Nhiều nước bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Thứ Tư, 29/07/2020, 10:33
Cho tới nay, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á hải đảo gồm Indonesia, Malaysia, Philippine và Brunei đã lên tiếng bày tỏ lập trường về vấn đề Biển Đông, trong đó khẳng định Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và luật pháp quốc tế phải được sử dụng để làm cơ sở đàm phán liên quan đến Biển Đông.

Trong Công hàm số 20/026 ngày 23-7 vừa qua được gửi lên Liên Hợp quốc (LHQ) bác bỏ mọi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, Australia nhấn mạnh “không có cơ sở pháp lý” cho các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại vùng biển này, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới các công trình đảo nhân tạo trên các bãi cạn nhỏ hoặc bãi đá ngầm.

Có thể nói, văn kiện ngoại giao mà Australia cho lưu hành tại LHQ là động thái đáng chú ý tiếp sau một loạt phản ứng của các quốc gia trong khu vực trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng thể hiện sự khiêu khích ngang ngược với các hành động trên thực địa tại Biển Đông. Đáng chú ý, công hàm của Chính phủ Australia cũng khẳng định không chấp nhận tuyên bố của Trung Quốc trong công hàm gửi LHQ ngày 17-4-2020, nói rằng “các yêu sách chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được cộng đồng quốc tế công nhận”.

Sự có mặt của hạm đội Mỹ tại Biển Đông làm nóng tình hình.

Thậm chí, các chiến lược gia quốc phòng cao cấp của Australia đã thúc giục Thủ tướng Scott Morrison bật đèn xanh cho các hoạt động tự do hàng hải của các tàu chiến Australia ở Biển Đông sau khi Australia tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc trong vùng biển này là bất hợp pháp. Trước đó Anh, Pháp và Liên minh châu Âu cũng đã bày tỏ lập trường ủng hộ tự do hàng hải trên tuyến đường biển huyết mạch này và cho biết sẵn sàng cử các tàu chiến tham gia hoặc tự thực hiện Các hoạt động duy trì tự do hàng hải (FONOP) do Mỹ khởi xướng trong vùng biển đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xung đột này.

Khi ra tuyên bố về lập trường của Washington đối với những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã khẳng định Mỹ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, theo đó coi “các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các tài nguyên ở ngoài khơi trên hầu khắp Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp”.

Cho tới nay Mỹ đã tiếp tục mở rộng hoạt động của các tàu và máy bay ở Biển Đông. Nhiều máy bay trinh sát như RC-135, E-8C và P-8A đã bay vào khu vực này gần như liên tục trong tháng 6 và 7. Các máy bay ném bom B-1B và B-52H cũng bay qua Biển Đông nhiều lần. Cả trước lẫn sau khi tuyên bố mới được đưa ra, Hải quân Mỹ đã cử 2 tàu sân bay đi qua khu vực này và một ngày sau đó, họ đã tiến hành FONOP lần thứ 23 trong khu vực kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền (trong toàn bộ nhiệm kỳ của chính quyền cựu Tổng thống Obama, Mỹ chỉ thực hiện 4 FONOP). Mỹ cũng tuyên bố sẽ tăng cường hỗ trợ an ninh cho các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền, cung cấp cho họ radar và các trang thiết bị khác để giám sát các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ một cách hiệu quả hơn.

Giới phân tích nhận định, trong những tháng tới, Mỹ có khả năng sẽ gia tăng tần suất các FONOP cũng như các nhiệm vụ khác nhằm tăng cường sự hiện diện của mình ở biển. Ngoài ra, bằng việc tuyên bố rằng các hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp, Washington đã mở đường cho việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công dân và công ty Trung Quốc áp dụng chính sách của Bắc Kinh ở biển Đông. Điều này nếu thành sự thực sẽ đẩy căng thẳng Mỹ - Trung lên một cấp độ mới và Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm thực sự của căng thẳng này.

Cuộc tập trận chung của Mỹ và các đồng minh truyền đi nhiều thông điệp.

Tại Hội nghị Quan chức cao cấp Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) diễn ra ngày 21-7 theo hình thức trực tuyến, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwel đã tái khẳng định cam kết của Washington ủng hộ xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các cuộc đàm phán này - vốn được khởi động từ năm 2002 - vẫn chưa đi tới kết quả cuối cùng. Theo nguyên tắc đồng thuận, cả 10 nước ASEAN đều phải đạt được sự nhất trí trước khi có quyết định và không thể chối bỏ rằng sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với riêng lẻ từng quốc gia trong khối đã ảnh hưởng đến việc các bên cùng nhất trí về COC.

Ngoài ra, cho đến nay, Trung Quốc vẫn liên tục mô tả Mỹ là bên can thiệp vào tranh chấp và tự cho rằng mình đang phối hợp tốt với ASEAN thông qua tiến trình xây dựng COC. Tuy nhiên với việc Trung Quốc không ngừng xâm phạm vùng biển của Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam trong năm qua, câu chuyện này không thuyết phục được bất kỳ bên nào ở Đông Nam Á.

Tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 36 vào tháng 6-2020, đã ra đời một tuyên bố chung chưa từng có tiền lệ. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo ASEAN khẳng định Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 là “cơ sở cho việc xác định các quyền lợi trên biển, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp đối với các khu vực trên biển”. Việc các quốc gia Đông Nam Á đã làm là truyền đạt tới Bắc Kinh lập trường rõ ràng và có nguyên tắc rằng việc họ kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế không có nghĩa là họ đang hành động liên thủ với Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh của hai nước lớn này mà là bảo vệ các quyền chủ quyền và quyền lợi trên biển hợp pháp.

Các diễn đạt mới này rõ ràng và cụ thể hơn, đã xác tín những sự đề cập của ASEAN về việc “bảo vệ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS” trong các thông cáo, văn kiện trước đó và để có ý nghĩa về lâu dài, ngôn từ này cần được đưa vào các văn kiện của ASEAN trong tương lai. Và trong khi các bên có thể đạt được một tiến triển gì đó trong cuộc đàm phán COC, mọi hành động cố tình làm thay đổi hiện trạng, tạo sự đã rồi sẽ càng đẩy căng thẳng trên Biển Đông đi xa hơn đến một kịch bản không mong đợi.

Nam Sơn
.
.