Những sự kiện quốc tế nổi bật năm 2015
- Syria - tâm điểm của 3 liên minh trong năm 2016
- Pháp không kích các cơ sở dầu mỏ của IS
- Syria: Chiến trường thử lửa của xe tăng Nga và tên lửa Mỹ
- Cuộc chiến chống IS kéo dài, ai hưởng lợi? 1
Nga đánh IS ở Syria
Ngày 30-9-2015, Nga mở chiến dịch không kích nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria sau khi nhận được đề nghị hỗ trợ chính thức từ Chính phủ Syria. Động thái can thiệp quân sự vào Syria của Nga được đánh giá là rất đúng thời điểm, khi chiến dịch không kích IS của liên minh quân sự phương Tây do Mỹ dẫn đầu ở Syria (và cả Iraq) tỏ ra kém hiệu quả, IS vẫn lớn mạnh thêm và không ngừng gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả thế giới.
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria được nhận định là có hiệu quả rõ rệt. Tính đến đầu tháng 12, quân đội Nga đã tiến hành khoảng 4.000 cuộc không kích, tấn công và tiêu diệt khoảng 8.000 mục tiêu khủng bố ở Syria. Báo chí phương Tây thậm chí so sánh rằng một tháng không kích của Nga hiệu quả bằng cả năm liên minh do quân sự Mỹ lãnh đạo đánh IS.
Tổng thống Nga Putin phát động chiến dịch chống IS ở Syria từ ngày 30-9-2015. |
Không kích IS tại Syria là cách nước Nga gửi thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây rằng Nga đã trở lại, quyết bảo vệ quyền lợi của mình tại Trung Đông. Việc Nga tham gia chiến dịch không kích IS ở Syria được coi là đã làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu với sự chung tay góp sức của nhiều quốc gia trên thế giới, buộc phương Tây phải đàm phán với Nga chứ không thể muốn làm gì thì làm như trước.
Theo giới phân tích, tình hình Syria và IS sẽ tiếp tục ngự trị chính trường thế giới trong năm 2016. Cuộc can thiệp của Nga đã thúc đẩy nỗ lực đàm phán tìm giải pháp hòa bình ở Syria. Vấn đề lớn nhất là Moscow muốn ông Assad tiếp tục nắm quyền, còn phương Tây đòi ông ta phải ra đi. Trong khi ấy, mặc dù bị đánh ở khắp các mặt trận nhưng IS vẫn chưa tỏ ra suy yếu.
Ngoài việc cầm cự và phản công trên chiến trường Iraq và Syria, trong năm 2015, IS còn tiến hành khủng bố ở ba châu lục khác nhau. Đó là vụ tấn công đẫm máu ở Paris (Pháp) hồi tháng 11, khiến cả châu Âu run rẩy. Đó là các vụ đánh bom trong tháng 7 và tháng 10 ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến 135 người thiệt mạng. Ngày 31-10, IS nhận trách nhiệm đặt bom chiếc máy bay Nga trên bầu trời bán đảo Sinai (Ai Cập), giết chết 224 người. Và đến ngày 2-12, một cặp vợ chồng bày tỏ lòng trung thành với IS xả súng ở San Bernardino, California (Mỹ) khiến 14 người thiệt mạng. IS đã vươn vòi khủng bố khắp phạm vi toàn cầu và mở địa bàn hoạt động mới tại Libya cũng như nhiều khu vực khác, trong đó có cả khu vực Đông Nam Á.
Biển Đông dậy sóng
Tình hình Biển Đông và Hoa Đông trong năm qua ghi nhận những chuyển biến quan trọng. Đó là việc Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp đất, xây đảo nhân tạo phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Động thái trên được cho là nhằm giúp Trung Quốc củng cố yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông đồng thời gia tăng ảnh hưởng của nước này trong toàn bộ khu vực khi Bắc Kinh có thể sử dụng các đảo nhân tạo để phục vụ cho các mục đích quân sự.
Chính thái độ hung hăng của Trung Quốc đã khiến cả thế giới phản đối. Mỹ nhiều lần tuyên bố không công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các vùng biển quanh các hòn đảo nhân tạo do nước này bồi đắp trái phép. Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, Mỹ đã điều tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường cùng máy bay ném bom chiến lược B-52 đi qua khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Trung Quốc xây dựng trái phép. Điều này đã gây ra những tranh cãi ngoại giao căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh trong thời gian dài.
