Những bức ảnh tình báo làm thay đổi thế giới

Thứ Tư, 21/01/2009, 09:30
Tình báo Mỹ bắt đầu sử dụng máy bay do thám hoặc vệ tinh chụp những bức ảnh tình báo từ cách đây 40 năm. Từ đó đến nay, dù được công khai hay bí mật vẫn đang giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong khoa học địa chính trị, đôi khi còn là cái cớ của những cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, để nhận dạng các vật thể hay hành động trong ảnh cần đến con mắt tinh tường của các chuyên gia và các thông tin bổ sung từ các điệp viên dưới mặt đất. Dưới đây là những bức ảnh tình báo có sức tác động lớn nhất trong lịch sử.

Cuba, 1962 (1)

 

Đây là bức ảnh tình báo đầu tiên được biết đến, được thực hiện bằng máy bay U-2 dưới thời Tổng thống Kennedy. Trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng hạt nhân tại Cuba, Kennedy đã công bố những bức ảnh tình báo để chứng minh rằng Cuba đang tiến hành xây dựng một hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung ở vùng nông thôn. Và dựa vào những bức ảnh như thế này, Kennedy muốn nhận được sự ủng hộ việc tiến hành bao vây và tấn công quân sự vào Cuba. Đối tượng mà bức ảnh này muốn hướng đến là những nhà lãnh đạo Liên Xô, dư luận trong nước và quốc tế.

Nicaragua, 1982 (2)

Bức ảnh được chụp bằng máy bay do thám SR-71 của Mỹ, cho thấy các thiết bị quân sự  đang được dỡ xuống từ một chiếc tàu thương mại của Liên Xô tại cảng Corinto của Nicaragua. Nhà chức trách Mỹ cho công bố bức ảnh này nhằm có cớ chi viện cho “đội quân Contras” (tổ chức phản động do Mỹ thành lập nhằm phá hoại Chính phủ Nicaragua). Hơn nữa, họ còn nhấn mạnh đến mối nguy hiểm từ liên minh Liên Xô - Cuba - Nicaragua và “âm mưu” tiến hành cách mạng ở khắp Trung Mỹ.

Ucraina, 1986 (3)

Bức ảnh được chụp từ một vệ tinh thương mại của Pháp tên là Spot. Đây là lần đầu tiên một bức ảnh từ các cơ quan báo chí được sử dụng nhằm khẳng định tính xác thực của một vụ việc nghiêm trọng tầm cỡ quốc tế. Đây là bằng chứng chứng minh thảm họa hạt nhân Chernobyl đã xảy ra bất chấp lời phủ nhận từ phía Liên Xô. Vị trí được đánh dấu trên bức ảnh cho biết ở nơi đó có một sức nóng khủng khiếp chỉ có thể sản sinh từ một vụ nổ lò phản ứng hạt nhân.

Afghanistan, 1998 (4)

Đây là bức ảnh mà phía Mỹ cho là trại huấn luyện của Al-Qaeda đặt tại làng Zhawar Kili của Afghanistan. Khu vực này chỉ ít lâu sau đã bị cày nát bởi tên lửa của Mỹ. Bức ảnh này được công bố cùng với bức ảnh chụp nhà máy bị nghi là sản xuất vũ khí sinh học tại Shifa (Sudan) là lần đầu tiên quan chức Mỹ công khai các tài liệu tình báo mật thu thập được từ vệ tinh.

Kosovo, 1999 (5)

Tháng 4/1999, NATO cho công bố bức ảnh chụp ngôi làng Izbica (phía tây Kosovo) từ trên không. NATO khẳng định rằng đây là một nấm mộ cực lớn với 150 xác người và coi đây như một bằng chứng về việc giết hại dân thường của quân đội Serbia.

CHDCND Triều Tiên, 2001 (6)

Bức ảnh chụp bãi thử tên lửa No Dong của Triều Tiên từ một vệ tinh thương mại tên là Ikonos. Bức ảnh đánh dấu việc lần đầu tiên cộng đồng tình báo Mỹ sử dụng một bức ảnh có độ phân giải cao từ một tổ chức phi chính phủ nhằm kiểm chứng thông tin còn nghi hoặc. Bức ảnh này cùng với một số bức khác cho thấy quy mô của căn cứ No Dong nhỏ hơn rất nhiều so với bất kỳ bãi thử tên lửa nào của các nước khác. Thậm chí đường dẫn của nó chỉ là một con đường đất. Trong bức ảnh, vòng tròn trung tâm là bệ phóng tên lửa, hình chữ nhật màu đen bên cạnh là dấu vết của khung tên lửa.

Isreal, 2000 (7)

Chính quyền Israel luôn phủ nhận việc theo đuổi chương trình hạt nhân và chỉ chịu thừa nhận nó về mặt ngoại giao một khi những bằng chứng được công bố rộng rãi ra công chúng. Mỹ luôn nhắm mắt làm ngơ để Israel thực hiện chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt WMD trong khi lại đơn phương tấn công Iraq vì cho rằng họ có WMD. Bởi vậy, khi những bức ảnh chụp từ vệ tinh Ikonos cảnh lò phản ứng hạt nhân của Israel được công bố, nó đã gây ra nhiều sự lúng túng cho cả phía Mỹ và Israel.

Qatar, 2002 (8)

Bức ảnh này cũng được chụp từ một vệ tinh thương mại có tên DigitalGlobe. Hình ảnh căn cứ quân sự của Mỹ đặt tại Qatar trong ảnh đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ bởi nó cho thấy sự chuẩn bị nhanh chóng và rõ ràng của quân đội Mỹ cho một cuộc chiến có thể diễn ra với Iraq. Sau khi được đưa công khai trên trang web GlobalSecurity.org, nó ngay lập tức trở thành một trong những bức ảnh được yêu cầu nhiều nhất trong lịch sử trang web đó. Các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới cũng đua nhau đăng lại bức ảnh này. Trong ảnh, dãy máy bay ở bên phải là loại KC-135R Stratotanker chuyên để tiếp nhiên liệu, còn chiếc máy bay đứng một mình là loại máy bay vận tải C-17 Globemaster.

Iraq, 2002 (9)

Bức ảnh này của GlobalSecurity cho thấy Iraq đang tiến hành xây dựng một công trình mới nhằm mở rộng trung tâm nghiên cứu hạt nhân Tuwaitha của mình ở phía đông nam Baghdad. Bộ Ngoại giao Iraq đã ngay lập tức tiến hành họp báo  và phủ nhận công trình này được phục vụ cho mục đích quân sự. Chính quyền Iraq còn mời các nhà báo phương Tây đi tham quan khu vực đang được xây dựng này để chứng minh rằng nó không có chút liên quan nào tới WMD. Vụ việc này đánh dấu việc lần đầu tiên một tổ chức phi chính phủ  thành công trong việc sử dụng một bức ảnh thương mại để tác động lên cách ứng xử của một quốc gia vốn đang bị nghi ngờ là theo đuổi chương trình WMD bất hợp phá

Anh Dũng (Tổng hợp)
.
.