Về chuyến thăm Đông Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ:

Nhiều gai góc trong bối cảnh khó lường

Thứ Sáu, 29/11/2019, 10:16
Chuyến thăm châu Á lần thứ hai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper diễn ra vào thời điểm đặc biệt khi mà Đông Á đang chứng kiến những biến động lớn.

Tình trạng ảm đạm trong thương lượng về việc chia sẻ gánh nặng tài chính của liên minh quân sự ở Đông Bắc Á, một CHDCND Triều Tiên ngày càng cứng rắn trong đàm phán hạt nhân, việc thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo của hai đồng minh chủ chốt Hàn Quốc và Nhật Bản sắp hết hạn và tình hình ở Biển Đông là những nội dung chính trong chuyến công du khu vực của ông Esper lần này.

Trước chuyến đi của ông Esper, Bộ Quốc phòng Mỹ đã xuất bản một bài viết nhấn mạnh vai trò của các đối tác khu vực. Bài viết khẳng định: “Mạng lưới liên minh của Mỹ là lợi thế chiến đấu lớn nhất, và không nơi nào quan trọng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, vốn được Bộ trưởng Quốc phòng Esper gọi là vũ đài ưu tiên của Hoa Kỳ”.

Tuy nhiên, nhìn vào các tuyên bố và hành động của chính quyền Tổng thống Donald Trump, vẫn chưa rõ là Washington có hoàn toàn nhận ra chính xác những gì họ cần ưu tiên hay bởi Mỹ giờ đây muốn giảm bớt sự cam kết đối với khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ trong cuộc tiếp xúc mới đây.

Bế tắc ở Bán đảo Triều Tiên

Trước hết, vấn đề chia sẻ chi phí nói riêng đang gây bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và đồng minh Hàn Quốc. Chính quyền Tổng thống Trump đang đưa ra những yêu cầu to lớn và quá đáng đối với Hàn Quốc - nước đóng góp đáng kể cho sự gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bên cạnh Nhật Bản.

Hãng tin Reuters cho biết, cuộc gặp giữa các quan chức Mỹ và Hàn Quốc tại Seoul, Hàn Quốc hôm 20-11 đã kết thúc sớm, chỉ khoảng 80 phút sau khi 2 bên bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán. Phát biểu tại cuộc họp báo hiếm hoi sau cuộc họp, nhà đàm phán của Mỹ James DeHart cho biết Mỹ đã bỏ ngang việc đàm phán để cho phía Hàn Quốc “thời gian xem xét lại”.

“Thật không may, các đề xuất mà nhóm đàm phán Hàn Quốc đưa ra không đáp ứng yêu cầu của chúng tôi về chia sẻ gánh nặng công bằng và bình đẳng”, ông DeHart nói.

Nhà đàm phán của Hàn Quốc Jeong Eun-bo cũng xác nhận có sự khác biệt đáng kể giữa đề xuất tổng thể của phía Mỹ và các nguyên tắc mà Hàn Quốc theo đuổi. “Đàm phán không thể tiến hành theo kế hoạch vì phía Mỹ đã bỏ ngang cuộc họp”, ông Jeong cho hay. Theo ông Jeong, Mỹ đòi Hàn Quốc tăng mạnh phần đóng góp của họ, trong khi Hàn Quốc muốn tìm một “giải pháp chia sẻ gánh nặng quốc phòng mà 2 bên đều có thể chấp nhận”.

Trước đó, các nghị sĩ Hàn Quốc tiết lộ rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn Hàn Quốc tới đây phải chi ra ngót 5 tỷ USD mỗi năm cho chi phí liên quan đến sự hiện diện của binh sĩ Mỹ ở nước này. Con số này cao hơn 5 lần so với số tiền 890,54 triệu USD mà Hàn Quốc đồng ý trả trong năm nay. 2 bên không công khai xác nhận con số trên nhưng ông Trump trước đó từng tuyên bố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong và xung quanh Hàn Quốc là “lớp bảo vệ trị giá 5 tỷ USD”.

