Nhìn từ cuộc chiến chống đại dịch

Thứ Ba, 14/04/2020, 07:38
Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 có thể coi là một cuộc chiến tranh sinh thái giữa con người như một sinh vật cao cấp nhất, thông minh nhất với thế giới virus thấp nhất trong tiến hóa sự sống, chưa như một tế bào (đơn vị cơ bản của mọi sinh vật), chưa xứng với danh xưng là con (mặc dù chúng ta vẫn thường gọi con virus). Thật khó lý giải cuộc chiến giữa hai thái cực này.

Qua 4 tháng, virus corona chủng mới đã có mặt hầu hết các nước trên thế giới. Con người và các phương tiện giao thông (máy bay, tàu hỏa, xe cộ..) của con người đã đưa chúng đến khắp nơi trên thế giới để gây tai họa. Thật nghịch lý. Cuối cùng mọi quốc gia mạnh yếu khác nhau, thể chế khác nhau dường như đã có tiếng nói chung, nên đoàn kết, thương yêu nhau, bảo vệ nhau trong cuộc chiến này.

Việt Nam là một nước nhỏ song cuộc chiến chống dịch bệnh cũng không kém phần cam go. Nhiều giải pháp được đề ra bài bản, trong đó cách ly toàn xã hội là giải pháp cốt lõi, phản ánh đúng cục diện ta đang đánh với "giặc" COVID-19. Khi chưa có Vaccine, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu thì chúng ta "phòng thủ" bằng cách giãn cách nhau để tránh lây lan, không cho virus nhiễm vào ta. Nhiều ý kiến cho là Việt Nam khuyến cáo phòng chống dịch đang rất hiệu quả.

Cuộc chiến toàn cầu chống đại dịch COVID-19 còn nhiều cam go.

Nước Mỹ thực sự thức tỉnh khi có số ca nhiễm đứng đầu thế giới. PGS.TS. Jonathan London nói với BBC rằng: "Nếu chính phủ Mỹ phản ứng như chính phủ Việt Nam, tôi sẽ hài lòng hơn", "Việt Nam đã phản ứng rất nghiêm túc và không có chuyện bóp méo sự thật. Còn châu Âu ban đầu họ phản ứng đủng đỉnh với COVID-19, có vẻ bình thản, không nghiêm trọng hơn cúm và sẽ không đe dọa đến đời sống kinh tế và xã hội thường nhật. 

Tuy nhiên quan trọng hơn là vấn đề nhận thức về đại dịch. Một điều đáng lo ngại về việc truyền thông Anh dẫn lời ông Patrick Vallance, trưởng cố vấn khoa học Chính phủ Anh nói về việc sẽ cần 60% (tức là khoảng 40 triệu người) người Anh bị nhiễm virus COVID-19 để có miễn dịch cộng đồng. Đành rằng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng sẽ là một phần quan trọng trong kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm về dài hạn. 

Đây là điều đúng về mặt sinh học. Nhưng ai cũng phải "sởn tóc gáy" khi nghe điều này, chứ chưa nói thực hiện miễn dịch cộng đồng. Chúng ta đang ở trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, không thể vô trách nhiệm với sinh mệnh con người để chọn lọc tự nhiên thành miễn dịch chi phối.

Cũng nằm trong châu Âu, tuy nhiên Chính phủ Nga tỏ ra bình tĩnh, tự tin, Thủ tướng Nga thông báo đã chi khoảng 16,2 tỷ euro để chống dịch. Tổng thống Putin kêu gọi phải làm việc từ xa. Đồng thời máy bay không quân Nga chở trang thiết bị y tế và khẩu trang viện trợ cho New York thể hiện tinh thần tương thân tương ái, bất chấp bất đồng.

Khác với châu Âu, châu Á hành động cứng rắn hơn với COVID-19. Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố, Hàn Quốc thì tự tin "tuyên chiến" với virus corona chủng mới và lập ngân sách 10 tỉ USD để chống dịch, Nhật Bản thì hủy hàng loạt sự kiện lớn để phòng chống dịch. Nhiều nơi ở Hong Kong, Singapore tổ chức các chiến dịch lớn để tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho cộng đồng. Nhiều nước đề cao việc phong tỏa, cách ly cộng đồng, cấm các chuyến bay quốc tế đến…

Tiếng Latinh, virus có nghĩa là chất độc, được ghi nhận là "tác nhân gây bệnh truyền nhiễm", chỉ sống và hoạt động khi ở bên trong tế bào sống của sinh vật chủ khác. Ký sinh bắt buộc, có thể là ở người, động vật, thực vật, vi khuẩn. Virus có mặt ở tất cả hệ sinh thái trên trái đất. Điều đó cho thấy chúng ta phải tránh không cho coronavirus xâm nhập ký sinh ở người và gây bệnh.

Virus có kích thước vô cùng nhỏ, mỗi "con" chỉ khoảng 20-200nm (một nanomet bằng một phần tỷ mét) vì vậy chỉ thấy được dưới kính hiển vi điện tử, virus không tăng kích thước (không lớn lên), không tự di chuyển, không có khả năng tự phát triển và phân chia nếu không trong tế bào vật chủ. Với virus Corona chủng mới thì cơ quan hô hấp của người là môi trường sống và gây bệnh viêm phổi, cản trở quá trình hô hấp, cần phải có sự can thiệp của máy thở (con người có thể nhịn thở đến 3 phút, nhịn uống đến 3 ngày, nhịn ăn đến 3 tuần - quy tắc 3 số 3).

Virus được một số nhà khoa học công nhận là một dạng sống do chúng mang vật chất di truyền DNA hoặc RNA, có thể "sinh sản và tiến hóa” qua chọn lọc tự nhiên mặc dù chúng không có đặc trưng thiết yếu của cấu trúc tế bào. Đặc trưng này cho thấy chúng có khả năng nhiễm vào nhiều cá thể của vật chủ theo cấp số nhân.

Sự xâm nhập của virus vào động vật đã kích hoạt một phản ứng miễn dịch nhằm loại bỏ virus xâm nhiễm, và nếu chúng ta sản xuất được vaccine đưa vào cơ thể để tạo ra miễn dịch chủ động nhân tạo đối với virus xâm nhiễm.

Virus corona là tác nhân truyền nhiễm, nhưng con người đã làm lây lan chúng từ nước này sang nước khác, từ châu lục này sang châu lục khác, nơi này sang nơi khác, từ trong cuộc chiến chống "giặc" virus corona thì một người ở vùng dịch bị nhiễm mà không khai báo, không cách ly và tự do đi lại, thì giống như kẻ nội gián cho coronavirus, cần xử lý nghiêm.

Qua nhận diện về virus, chúng ta thấy có nhiều điểm yếu, đặc biệt là nó sống ký sinh bắt buộc, không thể sống một mình trong môi trường, vì vậy cách ly, cách ly và cách ly là quan trọng nhất. Một điểm mạnh cơ bản của virus là lực lượng đông hàng triệu triệu loại, con người mới chỉ mô tả được khoảng 5.000 loại. 

Điều đó cho thấy con người còn phải đương đầu với nhiều dịch bệnh (hay đại dịch) khác nếu xảy ra khủng hoảng sinh thái. Chiến dịch toàn cầu chống đại dịch COVID-19 chắc chắn sẽ chiến thắng nếu chúng ta đoàn kết, thương yêu nhau, cùng nhau chia sẻ vì mục tiêu rất nhân văn bảo vệ con người trước dịch họa.

PGS.TS Trần Khắc Hiệp
.
.