Nhật - Mỹ siết chặt quan hệ đồng minh, bảo vệ lợi ích chung

Thứ Năm, 16/02/2017, 11:25
Tổng thống Mỹ cam kết bảo vệ nước Nhật khi bị bên thứ ba tấn công; bảo vệ tối đa các lợi ích chung của liên minh hai nước. Đáp lại, nước Nhật cũng nhượng bộ Mỹ về vấn đề căn cứ quân sự Mỹ đóng trên đất Nhật, tăng hợp tác, đầu tư cùng có lợi... trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương đầy biến động liên minh Mỹ - Nhật tiếp tục được củng cố, siết chặt.

Mỹ sẽ can thiệp khi Nhật Bản bị tấn công

Báo Yomiuri (Nhật Bản) đã công bố một số kết quả nổi bật cuộc gặp thượng đỉnh giữa tân Tổng thống D.Trump và Thủ tướng S.Abe. Theo đó, kết quả quan trọng nhất là hai bên xác định tiếp tục tăng cường quan hệ đồng minh dựa trên sự tin cậy cá nhân.

Hai bên cùng mong muốn liên kết chặt chẽ trong cả lĩnh vực kinh tế và chính trị vì sự thịnh vượng, hòa bình ở châu Á. Sau cuộc hội đàm tại Washington, lãnh đạo hai nước đã ra tuyên bố chung Nhật-Mỹ khẳng định quyết tâm mạnh mẽ nâng quan hệ hợp tác kinh tế, đồng minh quân sự giữa hai quốc gia lên một tầm cao mới.

Tổng thống Trump cùng Phu nhân và Thủ tướng Nhật Bản cùng Phu nhân (hai người vẫy tay) trong cuộc đón tiếp tại Mỹ. Ảnh: Toronto Star.

Một trong những điều mong muốn của phía Nhật Bản đã được Mỹ đáp ứng khi Mỹ khẳng định bảo vệ quần đảo quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) thuộc tỉnh Okinawa của Nhật Bản, là đối tượng áp dụng của điều 5 Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ, đồng thời thống nhất về tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên pháp luật quốc tế, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không trên các khu vực biển.

Hai bên xác định, dù có những ý kiến khác nhau cũng có thể nhượng bộ và đi tới một thỏa thuận mang tính xây dựng. Theo điều khoản này, Mỹ sẽ can thiệp nếu một trong những vùng lãnh thổ do chính quyền Nhật Bản kiểm soát bị nước thứ ba tấn công.

Mối quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ được củng cố và tiếp tục đóng vai trò nền tảng trong chính sách an ninh của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ sẽ kề vai sát cánh với Nhật Bản và thực hiện các cam kết an ninh giữa hai nước. Quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản là cốt lõi của quan hệ đồng minh, do đó cần duy trì bền vững. Nhật Bản và Mỹ đã thống nhất sớm tổ chức cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao, Quốc phòng giữa hai nước (2+2), xem xét các chính sách cụ thể nhằm nâng cao năng lực cùng ứng phó, xử lý tình huống giữa quân đội Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật Bản.

Nhật Bản và Mỹ tăng cường hợp tác quốc phòng, nâng cao hiệu quả thực chất của quan hệ đồng minh là nhằm kiềm chế tối đa hoạt động khiêu khích phóng tên lửa, thử hạt nhân từ Triều Tiên, cũng như bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải trên biển. Thực hiện "chủ nghĩa hòa bình tích cực", Nhật Bản đang thể hiện vai trò quan trọng, trách nhiệm đối với thế giới thông qua hoạt động của lực lượng phòng vệ.

Căn cứ quân sự Futenma: Điểm sáng hợp tác quân sự Mỹ - Nhật

Trước chuyến thăm của Thủ tướng S.Abe, lãnh đạo hai nước thống nhất xác nhận "phương pháp giải quyết duy nhất" đối với vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ tại Okinawa. Chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu hoạt động xây dựng ở ngoài khơi trong khuôn khổ kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ tại tỉnh Okinawa.

Đây là một phần kế hoạch mà Tokyo và Washington đã nhất trí, di dời căn cứ này từ khu vực đông dân cư ở thành phố Ginowan tới khu vực duyên hải Henoko ở thành phố Nago cũng thuộc tỉnh Okinawa, được cho là khu vực tách biệt và an toàn hơn. Phía Nhật Bản đã khẳng định kế hoạch tái bố trí căn cứ Futenma theo thỏa thuận với Washington là "giải pháp duy nhất" để loại bỏ các nguy hiểm mà căn cứ này có thể gây ra đối với địa phương mà không làm tổn hại sức mạnh của liên minh an ninh Nhật - Mỹ. Để thực hiện dự án trên, Tokyo đã huy động nhiều nguồn nhân lực cùng các trang thiết bị hiện đại để đảm bảo đúng tiến độ đề ra.

