Nhìn từ vụ cháy Rạng Đông: Bài học lớn về ứng phó với sự cố khẩn cấp

Thứ Sáu, 13/09/2019, 11:15
Chưa bao giờ, một vụ cháy lại thiệt hại nặng nề, phức tạp và gây bức xúc dư luận như vụ cháy tại Công ty Rạng Đông (Hà Nội). Nhiều ngày sau vụ cháy, các Cơ quan công an, quân đội, y tế và chính quyền Hà Nội đã phải cùng lúc phối hợp xử lý hậu quả của vụ cháy. Một bài học lớn về xử lý sự cố cho thành phố Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan.

Cho đến ngày 9-9, phụ huynh hàng trăm học sinh Trường Tiểu học Hạ Đình (quận Thanh Xuân) đã cho con nghỉ học vì lo sợ tác động độc hại từ vụ cháy. Mặc dù đến nay, đã có thông tin hàm lượng thủy ngân trong ngưỡng quy định nhưng người dân chưa thể yên tâm trước những gì đã xảy ra.

Xử lý lúng túng

Chiều muộn ngày 28-8, tại Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Công ty Rạng Đông) bất ngờ xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Vụ cháy kéo dài suốt 6 tiếng đồng hồ mới được dập tắt trong nỗ lực hết sức của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và người dân địa phương. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an và hàng nghìn người dân đã phải trầm mình trong khói bụi suốt nhiều tiếng đồng hồ. Sau đó nhiều ngày, cuộc sống của người dân quanh khu vực đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Nhiều gia đình phải sơ tán đi nơi khác vì khói bụi.

Và đặc biệt, ngày 29-8, UBND phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã có thông báo “xử lý vệ sinh môi trường sau cháy”, hướng dẫn người dân một số biện pháp bảo vệ sức khỏe. Người dân đã đón nhận thông báo này trong sự hoang mang, mơ hồ về mức độ ảnh hưởng của vụ cháy.

Thế nhưng, chỉ sau đó 1 ngày, vào ngày 30-9, Chủ tịch UBND phường Hạ Đình lại có quyết định thu hồi hướng dẫn trên do “văn bản này ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở”. Những thông báo liên tục đưa ra thiếu bất nhất càng khiến người dân hoang mang.

Thông tin từ Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, phạm vi ảnh hưởng của vụ cháy có thể tới 1,5km theo hướng gió Đông Bắc - Tây Nam. Tới ngày 3-9, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường có kết quả kiểm tra cho thấy nhiều vị trí quan trắc xung quanh khu vực đám cháy có hàm lượng thủy ngân cao vượt ngưỡng cho phép.

Cơ quan chức năng kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí xung quanh khu vực cháy.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ ngày 4-9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã thông báo rằng, một số vị trí gần đám cháy có hàm lượng thủy ngân cao hơn tiêu chuẩn cho phép. Cụ thể, theo báo cáo của Công ty Rạng Đông thì lượng thủy ngân bị phát tán là 15,1kg nhưng theo số liệu của các nhà khoa học, thì khối thủy ngân bị phát tán khoảng 27,2 kg. Qua kiểm tra, tủ bảo quản chứa almagam được giữ nguyên nên lượng thủy ngân bị phát tán nằm trong bóng đèn đã cháy, với khối lượng từ 15,1 - 27,2 kg.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước, trầm tích xung quanh nhà máy và cho nhiều kết quả khác nhau. Ví dụ, giá trị nồng độ thủy ngân so với tiêu chuẩn của 1 trên 12 mẫu đã vượt tiêu chuẩn Việt Nam. Mẫu vượt 1,3 lần nằm trên sông Tô Lịch, chỗ xả nước thải của công ty, cách nhà máy 1,5 km. Ngoài ra, 1/8 mẫu có giá trị vượt quy chuẩn 2,76 lần. Có 12/13 mẫu trầm tích, bùn đáy, vượt quy chuẩn tại điểm sông Tô Lịch.

