Những thách thức của tân Bí thư Thượng Hải

Thứ Ba, 27/03/2007, 13:00
Dư luận chính giới trong và ngoài Trung Quốc đang bình luận khá nhiều xung quanh việc ông Tập Cận Bình được bổ nhiệm làm Bí thư Thượng Hải bởi điều này có nghĩa vụ tham nhũng của cựu Bí thư Trần Lương Vũ chuẩn bị được đưa ra xét xử sau hơn 6 tháng điều tra (từ tháng 9/2006).

Chiều 24/3, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hạ Quốc Cường đã tuyên bố quyết định của Ban chấp hành Trung ương Đảng, theo đó bổ nhiệm ông Tập Cận Bình, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Chiết Giang về làm Bí thư Thượng Hải. Ngay sau khi được bổ nhiệm làm Bí thư, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng trước hội nghị cán bộ lãnh đạo dân, chính, đảng Thượng Hải.

Theo đó nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay của Thượng Hải là tập trung sức chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ 9, đoàn kết xây dựng và phát triển Thượng Hải không những tiếp tục duy trì là trung tâm kinh tế, tài chính và thương mại lớn nhất ở Trung Quốc, mà cả thế giới trong thời gian tới.

Tiếp đến là coi trọng công tác dân sinh, giải quyết vấn đề công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, giáo dục, y tế, nhà ở, môi trường…

Ngoài ra, còn phải đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, chỉnh đốn công tác xây dựng đảng, giữ nghiêm kỷ luật đảng, cũng như đề cao liêm chính. Bí thư Tập Cận Bình cho rằng, chống hủ bại, tham nhũng và xây dựng liêm chính là đột phá khẩu trong tình hình hiện nay, cũng như trọng tâm công tác của ông và tập thể ban lãnh đạo Thượng Hải trong thời gian tới.

Dư luận cho rằng, một trong những trọng trách của tân Bí thư Tập Cận Bình không những phải xử lý tốt vụ tham nhũng tại Quỹ An sinh xã hội, cũng như "tàn dư" của vấn đề này, mà còn phải mở ra một giai đoạn mới cho sự tăng trưởng kinh tế của thành phố để nâng mức GDP của người dân Thượng Hải từ 4.909 USD lên 7.500 USD.

Và đặc biệt xây dựng Thượng Hải trở thành trung tâm kinh tế và tài chính quốc tế vào năm 2010. Điều này có nghĩa, ông Tập Cận Bình vừa phải đảm bảo sự tăng trưởng của Thượng Hải phù hợp với lợi ích chung của cả nước, vừa phải giữ gìn, bảo tồn những di tích lịch sử trong tốc độ phát triển đô thị hoá tới mức chóng mặt hiện nay của thị trường.

Có người nói rằng, tương lai của Thượng Hải phụ thuộc vào việc tân Bí thư và chính quyền thành phố sẽ làm chủ các vấn đề nan giải hiện nay như thế nào, nhất là trong lĩnh vực giá lao động, giao thông, bất động sản, cũng như an sinh xã hội. Có một chi tiết khá nhạy cảm là ông Tập Cận Bình sẽ "làm chủ" ra sao sau khi dự án xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thượng Hải được cấp phép.

Tuyến đường sắt này dự kiến sẽ chạy với tốc độ 350 km/giờ, rút ngắn hành trình 9 tiếng hiện nay xuống còn 5 giờ đồng hồ và nếu tuyến đường sắt này được xây dựng sẽ tạo ra nhiều triển vọng cho Thượng Hải. Song đây cũng là một vấn đề nhạy cảm dễ bị dư luận chỉ trích nếu như "xử lý không hài hoà".

Sở dĩ nói như vậy vì Thượng Hải là thành phố năng động và có sức phát triển kinh tế nhanh nhất Trung Quốc hiện nay và được coi là vùng đất giao thoa giữa văn hoá phương Đông với phương Tây.

Giới bình luận cho rằng, việc cất nhắc ông Tập Cận Bình, con trai "đại lão" Tập Trọng Huân làm Bí thư Thượng Hải là nằm trong chiến lược đề bạt cán bộ trẻ, chuẩn bị cho "thê đội lãnh đạo thứ 5" bởi Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 17 đang đến gần

Quốc Trung
.
.