Những quả cầu đá bí ẩn ở Costa Rica

Thứ Ba, 16/04/2013, 17:15

Một trong những bí ẩn lớn nhất trong thế giới khảo cổ được khám phá ở vùng châu thổ sông Diquis (hay còn gọi là sông Terraba, sông Sierpe) của Cộng hòa Costa Rica là những quả cầu đá...

Từ thập niên 30 thế kỷ trước, hơn 300 quả cầu đá được tiết lộ - chúng có đường kính từ vài xentimét cho đến trên 2m và một số quả cầu cân nặng đến 16 tấn! Hầu như tất cả những quả cầu được tạo ra bằng đá rất cứng gọi là granodiorite - tương tự như đá hoa cương - có lẽ khai thác ở dãy núi Talamanca. Chúng được coi là những tác phẩm điêu khắc do bàn tay con người làm ra - khác với những quả cầu có nguồn gốc tự nhiên ở Jalisco (Mexico) được mô tả vào năm 1965 trong một bài báo trên tạp chí National Geographic.

Ngày nay, những quả cầu đá được dùng để trang trí cho những tòa nhà chính quyền, bệnh viện và trường học. Chúng cũng có mặt trong các nhà bảo tàng và xuất hiện trong khu vườn nhà của những người giàu có và quyền lực của Costa Rica. Tuy nhiên, có điều lạ lùng là những quả cầu đá chưa được tạo tác hoàn chỉnh không bao giờ được tìm thấy.

Phát hiện những quả cầu đá khi phát quang rừng... trồng chuối

Những quả cầu đá được công bố lần đầu tiên vào năm 1971 trong cuốn sách "Những cỗ xe của Thượng đế" của giáo sư người Thụy Sĩ  Erich von Daniken. Gần đây nhất là "Dấu ấn Atlantis: Giải mã những bí ẩn cổ của nền văn minh đã mất từ lâu" của hai tác giả Colin Wilson và Rand Flem-Ath (năm 2001). Mặc dù một số tác giả thường tự cho là họ "khám phá" những quả cầu đá nhưng thật ra những tuyệt tác bằng đá này được đưa ra ánh sáng nhờ phát hiện của các công nhân của Công ty Liên hiệp trái cây (UFC) vào năm 1940 khi phát quang khu rừng nhiệt đới trong thung lũng Diquis để trồng chuối.

Nghiên cứu khoa học đầu tiên về những quả cầu đá do chuyên gia khảo cổ Doris Stone - con gái của Giám đốc điều hành UFC - tiến hành ngay sau khi chúng được phát hiện và những kết quả nghiên cứu được công bố năm 1943 trên tạp chí học thuật khảo cổ hàng đầu của Mỹ - American Antiquity. Vào thập niên 50 thế kỷ trước, những cuộc khai quật khảo cổ tại các vị trí tìm thấy những quả cầu đá cũng phát hiện những cổ vật bằng gốm hay các vật liệu tiêu biểu khác của văn hóa thời kỳ tiền Columbia ở miền Nam Costa Rica.

Hiện nay, những quả cầu đá được tìm thấy trên khắp đất nước Costa Rica. Hai quả cầu được trưng bày cho công chúng thưởng lãm ở Mỹ - một quả cầu trong Nhà Bảo tàng Hội Địa lý Quốc gia (NGS) ở Washington D.C., và quả thứ hai trong sân Nhà Bảo tàng Khảo cổ và Dân tộc học Peabody thuộc Đại học Havard ở Cambridge bang Massachusetts.

Những quả cầu đá nằm trong sân nhà Bảo tàng Quốc gia Costa Rica ở thủ đô San José.

Những khám phá thú vị

Gần như hầu hết những quả cầu được làm từ loại đá granodiorite song cũng có vài mẫu làm từ coquina, loại đá vôi hình thành từ vỏ sò và cát ở các trầm tích trên bãi biển, hay làm từ sa thạch. Và, chúng được tạo thành như thế nào hiện vẫn còn là bí ẩn lớn của khoa học. Do người Costa Rica cổ không có ngôn ngữ viết cho nên không có tài liệu nào liên quan đến những quả cầu đá được lưu lại hậu thế.