Ông Võ Tuấn Nhân cho biết các hóa chất gây ô nhiễm chủ yếu là thủy ngân, một số kim loại nặng. Các chất này phát tán vào không khí và môi trường xung quanh. Một phần vào nước, chảy vào sông Tô Lịch, tích tụ trầm tích ở bùn đáy.

Kết quả kiểm tra môi trường được công bố đã khiến người dân lo ngại thực sự. Ngay cả các nhà báo đi tác nghiệp tại hiện trường đưa tin về vụ cháy cũng đã cùng nhau đến cơ sở y tế kiểm tra. Thế nhưng, những người tiếp xúc trực tiếp với khói bụi ngay trong vụ cháy chính là các chiến sĩ cảnh sát PCCC. Thậm chí có người không khẩu trang, không mặt nạ phòng độc..

Và, cho đến tận ngày 5-9, Hà Nội mới có công văn hỏa tốc gửi tới Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Công an TP Hà Nội, Công ty Rạng Đông... đề nghị thực hiện giám định để xác định mực độ ô nhiễm về môi trường, đất và không khí, theo dõi ảnh hưởng ô nhiễm môi trường và khắc phục hậu quả vụ cháy...

Phản ứng chậm chạp của Hà Nội đã khiến dư luận, đặc biệt là người dân quanh khu vực bất bình. Bởi, họ không được cảnh báo chính xác về nguy cơ cho sức khỏe để có biện pháp phòng ngừa. Ngay cả những người trách nhiệm của Công ty Rạng Đông cũng không lên tiếng thông báo về nguy hiểm cho sức khỏe con người. Việc che chắn khu nhà kho bị cháy cũng được thực hiện rất chậm chạp.

Ngày 6-9, Hà Nội bắt đầu khám miễn phí cho người dân. Sau 2 ngày tổ chức khám, đã có 151 người phải chuyển viện kiểm tra sâu hơn. Có người bị ngứa ngáy toàn thân, có biểu hiện mệt mỏi.

Tuy nhiên, một số kết quả phân tích so sánh với Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia về môi trường, chất lượng không khí xung quanh khu vực Công ty Rạng Đông sau đó lại cho kết quả không khớp với số liệu do Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố trước đó.

Ngày 7-9, Chi cục Bảo vệ môi trường đã trưng cầu đơn vị quan trắc có đủ năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc và tư cách pháp nhân, tiến hành lấy mẫu thủy ngân trong không khí tại khu vực xảy ra cháy và bán kinh 200-500m. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng thủy ngân trong không khí dưới ngưỡng quy định. 

Thông tin bất nhất

Sức khỏe người dân là đặc biệt quan trọng, bởi vậy những thông tin từ các cơ quan chức năng đưa ra thiếu thống nhất, việc thiếu minh bạch trong thông tin đã khiến người dân hoang mang, bất an và mất niềm tin. Từ kết quả kiểm tra môi trường của các cơ quan chức năng và đối chiếu với báo cáo của Công ty Rạng Đông cho thấy, công ty này đã báo cáo chưa trung thực.

Theo Tổng cục Môi trường, trong báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016 công ty này chỉ sử dụng viên amalgam để sản xuất bóng đèn, khối lượng viên này bị cháy cũng chỉ vài kg. Tuy nhiên, ngày 31-8, qua kiểm tra thực tế và làm việc với Công ty Rạng Đông, công ty đã thừa nhận có 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng, có độc tính cao hơn so với viên amalgam... lượng thủy ngân phát tán là 27,2kg.

Luật sư Trương Tiến Hùng, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hồng Phú cho rằng người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường thiệt hại về kinh tế và sức khỏe, tuy nhiên cần phải chứng minh được mức độ thiệt hại. Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, để có căn cứ bồi thường hay không thì cần phải chứng minh những yếu tố lỗi trong vụ việc này.

Lực lượng Cảnh sát chữa cháy trong điều kiện khắc nghiệt và nguy hiểm. Ảnh: Phong Sơn.

