Phía sau thảm họa động đất, sóng thần tại Indonesia:

Những “phép màu” trong đống hoang tàn

Thứ Sáu, 12/10/2018, 14:39
Hơn một tuần trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần tại khu vực ngoại ô thành phố Palu, Indonesia, nỗi đau mất mát và chia ly như quặn lòng. Song cũng có những giọt nước mắt mừng vui hội ngộ. Vượt lên trên hết, người ta vẫn hy vọng vào những phép màu kỳ diệu cho sự hồi sinh cũng như sự ấm áp lan tỏa của tình người ở mảnh đất hoang tàn sau thảm họa này.

Chia ly “không báo trước”

Vào thời điểm xảy ra thảm họa, cô Fitria Lontaain đang cùng chồng Victor tay trong tay đi dạo bên bờ biển ở Palu thì bất ngờ mặt đất rung chuyển. Ban đầu, chỉ nghĩ là một trận động đất bình thường nên cô vẫn đứng yên rồi hai người chỉ nhìn nhau trấn an. “Sau đó, chồng tôi nhìn ra sau và thấy sóng ập đến. Anh ấy chỉ kịp nói với tôi sóng đến rồi tôi cố ôm lấy chồng và anh ấy cố ôm chặt lấy tôi, song nước đã ập đến”.

Chỉ trong giây lát, bức tường nước cao 6m đánh sấp chúng tôi và bật tung hai người. Fitria bị sóng thần đánh dạt vào bên trong bờ, va đập vào nhà cửa và cây cối. Anh Victor thì không thấy đâu.

May mắn sống sót với những vết thương và sẹo trên mặt, nhưng Fitria vẫn trở lại bờ biển ở Palu và chưa bao giờ từ bỏ hy vọng tìm thấy chồng. Nắm chặt chiếc áo phông giống như chiếc áo mà chồng cô mặc khi xảy ra thảm họa, Fitria hy vọng chiếc áo có thể giúp kích thích nhân chứng nhớ ra điều gì đó. Nỗi đau đè nặng lên gương mặt đầy vết thương tím bầm. Nỗi đau ấy cũng đè nặng lên những bước chân tìm chồng trên bờ biển.

Cái cô tìm thấy chỉ là tấm căn cước cá nhân của Victor. Trước khi xảy ra thảm họa, Fitria đã lên kế hoạch cho tương lai của đôi vợ chồng với đàn con trẻ. “Tôi muốn tìm thấy thi thể anh ấy… và có thể xây cất nơi yên nghỉ đàng hoàng cho anh ấy”, cô tâm sự.

Khác với Fitria, cô Surianti tìm thấy thi thể chồng song oái oăm là không thể tự tay chôn cất. Nguy cơ phát tán bệnh lây nhiễm đồng nghĩa với việc cô không thể mang thi thể về nhà. Chồng cô phải chôn tập thể cùng với hàng trăm nạn nhân khác. Không tang lễ. Khu mộ tập thể là nơi an nghỉ cuối cùng. Đây là nơi tang tóc nhất ở khu ngoại ô thành phố Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia.

Đứng bên chiếc xe tải chở đầy túi đựng thi thể, khi được hỏi liệu có thể chôn chồng ở nấm mồ tập thể này hay không, cô đáp: “Không, tôi muốn đưa anh ấy về nhà”. Mùi xác phân hủy ngộn lên nhưng cô không hề sợ hãi. Cô vẫn lặng lẽ dõi theo cho đến khi chiếc túi đựng thi thể chồng cô được nhấc xuống xe. Chạy đuổi theo nhân viên chôn xác, cô chỉ còn dịp cầu nguyện lần cuối cho chồng trong nước mắt.

Tại ngôi làng Petobo này, chỉ trong vài phút, hàng nghìn người, trong đó có chồng cô, bị mặt đất biến thành bùn lỏng “nuốt chửng” khi xảy ra động đất. “...Mặt đất rung chuyển, bùn lỏng đột ngột xuất hiện, mọi người bỏ chạy. Không kịp mang theo bất kỳ tài sản gì ngoài bộ quần áo đang mặc trên người”, cô tâm sự.

Bé Suharsi và mẹ trên tàu cứu trợ Soeharso. Ảnh: AFP.

Còn với Anisa Cornelia, thảm họa kép đã cướp đi vị hôn phu của cô. Hai người dự định tổ chức lễ cưới vào ngày 15-10. Thế nhưng, dường như ngày 28-9 đã trở thành ngày định mệnh cho số phận đôi nam nữ này khi động đất bất ngờ rung chuyển dưới chân khi họ đang đi dạo trên bãi cát ở Palu. Bị sóng hút chìm nghỉm dưới sâu, quăng quật, song may mắn và kỳ diệu là cô vẫn dạt vào đâu đó trên bãi biển. Rồi đợt sóng thứ hai ập đến, cột sóng thấp hơn nhưng di chuyển nhanh hơn đã đánh tạt cô vào bờ, như xé toạc toàn bộ thân thể, từ đầu đến chân, rồi cô nằm vật giữa đống đổ nát.