Theo Samuel Lothrop, tác giả của nhiều nghiên cứu nghiêm túc về những quả cầu đá, thì "quả cầu có đường kính 1,82m ước nặng khoảng 7,5 tấn, quả cầu có đường kính 1,21m nặng khoảng 3 tấn và với đường kính 91,4cm nặng chừng 1,3 tấn". Theo Lothrop, quả cầu đá nặng tối đa khoảng 16 tấn mà thôi. Quả cầu đá được coi là to nhất có đường kính chỉ 2,15m, tức chưa đến 3m!

Các nhà khoa học tin rằng phần lớn những quả cầu đá là thành quả tạo tác của tổ tiên thổ dân miền Nam Costa Rica vào thời kỳ người Tây Ban Nha chinh phục khu vực. Họ sử dụng thổ ngữ Chibchan thông dụng từ phía tây Honduras đến phía bắc Colombia. Những hậu duệ hiện đại của họ bao gồm những người Boruca, Teribe và Guaymi. Những nền văn hóa này nằm rải rác khắp nơi và cộng đồng đông nhất cũng chỉ khoảng 2.000 người.

Nhà khảo cổ Samuel Lothrop và vợ, Eleanor, trong chuyến khảo sát điều tra tại vùng châu thổ Diquis vào năm 1948 và những quả cầu đá sau khi chúng được công nhân UFC phát hiện khi phát quang khu rừng nhiệt đới.

Những quả cầu đá được tin là xuất hiện vào khoảng năm 200 trước CN cho đến năm 800 sau CN và chúng được tìm thấy nằm chung với những món đồ trang sức bằng vàng có niên đại từ năm 1000 sau CN. Chúng cũng được tìm thấy trong địa tầng chứa những mảnh gốm thuộc Thời đại Chiriqui vào khoảng năm 800 sau CN. Người ta cũng cho rằng những quả cầu đá có thể được tạo ra vào bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn 1.800 năm.

Ngoài ra, có giả thuyết cho rằng những quả cầu đầu tiên được làm ra trong vài thế hệ và trong suốt quãng thời dian dài đó chúng có thể được di chuyển sang những nơi khác và biến đổi. Do không thể xác định được niên đại một cách chính xác bằng các phương pháp hiện đại như là carbon phóng xạ, cho nên chỉ có thể liên hệ chúng trực tiếp đến khu vực địa tầng khai quật và những đồ tạo tác chôn chung với chúng.

Ví dụ, Lothrop khai quật được một quả cầu nằm trong tầng đất chứa đồ gốm được xác định thuộc nền văn hóa Aguas Buenas (từ năm 200 trước CN đến 600 sau CN) cùng với cái đầu của tượng người đã vỡ có niên đại vào năm 1000 cho đến 1500 sau CN. Tóm lại, có thể cho rằng những quả cầu đá Costa Rica được tạo tác vào thời điểm nào đó trong khoảng thời gian giữa năm 600 sau CN và 1500 sau CN.

Không ai biết đích xác những quả cầu bằng đá được người cổ xưa tạo ra nhằm mục đích gì? Nhiều quả cầu được tìm thấy sắp xếp theo đường thẳng, đường cong cũng như theo hình tam giác hay hình bình hành. Một nhóm gồm 4 quả cầu khác nằm hướng về hướng bắc, cho nên người ta nghi ngờ chúng được sắp xếp bởi những người quen sử dụng la bàn hay nhà thiên văn.

Nhiều quả cầu được tìm thấy nằm trên đỉnh các mô đất thấp khiến người ta nghi ngờ có lẽ chúng được cất giữ bên trong những căn nhà được xây tại vị trí này. Gần như hầu hết các quả cầu bằng đá được tìm thấy đã bị di chuyển khỏi địa điểm ban đầu của chúng, trong đó có nhiều quả cầu bị phá nổ do những người săn kho báu ở địa phương tin vào truyền thuyết không có căn cứ cho rằng chúng chứa vàng bên trong!

Thiên Minh (tổng hợp)
.
.