Nhỏ như hạt muối, hạt gạo…?

Thứ Năm, 31/07/2008, 14:00
Trong cuộc sống thường ngày, có gì nhỏ hơn hạt muối, hạt gạo? Nhỏ nhoi đến mức bị lãng quên, chỉ khi “hết gạo chạy rông” mồm miệng nhạt nhẽo mới nhớ đến thân phận hạt muối, hạt gạo. Như hai thứ hạt cơ bản cấu tạo nguyên tử, cơm muối đã từng nuôi sống bao người qua kiếp đói nghèo. Mấy chục năm nay, “bỗng nhiên” hạt muối, hạt gạo lại được nói nhiều, bàn nhiều. Thực ra là nói đến những người làm ra hạt muối, hạt gạo.

Những ngày gần đây, chưa bao giờ giá muối “sốt cao” như hiện nay. Ở Ninh Thuận, được mệnh danh là “kho muối” của Việt Nam, chiếm khoảng 20% sản lượng cả nước, giá muối lên cao ngất ngưởng, khiến nhiều nông dân đã phá đìa nuôi tôm chuyển sang làm muối. Rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc và mưa lớn ở miền Trung, miền Nam nên sản lượng muối không đạt. Vì cung không đủ cầu nên giá muối lên đến 1,7 - 1,8 triệu đồng/tấn, trong khi giá muối nhập khẩu từ Thái Lan chỉ 1 triệu đồng/tấn.

Trước đây 3 giạ muối mua được 1 giạ gạo, bây giờ giá gạo tăng thì muối tăng cũng phải thôi. “Cũng phải thôi” là đối với người thành phố chẳng ngó ngàng gì đến hạt muối bởi đã có bao thứ gia vị, hạt nêm đậm đà, song với hàng vạn diêm dân dầm chân trong muối mặn, dãi mặt trong nắng cháy trên chạp muối thì xót xa như xát muối vào lòng.

Trớ trêu thay, cả một bờ biển dài dằng dặc hơn 3.200km mà năm 2008 này, theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Bộ Công thương, nước ta cần nhập thêm 230.000 tấn muối!

Những ngày vừa qua, bà con nông dân ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa rơi vào tình cảnh “bước đường cùng” đã phải nuốt nước mắt đốn bỏ hơn 200 tấn mía cây do không bán được cho nhà máy đường. Chuyện này cũng nhỏ như hạt muối, hạt gạo. Điệp khúc nông dân “trồng - chặt, rồi chặt - trồng” trên khắp mọi miền đất nước đã trở nên quá quen tai đến mức “nhàm tai” mà hầu như chưa thấu tới tai những người chịu trách nhiệm về “tam nông”.

Gần đây nhất là việc người dân đất vải thiều Thanh Hà, Hải Dương “khóc” vải trong “Lệ chi viên”,  tay cầm dao chặt bỏ những vườn vải ngọt lịm, thanh khiết, từng chăm bẵm mấy chục năm trời. Vải chín rụng, đỏ ngầu mặt đất, bán rẻ như cho. Một vùng quả đặc sản thương hiệu nức tiếng gần xa, đã được quy hoạch tử tế, mà nay vải thiều tiêu điều, tan hoang.

Rồi “nóng hổi” nhất là nông dân một số vùng ở đồng bằng sông Cửu Long đang “hăng hái” phá bỏ những ao, đìa nuôi tôm sú, tôm càng xanh, nuôi thủy sản để nhanh chóng “nhảy qua” trồng lúa chỉ vì thủy sản rớt giá, lúa gạo đang được giá. Kể sao cho hết tình cảnh nông dân không có ai “cầm tay, chỉ việc”, hầu như họ bị thả nổi và phải gồng mình “tự bơi” giữa dòng xoáy thương trường.

“Của đau con xót”, nhưng bà con nông dân “mù tịt” thông tin, biết xoay sở ra sao khi giá vật tư nông nghiệp, phân bón, giống cây - con, thuốc trừ sâu liên tục tăng vùn vụt? Công gặt hái thì đắt đỏ, lãi và nợ ngân hàng “chất đầy” trong nhà; ngoài ngõ, ngoài đường, ngoài chợ tư thương rình rập, săn đón. “Ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt” là thế.

