Nhức nhối tai nạn giao thông

Thứ Sáu, 21/06/2013, 21:55

Những ngày vừa qua, tin tức về các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng choán hết các thông tin thời sự trên tất cả các mặt báo.

Vụ tai nạn giao thông khiến 7 người tử vong, 23 người bị thương tại tuyến đường đèo thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa vào sáng ngày 7/6 chưa lắng xuống, thì chỉ 2 ngày sau (tức ngày 9/6) lại có thêm một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng khác xảy ra tại QL1A đoạn qua khu vực thôn Ngọc Tam, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khiến 3 người tử vong, 30 người bị thương.

Tiếp đến, chiều cùng ngày, một vụ tai nạn giao thông khủng khiếp khác đã xảy ra tại tỉnh lộ 44 thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khiến 6 người tử vong…

Nếu nhớ lại những vụ tai nạn giao thông bi thảm khác đã xảy ra vào tháng 5 vừa qua, thì có quá đáng không khi đặt ra câu hỏi "Ý thức của người tham gia lưu thông đang ở đâu khi mà toàn cảnh bức tranh giao thông đang ngày càng trở nên ảm đạm?".

Tai nạn dồn dập tai nạn

9 giờ 50 phút ngày 7/6/2013, chiếc xe khách của Công ty Hoàng Hải Tùng chở 32 khách lưu thông đến địa phận thuộc xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa thì bất ngờ mất lái, xe đâm thẳng vào vách núi. Vụ va chạm khiến 5 hành khách tử vong tại chỗ, những nạn nhân bị thương được chuyển đến trung tâm y tế gần đó trước khi chuyển tiếp về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa. Tại trung tâm y tế và bệnh viện, đã có thêm 2 nạn nhân tử vong.

Đau lòng hơn nữa, đây là chuyến xe chở các giáo viên đang công tác tại Trường tiểu học Số 2 Hòa Phước (TP Đà Nẵng) cùng người thân đi tham quan nhân dịp nghỉ hè. Để có được kinh phí cho chuyến đi này, những giáo viên đã phải trích tiền lương mỗi tháng là 100 nghìn để dành dụm. Sau 3 năm tích cóp, tưởng là đã được hưởng một kỳ nghỉ bình an. Có ai ngờ đâu, nảy sinh ra bi kịch là từ những dự tính an vui.

Có quá nhiều thông tin được viện dẫn khi tai nạn này xảy ra, những thông tin đau đớn. Một nạn nhân may mắn sống sót kể lại rằng, khi xe mất lái, mọi người trên xe nhốn nháo vì hoảng loạn, tài xế đã cố gắng hét lên: "Mọi người trật tự để tôi kiếm cách xử lý". Và cuối cùng, tài xế đã chọn cách xử lý là đâm xe vào vách núi để tránh chuyện xe lao xuống vực, nhằm hạn chế số người thương vong. Tài xế trong chuyến xe ấy cũng đã tử vong tại bệnh viện.

Hai ngày sau, vào lúc 7 giờ ngày 9/6 lại có thêm một vụ tai nạn giao thông khác. Lần này, chiếc xe khách của Hãng Mai Linh đã lao xuống vực sau khi xé nát dải ta-luy bảo vệ an toàn giao thông đoạn qua khu vực thôn Ngọc Tam, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tai nạn đã khiến 3 người tử vong và 30 người khác bị thương. Trong số những nạn nhân tử vong, có cháu trai chỉ vừa 9 tuổi.

Chuyến nghỉ mát của các giáo viên trường tiểu học đã trở thành thảm họa.

Vài giờ sau vụ tai nạn ở Quảng Nam, vào khoảng 15 giờ ngày 9/6, một vụ tai nạn kinh hoàng khác đã xảy ra tại địa phận xã An Ngãi, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo thông tin ban đầu, khoảng 15 giờ ngày 9/6, xe tải đông lạnh loại 3 tấn do Nguyễn Văn Khoa (31 tuổi, trú xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) điều khiển chạy hướng từ TP Bà Rịa - thị trấn Long Hải (huyện Long Điền), khi đến địa điểm nêu trên thì tông vào 2 xe gắn máy đi ngược chiều.

Vụ tai nạn đã làm 6 người đi trên 2 xe gắn máy tử vong. Nạn nhân được xác định gồm chị Võ Thị Mỹ Dung (SN 1965), chị Nguyễn Thị Kim Long (SN 1984), cháu Lê Quang Thọ (SN 2003, cả 3 đều ngụ huyện Long Điền), anh Lê Hữu Trường (SN 1986), chị Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 1994) và cháu Lê Hoàng Bảo Ngọc (SN 2012, cả 3 đều ngụ TP Bà Rịa).

