Những tham vọng mới của một liên minh kinh tế-chính trị

Thứ Ba, 28/08/2007, 14:45
Thị trấn Montebello (Quebec - Canada) là nơi vừa diễn ra cuộc họp thượng đỉnh ba quốc gia vùng Bắc Mỹ là Canada, Mỹ và Mexico vào ngày 21/8/2007.

Dù đều lên tiếng kêu gọi củng cố hợp tác giữa ba quốc gia nhằm xây dựng một "khu vực thịnh vượng thống nhất", nhưng những bất đồng giữa Mỹ và Canada về Bắc Cực lại phủ bóng đen lên các kết quả của hội nghị.

Cuộc họp thượng đỉnh trong vòng 2 ngày - giữa Tổng thống Mỹ George Bush, Thủ tướng Canada Stephen Harper và Tổng thống Mexico Felipe Calderon - tổ chức tại thị trấn nghỉ mát Montebello (cách Ottawa 70km về phía tây) đã được đánh giá chẳng khác gì một “bản sao thu nhỏ” của Hội nghị Thượng đỉnh G-8.

Chương trình nghị sự của hội nghị này cũng  bao gồm các vấn đề về an ninh, phát triển, hợp tác thương mại-kinh tế giữa ba nước - bắt đầu từ việc kiểm soát nhập cư, bảo vệ thị trường trước các hàng hóa tiêu dùng tràn ngập của Trung Quốc cho tới việc nghiên cứu các dạng nhiên liệu mới, đấu tranh chống hiệu ứng nhà kính và ngăn chặn nạn buôn ma túy...

Đáng chú ý là cuộc họp của nguyên thủ 3 quốc gia Bắc Mỹ này đã được đông đảo những người chống toàn cầu hóa "chú ý". Ngay từ 2 ngày trước khi cuộc gặp chính thức diễn ra, hàng trăm thành viên chống toàn cầu hóa đã tổ chức hàng loạt hoạt động biểu tình, mít tinh tại MontrealOttawa để chống lại ý định thành lập một “siêu chính phủ tầm cỡ thế giới” tương tự như EU, được họ mệnh danh là “Americanada”.

Những người phản đối còn tổ chức một cuộc diễu hành rầm rộ bằng xe đạp tới Montebello, đồng thời thu thập một danh sách 10 ngàn chữ ký chống lại cuộc chiến tại Iraq.

Thật ra, cuộc họp tại Montebello, với mục đích hàng đầu là tăng cường sự liên kết giữa các quốc gia trong khu vực Bắc Mỹ, đã là cuộc họp thượng đỉnh lần thứ ba với sự tham dự của nguyên thủ bộ 3 Mỹ - Canada - Mexico. Cuộc gặp lần đầu diễn ra vào năm 2005 tại Texas (Mỹ), còn cuộc gặp thứ hai tại khu nghỉ mát Cancune (Mexico).

Trong khuôn khổ kỳ họp này, các bên tham gia đã dự kiến sẽ thông qua một chương trình đầy tham vọng có tên “Hợp tác vì an ninh và phồn vinh” (SPP - Security and Prosperity Partnership of North America), mục đích chính là biến Mỹ, Canada và Mexico thành một khu vực chung có mức độ phát triển cao về kinh tế và phồn thịnh.

Trước đây trong một cuộc họp báo tổng kết về Thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – được coi là điểm khởi đầu cho quá trình xích lại gần nhau về kinh tế giữa Mỹ, Canada và Mexixo – Tổng thống Bush từng đưa ra đánh giá cho rằng, quyết định bắt đầu quá trình liên kết giữa 3 nước “là một xu hướng đúng đắn”.

Và hiện tại, quá trình liên kết này đang được mong đợi sẽ bước sang một giai đoạn hoàn thiện hơn về chất. Những gì đã diễn ra tại Montebello cho thấy, lục địa Bắc Mỹ đang nổi lên trở thành một trung tâm có ảnh hưởng toàn cầu mới về chính trị và kinh tế.

Thậm chí nhiều nhà bình luận đã đưa ra nhận định cho rằng, 3 cường quốc tại Bắc Mỹ đang có tham vọng biến khu vực này thành “một chính phủ tập thể trong khu vực theo hình mẫu của Liên minh châu Âu”.

Những "tin đồn" về khả năng liên kết chặt chẽ hơn của chương trình SPP theo kiểu mẫu EU thực ra đã xuất hiện từ trước đó trên một số trang web hay đài phát thanh, thu hút sự chú ý của nhiều nghị sĩ Mỹ.

Ngay trong tháng qua, một nhóm gồm 21 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 1 nghị sĩ đảng Dân chủ đã ký vào một lá thư chung gửi ông Bush, bày tỏ "sự lo ngại ngày càng tăng" về nguy cơ biến tướng của SPP.

Theo giải thích của các quan chức từ Nhà Trắng, về nguyên tắc SPP vẫn hoạt động trong khuôn khổ của NAFTA, một hiệp ước theo đánh giá trong vòng 12 năm qua đã đem lại cho Mỹ, Canada và Mexico những lợi ích kinh tế với tổng trị giá lên tới 884 tỉ USD.

Dù sao, cả 3 nguyên thủ trong cuộc họp báo chung sau đó đều kiên quyết phủ nhận về khả năng “EU hóa” trong liên kết chiến lược Bắc Mỹ. Liên quan đến tình hình Iraq, các nguyên thủ 3 quốc gia có chung quan điểm rằng, nếu chính phủ của Thủ tướng Maliki không thành công trong việc thông qua các đạo luật chủ chốt, người dân Iraq sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới.

Các bên cũng thống nhất tăng cường giúp Mexico trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy, cũng như khắc phục hậu quả của cơn bão Dean. Tuy nhiên, những tranh luận “ngoài kế hoạch” giữa Canada và Mỹ về Bắc Cực lại phủ bóng đen lên kế hoạch tham vọng này.

Thủ tướng Stephen Harper đã quyết định tận dụng ưu thế nước chủ nhà của mình để khẳng định những tham vọng của Canada tại vùng cực bắc của trái đất. “Canada luôn quyết tâm củng cố chủ quyền của mình tại Bắc Cực trên mọi lĩnh vực  - không chỉ về quân sự mà còn cả kinh tế, sinh thái v.v...” - Thủ tướng Harper đã có tuyên bố “đầy ý nghĩa” như vậy.

Ông Harper cũng lên tiếng thừa nhận, Canada và Mỹ đang có nhiều bất đồng về tuyến hàng hải từ Bắc sang Tây dọc theo bờ biển Canada. Ngay từ năm 1973, Canada đã tuyên bố về chủ quyền đối với tuyến đường biển có tầm quan trọng chiến lược đặc biệt này từ Đại Tây Dương tới biển Bofort trước khi sang Thái Bình Dương.

“Những bất đồng về tuyến hàng hải từ phía Bắc sang phía Tây quả thực đang tồn tại. Chúng tôi lại cho rằng, đây là một tuyến giao thông quốc tế” - Tổng thống Bush đã khẳng định quan điểm của Mỹ như vậy.

Dù sao để tránh tình trạng quá căng thẳng, ông Bush cũng nói thêm rằng: “Mỹ không nghi ngờ về chủ quyền của Canada tại các hòn đảo ở Bắc Cực và ủng hộ các hoạt động đầu tư của Canada để củng cố chủ quyền này”

Hồng Sơn (tổng hợp)
.
.