Nhìn lại những trò xuyên tạc gây rối trong năm 2014

Thứ Hai, 02/02/2015, 10:35
Trước khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc (UNHRC) nhiệm kỳ 2014-2016 thì ngay từ năm 2009, Việt Nam đã tiến hành thực hiện báo cáo chu kỳ 1 của “Cơ chế kiểm định định kỳ phổ quát” về các vấn đề nhân quyền. Đến đầu tháng 2/2014, Việt Nam cũng đã thực hiện báo cáo chu kỳ 2 tại Liên Hiệp quốc (LHQ). Tất cả 2 lần báo cáo này đều được LHQ đánh giá cao.

Cay cú vì thất bại trong việc cố gắng ngăn cản Việt Nam trở thành thành viên của UNHRC, một số cá nhân, tổ chức người Việt ở nước ngoài cùng các thế lực thù địch lại tiếp tục tiến hành những chiến dịch vu cáo, xuyên tạc..

Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát là gì?

Là một trong những phương thức được LHQ thông qua nhằm giám sát tình hình nhân quyền trên thế giới, do UNHRC thực hiện, cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) có chức năng giúp cho UNHRC đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ, cam kết về các vấn đề nhân quyền tại các quốc gia là thành viên của LHQ.

Hội đồng Nhân quyền LHQ nghe Việt Nam báo cáo kiểm điểm định kỳ phổ quát.

Ðể tiến hành, trước đây mỗi năm Ủy ban Nhân quyền LHQ chọn một số quốc gia được cho là "có vấn đề nghiêm trọng về nhân quyền" để xem xét, đánh giá và đưa ra những khuyến cáo. Nhưng từ năm 2006, sau khi UNHRC ra đời để thay thế Ủy ban Nhân quyền LHQ, thì UNHRC thành lập một nhóm công tác, mỗi năm họp 3 kỳ, mỗi kỳ  2 tuần nhằm đánh giá tình hình nhân quyền ở 16 quốc gia.

Với  tiến trình như thế, mỗi năm UNHRC chỉ đánh giá được 48 quốc gia. Trong tổng số 192  quốc gia thành viên LHQ, phải mất 4 năm UNHRC mới kết thúc một chu kỳ báo cáo - và đó cũng là lý do tại sao năm 2009 Việt Nam thực hiện báo cáo chu kỳ 1, và đầu tháng 2-2014 thực hiện chu kỳ 2.

Ðể chuẩn bị soạn thảo bản báo cáo UPR, cuối năm 2012, Thủ tướng Chính phủ  đã đồng ý thành lập nhóm công tác liên ngành với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và Quốc hội. Việc soạn thảo dựa trên những kết quả của nhiều cuộc hội  thảo, các công trình nghiên cứu về từng lĩnh vực cụ thể, được tổ chức từ trung ương tới địa phương nhằm thu thập thông tin, xác định nội dung những vấn đề ưu tiên cần đề cập, các thách thức và định hướng trong thời gian tới trong việc bảo đảm các quyền  con người ở Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo tham vấn về Dự thảo Báo cáo quốc gia của Việt  Nam theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC, đại diện Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: "Việc tổ chức lấy ý kiến tham  vấn của tất cả các bên có liên quan không chỉ là nghĩa vụ theo hướng dẫn của UNHRC về quy trình soạn thảo báo cáo UPR, mà còn là cơ hội để các bên cùng trao đổi, đối thoại về chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc đảm bảo  quyền con người, các thành tựu đạt được và các thách thức cần giải quyết, qua đó  giúp báo cáo quốc gia theo cơ chế UPR của Việt Nam trở nên cân bằng, toàn diện  và phản ánh sát với tình hình thực tế đảm bảo quyền con người ở Việt Nam".

Tháng 8/2013, Dự thảo Báo cáo quốc gia theo UPR đã được phổ biến trên  website của Bộ Ngoại giao để tham vấn ý kiến và hoàn chỉnh. Ngày 3/12/2013, Vụ Các tổ chức quốc tế - Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã tổ chức lễ công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC. Bản báo cáo đã cho thấy các nỗ lực của Nhà nước Việt Nam - vừa hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người và quyền công dân, vừa xây dựng, triển khai những chính sách cụ thể, thiết thực nhằm tạo điều kiện giúp nhân dân Việt Nam được hưởng các quyền chính đáng của mình.

