Nhóm họp Ngoại trưởng “Bộ tứ kim cương”: Vì một cam kết tự do và rộng mở

Thứ Tư, 07/10/2020, 11:04
Các ngoại trưởng nhóm “Bộ tứ kim cương” (Quad) bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia nhóm họp vào ngày 6-10. Sự kiện được giới chuyên gia đánh giá là sẽ đánh dấu thời kỳ hoạt động mới của liên minh không chính thức này cũng như những nỗ lực khởi động đối thoại có thể xem là sự tái khẳng định cam kết của các nước đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Khẳng định sức mạnh tập thể

Sự kiện càng được chú ý đến bởi những hoạt động ngoại giao trực tiếp rất hiếm hoi ở thời dịch bệnh COVID-19. Cơ chế Bộ tứ kim cương được hình thành từ năm ngoái và đã bắt đầu có những bước đi trong việc xác định định hướng phát triển cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng như định hình cấu trúc quyền lực và ảnh hưởng ở trong đó. Tại Nhật Bản lần này, 4 ngoại trưởng sẽ bàn thảo về hỗ trợ lẫn nhau đối phó dịch bệnh, trao đổi để thống nhất quan điểm và phối hợp hành động trong những chiến lược chung tại khu vực.

Có lẽ, cả 4 nước đều ý thức được rằng những tính toán lợi ích chung ở khu vực mà cụ thể là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở chỉ có thể thành công khi tạo nên được hiệu ứng cộng hưởng giữa thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ song phương với việc tăng cường thể chế hóa cơ chế hợp tác 4 bên.

Các Bộ trưởng nhóm “Bộ tứ kim cương” nhóm họp với những chủ đề an ninh khu vực.

Phát biểu về cuộc đối thoại Bộ tứ lần này, tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định đây trước mắt sẽ là dịp để ngoại trưởng 4 nước có cùng tham vọng và tư duy về các vấn đề khu vực trao đổi quan điểm đối phó với các thách thức đang hiện hữu giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Trong khi đó, tạp chí The Diplomat bình luận việc Bộ tứ kim cương quy tụ trong thời điểm này là một phản ứng hợp lý nhằm củng cố một mặt trận thống nhất về các vấn đề an ninh khu vực, bởi thực tế cho thấy sức ảnh hưởng về quân sự và kinh tế của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới đang ngày một gia tăng đến mức đáng lo ngại.

Cả 4 quốc gia nhóm Quad đều thể hiện quyết tâm thiết lập các chuỗi cung ứng ngoài Trung Quốc cho các công nghệ quan trọng, bao gồm công nghệ 5G, các khoáng sản quan trọng và coi đây là ưu tiên an ninh, kinh tế.

Các nước này thời gian qua liên tục bất đồng hoặc đối đầu với Trung Quốc, với Ấn Độ là hai đợt đụng độ với Trung Quốc. Australia đã gửi công hàm phản đối yêu sách chủ quyền Biển Đông phi pháp của Trung Quốc lên Liên Hợp Quốc.

Bên cạnh đó, cuộc bầu cử Mỹ hiện đang xuất hiện nhiều diễn biến khó lường như việc Tổng thống Donald Trump nhiễm COVID-19 nên Ngoại trưởng Mike Pompeo cần phải nỗ lực gấp đôi trong việc trấn an và đưa ra các cam kết chắc chắn của Washington để hỗ trợ đồng minh vạch ra đối sách riêng của họ, bất kể ai sẽ bước vào Nhà Trắng vào năm sau.

Có thể khẳng định, “ánh sáng soi đường” đưa Bộ tứ lại gần nhau chủ chốt vẫn là tầm quan trọng đặc biệt về mặt chính trị, kinh tế của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang ngày càng được củng cố và khu vực này đang là trọng tâm chính sách của nhiều quốc gia và thể chế khu vực. Do đó, Bộ tứ kim cương cần chuẩn bị tham dự cuộc đối thoại sắp tới với tâm thế phải cụ thể hóa hơn nữa ý tưởng và chiến lược của họ về triển vọng sắp tới cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nếu như không muốn đánh mất thế chủ động đang có.