Giờ đây nằm điều trị vết thương tại trại y tế dựng tạm ở sân của một bệnh viện ở thành phố Palu, cô gái trẻ 22 tuổi này vẫn nói trong hy vọng rằng: “Anh ấy còn sống”, và rồi lã chã nước mắt.

Hơn 1 tuần sau động đất 7,5 độ Richte gây sóng thần, không biết bao người chưa tìm được người thân, cả sống sót và đã chết. Tính đến chiều 7-10, Cơ quan thảm họa quốc gia Indonesia cho biết con số thiệt mạng là hơn 1.760 người với hơn 5.000 người bị cho là vẫn chưa tìm thấy thi thể. Đó là chưa tính đến con số mà nhiều gia đình không khai báo với chính quyền.

Cuộc hội ngộ như mơ

Sự hội ngộ của một cặp vợ chồng người Indonesia đã làm lóe lên tia hy vọng hiếm hoi. Sau hai ngày đào bới đống đổ nát tìm vợ trong nỗi đau xé lòng, anh Azwan đã tìm thấy Dewi. “Tôi mừng quá, vui quá, ơn Trời tôi có thể tìm lại được cô ấy”, anh chia sẻ với AFP, cố kiểm soát cảm xúc song nước mắt đã ướt nhòa sau mắt kính. Đây là câu chuyện hiếm hoi của hy vọng, ở nơi mà cảm giác tuyệt vọng, mất mát và đau đớn nặng trĩu tâm trạng và bầu không khí nơi hoang tàn này.

Bức tường nước ập vào người. Khi tỉnh lại, Dewi thấy mình dạt trên con đường ngay trước khách sạn cô đăng ký nghỉ để tham dự lễ hội bên bờ biển. Cô chỉ nhớ mọi người la hét “Sóng thần! Sóng thần!”. Cô tìm được một địa điểm trú chân qua đêm và được chỉ dẫn ở lại cho đến khi hết các đợt dư chấn. Trong khi đó, ở phía bên kia thành phố, anh Azwan lo lắng chờ tin về cô.

Cuộc tìm kiếm của Azwan bắt đầu từ những túi đựng thi thể, rồi đến các trung tâm y tế, bệnh viện, rồi nhà thờ. “Xác chết la liệt mọi nơi”, anh kể lại. Sau gần 2 ngày, khi Azwan bắt đầu buông tay chấp nhận số phận thì vợ anh xuất hiện, lê bước về nhà trong tình trạng bị thương.

“Ngay cả lúc này tôi không thể tin nổi mình vẫn sống sót ở đây”, cô chia sẻ. Mặc dù vậy, Dewi không dễ dàng thoát khỏi những chấn thương tâm lý khi chưa tìm thấy anh chị em họ hàng của mình.

Còn với cô Susi Rahmatia, tưởng chừng mất con mãi mãi, nhưng họ đã có cuộc hội ngộ kỳ diệu và xúc động sau một tuần chia cách. Lao ra khỏi túp lều bạt tạm bợ, Rahmatia ôm chầm lấy con trai Jumadil, nghẹn ngào nói rằng “tôi cứ nghĩ đã mất thằng bé rồi". Khi động đất và sóng sóng thần ập đến, bé Jumadil, 5 tuổi, đang chơi bên bờ biển, gần người bà Ajarni. Bà may mắn sống sót và chỉ phải khâu vài mũi. Nhưng Jumadil đã biến mất.

Những ngày sau đó, gia đình Rahmatia chưa khi nào hết hy vọng tìm thấy con trai. "Tôi nghĩ con mình đã chết. Chúng tôi đi tìm thi thể nhưng không thấy", Muhamed Arif, 24 tuổi, cha của Jumadil kể lại. "Mẹ thằng bé linh cảm con trai vẫn còn sống".

Không ai biết là Jumadil đã được cảnh sát đưa về đồn ngay sau khi thoát chết. Tại đồn, cậu bé được bà Sartini, vợ của một lãnh đạo Hồi giáo địa phương cũng đang tạm trú ở đó, vỗ về. Một tuần sau đó, con gái của bà Sartini nhìn thấy bức ảnh Jumadil trên facebook và nhận ra cậu bé trong hình rất giống đứa trẻ mà mẹ cô đang chăm sóc. Vết bớt bẩm sinh ở cổ của Jumadil đã xác nhận nghi ngờ đó và dẫn tới cuộc hội ngộ đầy xúc động ở nơi hoang tàn sau thiên tai.

Le lói hy vọng

Hơn 1 tuần sau thảm họa kép gây thiệt hại ước tính 700 triệu USD, Chính phủ Indonesia triển khai công cuộc tái thiết theo hướng bền vững, có thể kéo dài nhiều tháng. Giới kỹ sư và khoa học muốn đảm bảo những thành phố mới xây sẽ có khả năng chống đỡ tốt hơn với các trận động đất xảy ra thường xuyên trong khu vực.

