Những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất trong năm 2012

Thứ Ba, 08/01/2013, 22:30

Chuyên đề An ninh thế giới xin điểm lại những sự kiện quốc tế đáng chú ý nhất của năm 2012.

Năm của bầu cử và chuyển giao quyền lực

Ngày 5/3, Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga đã chính thức tuyên bố ông Vladimir Putin giành thắng lợi áp đảo trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống nhiệm kỳ 2012 - 2018, với 63,6% số phiếu ủng hộ. Đây là lần thứ 3 ông Putin được người dân tin tưởng bầu vào vị trí lãnh đạo cao nhất của nước Nga.

Ngày 1/4, nhà hoạt động chính trị Aung San Suu Kyi được bầu vào Quốc hội Myanmar sau 15 năm bị giam lỏng. Cùng với kế hoạch cải tổ nội các mạnh mẽ của Tổng thống Thein Sein, Myanmar thực hiện nhiều cải cách mở cửa nền kinh tế và trở thành điểm sáng mới của châu Á.

Ngày 6/5, ông Francois Hollande giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp, hứa hẹn sẽ bắt đầu chống lại các chính sách thắt lưng buộc bụng được khởi xướng bởi Đức và gây nhiều tranh cãi trong các nước châu Âu.

Ngày 6/11, cuộc bầu cử tốn tiền nhất trong lịch sử, ước lượng trên 5 tỉ USD, đem lại nhiệm kỳ 2 cho Tổng thống Barack Obama. Tại Quốc hội liên bang, tình thế vẫn tương tự như trước với đảng Cộng hòa nắm đa số Hạ viện và đảng Dân chủ đa số Thượng viện, nhưng đảng  Dân chủ có được một vài lợi thế hơn so với năm 2010.

Năm 2012 được ghi dấu bằng những cuộc bầu cử và chuyển giao quyền lực ở những nước lớn trên thế giới.

Ngày 15/11, Trung Quốc chính thức tuyên bố ông Tập Cận Bình được bầu vào vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, thay thế cho ông Hồ Cẩm Đào, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Quân ủy trung ương.

Cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản trước thời hạn diễn ra hôm 16/12 đã đem về chiến thắng cho hai đảng liên minh là Dân chủ Tự do và Công minh. Chiến thắng này mở đường cho Chủ tịch LDP, cựu Thủ tướng Shinzo Abe, trở lại chiếc ghế Thủ tướng Nhật Bản. Ông Abe được biết đến là người có đường lối đối ngoại cứng rắn, nhất là với Trung Quốc.

Ngày 19/12, ứng cử viên của đảng bảo thủ cầm quyền Park Geun-hye đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử tổng thống và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc.

Tương lai kinh tế bấp bênh

Nhìn chung, gam màu chủ đạo của kinh tế thế giới năm 2012 vẫn là màu xám. Châu Á vốn là động lực tăng trưởng của thế giới cũng gặp nhiều khó khăn với xuất khẩu suy giảm. Các nước Mỹ Latinh cũng bị ảnh hưởng nhiều từ Mỹ và Eurozone. Đến quý III, tính trung bình kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỉ lệ lạm phát lên tới 11,4%. Tỉ lệ thất nghiệp là 14%.

Hoạt động sản xuất trên toàn cầu liên tục suy giảm với sự trì trệ của những "đầu tàu" như Mỹ, Trung Quốc, Đức. Mặc dù đã có một vài tín hiệu khởi sắc trong 3 tháng cuối năm, sự phục hồi vẫn rất mong manh.

Trông về châu Âu. Khủng hoảng nợ của nhiều nước từ Hy Lạp đến Tây Ban Nha, Italia đã đưa đến nhiều xáo trộn xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế tài chính không riêng chỉ châu Âu mà còn Mỹ và toàn cầu. Tại Mỹ, theo các chuyên gia kinh tế chiến lược thiếu hợp lý nhằm giảm thâm hụt ngân sách có thể đưa đến hậu quả tai hại cho nền kinh tế đang vất vả phục hồi.

Trung Đông vẫn bất ổn

Trung Đông tiếp tục là nơi không bao giờ ngớt khói lửa chiến tranh. Chương trình phát triển hạt nhân ở Iran thường xuyên là mục tiêu đối phó của phương Tây. Tiến trình hòa bình Israel - Palestine bế tắc với thái độ cứng rắn từ cả hai phía, một lần nữa chiến sự diễn ra trên dải đất Gaza do phe Hồi giáo Hamas nắm quyền. Việc Liên Hiệp Quốc (LHQ) công nhận Palestine là nhà nước độc lập cũng chỉ được coi là một hình thức.

Cuộc khủng hoảng Syria đã leo thang xuyên suốt năm 2012 khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục mạnh tay trấn áp quân nổi dậy và người biểu tình trong nước. Mỹ và cộng đồng quốc tế đang chịu sức ép ngày càng tăng phải hành động. Hơn 35.000 người Syria đã thiệt mạng kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng phát vào tháng 3/2011.

Cuộc khủng hoảng tại Syria leo thang trong suốt năm qua khiến nhiều người dân nước này phải chạy đi nơi khác lánh nạn.

Sau cuộc cách mạng năm 2011, Ai Cập đã tổ chức được cuộc bầu cử và thành lập chính quyền dân sự nhưng lại sớm đi vào khủng hoảng chính trị do không xây dựng được sự hợp tác giữa đảng Hồi giáo cầm quyền và những phe phái đối lập. Cũng sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, Libya chưa tái lập được an ninh do tác động của Al-Qaeda và nhiều phe phái vũ trang khác. Vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi thể hiện tình hình bất ổn ở quốc gia Bắc Phi này.