Lập luận rằng Hàn Quốc là một “quốc gia giàu có”, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra lập luận mà Seoul “có thể và nên” phải trả nhiều tiền hơn. Điều đó không gây tranh cãi mà điều cần bàn ở đây là đòi hỏi hiện tại của Mỹ - rằng Hàn Quốc phải tăng gấp 4 lần mức đóng góp - khiến Seoul không mấy hài lòng.

Tàu chiến Mỹ hiện diện ngày càng nhiều tại các điểm nóng như một sự thách thức bành trướng.

Thật vậy, trước khi ông Esper đến Seoul, các lực lượng chính trị ở Hàn Quốc đều đồng thuận rằng Mỹ đang đối xử với nước này "chưa thỏa đáng". Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chắc hẳn sẽ phải đối mặt với sự phản đối chính trị nếu chấp nhận những yêu cầu của Mỹ.

Mặt khác, Tổng thống Trump có lẽ đang tìm kiếm một cái cớ để rút quân đội Mỹ khỏi Bán đảo Triều Tiên, điều mà ông đã nói bóng gió từ chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm 2015 và 2016. Đối với CHDCND Triều Tiên, ông Esper đã cố gắng giữ gìn không gian cho ngoại giao, ngay cả khi triển vọng của một thỏa thuận Mỹ-Triều có vẻ phù phiếm hơn bao giờ hết trong những tuần cuối năm 2019.

Ông nói: “Chúng tôi luôn phải linh hoạt trong cách chúng tôi hỗ trợ các nhà ngoại giao của mình để đảm bảo rằng chúng tôi không đóng bất kỳ cánh cửa nào có thể cho phép xuất hiện những tiến bộ trên mặt trận ngoại giao”. Mỹ và Hàn Quốc cũng đã nhất trí giảm bớt các cuộc tập trận không quân từng nhận về những lời chỉ trích gay gắt từ Bình Nhưỡng.

Nỗ lực cứu GSOMIA

Nhiệm vụ ngắn hạn cấp bách nhất của ông Esper trong khu vực dường như là nỗ lực ngăn cản Seoul chấm dứt Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự (GSOMIA) ký kết với Nhật Bản năm 2016. Hiệp định này cho phép hai đồng minh của Mỹ chia sẻ thông tin quân sự được phân loại một cách trực tiếp. Seoul tuyên bố hồi tháng 8 rằng họ sẽ không nối lại thỏa thuận trong nỗ lực trừng phạt Nhật Bản vì những gì họ coi là sự ép buộc không đáng có của Nhật Bản dưới hình thức kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc.

Trong bối cảnh hiệp định GSOMIA chỉ còn vài ngày nữa sẽ hết hiệu lực, Mỹ-Nhật-Hàn đã tiến hành cuộc họp quốc phòng ba bên Mỹ-Nhật-Hàn vào ngày 18-11 vừa qua tại Bangkok, Thái Lan. Cuộc họp được xem là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản và Hàn Quốc đạt được đột phá về SOMIA. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã hối thúc hai nước đồng minh ở châu Á vượt qua các vấn đề song phương đang làm tổn hại đến những nỗ lực của ba bên.

Một đơn vị lính Mỹ đồn trú trên đất Hàn Quốc.

Tuy nhiên, nỗ lực “cứu” GSOMIA đã không thành công khi cả Mỹ, Nhật và Hàn Quốc không đưa ra được giải pháp nào cho vấn đề hiện nay. Thay vào đó, kết thúc hội đàm, ba nước lại ra tuyên bố chung, trong đó khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, thiết lập phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết, hai bên gặp bế tắc xoay quanh các quan điểm hiện nay về GSOMIA, theo kế hoạch sẽ hết hạn vào ngày 23-11 tới và đánh giá hợp tác các bên đang đối mặt với nhiều khó khăn do căng thẳng Nhật-Hàn, đồng thời cho biết đã không nhận được phản hồi tích cực nào từ Tokyo.