Nói đi thì phải nói lại, “trăm lỗi không bằng tội”. “Tội” ở đây là, bà con ta hễ cứ thấy lợi trước mắt, có khi chỉ nghe “hơi tiền” là rủ nhau đổ xô chặt phá, trồng cây, nuôi con, bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở, cảnh báo. Song ngay cả gọi là “tội” này thì bao nhiêu phần trăm thuộc về chính quyền, các cơ quan chức năng “dẫn đường chỉ lối”? Báo chí, truyền hình chẳng đã đưa tin bao vụ nông dân khóc dở, mếu dở vì nhà máy trong vùng nguyên liệu để nông sản chất đống, chín nẫu, chín thối.

Ngay đến các công ty, doanh nghiệp làm ăn “có sạn” trong đầu với khách hàng nước ngoài khôn ngoan, lọc lõi, cũng đã bao phen “lên bờ xuống ruộng” khi xuất sang cửa khẩu hàng đoàn xe dưa hấu, trái cây, nông sản thô, mủ cao su đó  sao, nói gì bà con nông dân đa phần tầm nhìn, nếp nghĩ chưa vượt qua lũy tre làng! Nếu bảo nông dân có lỗi thì “lỗi” lớn nhất là họ chịu đựng nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất và thiệt thòi nhiều nhất.

Nói thì dài dòng, tam nông là nông thôn, nông nghiệp và nông dân, nhưng tựu trung chỉ là nông dân. Trong một nước nông nghiệp có tới 73% dân số là nông dân, thì nông dân vẫn luôn là hậu phương, là chân móng tạo dựng sự ổn định chính trị. “Phi nông bất ổn” từ xửa từ xưa, các bậc tiền nhân đã dạy thế rồi. Ở các nước châu Âu, người ta luôn coi nông nghiệp là “phần mềm”, còn công nghiệp là “phần cứng” của nền kinh tế. Không thể chỉ phát triển  “phần cứng” mà bỏ quên “phần mềm”.

Nước Pháp - cường quốc công nghiệp phát triển nhưng 100 năm không “động” tới một tấc đất nông nghiệp. Khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chênh lệch giữa nông dân và các thành phần kinh tế ngày càng xích gần, sát gần. Không nên quên rằng làn gió “đổi mới” ở nước ta bắt đầu nổi lên từ nông nghiệp, nông thôn.

Bây giờ là lúc nông dân phải được đặt ở trung tâm của chính sách tam nông. Họ đã và đang bị đặt ra bên lề các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị mới... khi lấp đất “bờ xôi ruộng mật” của chính họ. Đừng bỏ quên nông dân khi mà nhiều nơi chỉ có vài phần trăm nông dân mất đất có được việc làm.

Làm sao giữ được chân thanh niên nông thôn vẫn ở lại nông thôn, lao động trong các cơ sở công nghiệp dịch vụ tại chỗ. Làm sao để nông dân không phải vật vã, quăng quật kiếm sống trên những góc phố, vỉa hè, chợ lao động ở thành thị? Hàng nghìn, hàng vạn kỹ sư, giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đã góp được bao nhiêu “chất xám” để giúp bà con nông dân đỡ phải vật lộn trên cánh đồng?

Nhà nông được trang bị bao nhiêu kiến thức khoa học, kỹ thuật và máy móc sau thu hoạch, để hạt muối, hạt gạo, hạt cà phê, hạt điều, con tôm, con cá, trái nhãn, vải, thanh long, sầu riêng Việt Nam không phải chịu phận hẩm hiu, lép vế, thiệt đơn, thiệt kép. Khi ấy bộ mặt “tam nông” mới có thể sáng sủa, người nông dân mới có cơ may ngẩng mày, ngẩng mặt

Hồng Hạc
.
.