Loạn quân và các nhóm vũ trang khủng bố xuất hiện tại nhiều quốc gia châu Phi từ Congo đến Mali, Cộng hòa Trung Phi khiến quân đội LHQ phải can thiệp và Mỹ đã quyết định đưa một số đơn vị lực lượng đặc biệt đến lục địa này.

Năm của châu Á - Thái Bình Dương

Năm 2012, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được xem là trọng tâm của các vấn đề quốc tế. Hai yếu tố chính đưa đến điều này là sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc và chiến lược hướng về châu Á của Mỹ.

Tình hình khu vực có nhiều căng thẳng do tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc với Nhật Bản và các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng được ghi nhận là hành động gây căng thẳng trong khu vực.

Khối các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ngày càng khẳng định vai trò trung tâm và vị thế không thể thiếu trong phát triển chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội của khu vực. Myanmar nổi sáng với sự khởi đầu thành công lộ trình cải cách dân chủ toàn diện trên cả ba trụ cột chính trị, kinh tế, xã hội.

Tai họa từ thiên nhiên và từ con người

Siêu bão Bopha đổ bộ vào miền Nam Philippines, sáng 4/12, đem theo mưa lớn và gió mạnh, làm hơn 1.000 người chết, hơn 800 người mất tích, trên 6 triệu người dân ở 30 tỉnh lâm vào tỉnh cảnh mất điện, nước. Đây là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào Philippines trong năm nay.

Siêu bão Bopha đổ bộ vào miền Nam Philippines làm hơn 1.000 người chết.

Trước đó, siêu bão Sandy quét qua các quốc đảo Caribbean và Mỹ gây thiệt hại nặng nề về người và của. Bão Sandy được coi là cơn bão lớn nhất đổ bộ vào bờ biển miền Đông nước Mỹ trong vòng 100 năm qua và là cơn bão gây thiệt hại kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này. Hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy, 95 người chết, hàng triệu người phải sống trong tình trạng mất điện kéo dài, hàng chục nghìn chuyến bay phải hủy bỏ. Thiệt hại do siêu bão Sandy lên tới 71 tỉ USD, cao hơn mức tàn phá do bão Katrina gây ra vào năm 2005. Trước khi đổ bộ vào Mỹ, bão Sandy đã quét qua các quốc đảo Caribbean làm ít nhất 69 người chết.

Nhưng thảm kịch ở Trường Sandy Hook tiểu bang Connecticut làm 27 người thiệt mạng trong đó có 20 học sinh nhỏ tuổi gây xúc động mạnh và khiến vấn đề dùng súng nổi lên thành đề tài tranh luận gay gắt. Đây là vụ bạo hành bằng súng bi thảm hơn hết trong số ít nhất là 8 trường hợp trầm trọng khác trong năm 2012, từ các vụ xảy ra ở đại học Oikos, Oakland, đến ngôi đền của dân Sikh ở Oak Creek, Wisconsin, và bắn bừa bãi vào khán giả trong rạp chiếu bóng ở Aurora, Colorado.

Cảnh sát Mỹ triển khai tại trường Sandy Hook sau vụ thảm sát.

Thành tựu khoa học

Sự kiện khoa học đứng đầu trong năm: NASA thành công trong việc đưa phòng thí nghiệm đặt trên xe lăn Curiosity hạ an toàn xuống mặt sao Hỏa ngày 6-8. Trong sứ mạng thám hiểm hành tinh mà theo dự trù trong vòng 20 năm nữa con người sẽ đặt bước chân tới, Curiosity vẫn đang tiếp tục hoạt động hoàn hảo, chụp hình chuyển về trái đất và phân tích các mẫu đất đá.

Trước đó, ngày 4/7, một nhóm nhà khoa học tuyên bố sự tồn tại của hạt boson Higgs làm chấn động giới khoa học. Hai nhóm thí nghiệm riêng rẽ với máy gia tốc hạt lớn LHC đặt tại phòng thí nghiệm vật lý của Trung tâm Nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) ở Thụy Sĩ tuyên bố đã thu thập đủ dữ liệu để chứng minh hạt mới đã được tạo ra với những đặc tính giống hạt boson Higgs, hay còn gọi là "hạt của Chúa" - yếu tố hình thành nên vũ trụ sau vụ nổ Big Bang cách đây 13,7 tỉ năm. Tuy nhiên, có lẽ còn phải đợi thêm một thời gian nữa để có thể khẳng định chắc chắn rằng hạt mới có đích xác là hạt boson Higgs hay không.

Chuyện tai tiếng

Đây không phải là hiện tượng mới lạ, nhưng năm 2012 các tổ chức và nhân vật tên tuổi vướng mắc vào những chuyện này hình như đã lên đến con số cao nhất. Có thể kể ra: Tướng David Petraeus của CIA, tay đua xe đạp Lance Armstrong, Ngân hàng Goldman Sachs...

Những hành vi gian dối có thể nặng về mặt đạo lý hơn là pháp lý, tuy nhiên hầu hết đều liên quan đến tiền bạc. Allen Stanford bị kết án 110 năm tù không được ân xá vì lừa gạt 7 tỉ USD theo mánh lới được gọi là "Ponzi scheme". Peter Madoff, em của nhà đầu tư Bernie Madoff, lãnh án 10 năm tù sau khi thú nhận đã âm mưu gian lận sổ sách cho công ty đầu tư của người anh.

Gần cuối năm, đại ngân hàng HSBC thương lượng để chịu nộp phạt 1.9 tỉ USD về hành động rửa tiền. Ngân hàng Thụy Sĩ cũng thỏa thuận nộp phạt 1.2 tỉ USD vì một số nhân viên gian lận về lãi suất

M.T - Đ.K (tổng hợp)
.
.