Những thách thức của cuộc đua vaccine COVID-19

Thứ Ba, 09/03/2021, 07:45
Sau hơn một năm kể từ khi dịch bệnh khởi phát, hàng chục quốc gia đã bắt đầu tiến hành tiêm chủng diện rộng sử dụng các loại vaccine an toàn, hiệu quả và được thử nghiệm kỹ lưỡng. Nhưng, vấn đề dấy lên nhiều băn khoăn hiện tại là ai sẽ được tiêm chủng Và ở đâu? Hiểu một cách khác, nghĩa là “dòng” vaccine sẽ chảy vào đâu, có đến được với những nơi cần thật sự hay không, hay là chỉ “chảy chỗ trũng”?


Nguy cơ biến chủng của virus

Và điều được bàn đến không chỉ là vấn đề được - mất ngang nhau về ai sống và ai chết. Vấn đề còn lớn hơn là dịch bệnh này càng kéo dài thì càng có nhiều khả năng xuất hiện các biến chủng virus mới kháng vaccine. Việc các nước giàu tích trữ vaccine có thể khiến các nhóm dân số dễ mắc bệnh ở những nước nghèo hơn vẫn không được bảo vệ và đại dịch sẽ còn kéo dài.

Dựa trên nỗ lực phi thường nhằm tổ chức thử nghiệm và phê chuẩn theo quy định trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, từ vấn đề chủ yếu mang tính khoa học, việc tiêm chủng đã biến thành vấn đề logistics, vấn đề quan hệ công chúng, vấn đề chính trị và vấn đề địa chính trị.

Theo các nhà khoa học, phải có 70-80% dân số toàn cầu được tiêm chủng thì mới đủ để cuộc sống quay trở lại bình thường.

Bettie Steinberg, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu y khoa Feinstein của Northwell Health cho rằng càng nhiều người mắc bệnh và càng nhiều người lây truyền SARS-CoV-2 thì càng có nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới có khả năng kháng vaccine. Đó là điều xảy ra ngẫu nhiên. Nếu không một ai mắc bệnh thì sẽ không có tế bào nào trong cơ thể người sinh ra các biến chủng mới. Và tính phức tạp của biến chủng virus mới đã khiến các nhà nghiên cứu kinh hãi. Đã hơn một lần, Nam Phi tuyên bố vaccine của AstraZeneca của Anh tỏ ra kém hiệu quả hơn nhiều khi gặp biến thể B.1.351 mới.

Trong khi đó, người ta vẫn hoài nghi về mức độ kiểm soát khả năng lây lan virus của thế hệ vaccine đầu tiên. Mặc dù những loại vaccine này có tác dụng phòng bệnh và ngăn ngừa khả năng tử vong nhưng một số nhà khoa học lo ngại rằng vaccine thực sự có thể làm tăng số lượng người mắc bệnh không triệu chứng.

Có thông tin cho rằng vaccine Oxford-AstraZeneca có thể làm giảm khả năng lây nhiễm COVID-19 nhưng theo các chuyên gia, sẽ phải mất nhiều tháng nữa mới có thể biết rõ thêm về tác dụng vaccine đối với việc lây nhiễm. John Wherry, giám đốc Viện Miễn dịch học Penn tại Đại học Pennsylvania thì khẳng định rằng tất cả chúng ta đều mong đợi những loại vaccine này sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm nhưng câu trả lời đơn giản là chúng chưa hoàn hảo đến mức đó.

Các chuyên gia vẫn cảnh báo rằng người dân phải tiếp tục đeo khẩu trang và tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội sau khi tiêm chủng để ngăn virus đột biến thành nhiều biến chủng kháng thuốc hơn. Nói cách khác, các nhà khoa học lo ngại rằng vaccine sẽ khiến người dân các nước mang tâm lý chủ quan. Wherry noi cho rằng chúng ta cần thực sự duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Ông cho rằng điều quan trọng là phải tiếp tục tự nhắc nhở bản thân rằng chúng ta không chỉ gây rủi ro cho chính mình mà còn khiến những người xung quanh gặp rủi ro bằng chính những hành vi cẩu thả của mình.

Một nguy cơ khác được đặt ra là các liều vaccine sẽ tập trung ở một số nước giàu có và người dân ở nhiều nước nghèo hơn sẽ không được tiêm chủng kịp thời. Theo tờ Our World in Data của Đại học Oxford, khoảng 19 triệu người được tiêm chủng đầy đủ trên toàn thế giới. Israel đứng đầu với 28% dân số được tiêm chủng đầy đủ tính đến ngày 13-2. Mỹ đứng thứ hai với 4% - mặc dù theo Trung tâm Kểm soát và ngăn chặn dịch bệnh của nước này, 11% dân số đã tiêm ít nhất một mũi theo phác đồ 2 mũi. Tiếp theo là Anh với 0,8% dân số, mặc dù chính phủ nước này cho biết 22% dân số đã được tiêm 1 mũi. Tỷ lệ tiêm chủng đủ cả 2 liều của thế giới là 0.2%, với dữ liệu không có sẵn ở nhiều nước.

Và “Chủ nghĩa dân tộc vaccine”?

Theo dự báo của công ty tư vấn Airfinity, tính đến cuối năm 2021 sẽ có 10 tỷ liều vaccine thế thệ đầu tiên được cung cấp. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành của đơn vị này, Rasmus Bech Hansen, cảnh báo rằng khó có thể đạt được con số này. Lý do đơn giản, theo ông này, là do các nhà sản xuất không thể đáp ứng được.

Theo các nhà khoa học, cuối cùng, 70-80% người dân trên toàn thế giới phải được tiêm chủng đầy đủ để cuộc sống quay trở lại bình thường. Tuy nhiên, một trong những trở ngại chính là việc các nước giàu có tích trữ vaccine. Các chuyên gia nói rằng “chủ nghĩa dân tộc vaccine” sẽ khiến đại dịch COVID-19 kéo dài, so với chiến lược ưu tiên tiêm chủng cho những người dễ mắc bệnh nhất ở tất cả các nước này.

Theo Mandeep Dhaliwal, Giám đốc Nhóm HIV, y tế và phát triển thuộc Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc, Chương trình COVAX, vốn được cho là nhằm cung cấp vaccine cho các nước nghèo hơn, đang thiếu vốn và có nguy cơ không thể thực hiện sứ mệnh của mình. Dhaliwal nói: “92% quốc gia nghèo nhận được phần lớn vaccine do COVAX mua sẽ chỉ đủ để tiến hành tiêm chủng cho 3% dân số của họ sau khi kết thúc nửa đầu năm 2021. Các quốc gia giàu có nhất, chỉ chiếm 14% dân số toàn cầu, đã mua hơn một nửa số vaccine dự kiến được sản xuất.

Có thể thấy được sự chênh lệch trong việc mua và phân phối vaccine”. Ba Dhaliwal cũng nói với tờ Nikkei Asia rằng COVAX còn thiếu 27 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động thử nghiệm, bào chế thuốc và vaccine. Theo bà, các dự báo cho thấy có thể phải mất nhiều năm dân số thế giới mới được tiêm chủng đầy đủ.
Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.