Thêm nữa, vấn đề Biển Đông, cùng những hành động và tuyên bố hàng hải phi pháp của Trung Quốc tại khu vực, có thể nằm trong chủ đề thảo luận ở hội nghị ngoại trưởng lần 2 của Bộ tứ.

Hiện thực hóa “ước muốn” của Mỹ

Giáo sư Rory Medcalf, Giám đốc Trường An ninh, Đại học Quốc gia Australia, nói, Quad, khởi đầu như là một nhóm không chính thức, đang ngày càng trở thành một “liên kết chiến lược toàn diện”. Rõ ràng, các bên trong Bộ tứ đang muốn chính thức hóa cơ chế này và cố gắng gắn cho nó những nhiệm vụ chiến lược nhất định, phục vụ lợi ích của các bên ở khu vực.

Hindustan Times dẫn nguồn ngoại giao Ấn Độ cho biết rằng “Ấn Độ không phản đối việc chính thức hóa đối thoại Bộ tứ với Mỹ, Nhật Bản và Australia vì sự tương tác đã diễn ra từ năm 2017 với cuộc họp của các ngoại trưởng diễn ra bên lề UNGA vào năm 2019. Nếu 3 thành viên còn lại muốn thể chế hóa cuộc đối thoại, Ấn Độ sẵn sàng tham gia”.

Cơ chế Bộ tứ kim cương đã bắt đầu có những bước đi trong việc định hình cấu trúc quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Bên cạnh vạch ra hướng đi mới của nhóm Quad trong giai đoạn sắp tới, không ít ý kiến cho rằng Mỹ sẽ tận dụng cơ hội này để tiến tới thúc đẩy Bộ tứ kim cương trở thành một liên minh quân sự toàn diện - một “NATO của châu Á”. Ý tưởng này trên thực tế đã được Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun trong một cuộc họp với một số quan chức ngoại giao Ấn Độ hồi tháng 9 và phía New Delhi cũng không tỏ ý phản đối.

Trả lời phỏng vấn của tờ The Washington Times, Giám đốc Chương trình châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Wilson (Mỹ) Michael Kugelman nhận định môi trường quốc tế gần đây đang phát triển theo hướng tạo điều kiện cho sự hình thành của khối NATO ở châu Á. Theo ông, nếu như mỗi quốc gia trước đây phải đơn độc đối mặt với những thách thức an ninh thì bây giờ tình hình đã khác, ngày càng nhiều quốc gia không có lợi ích địa chính trị trực tiếp ở châu Á cũng đã lên tiếng, như công hàm chung về Biển Đông của 3 nước Pháp, Anh, Đức trình lên Liên Hợp Quốc ngày 2-9.

Do vị trí, vai trò ngày càng quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các cường quốc, như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, đặc biệt là Mỹ đều có những điều chỉnh chiến lược nhằm tăng cường ảnh hưởng và bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực. Năm 2017, tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập ý tưởng xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là lựa chọn chiến lược của Mỹ làm đối sách chủ chốt ở châu Á, giữ vai trò quan trọng đối với an ninh và lợi ích quốc gia của Mỹ. Thương mại giữa Mỹ và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chiếm hơn 1,8 nghìn tỷ USD mỗi năm, đóng góp hơn 3,3 triệu việc làm tại Mỹ. Ngoài thương mại, Mỹ đứng đầu về đầu tư trong khu vực. Năm 2018, Mỹ rót hơn 1 nghìn tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực, đứng đầu thế giới về FDI tại đây.

Mục tiêu cốt lõi của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm xây dựng một trục liên minh Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để kiềm chế, ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc tại khu vực, giành quyền chủ đạo, kiểm soát toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.