Những tín hiệu xấu cho Thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Triều Tiên
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Singapore ngày 4-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì áp lực ngoại giao, kinh tế đối với Triều Tiên, để có thể đi đến giải trừ hạt nhân toàn bộ, vĩnh viễn và có kiểm chứng được mà Triều Tiên đã cam kết.
Trong cuộc họp báo bên lề Diễn đàn, Ngoại trưởng Mỹ cho biết đã đề nghị các nước ASEAN áp dụng nghiêm ngặt mọi trừng phạt, trong đó có việc chấm dứt toàn bộ việc sang dầu mỏ giữa các tàu ngoài khơi cho Triều Tiên. Lời nhắc này của ông Pompeo có liên quan đến một báo cáo mật của tình báo Mỹ mới đây.
Vào giữa tháng 7 vừa qua, Hoa Kỳ đã nói với 14 đối tác của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) rằng "Triều Tiên đã vi phạm hạn ngạch nhập khẩu dầu tinh chế của LHQ cho năm 2018" do tình trạng vận chuyển trái phép dầu cho Triều Tiên theo đường biển. Bằng chứng được Mỹ trưng ra là một báo cáo tình báo với những hình ảnh vệ tinh cho thấy 89 tàu dầu đã cập bến tại Triều Tiên kể từ đầu năm 2018.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bắt tay chào xã giao Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho khi họ chuẩn bị chụp ảnh tập thể tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ngày 4-8. |
Nhưng ngày 20-7, Nga và Trung Quốc yêu cầu Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về cáo buộc trên của họ để phủ quyết đề xuất được Washington trình lên LHQ nhằm ngăn cấm việc gửi các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Bình Nhưỡng.
Ngay khi ông Pompeo rời Singapore đi Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho đã cực lực chỉ trích một số thế lực trong chính quyền Mỹ đang đi ngược lại “mong muốn” của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về thỏa thuận phi hạt nhân hóa, bằng việc “lớn tiếng yêu cầu duy trì các biện pháp trừng phạt. "CHDCND Triều Tiên vững vàng trong quyết tâm và cam kết của mình thực hiện Tuyên bố chung CHDCND Triều Tiên - Hoa Kỳ theo một cung cách có trách nhiệm và có thiện ý”, lãnh đạo ngoại giao Triều Tiên phát biểu.
Ông Ri nói Triều Tiên đã đưa ra những cử chỉ thiện chí, bao gồm việc đình chỉ các vụ thử hạt nhân và phóng tên lửa, tháo dỡ một địa điểm thử nghiệm hạt nhân. "Tuy nhiên, Hoa Kỳ, thay vì đáp lại các biện pháp này, lại còn lớn tiếng hơn đòi duy trì các chế tài nhắm vào CHDCND Triều Tiên và tỏ thái độ thoái lui, thậm chí rút khỏi tuyên bố chấm dứt chiến tranh, một bước rất cơ bản và chính yếu để đem lại hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên", ông nói.
Theo ngoại trưởng Triều Tiên, một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh là “giai đoạn đầu tiên và rất căn bản, tạo điều kiện cho hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên”. Về nguyên tắc, cho đến nay, cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953 chỉ tạm ngưng với một hiệp đình đình chiến, giữa một bên là LHQ và bên kia là Trung Quốc và Triều Tiên.
Ngoại trưởng Triều Tiên cũng nhấn mạnh rằng “niềm tin cậy” giữa Bình Nhưỡng và Washington không thể là điều được xây dựng trong một sớm một chiều và để làm được điều này, cả hai phía cần có các hành động có đi có lại và phải có một lộ trình theo “nhiều giai đoạn”.
Một thành viên phái đoàn Mỹ trao cho Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho (bên phải) bức thư của Tổng thống Mỹ trả lời thư của lãnh đạo Bình Nhưỡng Kim Jong Un, nhân Diễn đàn an ninh ASEAN ở Singapore ngày 4-8. |
Sở dĩ có chuyện hai bên đều muốn “ngãng ra” trong việc thực thi thỏa thuận hạt nhân vì thực chất giao kèo giữa ông Trump và lãnh đạo Bình Nhưỡng ký tại Singapore hồi tháng 6 chả có gì cụ thể. Đã vậy, cho đến nay, hai bên vẫn chưa muốn xúc tiến các cuộc làm việc kỹ thuật để bàn về một lộ trình cụ thể.
Trong thỏa thuận hạt nhân ở Singapore, Tổng thống Trump hứa sẽ đảm bảo an ninh cho Triều Tiên với điều kiện Bình Nhưỡng phải phi hạt nhân hóa. Nhưng mỗi bên lại hiểu về “phi hạt nhân hóa” một cách khác nhau và Triều Tiên không hề bị ràng buộc bằng các cam kết giải trừ cụ thể nào.