Cũng trong ngày 9/6, một xe khách của Hãng Phương Trang chạy hướng cầu Mỹ Thuận về Ngã ba Trung Lương, khi đến địa phận xã Nhị Quý, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã va chạm với xe máy chạy cùng chiều, khiến người điều khiển xe máy bị thương nặng. Sau khi va chạm, tài xế xe khách mất lái khiến xe lật ngang làm 6 hành khách bị thương. May mắn là trong vụ tai nạn này, đã không có thiệt hại về người.

Vẫn trong ngày 9/6, lại thêm một tin buồn. Vị Tiến sĩ khảo cổ học người Nhật Nishimura Masanari, người đã dành 20 năm liền tham gia vào các công tác nghiên cứu khảo cổ tại Việt Nam đã tử vong sau 2 ngày điều trị do bị tai nạn giao thông trên đường đi công tác tại Hà Nội. Ông có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ.

Thêm một con số đáng giật mình theo tổng hợp của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, tuần đầu tiên của tháng 6/2013, cả nước đã xảy ra  339 vụ tai nạn giao thông, khiến 151 người chết, 232 người bị thương.

Xe khách Mai Linh rơi xuống hố sâu khiến 3 người tử vong.

Vẫn câu hỏi cũ: Tại sao?

Đây không phải là lần đầu tiên giới truyền thông chuyển tải sự hoang mang của dư luận liên quan đến tình trạng tai nạn giao thông đang xảy ra. Thế nhưng, tần suất tai nạn giao thông dày đặc như hiện nay thật sự đã khiến mọi người bị ám ảnh.

Chỉ bấy nhiêu thông tin đau lòng về sự mất mát đầy rẫy trên các mặt báo đã là quá sức chịu đựng. Tai nạn giao thông xảy ra, nỗi đau bao giờ cũng âm ỉ kéo dài. Những người cha mất con, cảnh chồng mất vợ, con mất cha mẹ… Thậm chí, tai nạn giao thông xóa sổ cả một gia đình không còn là chuyện gì đó quá cá biệt. Dư luận hoang mang vẫn hoang mang, quan chức ngành giao thông trả lời chất vấn vẫn cứ trả lời chất vấn… còn ngoài đường sá, tai nạn vẫn cứ xảy ra.

Vừa rồi, trong phiên trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho biết: "Về vấn đề giảm tai nạn giao thông  trong 4 tháng đầu năm 2013, số vụ và số người bị thương tiếp tục giảm sâu, nhưng số người chết vì tai nạn giao thông lại tăng nhẹ. Năm 2012, con số này đã lần đầu tiên giảm xuống dưới 10.000 kể từ năm 2001. Cụ thể, đã xảy ra 9.643 vụ, làm chết 3.364 người, bị thương 9.691 người. So với cùng kỳ năm 2012 giảm 2.003 vụ (giảm 17,2%), giảm 2.931 người bị thương (giảm 23,22%) và tăng 12 người chết (tăng 0,36%)".

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết thêm về phương thức giải quyết tình trạng tai nạn giao thông nhức nhối này là: "Phải đẩy nhanh việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vừa để phát triển kinh tế - xã hội, vừa để giảm thiểu tai nạn giao thông".

Hiện trường vụ TNGT khiến 7 người tử vong tại Khánh Hòa.

Cuối tháng 5 vừa qua, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về trật tự an toàn giao thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia biểu dương 8 tỉnh kiềm chế tốt tai nạn giao thông và phê bình lãnh đạo 9 tỉnh để tai nạn tăng cao trên 30%. 9 tỉnh bị phê bình gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu,  Phú Thọ, Ninh Thuận, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, Lạng Sơn, Sơn La, Khánh Hòa và Lào Cai.

Trước đó vào tháng 3/2013, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phê bình chủ tịch 37 tỉnh vì để xảy ra tình trạng gia tăng số người tử vong do tai nạn giao thông. Đầu tháng 4/2013, trong công văn gửi Ủy ban An toàn giao thông, Bộ Giao thông Vận tải và Công an, UBND các tỉnh, TP thuộc Trung ương,... Thủ tướng Chính phủ đã phê bình 14 tỉnh vì vấn đề tai nạn giao thông.

