Những khó khăn đang chờ đón ông Taro Aso

Thứ Năm, 25/09/2008, 14:00
Giới bình luận nhận xét Taro Aso– đương kim Tổng thư ký đảng – giành được số phiếu áp đảo trong cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề khó khăn lớn là vực dậy uy tín LDP trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra và lèo lái nền kinh tế tránh phải rơi vào trì trệ do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Cuộc bỏ phiếu bầu chủ tịch mới của đảng Dân chủ tự do Nhật Bản (LDP) hôm 22/9 đã cho kết quả ông Taro Aso – đương kim Tổng thư ký đảng – giành được số phiếu áp đảo (351 trên 527 đại biểu), bỏ xa 4 đối thủ của mình (người về thứ nhì là Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Kaoru Yosano giành được 66 phiếu; bà cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yuriko Koike về thứ ba với 46 phiếu; 2 ứng viên còn lại giành lần lượt 37 và 25 phiếu).

Với kết quả này, hầu như ông Aso chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới của nước Nhật sau cuộc bỏ phiếu vào ngày 24/9 tại Hạ viện do LDP nắm đa số. Trước mắt, giới bình luận nhận xét Taro Aso sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề khó khăn lớn là vực dậy uy tín LDP trước cuộc bầu cử Quốc hội sắp diễn ra và lèo lái nền kinh tế tránh phải rơi vào trì trệ do ảnh hưởng khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Ông Taro Aso năm nay 68 tuổi (sinh ngày 20/9/1940), sinh trưởng trong một gia đình khá giả, có cha là Chủ tịch Tập đoàn xi măng Aso (bạn thân của cựu Thủ tướng Kakuei Tanaka), mẹ là con gái của cựu Thủ tướng Shigeru Yoshida. Ông cũng được xem là người có thân thế với Hoàng gia Nhật khi em gái ông, Nobuko Aso, lấy chồng là Hoàng thân Tomohito của xứ Mikasa, em họ của đương kim Nhật hoàng Akihito.

Thời trai trẻ, Taro Aso cũng thích phiêu lưu như bao thanh niên cùng trang lứa, cho nên sau khi tốt nghiệp Khoa Kinh tế và Chính trị học tại Đại học Gakushuin, ông sang Mỹ theo học Đại học Stanford nhưng phải nghỉ giữa chừng vì gia đình không muốn ông bị “Mỹ hóa”.

Cuối cùng, Aso cũng được học và tốt nghiệp Trường Kinh tế London, Anh. Sau 2 năm phiêu lưu sang tận xứ Sierra Leone bên châu Phi, Taro Aso đã trở về tham gia vào công việc làm ăn trong công ty của gia đình vào năm 1966, và làm Chủ tịch Công ty Aso Mining trong 6 năm (1973-1979).

Bước vào chính trường hơi muộn, song Aso may mắn được đi trên con đuờng bằng phẳng, cho nên ông thuộc nhóm các chính khách “một bước tới trời”, không cần nhọc nhằn bò từng nấc thang từ thấp lên cao.

Quả thực vậy, tháng 10/1979, ông được bầu vào Hạ viện trong thành phần đảng LDP và đã tái đắc cử 8 nhiệm kỳ liên tiếp cho đến khi ông tham gia nội các chính phủ của Thủ tướng Junichiro Koizumi vào năm 2003, nắm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Bưu chính và Truyền thông.

Ngày 31/10/2005, Aso được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Nhật, và tiếp tục giữ chức vụ này dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe. Ngày 1/8/2008, Aso được Thủ tướng Fukuda (đồng thời là Chủ tịch LDP) bổ nhiệm vào chức Tổng thư ký đảng, trở thành nhân vật quyền lực số 2 trong LDP.

Nếu tính luôn lần này thì ông Aso đã 4 lần tranh chức Chủ tịch LDP, và đã từng 3 lần thất bại. Lần đầu ra tranh cử năm 2001, ông đã chịu thảm bại dưới tay ông Junichiro Koizumi. Đến lần thứ hai vào tháng 9/2006, ông lại chịu nhường bước trước Shinzo Abe, và khi Abe từ chức một năm sau (tháng 9/2007), ông Aso tưởng chừng nắm chắc chiếc ghế Chủ tịch LDP cho đến khi ông Yasuo Fukuda xuất hiện và ông lại vuột mất cơ hội. Tháng 9/2008, trong lần tranh cử thứ 4, ông đã thành công.

