Những áp lực mới với Triều Tiên
“Tôi sẽ đi”, ông Carter, 93 tuổi, nói với báo The New York Times ngày 22-10, khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn ở tư gia tại Georgia về việc liệu đã đến lúc tiến hành một bước đi ngoại giao khác và rằng liệu ông có sẵn sàng làm vậy cho Tổng thống Trump hay không. Ông Carter, tổng thống thuộc đảng Dân chủ từ năm 1977-1981, cho biết ông đã nói chuyện với cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, H. R. McMaster, một người bạn của ông, nhưng tới nay mới chỉ nhận được phản ứng tiêu cực.
Khi nhận định và nói thêm rằng, theo như ông biết, lãnh đạo trẻ tuổi của Triều Tiên chưa từng tới Trung Quốc, ông nói thêm: “Chúng ta đã tính toán quá đà về ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên. Họ không có quan hệ gì trong khi đó cố lãnh đạo Kim Jong-il từng tới Trung Quốc và thân thiết với họ... Tôi nghĩ rằng ông ta giờ đây đã có vũ khí hạt nhân tối tân có thể hủy diệt Bán đảo Triều Tiên, Nhật Bản và một số lãnh thổ ngoài rìa của chúng ta ở Thái Bình Dương, có thể thậm chí cả vùng đất liền của Mỹ”.
Bộ trưởng Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản cam kết tiếp sức cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong cuộc họp bên lề tại Philippines ngày 23-10. |
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Trump muốn theo đuổi những nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên tới chừng nào có thể thì mới thôi. Tuy nhiên, xem ra những ý tưởng và phát biểu từ phía Mỹ không làm an lòng chính quyền Bình Nhưỡng. Một báo cáo mới được xuất bản của Trung tâm Belfer, Đại học Harvard, cho biết, chính quyền Bình Nhưỡng đã có trong tay các vũ khí sinh học và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho việc sản xuất công nghiệp nhiều loại vũ khí sinh học tại Viện Công nghệ sinh học Bình Nhưỡng.
Tại một cuộc hội thảo về an ninh do cơ quan Foundation for Defense of Democracies tổ chức ngày 20-10, Giám đốc Cơ quan tình báo CIA của Mỹ, Mike Pompeo, nói rằng quốc gia này phải coi là Triều Tiên đang chuẩn bị có hành động tấn công bằng tên lửa để có sự đáp trả đúng mức và Tổng thống Trump đang sẵn sàng làm điều này.
Ngày 23-10, đài Sputnik của Nga dẫn một nguồn tin quân sự cho biết, Không quân Mỹ có thể đặt các máy bay ném bom hạt nhân B-52 vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ - một trạng thái chưa từng có kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, chiến thắng của liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc bầu cử hôm 22-10 được xem là một tín hiệu mạnh với tình hình Triều Tiên hiện nay. Chiến thắng trên giúp ông Abe mở rộng thời gian cầm quyền và tiếp tục nỗ lực tháo dỡ những hạn chế về quân sự theo hiến pháp chủ hòa.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo ngày 23-10, ông Abe bày tỏ hy vọng sẽ sử dụng chính sách "ngoại giao mạnh mẽ và kiên quyết" để giải quyết các vấn đề liên quan đến các chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Ông Abe nói: "Chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với cộng đồng quốc tế để Triều Tiên thay đổi lộ trình của họ".
Cựu Tổng thống Mĩ Jimmy Carter cho biết ông sẵn sàng đến Bình Nhưỡng để đối thoại với Triều Tiên. |
Cuối tháng 9-2017, khi công chúng gia tăng ủng hộ lập trường cứng rắn của ông đối với mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, ông Abe đã giải tán hạ viện, đề nghị tổ chức bầu cử sớm thay vì chờ cho đến khi quốc hội mãn nhiệm vào tháng 12-2018.
Bộ trưởng Quốc phòng các quốc gia Đông Nam Á hôm 23-10 cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc đối với các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và kêu gọi Bình Nhưỡng đáp ứng các nghĩa vụ quốc tế và nối lại đối thoại. Các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, trong một tuyên bố chung, nhấn mạnh "nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực" và kêu gọi “tự kiềm chế và nối lại đối thoại để giảm leo thang căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên".
Cũng trong ngày 23-10, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN+3 ở Philippines, đã cam kết tiếp sức cho nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên dựa trên các biện pháp ngoại giao.
Một thông cáo báo chí đưa ra sau cuộc gặp ba bên có đoạn nhấn mạnh: “Các vị bộ trưởng của ba nước nhất trí hợp tác tích cực nhằm hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên thông qua sức ép tối đa". Ba bên cũng nhất trí tiếp tục hậu thuẫn chiến dịch của cộng đồng quốc tế ngăn chặn các loại hàng mà Triều Tiên sử dụng để phát triển các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Nhiều chuyên gia cảm thấy lo lắng về hành động khó đoán định của Triều Tiên có thể khiến thế giới bị hủy diệt. Báo Expresse của Anh ngày 22-10 dẫn lại một cuộc phỏng vấn của học giả Chong Sho Hu, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Bắc Kinh, với BBC.
Vị giáo sư này cho hay Triều Tiên “tự làm khó mình” khi tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Ông khẳng định kỷ nguyên bạn hữu giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã kết thúc.