Những bước tiến vì mục tiêu phát triển con người ở Việt Nam

Thứ Hai, 10/12/2018, 11:17
Ngày 10-12-1948, Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông qua, đặt nền móng cho sự nghiệp của toàn nhân loại nhằm đảm bảo các quyền căn bản của con người. Kể từ đó, ngày 10-12 hàng năm được coi là Ngày Nhân quyền quốc tế.

Liên Hiệp Quốc định nghĩa: “Nhân quyền là các quyền nghiễm nhiên của mọi người, bất kể chủng tộc, giới tính, quốc tịch, dân tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, hay bất kỳ tiêu chí nào. Nhân quyền bao gồm quyền được sống và quyền tự do, tự do khỏi nô lệ và tra tấn, tự do bày tỏ ý kiến, quyền làm việc và giáo dục, và nhiều quyền khác. Mọi người đều có những quyền này, không phân biệt”.

Năm 1945, Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo cũng đã khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.”

Tư tưởng đã trở thành kim chỉ nam cho Đảng và Chính phủ Việt Nam, để từ đó có được những bước tiến vượt bậc trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, bảo đảm thực hiện tốt các quyền con người.

Tăng cường hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy quyền con người

Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhấn mạnh các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Các quyền này bao gồm quyền được sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền có nơi ở, quyền tự do đi lại và cư trú trong nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí, quyền bầu cử, tham gia quản lý nhà nước, quyền làm việc, quyền học tập…

Trong những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam đã thông qua các điều luật như Luật Người cao tuổi (2009), Luật Người khuyết tật (2010), Luật Phòng chống mua bán, buôn người (2011),… Các điều luật này đã tạo ra khung pháp lý vững chắc để đảm bảo thực thi và bảo vệ các quyền công dân, quyền con người.

Phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội vì mục tiêu phát triển con người

Nhìn vào các kết quả đạt được từ công cuộc phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội của Việt Nam, có thể thấy rõ việc bảo đảm các quyền con người của Việt Nam đang ngày càng được quan tâm hơn. Kể từ năm 2000 cho đến nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn đạt trên 6% (chỉ trừ các năm 2008, 2009 và 2012 do những biến động mạnh của kinh tế thế giới). Việt Nam cũng đã trở thành nước thu nhập trung bình của thế giới vào năm 2010. Đời sống người dân Việt Nam đang ngày một được cải thiện.

Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới có tên “Bước tiến mới: Giảm nghèo và thịnh vượng chung tại Việt Nam”, hiện nay 70% người dân Việt Nam đã được đảm bảo về mặt kinh tế, trong đó có 13% thuộc tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn của thế giới.

Bên cạnh các thành tựu về kinh tế, Việt Nam cũng đạt được những tiến bộ đáng kể về các mặt văn hoá – xã hội. Việt Nam được đánh giá là quốc gia xoá bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong 20 năm qua và được xếp ở nhóm các quốc gia bình đẳng giới nhất trên thế giới năm 2016.

Tài liệu báo cáo “Các chỉ số phát triển con người” với số liệu thống kê được cập nhật năm 2018 của chương trình phát triển LHQ UNDP, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua, hiện thuộc nhóm trung bình cao của thế giới, đứng thứ 116/189 quốc gia.

Những năm qua, cùng với thành tựu về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…, giáo dục Việt Nam đã tích cực đổi mới và thu được nhiều kết quả khả quan.

Hợp tác quốc tế về lĩnh vực nhân quyền

Việt Nam là một bên tham gia của hầu hết các điều ước quốc tế chủ chốt về nhân quyền, bao gồm Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (ICESCR), Công ước về Xóa bỏ phân biệt chủng tộc (CERD), Công ước về Xoá bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW)…

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cùng các nước ASEAN thành lập Hội đồng liên Chính phủ về nhân quyền của ASEAN và Hội đồng Bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em của ASEAN. Việt Nam cũng là nước châu Á đầu tiên ký Hiệp ước về các Quyền của trẻ em.

Ngày 12-11-2013, với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí này trong nhiệm kỳ 2016-2018, đóng góp tích cực vào sự nghiệp thúc đẩy bảo vệ quyền con người của toàn thế giới.

Bảy hướng đi ưu tiên

Tháng 1-2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã công bố “Sách trắng về quyền con người”, trong đó đưa ra 7 hướng đi ưu tiên để tiếp tục bảo đảm quyền con người trong thời gian tới, đó là:

(1) Tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân trên cơ sở phù hợp với Hiến pháp 2013 và các cam kết quốc tế của Việt Nam;

(2) Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân;

(3) Nâng cao khả năng tiếp cận với các loại hình an sinh xã hội;

(4) Cải thiện chất lượng giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực, trong đó có giáo dục về quyền con người nhằm nâng cao nhận thức của người dân và các cơ quan thực thi pháp luật trong vấn đề này;

(5) Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình;

(6) Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hướng đến một xã hội được chăm sóc sức khỏe đầy đủ cả về thể chất và tinh thần;

(7) Tăng cường hợp tác về quyền con người với tất cả các quốc gia, các cơ chế và tổ chức chuyên môn của khu vực và toàn cầu.

Nhân quyền là giá trị cơ bản và cao quý của toàn nhân loại chứ không chỉ của riêng quốc gia hay dân tộc nào. Với những định hướng này, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực vì mục tiêu bảo đảm, nâng cao quyền con người, từ những quyền căn bản nhất.

Ngọc Hoàng
.
.