Về phía các nước liên quan trực tiếp tới tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, năm qua, hàng loạt quốc gia châu Á, trước đây vốn trung lập, đã tỏ ra dứt khoát phản đối cách làm của Bắc Kinh như Indonesia, Malaysia. Năm 2015, Philippines nhận được thắng lợi lớn trong vụ kiện chủ quyền với Trung Quốc khi ngày 29-10, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã ra phán quyết về thẩm quyền và khả năng tiếp nhận vụ kiện của Philippines. PCA ra phán quyết cuối cùng trong năm 2016.
Thái độ hung hăng của Trung Quốc cũng đã khiến Nhật Bản tăng cường phòng vệ ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc cũng đang đòi một quần đảo do Nhật kiểm soát. Ngoài việc lần đầu tiên cho phép quân đội tham chiến ở nước ngoài, Nhật còn lôi kéo và hình thành được một liên minh rộng lớn với Úc, Ấn Độ, Mỹ... kiềm chế Trung Quốc.
Theo dự báo, sự đòi hỏi quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông và Hoa Đông trong năm tới sẽ tiếp tục chi phối quan hệ giữa các cường quốc khu vực và thế giới trong năm 2016.
Lãnh đạo thế giới ăn mừng sau khi đạt được thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu. |
Khủng hoảng di cư châu Âu
Dòng người di cư từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đến châu Âu đã có từ những năm trước, nhưng hiện tượng này tăng đột biến trong năm 2015 và trở thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến II.
Cuộc khủng hoảng đó đẩy châu Âu vào tình thế khó xử và bất đồng trong chính mỗi nước và giữa các nước trong khối trước câu hỏi "tiếp nhận hay không tiếp nhận", với những bài toán về kinh tế, xã hội, an ninh, trong đó có nguy cơ trà trộn của khủng bố.
Xa hơn nữa, cuộc khủng hoảng di cư đã đe dọa hệ thống đi lại tự do Schengen (giá trị nền tảng) khi nhiều quốc gia châu Âu phải tạm thời khôi phục kiểm soát biên giới.
Dự báo, dòng người di cư sẽ tiếp tục đổ về châu lục này trong năm tới bất chấp việc EU trong năm qua đã đề ra nhiều biện pháp ngăn chặn như tổ chức phá tàu thuyền của những kẻ đưa người di cư, thỏa hiệp với các nước bên ngoài không gian Schengen để nhờ họ chặn người di cư. Tuy nhiên, khi cuộc chiến ở Syria, Iraq, Lybia... chưa kết thúc, dòng người chạy nạn sẽ không bao giờ ngừng lại mặc dù mọi người đều biết có thể bỏ mạng trên biển nhưng ra đi còn hơn là ở lại vì dù sao vẫn còn chút hy vọng.
Đại diện Iran và 6 cường quốc hoan hỉ sau khi đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử. |
Tháo ngòi nổ hạt nhân Iran
Ngày 14-7-2015, Iran và 6 cường quốc hạt nhân trên thế giới (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được một thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm hạn chế các chương trình phát triển hạt nhân tham vọng của Tehran sau những nỗ lực đàm phán kéo dài hơn một thập niên qua.
Theo thỏa thuận, Iran phải cắt giảm 2/3 số máy ly tâm, xuống còn khoảng 6.000 máy và loại bỏ 98% lượng uranium đã làm giàu. Đổi lại, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên Hợp Quốc sẽ gỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt đã áp đặt đối với Iran trong thời gian qua.
Thỏa thuận này giúp Iran trở lại thị trường dầu mỏ thế giới và các cường quốc cũng thở phào nhẹ nhõm vì bớt đi được một đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân.
Thành công của thỏa thuận giữa nhóm cường quốc hạt nhân với Iran còn là mô hình cho những thỏa thuận kế tiếp trên thế giới. Qua đó khẳng định chỉ có các biện pháp ngoại giao và hợp tác mới có thể giúp vượt qua những căng thẳng, đối đầu trong nhiều thập kỷ giữa các quốc gia.