Trên cương vị Thủ tướng Nhật, ông Taro Aso sẽ gặp phải khá nhiều khó khăn. Về đối ngoại, ông là người nổi tiếng là có quan điểm cứng rắn trong các vấn đề đối ngoại. Cùng với cựu Thủ tướng Shinzo Abe, ông theo đuổi chủ trương cứng rắn trong quan hệ với các nước láng giềng Đông và Đông Bắc Á như Trung Quốc, Hàn Quốc và nhất là CHDCND Triều Tiên. Vì thế, giới phân tích dự báo với tân Thủ tướng Taro Aso, những khúc mắc trong quan hệ Nhật Bản - CHDCND Triều Tiên sẽ càng khó giải quyết hơn, và khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ hội nghị 6 bên cũng trở nên xa vời hơn.

Về đối nội, ông sẽ phải đương đầu với 2 nhiệm vụ cực kỳ khó khăn mà ông “thừa kế” từ ông Fukuda: Vực dậy uy tín đảng LDP trước kỳ bầu cử Quốc hội trước thời hạn dự kiến trong vài tháng tới, có thể vào tháng 10/2008; đồng thời lèo lái con thuyền kinh tế Nhật Bản tránh xa cơn bão tài chính xuất phát từ Mỹ đang đe dọa nền kinh tế toàn cầu.

Chưa ai dám chắc khả năng thành công của ông Aso trong cả 2 nhiệm vụ này, vì cho đến thời điểm hiện nay người ta chưa thấy ông đưa ra được phương án nào mang tính khả thi cao ngoài lời hứa khi tranh cử là sẽ tăng cường chi tiêu công cộng để kích thích nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đợt khủng hoảng tài chính - tín dụng Mỹ.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, dự trữ ngoại tệ cũng như mọi hoạt động của nền kinh tế Nhật đều gắn chặt với kinh tế Mỹ, cho nên kinh tế Nhật chắc chắn bị ảnh hưởng một khi cuộc “giải cứu thị trường” của Tổng thống Mỹ George W. Bush không hiệu quả để cho tình trạng xấu kéo dài. Nền kinh tế Nhật sau nhiều năm tăng trưởng khả quan, nay đang có dấu hiệu chững lại (lạm phát tăng cao trong khi tăng trưởng bị chậm mất 0,6%), và các nhà kinh tế đang lo ngại về một nguy cơ thật sự lớn khi tổng dư nợ công cộng hiện đang lớn gấp đôi quy mô nền kinh tế!

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch LDP, ông Taro Aso đã tuyên bố rằng, ông muốn gói giải pháp bình ổn và phát triển kinh tế phải được tiến hành trước khi giải tán Quốc hội để tiến hành bầu cử. Bởi vì, hiệu quả từ các quyết sách kinh tế chắc chắn sẽ góp phần cứu vãn uy tín cho LDP trước cuộc bầu cử.

Thăm dò dư luận công bố trên nhật báo Asahi đầu tháng 9/2008 cho thấy đảng đối lập DPJ dẫn điểm 31% so với 27% của LDP. Một nghiên cứu khác công bố trên tờ Yomiuri một tuần sau đó cho kết quả ngược lại: LDP đạt 43,4%, còn DPJ được 26,3%. Giới chuyên gia chính trị ở Tokyo còn tô đậm hơn khi dự báo rằng nếu cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm hiện nay hoặc tháng 10, ông Aso và đảng LDP có đến 50% khả năng bị hất khỏi vị trí cầm qưyền.

Sau một năm ngồi ghế Thủ tướng, ông Yasuo Fukuda đã buộc phải ra đi mà không hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng nào vì tình trạng phân chia quyền lực trong Quốc hội: Phe đối lập nắm Thượng viện, còn LDP nắm Hạ viện, từ đó dẫn đến nhiều quyết sách quan trọng của Thủ tướng đã bị phá hỏng ở Thượng viện. Liệu ông Taro Aso có thoát được tình trạng đó hay không còn phải chờ xem ông sẽ đưa ra những quyết sách gì để hoàn thành nhiệm vụ

Văn Trương (Tổng hợp)
.
.