Thiệt hại thực tế xảy ra là căn cứ cơ bản để yêu cầu bồi thường thiệt hại nhưng phải xác định xem Công ty Rạng Đông có lỗi trong việc này hay không vì đám cháy đôi khi là do yếu tố bất khả kháng. Luật sư Trương Anh Tú nhấn mạnh, nếu nguyên nhân đám cháy xảy ra do lỗi của Công ty Rạng Đông hoặc có lỗi để phát tán ra chất độc thì Công ty Rạng Đông sẽ phải bồi thường theo quy định.

Hiện nay, lực lượng Công an vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ cháy, các đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố đang lên phương án tiêu độc quanh khu vực bị ảnh hưởng do vụ cháy. Người dân vẫn đang lo lắng cho sức khỏe của gia đình. Dư luận cũng đặt câu hỏi về mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của lực lượng cảnh sát PCCC Hà Nội và người dân trực tiếp tham gia chữa cháy.

Nếu như việc ứng phó với sự cố đặc biệt này được những người có liên quan, cụ thể là lãnh đạo Công ty Rạng Đông thông tin đầy đủ hơn, minh bạch hơn về mức độ nguy hiểm để có phương án thích hợp thì sẽ bớt được mối lo về hậu quả sau này. Sự lúng túng trong khâu xử lý, đặt ra nhiều vấn đề về tổ chức, hoạt động ứng phó những sự cố đặc biệt.

Phải nhanh chóng di dời các nhà máy ra khỏi thành phố

Bên cạnh đó, cũng cần nhắc lại, Hà Nội đã có một lộ trình di dời các nhà máy, cơ quan ra khỏi thành phố được quy định tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Phạm vi áp dụng đối với các cơ sở cần phải di dời trong khu vực nội thành Hà Nội, bao gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Tây Hồ, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm.

Đối tượng di dời là các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở điều trị có mức độ ô nhiễm, truyền nhiễm lây nhiễm cao, sử dụng quá tải; các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị nằm trong khu vực nội thành Hà Nội không phù hợp các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, gây mất cân đối về hạ tầng xã hội và kỹ thuật, giao thông, ô nhiễm môi trường và không phù hợp với quy hoạch chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội.

Tuy nhiên, đến nay việc di dời vẫn diễn ra vô cùng chậm chạp, số lượng nhà máy ô nhiễm đã di dời chỉ đếm trên đầu ngón tay khiến người dân sống quanh khu vực nhà máy bất an và lo lắng cho sức khỏe. Sự cố cháy tại Công ty Rạng Đông là hậu quả của sự chậm chễ di dời, là bài học lớn về công tác xử lý, ứng phó với sự cố.

Nghị định 30/2017/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quy định:

a) Tình huống sự cố và tìm kiếm, cứu nạn xảy ra tại cơ sở (xã, phường, thị trấn) phải chủ động tổ chức ứng phó và khắc phục hậu quả. Trường hợp tình huống xảy ra vượt quá khả năng tự ứng phó của cơ sở phải báo cáo ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động lực lượng đến hỗ trợ ứng cứu.

b) Tình huống xảy ra trong phạm vi rộng bao gồm nhiều địa phương thì các ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương nơi xảy ra tình huống cùng phối hợp ứng phó.

c) Khi tình huống xảy ra vượt quá khả năng ứng phó của các bộ, ngành, địa phương phải báo cáo ngay Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (qua Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn) để chỉ đạo ứng phó.

Trường hợp cần thiết, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ thành lập ban chỉ đạo ứng phó bao gồm đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan thống nhất huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương khác đến hỗ trợ ứng cứu. Trong trường hợp vượt quá thẩm quyền Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp ứng phó...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đảm bảo an toàn cho người dân và di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đông dân cư

Theo Chinhphu.vn, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty Rạng Đông.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty Rạng Đông, trong đó chú trọng các vấn đề: Thực hiện ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo pháp luật.

UBND TP Hà Nội tiếp tục triển khai việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực tập trung đông dân cư theo kế hoạch đã được chỉ đạo.

Nhóm PV
.
.