Những người viết nên trang sử anh hùng

Thứ Ba, 31/07/2007, 13:30

Hàng năm, cùng với những ngày kỷ niệm chiến thắng chung của cả nước, nhân dân và du kích xã Quang Vinh, huyện Quỳnh Côi, trước kia (nay là xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) còn có ngày kỷ niệm chiến thắng riêng của mình.

Xã An Vinh trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có tên là làng Cổ Tiết, thuộc huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Sau năm 1949 được sáp nhập sang huyện Quỳnh Côi mang tên mới là xã Quang Vinh và tồn tại cho đến hết thời gian kháng  chiến chống thực dân Pháp.

Sau khi Thái Bình có quyết định sáp nhập 2 huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực thành một huyện lấy tên là Quỳnh Phụ, xã Quang Vinh đổi thành xã An Vinh.

Xã An Vinh nằm ở ven đường 10, trên trục giao thông Thái Bình - Hải Phòng và là điểm nối giữa 2 huyện Quỳnh Côi và Đông Quan ở bắc và nam đường 10, cách TPThái Bình 19km về phía tây bắc.

Ở vị thế chiến lược quan trọng như vậy nên ngay từ tháng 2/1950, sau khi đánh chiếm Thái Bình, giặc Pháp muốn thôn tính An Vinh, đóng bốt, lập tề để tạo hành lang an toàn, bảo vệ trục giao thông Thái Bình - Hải Phòng, đồng thời án ngữ con đường nối giữa 2 huyện Quỳnh Côi và Đông Quan, cắt đứt mối liên hệ và chi viện cho nhau của 2 huyện.

Để thực hiện âm mưu đó, trong vòng 5 tháng, từ tháng 2 đến tháng 7 năm 1950, giặc Pháp đã mở 5 cuộc  càn quét vào xã, trong các ngày: 8-2, 13-3, 2-4, 24-4 và ngày 25, 26, 27/7/1950.

Lần tấn công tháng 7, chúng đóng lại 3 ngày, lùng bắt thanh niên, cướp của, đốt nhà, tàn phá làng mạc, triệt hạ mọi phương tiện sản xuất và nguồn cung cấp lương thực, hòng làm cho nhân dân An Vinh không còn sức chiến đấu chống lại chúng.

Mặc dù vậy, quân dân xã An Vinh vẫn quyết tâm bám đất, bám làng, thực hiện khẩu hiệu “Địch đến là đánh, địch đi lại sản xuất”, luôn luôn chắc tay súng, vững tay cày, kiên quyết không để địch thực hiện được việc cắm bốt lập tề.

Nhưng với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, bọn thực dân không cam chịu thất bại trước sự chiến đấu anh dũng, ngoan cường của quân và dân xã An Vinh.

Ngày 19/9/1950, giặc Pháp tập trung 2.000 quân thiện chiến và dùng 6 máy bay chở quân dù đổ bộ xuống ngã ba Đọ cùng với hàng chục xe lội nước, chia làm 2 mũi đánh vào xã.

Lực lượng của ta ở xã lúc đó chỉ có một đại đội 99, do đồng chí Ngô Văn Sở làm Đại đội trưởng (Đồng chí Sở sau này là Thiếu tướng, Tham mưu trưởng Quân khu 3) và đội du kích tập trung của xã, đã phối hợp chiến đấu với địch suốt từ 9 giờ đến 18 giờ.

Địch tổ chức nhiều đợt tấn công, huy động cả máy bay đến ném bom và đại bác từ căn cứ Đống Năm, Cầu Nguyễn bắn vào trận địa, hòng tiêu diệt lực lượng của ta. Nhưng nhờ có hệ thống hào lũy liên hoàn, kiên cố của “làng kháng chiến” được xây dựng từ năm 1949 và dưới tài chỉ huy rất linh hoạt, dũng cảm của đồng chí Ngô Văn Sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội và du kích cùng với sự tận tình chi viện, giúp đỡ của nhân dân nên trong ngày 19/9, các mũi càn quét của địch đều bị bẻ gãy, không thể vào được xã.

Ta tiêu diệt hơn 90 tên địch, trong đó có tên quan hai Pháp và bắn hỏng 4 xe lội nước. Tối 19/9, mũi trên đường 10 của địch phải co cụm lại ở ngã tư Kênh, mũi trên đường 217 thì rút về phía tây và cho xe chở xác những tên bị chết, bị thương về thị xã Thái Bình.

Về phía ta, sau một ngày kiên cường chiến đấu, lực lượng đã bị tổn thất một ít: 4 chiến sĩ hy sinh trong đó có 2 bộ đội và 2 du kích, 12 người bị thương.

Nhận thấy lực lượng còn lại không đủ sức chiến đấu với địch trong ngày hôm sau, nên đồng chí Sở bàn với cấp ủy và ban chỉ huy xã đội đêm hôm đó cho bộ đội, du kích cùng các cơ quan đóng trên xã rút ra ngoài.

Ngày hôm sau, địch vào xã thì chỉ còn “vườn không nhà trống”, chúng điên cuồng bắn chết 6 người dân rồi rút về Thái Bình, chấm dứt cuộc hành binh đầy tham vọng và bị chuốc lấy thất bại nặng nề.

Chiến thắng ngày mồng 8/8 năm Canh Dần như một dấu son chói lọi trong lịch sử xã An Vinh. Nó đã dập tắt ý đồ cắm bốt, lập tề tại xã của thực dân Pháp. Xã An Vinh nổi lên như một trong những xã kiên cường chống Pháp của tỉnh Thái Bình.

Bởi vậy, đã thành truyền thống, hằng năm cứ đến ngày mồng 8/8 âm lịch, những người du kích xã Quang Vinh, huyện Quỳnh Côi năm xưa, lại họp mặt, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm và giáo dục truyền thống cho lớp trẻ ngày nay.