Với Mỹ, các căn cứ quân sự hiện chiếm khoảng 75% diện tích tỉnh Okinawa với khoảng 30.000 quân nhân sống và làm việc có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi từ Okinawa, đặc biệt là từ căn cứ quân sự Futenma, máy bay và quân đội Mỹ có thể nhanh chóng phản ứng với các cuộc xung đột tiềm tàng trên khắp châu Á.

Nhờ tính linh hoạt như thế, Futenma đã trở thành một pháo đài của sức mạnh quân sự Mỹ sau Thế chiến thứ 2 và được coi là "hàng không mẫu hạm không thể chìm". Thế nhưng, các căn cứ quân sự của Mỹ ngày càng vấp phải sự phản đối của nhiều người dân địa phương bởi những vấn đề phức tạp mà nó gây ra, dù sự hiện diện của các căn cứ quân sự tại Okinawa đã mang lại lợi kinh tế cho tỉnh này.

Năm 2006, hai nước cũng đạt được thỏa thuận di dời căn cứ quân sự Futenma ra khỏi khu vực đông dân tại Ginowan về thành phố Nago, nằm ở khu vực sát biển của Okinawa, và chuyển 8.000 lính thủy quân lục chiến về đảo Guam, Thái Bình Dương.

Như vậy, Mỹ cũng giảm bớt số quân lính trên đất Nhật Bản và căn cứ Futenma cũng rời khỏi khu vực Ginowan đông dân cư để về thành phố Nago thưa thớt. Sự thay đổi đó được xem như giúp "yên lòng dân".

Ngược lại, Futenma tuy di chuyển khỏi Ginowan nhưng địa điểm mới vẫn thuộc tỉnh Okinawa. Tại Nago, căn cứ Futenma vẫn không mất đi tính linh hoạt của nó. Và xem như "hàng không mẫu hạm không thể chìm" của Mỹ vẫn neo đậu ở Đông Á. Thỏa thuận này đã khiến cả Mỹ và Nhật Bản đều hài lòng.

Ngày 5-7-2016, chính phủ Nhật Bản và Mỹ đã đạt được thỏa thuận sửa đổi Hiệp ước quy chế các lực lượng Mỹ (SOFA) được ký kết năm 1960, nhằm quy định cách thức xử lý các vụ phạm tội do quân nhân và các nhân viên dân sự Mỹ đóng tại Nhật Bản gây ra.

Hai bên nhất trí phân định rõ 4 loại nhân viên dân sự được hưởng quy chế SOFA, gồm những người được chính phủ Mỹ trả lương để làm việc cho quân đội Mỹ tại Nhật Bản; những người làm việc trên tàu và máy bay do quân đội triển khai; những người làm việc cho Chính phủ Mỹ và sống tại Nhật Bản vì những mục đích chính thức liên quan đến quân đội; cùng các cố vấn kỹ thuật và chuyên gia sống tại Nhật Bản theo lời mời của quân đội Mỹ. Những người nào không thuộc vào 4 loại trên sẽ không được hưởng quy chế SOFA.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Nhật Bản tái bố trí căn cứ quân sự Mỹ ở Okinawa tiếp tục khẳng định mối quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật, đồng thời giúp giải tỏa mối quan ngại của chính quyền cũng như người dân tỉnh này.

Liên kết chặt chẽ và không có thái độ thù địch trong lĩnh vực kinh tế

Không chỉ tăng cường liên minh trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác sâu rộng về kinh tế, thương mại tự do cũng được hai nhà lãnh đạo Nhật - Mỹ quan tâm. Trong lĩnh vực kinh tế, lãnh đạo hai nước thống nhất tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Quan điểm về kinh tế, thương mại của hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau khi cả hai cùng muốn tìm kiếm sự liên kết mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia". Sự thịnh vượng của cả Mỹ và Nhật Bản chính là kết quả của sự liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia và không có thá độ thù địch.

Phu nhân Tổng thống Mỹ D.Trump và Phu nhân Thủ tướng Nhật Bản. Ảnh: CNN.com.

Dựa trên sự thống nhất này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso đã thống nhất với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thiết lập đối thoại kinh tế Nhật-Mỹ, mở rộng thảo luận từ chính sách tài chính, tiền tệ đến thương mại và các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng.

Nhật Bản coi trọng "quy tắc công bằng, tự do" và khẳng định dù có những quan điểm khác nhau về thương mại, song Nhật Bản và Mỹ không để xảy ra cuộc chiến thương mại gây tổn hại cho mỗi nước; thông qua sự hợp tác trong chính sách và các hoạt động chung để mang lại lợi ích cho nhau. Đây là mục đích rất quan trọng.

