Những khuất tất trong dự án xe hơi hydro

Thứ Sáu, 26/08/2005, 10:00

Trong Thông điệp liên bang năm ngoái, Tổng thống Bush đã đề xuất một dự án đầy tham vọng mang tên xe hơi chạy bằng năng lượng hydro. Tuy vậy, các cuộc điều tra sau đó của báo chí Mỹ đã làm dư luận vỡ lẽ, hóa ra đây chỉ là một màn "treo đầu dê bán thịt chó".

Tổng thống Bush đề xuất một khoản đầu tư ngân sách liên bang dành cho dự án mà ông gọi là Freedom Car lên tới 12 tỉ USD. Ông cũng tuyên bố trong vòng 20 năm tới, những chiếc ôtô chạy bằng hydro sẽ giúp bầu không khí nước Mỹ trong sạch hơn và nước này sẽ không còn phải phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp dầu mỏ nhập khẩu nữa. Nhưng vấn đề mà Tổng thống Bush chưa đề cập là quá trình sản xuất hydro cung cấp cho những chiếc Freedom Car.

Điều tra của báo chí và các nhà khoa học tại Mỹ tiết lộ, Chính phủ Mỹ đang lặng lẽ đảm bảo với các tập đoàn năng lượng rằng hệ thống được sử dụng để sản xuất ra hydro vẫn phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch. Trong bản Lộ trình năng lượng hydro quốc gia của Nhà Trắng mà tờ Los Angeles Times có được thì tới 90% hydro được chiết xuất từ dầu thô, khí gaz và các dạng năng lượng hóa thạch khác, 10% còn lại được chiết xuất từ nước bằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử.

Mike Nicklas, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng mặt trời Mỹ (ASES) là một trong 224 chuyên gia năng lượng được Bộ Năng lượng mời tham dự phát triển lộ trình này cho chính phủ. Nhưng ông và những người tham dự khác nhanh chóng phát hiện ra rằng các buổi thảo luận đều bị thao túng bởi những đại diện đến từ các công ty dầu lửa, than và năng lượng nguyên tử.

Hiện nay ngành công nghiệp dầu lửa và hóa chất của Mỹ sản xuất ra 9 triệu tấn hydro mỗi năm, phần lớn là từ khí gaz. Hydro được vận chuyển qua hệ thống ống dẫn dài hàng trăm kilômét để phục vụ cho các chương trình tên lửa và vũ trụ cũng như được dùng để tách sulfur từ các giếng dầu.

Để bảo vệ đặc quyền năng lượng của mình, trong những năm gần đây các tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ không ngừng gây sức ép lên chính phủ nhằm định ra chính sách hydro có lợi cho họ. Từ năm 1999, các công ty dầu lửa và chế tạo xe hơi bắt đầu tham gia vào các cuộc họp của một nhóm gọi là Hiệp hội Hydro quốc gia (NHA). Hiệp hội này được thành lập năm 1989 bởi các nhà khoa học đến từ các phòng thí nghiệm của chính phủ và các trường đại học. NHA sớm trở thành sân chơi cho những công ty cỡ nhỏ chuyên nghiên cứu ứng dụng hydro vì mục đích môi trường.

Tuy nhiên, bầu không khí trong lành của NHA hoàn toàn bị xáo trộn khi các tập đoàn năng lượng nhảy vào. Cùng với các công ty chế tạo xe hơi lớn, các tập đoàn năng lượng cũng lập ra một hiệp hội có tên International Hydro Infrastructure Group (IHIG) với mục đích chính là giám sát các quan chức liên bang chịu trách nhiệm phát triển nguồn năng lượng này.

Khi hydro giành được sự quan tâm ngày càng lớn, các tập đoàn dầu lửa cũng bắt đầu đổ xô đi mua cổ phần trong các công ty nghiên cứu và phát triển ứng dụng năng lượng hydro cỡ nhỏ. Texaco đã đầu tư 82 triệu USD vào Công ty Energy Conversion Devices. Shell hiện đang sở hữu  Hydrogen Source. BP, Chevton-Texaco, Exxon Mobil, Ford và General Electric cũng đang kiểm soát phần lớn các công ty có mối quan hệ với những nhà khoa học năng lượng hàng đầu của Mỹ.

Chỉ riêng 3 trường đại học của Mỹ là Học viện Công nghệ Massachusets (MIT), Princeton và Stanford đã nhận được tài trợ hơn 270 triệu USD cho các chương trình nghiên cứu ứng dụng hydro của mình.

Các nhà khoa học tin rằng kế hoạch sản xuất hydro từ năng lượng hóa thạch của Chính phủ Mỹ vẫn thải ra lượng khí CO2 nhiều nhất thế giới, sẽ chẳng làm được gì để giải quyết tình trạng nóng lên của trái đất. Ông John Heywood, Giám đốc Sloan Automotive Lab thuộc MIT nói: “Nếu dự án hydro không xuất phát từ nguồn năng lượng sạch thì nó sẽ chẳng đem lại ích lợi gì, cả về mặt kinh tế cũng như môi trường”

Chu Anh Tuấn (theo Los Angeles Times)
.
.