Mặc dù đến nay các cụ đã thuộc vào lớp người “xưa nay hiếm”, nhiều cụ đã 80, 90 tuổi nhưng cuộc họp năm nào, các cụ cũng có mặt đông đủ và rất thân tình.

Trong các cuộc họp ấy, các cụ không quên nhắc lại một số trận chiến đấu cùng với những tấm gương anh dũng của một số đồng chí và các liệt sĩ đã hy sinh thân mình vì quê hương thân yêu, như: liệt sĩ Trịnh Công Xiêu, đội trưởng tự vệ, chiến đấu với bọn Quốc dân đảng, bị chúng giết năm 1946; liệt sĩ Bùi Gia Điệp, quân báo thôn Gia Hòa, được phân công trà trộn với phu để vào bốt Cầu Vạt nắm tình hình. Địch phát hiện được, chúng tra tấn dã man, nhưng đồng chí nhất định không khai trước sự chứng kiến của những người phu cùng đi làm hôm đó. Chúng đã đánh đồng chí đến chết rồi vứt xác xuống sông Diêm Hộ.

Hay như chuyện tổ gỡ mìn của du kích thôn Hưng Đạo, đêm ngày 4-6-1954, do đồng chí Lê Văn Đễ làm tổ trưởng, trong tổ có 4 người: Lê Văn Đễ, Phạm Hữu Tuất, Tống Đình Oanh và Đào Thị Thự. Các đồng chí đã dũng cảm ngâm mình dưới nước, lách đám bèo tây trên sông Diêm Hộ, chui vào trong hàng rào của bốt Cầu Vật để gỡ mìn.

Sau khi gỡ được một số mìn, đồng chí Tuất nói với các đồng chí trong tổ “hôm nay tha hồ mà vác”, thì một quả mìn phát nổ, 2 đồng chí Đễ và Oanh hy sinh tại chỗ, Tuất bị thương vào bụng, chỉ còn một mình đồng chí Thự sống sót. Đồng chí Thự không thể đưa được thương binh, liệt sĩ ra, phải quay về báo cáo với thôn đội trưởng là đồng chí Đào Đức Đãn diễn biến sự việc và đề nghị tổ chức lực lượng hỗ trợ.

Sau khi mìn nổ, bọn địch đã tăng cường cảnh giác với mọi động tĩnh xung quanh và thường xuyên bắn pháo sáng để cảnh giới, nên đưa thương binh và liệt sĩ ra ngoài là một việc rất khó khăn. Nhưng bằng bất cứ giá nào cũng phải thực hiện nhiệm vụ trong đêm. Đó là quyết tâm của ban chỉ huy thôn đội.

Đồng chí Đãn và đồng chí Vũ Bá Chính chính trị viên thôn đội bàn với nhau đi làm việc này và huy động đồng chí Thung và đồng chí Nhung, mang theo băng ca đi cùng. Đồng chí Thự làm nhiệm vụ dẫn đường. Các đồng chí lại ngâm mình dưới nước, lách bèo tây chui vào hàng rào, tìm đến nơi các anh nằm.

Đến nơi, đồng chí Đãn thấy đồng chí Tuất một tay ôm bụng, một tay vẫn cầm một quả mìn và cái thuổng. Đồng chí Tuất đưa cho đồng chí Đãn hai thứ đó và nói: “Anh giữ hộ tôi, khi khỏi tôi sẽ trả thù chúng nó”.

Hai đồng chí Thung và Nhung khiêng đồng chí Tuất, đưa lên Bệnh viện Tè, còn đồng chí Đãn và đồng chí Chính chui vào hàng rào, đưa thi thể đồng đội về thôn. Khi đến Bệnh viện Tè, chưa kịp băng bó vết thương thì đồng chí  Tuất  đã trút hơi thở cuối cùng.

Ngày 5/6, nhân dân xã An Vinh vô cùng xúc động làm lễ truy điệu và tiễn đưa 3 người con dũng cảm của mình về nơi an nghỉ  cuối cùng. Các đồng chí ra đi đang trong lứa tuổi 20, để lại cho gia đình, người thân và nhân dân cả xã sự tiếc thương vô hạn.

Còn nhiều câu chuyện chiến đấu khác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những tấm gương anh dũng ngoan cường của những người du kích xã Quang Vinh, trong đó có nhiều người đã ngã xuống, là những tấm gương anh dũng không thể kể hết.

Với những chiến tích vẻ vang đó, tháng 12/2003, nhân dân xã An Vinh đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân trong thời kỳ chống Pháp. Đây là một phần thưởng rất xứng đáng cho nhân dân xã.

Nhưng rất tiếc, trong thành tích chung của xã từ tháng 2/1950 đến tháng 7/1954, có nhiều tấm gương tiêu biểu. Họ là những người viết lên trang sử anh hùng của xã, song có thể do hạn chế trong việc khai thác tư liệu ở những người tham gia kháng chiến nên xã không đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng cho một cá nhân nào.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, tôi đề nghị Đảng ủy và chính quyền từ xã đến huyện, tỉnh Thái Bình nghiên cứu, chọn một vài cá nhân có chiến tích đặc biệt xuất sắc, đề nghị lên trên tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, nhất là đối với các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng.

Đây là một việc làm thiết thực để đền ơn đáp nghĩa với người có công và cũng để giáo dục cho lớp con em biết được truyền thống chiến đấu, bảo vệ quê hương của lớp cha anh như thế nào. Tôi tin rằng, việc đó sẽ được nhân dân đồng tình và được cấp trên hoan nghênh

Đại tá Dương Niết
.
.