Trong lĩnh vực đầu tư, ông D.Trump cho biết "đang nỗ lực hết sức để chuẩn bị môi trường nhằm đón nhận nguồn đầu tư" từ Nhật Bản khi Nhật Bản đang xem xét các dự án đầu tư kinh tế với Mỹ nhằm tạo ra số lượng việc làm lên tới 70.000. Các ngân hàng của Nhật Bản và cơ quan tiền tệ liên quan của chính phủ nước này cho biết sẽ dành khoản vốn 17.000 tỷ yên trong 10 năm để đầu tư vào các dự án của Washington như xây mới hệ thống đường sắt với 3.000 tàu và xây dựng các tuyến đường cao tốc, cũng như tham gia các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân cỡ nhỏ, nhà máy điện khí.

Các dự án kinh tế lần này được Nhật Bản đề xuất không chỉ tạo ra việc làm cho Mỹ mà còn phù hợp với chiến lược tăng trưởng kinh tế của nước này như chủ trương thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Doanh nghiệp Nhật Bản đang kỳ vọng lớn vào cơ hội kinh doanh tại Mỹ sắp tới.

Tuy nhiên, để hợp tác kinh tế hiệu quả mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Nhật Bản, một điều không thể thiếu, đồng thời là tiền đề trong quan hệ hai nước, là tiếp tục phải xây dựng sự tin tưởng giữa hai quốc gia. Ông Trump đã nêu vấn đề mất cân bằng trong lĩnh vực xuất khẩu xe hơi giữa Mỹ và Nhật Bản, đồng thời chỉ trích Nhật Bản sử dụng chính sách hối đoái để hạ giá đồng Yên.

Mặc dù ông Abe không bác bỏ khả năng theo đuổi FTA với Mỹ song ông đã cam kết tiếp tục nỗ lực thuyết phục ông Trump về những lợi ích kinh tế và ý nghĩa chiến lược của TPP, mà nếu được thực hiện cùng với Mỹ sẽ trở thành một trụ cột quan trọng trong kiến trúc kinh tế châu Á và thế giới.

Báo chí Mỹ và Nhật Bản cho rằng, thành công với những thỏa thuận từ cuộc gặp thượng đỉnh với tân Tổng thống D.Trump giúp ông S.Abe có thêm nhiều cơ hội có thể dẫn dắt nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi khó khăn và chứng minh tính đúng đắn của Chính sách kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản S.Abe (Abenomics).

Ngược lại, thành công của cuộc gặp trên cũng giúp ông D.Trump có thêm cơ sở vững chắc để triển khai chính sách kinh tế, an ninh quốc phòng, đối ngoại của Mỹ đối với châu Á-Thái Bình Dương.

Sức mạnh kinh tế, công nghệ, chính trị và quân sự đã phân tán toàn cầu theo các cách mà khiến Mỹ không thể đơn phương theo đuổi các lợi ích của mình với chi phí có thể chấp nhận được và không thể bảo vệ được cho việc duy trì không hạn định ưu thế kinh tế và quân sự của mình trên khắp thế giới. Cần gắn kết lại các mối quan hệ đồng minh như Mỹ-Nhật, Mỹ - Hàn Quốc là vô cùng quan trọng để Mỹ tiếp tục duy trì chính sách với châu Á-Thái Bình Dương.

Đúng như nhận định của các Thượng nghị sĩ John McCain (Chủ tịch Ủy ban Quân lực của Thượng viện) và Marco Rubio, Ben Cardin và Jack Reed trên kênh CNN rằng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Washington, đã cho thấy Mỹ đang có cơ hội quan trọng để tái khẳng định cam kết của mình đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mỹ và các đồng minh đã duy trì và bảo vệ trật tự này vì lợi ích quốc gia của mình. Trong bối cảnh thách thức khu vực leo thang, hay nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên, Mỹ phải khẳng định lập trường này một lần nữa.

Mỹ cần đầu tư nhiều hơn nữa để nâng cấp vị thế, đối phó được với các thách thức. Quân đội Mỹ cũng cần tiếp tục cho máy bay, tàu bè hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.

Trên bán đảo Triều Tiên, Mỹ phải hợp tác với Hàn Quốc để đảm bảo một hệ thống ngăn chặn mở rộng nhiều lớp, bao gồm việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Sự thành công của Mỹ tại khu vực không chỉ dựa trên sức mạnh quân sự mà còn dựa trên giá trị và cần được đảm bảo bởi những chính sách ngoại giao khôn khéo.

Mỹ cần hợp tác với các đồng minh để làm sâu sắc và mở rộng các cơ chế đang nổi lên của châu Á, trong đó có Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương. Giờ là lúc để hợp tác, không phải để thoái lui, và nước Mỹ cần sẵn sàng hợp tác với không chỉ chính quyền Nhật Bản, mà là các đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương.

Nguyễn Hòa
.
.