Rõ ràng là hai nước đang đạt được những tiến bộ ngoại giao lớn ở cấp cao nhất nhưng ngay tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Singapore ngày 4-8, ngoại trưởng hai nước không hề có cuộc họp chính thức nào. Chỉ tới lúc chụp ảnh tập thể bế mạc, ông Pompeo mới bước tới bắt tay và trao đổi vài lời với người đồng cấp Ri.
"Chúng ta nên sớm hội đàm thêm lần nữa", Ngoại trưởng Mỹ nói. "Tôi đồng ý, chúng ta cần có nhiều cuộc hội đàm mang lại kết quả", ông Ri đáp lời. Ông Pompeo sau đó viết tweet rằng đó là "một cuộc trao đổi chóng vánh, lịch sự" và đã có cơ hội để trao một bức thư của ông Donald Trump cho ông Kim Jong Un thông qua kênh ngoại giao.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc gợi ý Hội đồng Bảo an thảo luận về việc giảm bớt các chế tài sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đạt được thỏa thuận hồi tháng 6 tại Singapore. Mỹ và các thành viên khác trong hội đồng đã nói rằng phải thực thi nghiêm ngặt các chế tài này cho tới khi Bình Nhưỡng hành động.
Sự mù mờ trong thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Triều Tiên có thể sẽ “giết chết” thỏa thuận này và có thể thỏa thuận này chỉ là kế hoãn binh của Tổng thống Donald Trump nhằm phục vụ lợi ích chính trị trong nước. Cho đến giờ, Mỹ vẫn chưa có bất cứ động thái nới lỏng nào cho Bình Nhưỡng. Hồi cuối tháng 6, Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên vẫn đề ra một “mối đe dọa đặc biệt” cho Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi duy trì áp lực lên Triều Tiên trong cuộc họp báo tại Singapore, ngày 4-8. |
Trong một sắc lệnh hành chính, ông Trump gia hạn điều gọi là “tình trạng khẩn cấp quốc gia” thêm 1 năm liên quan tới quốc gia có trang bị vũ khí hạt nhân Triều Tiên, tái cho phép các chế tài kinh tế chống lại Bình Nhưỡng. Rồi sau đó, Tòa án Tối cao Mỹ ủng hộ lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump. Theo sắc lệnh, công dân từ 7 quốc gia Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia, Triều Tiên và Venezuela bị hạn chế nhập cảnh vào Mỹ.
Cứ theo đà này, chẳng sớm thì muộn, thỏa thuận hạt nhân Mỹ - Triều Tiên có thể đổ vỡ bất cứ khi nào. Lịch sử đã cho thấy, một thỏa thuận khung về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên từng được ký năm 1994 đã đổ bể vì Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật sử dụng urani làm giàu để duy trì chương trình hạt nhân. Đặc biệt là hiện nay cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều nổi tiếng là người “nóng tính” và dễ thay đổi.
Cũng có ý kiến cho rằng thực ra thì tại thượng đỉnh Singapore hôm 12-6 vừa rồi, ông Kim Jong Un không hề hứa ngừng hoạt động các cơ sở chế tạo tên lửa mà chỉ cam kết hành động giải trừ hạt nhân Bán đảo Triều Tiên. Đó là một quá trình mà Bình Nhưỡng đang tiến hành thương lượng với Washington.
Chuyên gia Joel Wit, người sáng lập Tổ chức theo dõi Triều Tiên 38° Bắc, nhắc lại rằng thượng đỉnh Trump-Kim mới chỉ dẫn tới ký tuyên bố chung, chứ chưa phải là một thỏa thuận. Trong thời gian đàm phán để đi tới ký một thỏa thuận, hai bên sẽ không thể dừng lại tất cả để chờ đàm phán diễn ra thế nào.
Như vậy, Triều Tiên có thể tiếp tục bình thường chương trình của họ cho đến khi đàm phán có kết quả. Theo ông Bruce Bennett, Trung tâm Nghiên cứu Rand Corporation, Triều Tiên muốn giảm nhẹ trừng phạt dần dần theo đó họ sẽ ngừng một số hoạt động liên quan đến chương trình vũ khí.
Kênh KCNA của Triều Tiên hôm 6-8 đã kêu gọi Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt vì cho rằng Bình Nhưỡng đã chấm dứt hoạt động của các cơ sở hạt nhân và bàn giao hài cốt lính Mỹ tử trận trong Chiến tranh Triều Tiên.