Giá dầu giảm
2015 được biết đến là năm đại họa đối với các nước xuất khẩu dầu mỏ khi giá dầu từ trên 100USD/thùng có lúc xuống còn dưới 30USD.
Giá dầu giảm đe dọa tới ổn định kinh tế, xã hội và chính trị tại nhiều nước. Thậm chí ở một số nước Mỹ Latinh, giá dầu giảm đã khiến nhiều đảng phái mất quyền điều hành đất nước.
Dự báo trong năm 2016 và có thể phải mất nhiều năm nữa giá dầu mới tăng trở lại mức 100USD, các nước bán dầu vẫn tiếp tục bán ra, lại có thêm người bán mới (Iran), trong khi người mua thì tiếp tục ít đi hoặc mua ít hơn, vì tăng trưởng kinh tế giảm ở khắp nơi, đặc biệt là các đầu tàu kinh tế thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản và EU.
Thông qua Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương
Ngày 5-10, quá trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kéo dài nhiều năm cuối cùng cũng chính thức kết thúc. Các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Mỹ đã đạt được thỏa thuận cuối cùng, sau gần 6 năm ròng rã đàm phán.
TPP sẽ tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất thế giới và chiếm tới 40% sản lượng kinh tế toàn cầu và bổ sung cho thế giới thêm gần 300 tỉ USD GDP mỗi năm. TPP lại được coi là hiệp định thương mại toàn diện, nhắm đến việc thiết lập bộ quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao, giải quyết các vấn đề của kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21.
TPP mang đến cơ hội cho Mỹ thúc đẩy thương mại tại châu Á – Thái Bình Dương trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Obama đang thực thi chính sách “xoay trục” về khu vực này. Là một thành viên của TPP, Việt Nam được cho là sẽ được hưởng lợi từ hiệp định này về cả mặt kinh tế lẫn chính trị.
Thế giới chung tay cứu ngôi nhà chung
Cuối tháng 11-2015, đại diện 195 quốc gia đến Paris (Pháp) để tham dự Hội nghị biến đổi khí hậu quốc tế. Sau hai tuần đàm phán căng thẳng, họ đã đạt được thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ trái đất tăng 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Gần như mọi quốc gia trên thế giới đều cam kết giảm khí thải nhà kính khiến trái đất ấm dần lên.
Thỏa thuận sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ năm 2020, giúp nền kinh tế thế giới hướng tới mô hình thải khí các-bon thấp bằng cách loại bỏ dần các năng lượng hóa thạch (than đá, dầu lửa, khí đốt) hiện đang thống trị trên toàn cầu, để chuyển sang năng lượng tái tạo.
Việc thông qua Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được coi là bước đột phá trong nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của trái đất tăng lên.
Tuy nhiên, thành công của Thỏa thuận Paris còn phụ thuộc vào việc từng quốc gia sẽ thực hiện những biện pháp giảm khí thải, bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào.
Dòng người nhập cư tiến vào châu Âu. |
Một cộng đồng mới ra đời
Ngày cuối cùng của năm 2015 cũng là ngày khai sinh ra Cộng đồng ASEAN với mục tiêu hướng tới là lập một thị trường chung, trên cơ sở mô hình Liên minh châu Âu, để có thể làm đối trọng với Trung Quốc, cường quốc khổng lồ trong khu vực châu Á.
Đây là dấu mốc bước phát triển mới quan trọng của ASEAN, thể hiện ý chí, nguyện vọng và nhận thức chung của các quốc gia thành viên về sự cần thiết phải nâng cao sự gắn bó và liên kết để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến đổi.
ASEAN trở thành cộng đồng cũng nâng uy tín và vị thế của cả khối trong việc đối thoại với các đối tác và xây dựng luật chơi chung trong khu vực và trên toàn thế giới. Với một thị trường rộng lớn hơn 600 triệu dân, với sức vươn lên để vào năm 2050, ASEAN sẽ trở thành khu vực phát triển kinh tế thứ tư, hay là khu vực thương mại lớn thứ tư thế giới. Việt Nam đã đóng góp tích cực vào quá trình hình thành Cộng đồng.