cập nhật lần đầu tiên kể từ năm 1997 sẽ nới rộng đáng kể vai trò của Nhật trong liên minh và cung cấp một cơ chế để Nhật Bản hỗ trợ nhiều hơn cho các lực lượng của Mỹ.
Trong cuộc diễn thuyết tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington, Đại sứ Nhật tại Mỹ, Kenichiro Sasae, nói rằng hướng dẫn mới sẽ được tiếp nối bằng công tác lập pháp về an ninh phù hợp với quyết định hồi năm ngoái của nội các để thay đổi sự diễn giải bản hiến pháp chủ hòa nhằm cho phép Nhật tiến hành những hoạt động quân sự hỗn hợp để tự vệ.
Giáo sư Jefferey Kingston, một chuyên gia về các vấn đề châu Á của Đại học Temple Tokyo, cho rằng sáng kiến của Thủ tướng Abe về "chủ nghĩa hòa bình chủ động" là một sự chuyển đổi hết sức lớn lao trong chính sách an ninh của Nhật. Ông nói rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là nguyên do chính dẫn tới sự thay đổi này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham quan Thư viện Tổng thống John F. Kennedy ở Boston, ngày 26/4/2015. |
Năm 1997, ngân sách quốc phòng Trung Quốc là 10 tỉ USD. Năm ngoái, con số này đã lên tới 144 tỉ và có rất nhiều những hành động quyết liệt về vụ tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa hai nước. Cho nên, sự trỗi dậy của Trung Quốc và những mối quan tâm về tham vọng bá quyền của họ ở châu Á đang đẩy Mỹ và Nhật tới gần nhau hơn. Và ông Abe rất muốn có được một sự cam kết của Mỹ để hậu thuẫn cho Nhật trong trường hợp xảy ra một tình huống bất ngờ liên quan tới những hòn đảo có tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Tuy nhiên, ông Kingston cho biết sự ủng hộ của dân chúng Nhật đối với chủ nghĩa hòa bình chủ động rất yếu ớt: với 23% tán đồng và 68% chống đối. Ông nói rằng những cam kết trong văn kiện hướng dẫn mới về quốc phòng vượt khỏi sự ủng hộ của quốc hội và công chúng Nhật và điều đó có thể tạo ra căng thẳng giữa hai nước.
Chuyến thăm Mỹ lần này của Thủ tướng Abe là muốn Mỹ ghi rõ trong văn kiện giải thích hợp tác chiến lược quốc phòng giữa 2 nước rằng Washington cam kết sẽ bảo vệ tất cả những vùng đất hay vùng biển mà Nhật đang sở hữu, tức được quản lý bằng đơn vị hành chính. Cho đến chiều 27/4, chưa có một chi tiết nào về phản ứng của Mỹ trước đòi hỏi của đồng minh Nhật Bản.
Bàn về mối quan hệ Trung - Nhật - Mỹ trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Abe, chuyên viên hàng đầu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Nga, Andrei Ivanov nhận xét: "Sứ mệnh của ông Abe ở Washington là rất phức tạp và thậm chí bất khả thi, trước hết bởi thực trạng quan hệ mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc. Họ là những đối tác thương mại - kinh tế lớn nhất.
Tuy nhiên, nước Mỹ đã không thể làm cho Trung Quốc trở thành đối tác và đồng minh chính trị của mình, vì Washington luôn bị ám ảnh bởi ý tưởng chiếm giữ vai trò vị cứu tinh và thủ lĩnh toàn cầu, không cần đến các đối tác bình đẳng mà chỉ muốn có chư hầu - thuộc hạ. Cũng bởi lý do tương tự, mà Mỹ đã đẩy Nga ra xa mình. Còn Tokyo thì Washington luôn đã và đang xem chỉ như một công cụ thuần túy để bảo vệ lợi ích của Mỹ ở châu Á. Người Mỹ sẽ cố giữ chức năng này của Nhật Bản trong thời hạn dài lâu hơn nữa".
Vì vậy, theo đánh giá của Andrei Ivanov, nếu ông Abe muốn có cam kết của người Mỹ về tình bạn và sự giúp đỡ lẫn nhau, thậm chí là một vài đảm bảo an ninh nào đó trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh, thì Thủ tướng Nhật Bản có lẽ sẽ nhận được. Nhưng chỉ thế thôi không giúp dẫn đến tăng cường an ninh thực sự cho đất nước Nhật Bản. Hơn thế nữa, không giúp gì để Nhật Bản tìm kiếm con đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.