Trước thực trạng đối thoại Mỹ-Nhật-Hàn về GSOMIA không đạt được đột phá, giới phân tích lo ngại, việc phá bỏ hiệp định này không chỉ gây hại cho Nhật Bản và Hàn Quốc khi hai bên có thêm nhiều khoảng trống về thông tin quân sự, mà còn có thể làm suy yếu quan hệ đồng minh an ninh ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ, từ đó dẫn tới những thay đổi lớn trong các cấu trúc kinh tế và an ninh đã tồn tại ổn định từ lâu trong khu vực.

Biển Đông căng thẳng

Một vấn đề nổi cộm nữa trong chuyến đi của ông Esper chính là Biển Đông. Cộng đồng quốc tế coi các hành động áp đặt chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực là vi phạm luật pháp quốc tế. Mỹ cũng cáo buộc Trung Quốc quân sự hóa các đảo trên biển và thường xuyên triển khai tàu chiến trong khu vực này như một trong những hoạt động nhằm thách thức và đe dọa quyền “tự do hàng hải”.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, tại Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) mở rộng diễn ra hôm 18-11, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã nói với người đồng cấp Mỹ Esper rằng Washington phải ngừng “phô diễn sức mạnh” ở Biển Đông, đồng thời tuyên bố rằng tàu sân bay mới được sản xuất ở nước họ đã hướng ra Biển Đông với mục đích đào tạo và nghiên cứu.

Cũng trong thời gian trên, một bài viết trên tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết việc thử nghiệm "sẽ cho phép phi hành đoàn tàu sân bay làm quen với khu vực biển nơi họ sẽ thường xuyên đi qua trong tương lai”. Bài viết cho biết thêm nếu việc huấn luyện ở Biển Đông thành công, tàu sân bay có thể sớm được đưa vào hoạt động tại một buổi lễ ở Tam Á, một thành phố cảng ở phía Nam tỉnh Hải Nam.

Cuộc họp của hai bộ trưởng diễn ra vào thời điểm căng thẳng đối với quan hệ Washington và Bắc Kinh. Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7-2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Đầu tháng này, các quan chức hai nước cho biết Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu thỏa thuận này được hoàn tất.

Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo quân sự Hàn Quốc - Nhật Bản nhận được những phản ứng khác nhau.

Ngày 12-11 vừa qua, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại, song cũng cảnh báo Washington sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu của Bắc Kinh nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận. Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng dự báo việc hoàn tất giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể lùi sang năm tới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger ngày 21-11 cũng cảnh báo rằng một cuộc xung đột vũ trang có thể bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu hai bên không giải quyết được cuộc chiến thương mại đang diễn ra hiện nay. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg - một hội nghị tổ chức ở Bắc Kinh về tương lai của hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này, ông Kissinger nói: "Nếu cuộc xung đột diễn ra mà không bị ngăn cản thì kết quả của nó có khả năng còn tồi tệ hơn cả cuộc xung đột ở châu Âu. Chiến tranh thế giới thứ nhất đã bùng nổ do một cuộc khủng hoảng tương đối nhỏ... và hiện nay các vũ khí có sức công phá lớn hơn".

Chính sách ngoại giao của chính quyền Tổng thống Donald Trump mà ông Esper là người mới nhất được chọn để triển khai, với cách làm khác biệt thông thường đã đẩy nhanh sự vận động của các mâu thuẫn hiện có tại châu Á nói riêng và thế giới nói chung. Tổng quan chính sách toàn cầu của ông Donald Trump dường như có cho thấy một xu hướng chung là thu hẹp ở các khu vực khác nhưng lại có xu hướng mở rộng ở Đông Á.

Tuy nhiên, cách thức triển khai của chính quyền hiện tại ở Washington tỏ ra khó đoán định và việc nắm bắt ý đồ thật sự của giới hoạch định chính sách của Mỹ dường như là một bài toán khó trong bối cảnh cấu trúc quyền lực khu vực đang ngày càng biến đổi khó lường.

Nam Sơn
.
.