Thế nhưng, đối với hơn 70.000 người sống sót mất nhà cửa và người thân, ngoài vấn đề tái thiết và trợ cấp, một câu hỏi bức thiết và ám ảnh hơn cả là cần làm gì tiếp theo. Một số người tỏa đến sân bay thành phố tìm kiếm việc làm trên những chuyến bay. Số khác thì xuôi về Nam đến những thành phố lớn.

Veronika nằm trong số hàng chục nghìn người dân Palu còn sống sót lâm vào cảnh vô định này. “Chúng tôi có thể đi đâu?”, cô hỏi, phóng mắt nhìn những gì còn sót lại ở làng Petobo này, rồi òa khóc nức nở. Có lẽ, nỗi lo tìm một nơi nào đó để sinh sống không kém gì nỗi lo về hai con trai nhỏ tuổi của mình với nguy cơ bị chấn thương về mặt tâm lý sau những gì trải qua. Một cậu con trai thì trở nên ít nói còn cậu kia thì chỉ khóc và nói lảm nhảm khi ngủ.

Câu chuyện đoàn tụ của vợ chồng Azwan – Dewi đã làm lóe lên hi vọng giữa vùng đất đang chìm ngập trong đau thương mất mát. Ảnh: AFP.

“Những người sống sót sau thảm họa đã mất người thân, gia đình và kế sinh nhai. Chúng tôi không muốn họ mất cả hy vọng”, Iris Van Deinse khẳng định trong một tuyên bố của Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế ở Palu.

Tuy nhiên, những nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ đang bị cản trở do thiếu thiết bị hạng nặng và cơ sở hạ tầng bị hư hại nghiêm trọng.

“Phép màu” cho sự hồi sinh

Sau thảm họa kép, 4 trẻ sơ sinh đã chào đời trên một con tàu cứu trợ, sự kiện được ví như “phép màu” cho sự hồi sinh ở mảnh đất bị san phẳng này. Một trong những người có được sự màu nhiệm này là cô Dinar. Hôm 6-10, cô đã sinh hạ bé gái trên con tàu hải quân Indonesia KRI Dr Soeharso. "Tôi thực sự hạnh phúc và may mắn vì con tàu đã đến đây", Dinar nói . Cô đặt tên con gái là Suharsi, phỏng theo tên con tàu Soeharso, theo trang mạng kozpost.com dẫn nguồn AFP.

Còn đối với Huzria, 33 tuổi, phép màu nhiệm đã đến với cô 2 lần trong 2 ngày liên tiếp sau khi xảy ra thảm họa. Sống sót với phép màu thứ nhất, dù kinh hoàng, cô đón nhận phép màu thứ hai khi đứa con chào đời khỏe mạnh. “Giờ, tôi có thể thở phào được rồi. Tôi thật sự hạnh phúc”, cô chia sẻ với AFP.

Nếu không có những người áo trắng như bác sĩ Sasono thì những sa chấn về tinh thần có lẽ sẽ là câu chuyện dài. Bác sĩ Sasono đã đóng gói đồ đạc và chuẩn bị cùng vợ con rời khỏi Palu. Tuy nhiên, ông hoãn kế hoạch khi chứng kiến hàng nghìn người cần giúp đỡ. "Tôi thấy rất nhiều người tới bệnh viện để được trợ giúp vì thế tôi quyết định hủy bỏ kế hoạch sơ tán cùng gia đình bởi tôi muốn góp sức", bác sĩ Sasono cho hay.

"Đây là lần đầu tiên tôi đỡ đẻ trên một con tàu hải quân". Ông đã thực hiện ca đỡ đẻ cho Dinar cùng 3 người khác trên tàu Soeharso kể từ sau trận động đất hôm 28-9.

Trong khi đó, một nhân viên kiểm soát không lưu người Indonesia đang được truyền thông quốc tế ca ngợi là “người hùng” sau thảm họa này. Anthonius Gunawan Agung, nam nhân viên 21 tuổi này vẫn bám trụ để hoàn thành nhiệm vụ được giao tại tháp điều khiển tại sân bay Mutiara Sis Al Jufri, để bảo đảm chuyến bay số hiệu 6321 của Hãng Batik Air có thể cất cánh an toàn. Trong khi đó, các đồng nghiệp đều di tản khỏi khu làm việc.

Khi máy bay đã cất cánh, Agung nghĩ là tòa tháp không lưu sẽ rung lắc dữ dội, nên nhảy từ cửa sổ tầng 4 xuống mặt đất. Anh được đưa đi cấp cứu sau đó do gãy chân và chấn thương bên trong, nhưng không qua khỏi. Không còn Agung, nhưng tình người còn mãi…

Hà Ngọc (tổng hợp)
.
.