Và những trò… phá thối

Năm 2009, khi Việt Nam thực hiện báo cáo chu kỳ 1, một số cá nhân, tổ chức người Việt ở nước ngoài và các thế lực thù địch đã không ngừng tiến hành những chiến dịch nhằm xuyên tạc, bôi nhọ tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Tuy thất bại cay đắng nhưng họ không chịu rút ra bài học mà từ cuối năm 2013 đến nay, họ lại tiếp tục tổ chức những đợt tuyên truyền bịa  đặt, vu cáo Nhà nước Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Khác với năm 2009, lần này họ tổ chức rùm beng hơn, có phối hợp cả "trong" lẫn "ngoài" bài bản hơn. Ở nước ngoài, trong khi Nguyễn Ðình Thắng cùng cái tổ chức gọi là "Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS" liên tục tiến hành các cuộc hội thảo, tố cáo "Việt Nam vi phạm nhân quyền" thì tổ chức khủng bố Việt Tân cũng theo voi hít bã mía bằng cách gửi thư đi nhiều nơi, mời tham dự hội thảo "Trách nhiệm của Việt  Nam trong vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ (?!)".

Nguyễn Đình Thắng.

Sinh ra tại Ninh Bình, Nguyễn Đình Thắng theo gia đình vào Nam năm 1954 rồi sau đó học Trường Quốc gia hành chánh. Trước ngày 30/4/1975, Thắng là phó quận trưởng hành chánh của chính quyền Sài Gòn.

Năm 1979, Nguyễn Đình Thắng vượt biên rồi định cư ở Mỹ. Khi đứng ra thành lập BPSOS, Thắng khoe là mình đã tốt nghiệp ngành cơ khí tại Học viện Massachusset Institute Technology (M.I.T) với học vị tiến sĩ, và đã làm việc cho Hải quân Mỹ suốt 15 năm nhưng nhiều người Việt ở Mỹ biết rõ về Thắng, đã nói rằng Thắng chưa hề đặt chân vào giảng đường M.I.T ngày nào. Đặc biệt hơn, trên tờ Indochina Times (Đông Dương thời báo) xuất bản ở Mỹ, có bài viết khẳng định Nguyễn Đình Thắng chỉ theo học phân khoa "quản trị giáo dục" ở Đại học Pacific Western hệ đào tạo từ xa!

Thời điểm ấy, số người Việt Nam vượt biển khá đông. Một phần trong số đó là những người đã từng làm việc cho chế độ cũ, nay không thích ứng với cuộc sống mới, phần nữa là những người ra đi vì lý do kinh tế, hoặc đi vì sự tuyên truyền, xúi giục của các tổ chức phản động người Việt ở nước ngoài. Nắm bắt cơ hội này, Nguyễn Đình Thắng cho ra đời cái gọi là BPSOS mà mục đích không ngoài việc kích động người dân trong nước bỏ đi càng nhiều càng tốt để Thắng cùng đám tay chân có cớ lu loa, rằng ở Việt Nam không có tự do, nhân quyền, cũng như lợi dụng hai chữ "cứu người", để vận động quyên góp tiền bạc trong cộng đồng người Việt!

Theo tiết lộ của một số báo chí người Việt hải ngoại, trong 10 năm từ 1980 đến 1990, ước tính BPSOS của Nguyễn Đình Thắng đã kiếm được hơn 9 triệu USD và số tiền này, ngoài việc ăn chơi nhảy múa, mua nhà, mua xe, mua cổ phiếu,  Thắng thuê một chiếc tàu buôn đã gần hết "date" sử dụng, chạy lòng vòng ngoài biển. Hễ gặp được chiếc ghe của người vượt biên nào đó, Nguyễn Đình Thắng cùng tay chân cho quay phim, chụp hình, quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm đánh bóng cho "ủy ban" và cho cá nhân mình.

Đầu năm 1996, khi thế giới nhận ra những người vượt biên hoàn toàn không phải vì lý do chính trị, mà vì kinh tế (di dân kinh tế) nên Cao ủy LHQ đã ra quyết định đóng cửa nhiều  trại tạm cư ở nhiều quốc gia, thì Nguyễn Đình Thắng bèn chuyển hướng, nhắm vào những người Việt còn đang nằm trong các trại ở Thái Lan, Hồng Công, Malaysia, Indonesia bằng cách liên tục mò đến hứa hẹn, bốc phét một tấc đến trời, rằng chỉ nay mai thôi, "ủy ban" sẽ can thiệp cho tất cả sang Mỹ, sang Pháp…

Tuy nhiên, khi biết phần lớn những người này không hội đủ các điều kiện để được đi định cư ở một nước thứ ba, thì Nguyễn Đình Thắng nhân danh BPSOS, gửi thỉnh nguyện thư cho dân biểu này, nghị sĩ nọ, nhờ can thiệp. Bên cạnh đó, Thắng lập ra tờ báo "Mạch sống", là cơ quan ngôn luận của "ủy ban", đồng thời lập ra 15 văn phòng chi nhánh ở một số bang trên đất Mỹ mà mục đích không ngoài việc kiếm tiền bằng các dịch vụ như giúp nhập quốc tịch, thuê mướn luật sư kiện tụng, xin "thẻ xanh" (thẻ chứng nhận là thường trú nhân), xin giấy phép làm việc...

Bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, khi mà cái chiêu bài BPSOS xem ra hết ăn khách vì có còn người vượt biển nữa đâu mà "cứu", Nguyễn Đình Thắng cùng Ngô Thị Hiền bèn "sáng chế" ra cái gọi là "Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam". "Ủy ban" này liên kết với tổ chức khủng bố Việt Tân của Đỗ Hoàng Điềm, Nguyễn Thái Hùng, cùng nhóm "dân chủ nhân dân" của Đỗ Thành Công, với tổ chức phản động "Dega" của Ksor Kok, Nguyễn Đình Thắng vu khống chủ trương, chính sách nhất quán về tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Thắng, Hiền còn ra sức kích động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thông qua Ksor Kok, đòi thành lập cái gọi là "Nhà nước Dega tự trị", xúi giục bà con Tây Nguyên trốn sang Campuchia.

Một trong những cú lừa ngoạn mục nhất của Nguyễn Đình Thắng là dụ dỗ một số người dân tộc Tây Nguyên như Ê Đê, Xê Đăng, Ba Na…, định cư ở bang North Carolina, Mỹ, lên thủ đô Washington với lý do tham quan! Nhưng khi đến nơi, Thắng và Ksor Kok dẫn họ đến Đại sứ quán Việt Nam để… biểu tình!

Khi Việt Nam chuẩn bị tiến hành cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát kỳ 2, ở trong nước có những "nhà dân chủ" núp bóng "nhân quyền" để hoạt động lại được dịp khuếch trương thanh thế. Tự nhận là "đại diện cho những tổ chức tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam", họ tiếp xúc với một số viên chức của một vài đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội rồi chụp ảnh và khoe khoang ầm ĩ trên mạng Internet. Thậm chí có  người còn sang tận Mỹ, lập kế hoạch đến Geneva - Thụy Sĩ để tổ chức một "Ngày Việt  Nam bên lề buổi điều trần UPR".

Sự thật vẫn mãi là sự thật

Mặc dù đã ráo riết hoạt động nhằm hạ uy tín của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền nhưng một lần nữa, các "nhà dân chủ" trong và ngoài nước, các tổ chức phản động người Việt lưu vong, các thế lực thù địch lại nếm mùi thất bại.

Đại diện các nước và các tổ chức quốc tế chúc mừng đoàn Việt Nam sau khi Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua bản kiểm điểm định kỳ phổ quát của Việt Nam.

Tại lễ công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo UPR chu kỳ 2 của UNHRC, bà Pratibha Mehta - Ðiều  phối viên thường trú LHQ đã phát biểu: "Nhân lễ công bố này, tôi xin chúc mừng Chính phủ Việt Nam vì đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016. Điều ấy chứng nhận rằng Chính phủ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào các cơ chế  nhân quyền trong những năm qua. Sự ứng cử của Việt Nam đã được ủng hộ bởi chính  các cam kết tự nguyện của các bạn. Ví dụ, các cam kết đó bao gồm việc tiếp tục cải thiện hệ thống tư pháp và luật pháp, xây dựng nhà nước  pháp quyền và tăng cường các thể chế quốc gia về bảo vệ nhân quyền, trong đó có  khả năng thiết lập một thể chế nhân quyền quốc gia. Là thành viên của Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam đã cam kết duy trì những tiêu chuẩn cao nhất về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền…" .

Thực tế cho thấy nhiều thập niên qua, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm rất rõ ràng trong việc bảo đảm các quyền cơ bản của người dân. Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009, đảm đương tốt vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, hợp tác tốt với các nước và với LHQ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cho thấy Việt Nam đã và đang làm hết sức mình vì cuộc sống của người dân, cũng như đóng góp với cộng đồng quốc tế.

Các đại sứ Mỹ tại Việt Nam qua các nhiệm kỳ đều nhận định rằng bang giao Việt - Mỹ đang phát triển tốt đẹp trên nhiều phương diện và tạo đà cho những mối quan hệ sâu rộng hơn nữa trong tương lai. Đã có nhiều đoàn công tác từ Mỹ sang thăm Việt Nam và qua những chuyến đi này, họ đều khẳng định rằng nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng được bảo đảm; người dân có nhiều cơ hội để thực hành dân chủ, tự do tín ngưỡng của mình…

C.T.
.
.