Trải qua 3 đợt bị phê bình diễn ra từ tháng 3 cho đến tháng 5/2013, nổi bật lên cả là hai tỉnh Khánh Hòa và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đặc biệt, trong Công văn của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 4/2013, đã nêu rất rõ phương hướng khắc phục, hạn chế tai nạn giao thông, như: Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, chấn chỉnh khắc phục các yếu tố kỹ thuật, an toàn tại các điểm đen dễ gây tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tổ chức lắp đặt giải phân cách cứng phân làn phương tiện tại các đoạn có đủ điều kiện. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Trưởng ban An toàn giao thông các địa phương (Đặc biệt là các địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng cao) tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thanh tra giao thông các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý chặt chẽ luồng tuyến, kiểm tra an toàn xe xuất bến, lưu ý thời gian lưu thông hợp lý của phương tiện, kiên quyết xử lý nghiêm và thu hồi giấy phép kinh doanh của những doanh nghiệp vận tải bằng xe ôtô không đủ điều kiện quy định hoặc để xảy ra tình trạng giao thông nghiêm trọng. Cảnh sát Giao thông các địa phương tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm đối với lái xe chở khách, tập trung xử lý các lỗi vi phạm tốc độ, lấn đường, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định. Trọng điểm là các tuyến quốc lộ 1, 5, 14, 18. Đặc biệt là khu vực miền Trung từ Nghệ An đến Quảng Trị và Phú Yên đến Bình Thuận. Song song với các giải pháp này là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chấp hành trật tự giao thông, giám sát kiểm tra chất lượng mũ bảo hiểm...

Trên thực tế, các quyết sách lớn liên quan đến vấn đề giao thông luôn được đặt ra rất khoa học, hợp lý và đúng với tình hình thực tế. Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất chính là khoảng cách từ quyết sách đến thực tiễn là cả một chặng đường dài. Những chiếc xe không đảm bảo an toàn vẫn lưu thông, những chiếc xe khách chở quá số người quy định, những chiếc xe tải quá khổ. Thậm chí là quá hạn kiểm định… vẫn lưu thông tràn lan trên khắp các tuyến quốc lộ.

Rất nhiều trạm kiểm soát giao thông đã được lập ra, bộ phận chuyên trách được trang bị các thiết bị kiểm tra giao thông tối ưu như máy bắn tốc độ, máy đo nồng độ cồn… nhưng khó hiểu là những chiếc xe kém an toàn vẫn dễ dàng "lọt lưới".

Theo ý kiến của nhiều người, quan trọng nhất để giảm thiểu tình hình tai nạn giao thông vẫn là ý thức và trách nhiệm của người tham gia lưu thông. Đa phần, các vụ tai nạn thảm khốc xảy ra đều là do tài xế chạy lấn tuyến, chạy quá tốc độ quy định, tham gia lưu thông trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo…

Chiếc xe gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại Khánh Hòa không được đăng ký kiểm định dẫu đã đến hạn, chiếc xe của Hãng Mai Linh gây tai nạn với vận tốc 69km/giờ (vượt quá tốc độ giới hạn quy định), chiếc xe tải nhỏ 3 tấn gây tai nạn khiến 6 người tử vong vượt xe cùng chiều trong tình trạng hạn chế quan sát do trời mưa…

Không phải một sớm một chiều mà kết cấu hạ tầng giao thông có thể "quán xuyến" được hết mật độ phương tiện tham gia lưu thông ngày càng dày đặc. Không phải ở thời điểm này, mà trước đó khá lâu,  lãnh đạo ngành giao thông đã đau đầu với tình trạng này. Tiếc rằng, cho đến giờ lãnh đạo ngành vẫn đang… tiếp tục nhức đầu.

Trong lúc chờ đợi, không còn cách nào khác người điều khiển phương tiện tham gia lưu thông phải đặt ý thức và trách nhiệm của mình lên hàng đầu trước khi mong chờ vào một cơ sở hạ tầng theo đúng mong muốn. Nói ngắn gọn, "mình phải biết tự lo lắng cho mình". Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát giao thông nhất thiết phải làm việc công tâm, minh bạch để góp phần kiềm chế sự "phớt lờ nhận thức" của người tham gia lưu thông.

Mỗi vụ tai nạn xảy ra  chúng ta đều cảm thấy đau lòng. Bi kịch đến từ phía gia đình nạn nhân, bi kịch cũng ập vào người điều khiển phương tiện… Và có lẽ, đã đến lúc chúng ta nên học cách lo lắng cho bản thân mình, lo lắng cho bản thân của người khác (biết xót thương những nạn nhân vô tội) bằng cách nâng cao ý thức cá nhân… hơn là chờ đợi một phép màu. Hoặc đơn giản hơn, là cứ đổ thừa vào những thứ mà ngay chúng ta cũng biết "đang cần có thời gian hoàn thiện"

Kinh Hữu (ngokinhluan83@gmail.com)
.
.