Những ứng viên Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống 2020

Thứ Hai, 20/08/2018, 19:21
Đảng Dân chủ Mỹ dường như không thể nuốt trôi thất bại cay đắng của bà Hillary Clinton dưới tay ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và có vẻ như họ đã làm tất cả để thay đổi thực tế nhưng chưa được.

Giờ còn cách duy nhất và đúng đắn nhất, là sửa soạn nhân sự mới, đủ khả năng “giành lại” chiếc ghế tổng thống từ tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 tới đây. Nhiều gương mặt mới đang dần xuất hiện.

 “Phiên bản nữ” của Barack Obama

Kamala Harris là nữ nghị sĩ thuộc Ủy ban Tư pháp Thượng viện, vị trí thấp nhưng vẫn có quyền chất vấn các quan chức chính phủ trong các cuộc điều trần. Kamala đã làm dậy sóng nghị trường tại cuộc điều trần với tư cách nhân chứng của Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tại Thượng viện hồi tháng 11-2017 liên quan đến cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về những cáo buộc ông từng gặp gỡ, tiếp xúc người Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Bà đã tung chiêu tấn công dồn dập khiến ông Sessions “không kịp thở”.

Thượng nghị sĩ Kamala Harris.

Cuộc “vây hãm” quyết liệt của Kamala kéo dài gần 10 phút thì Chủ tịch Thượng viện Richard Burr đành phải cắt thời gian chất vấn của bà khi nhận thấy ông Sessions đã không thể bình tĩnh để trả lời các câu hỏi của bà. Đó là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ Kamala bị cắt thời gian chất vấn do cách đặt câu hỏi dồn dập, quyết liệt của bà khiến cho nhân chứng điều trần không thể trả lời một cách bình tĩnh.

Năm nay 54 tuổi, Kamala Harris sinh ra và lớn lên tại bang California, tham gia chính trị và hoạt động cũng tại bang này. Đặc điểm nổi bật nhất khiến bà được ví như “phiên bản nữ” của Barack Obama chính là gốc gác da màu đa sắc tộc của bà. Bà có bố là người Mỹ gốc Jamaica, mẹ gốc Ấn Độ.

Thời trẻ, Kamala theo học ngành luật từ khi bước chân vào trường Đại học luật Hasting cho đến khi lấy bằng tiến sĩ luật tại Đại học California vào năm 1989, rồi được kết nạp vào Đoàn luật sư bang California. Kamala từng tuyên bố với bạn bè, người thân và giới báo chí rằng ước mơ lớn nhất của bà là làm việc trong ngành tư pháp, bảo vệ và thực thi pháp luật. Kamala thực hiện ngay ước mơ của mình và đã liên tục làm chánh án khu vực tại bang California suốt từ năm 1990 cho đến trước khi lên làm Bộ trưởng Tư pháp bang này.

Duyên dáng và có óc thực tế, bà Kamala đã dễ dàng hàn gắn sự bất đồng về màu da, sắc tộc trong cộng đồng xã hội tại bang California, nhận được sự ủng hộ rộng rãi của tầng lớp nông dân và những người làm công trong nông trại cũng như các nghiệp đoàn công chức. Bà đã dùng tài ăn nói của một luật sư lâu năm để dễ dàng áp đảo đối thủ bên đảng Cộng hòa và trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên làm Bộ trưởng Tư pháp bang California vào năm 2010.

Là một phụ nữ năng động, Kamala vừa làm mẹ, làm vợ, làm công việc nội trợ phục vụ gia đình, nhưng vẫn tranh thủ được thời gian để đi tập thể hình và các hoạt động chính trị. Bà Kamala xem các luật sư như những người hùng của thời đại và công kích các công ty cho vay thế chấp ở Wall Street.

Chưa hết, bà Kamala không chỉ chống hình phạt tử hình và thiên về kiểm soát súng mà bà còn chống cả việc hợp pháp hóa cần sa, đồng thời ngăn các công tố viên độc lập điều tra hành vi bạo lực của cảnh sát bang. Từ dạo đó, bà Kamala đã bắt đầu có “kẻ thù” ở bang California.

Năm 2013, Tổng thống Obama từng nhận xét bà Kamala là “nữ Bộ trưởng Tư pháp đẹp nhất nước Mỹ”. Còn giới quan sát thì dự báo một ngày nào đó Kamala sẽ bước chân lên vũ đài chính trị ở Washington với nhiều “kẻ thù” vây quanh. “Ngày nào đó” đã chính thức đến trong kỳ bầu cử tháng 11-2016. Bà Kamala khi ấy đã chuẩn bị rất kỹ cho kế hoạch “Đông tiến” đến vũ đài Washington bằng việc mời các chuyên gia chính trị có trình độ tương tự như bộ sậu tranh cử của bà Hillary Clinton làm cố vấn.

Cũng như ông Obama trong cuộc bầu cử năm 2004, bà Kamala cũng dễ dàng đánh bại các đối thủ mạnh từ đảng Cộng hòa, giành ghế Thượng nghị sĩ bang California, thay thế cho Thượng nghị sĩ Barbara Boxer trước đó đã tuyên bố rút lui. Bước nhảy vọt từ Bộ trưởng Tư pháp bang lên làm thượng nghị sĩ một lần nữa cho thấy bà Kamala có những tố chất tương tự như ông Obama cách đây hơn 10 năm.

Sau cuộc điều trần tháng 11-2017, bà Kamala đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và giới phân tích chính trị ở Washington, với tư cách là một ngôi sao đang lên giống như thời ông Obama mới trở thành thượng nghị sĩ đến từ bang Illinois. Tuy mới bước vào Thượng viện chưa lâu, nhưng bà Kamala đã nhanh chóng tạo được tiếng nói bằng những hành động không ngại đụng chạm, không sợ các thế lực lâu năm trong nghị trường. Điều đó đã giúp bà Kamala ngày càng được nhiều người ủng hộ, nhất là thành phần theo tư tưởng cấp tiến, trong đó có nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của bang Massachusetts.

Từ đầu năm 2018, ở Washington đã xuất hiện những lời đồn đoán về việc bà Kamala sẽ cân nhắc ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020. Một gương mặt mới của đảng Dân chủ đã lộ diện, chuẩn bị bước lên “sàn diễn” vào năm 2020 chăng? Tờ National Review, một tạp chí chính trị bảo thủ, đặt vấn đề: “Liệu Kamala Harris là tương lai của chính trị?”.

Một “người quen” đến từ New York

Tỉ phú Michael Bloomberg, 76 tuổi, ông chủ nổi tiếng của tập đoàn truyền thông thị trường tài chính Bloomberg, từng làm Thị trưởng New York 3 nhiệm kỳ chỉ nhận lương tượng trưng 1 USD/năm. Không những thế, ông còn là cái tên quá quen thuộc trong giới chính trị Mỹ.

Tỷ phú Michael Bloomberg.

Vào các kỳ bầu cử năm 2012 và 2016, Bloomberg từng cân nhắc ra tranh cử tổng thống với tư cách ứng cử viên độc lập nhưng rồi đã từ bỏ ý định vì ông tin rằng mình không thể giành chiến thắng, lại còn chia phiếu cử tri của đảng Dân chủ tạo cơ hội cho ứng cử viên của đảng Cộng hòa. Hiện tại, khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần, ông Bloomberg có vẻ như đang cân nhắc việc tranh cử, lần này với tấm vé đảng Dân chủ. Tuy nhiên, giới phân tích vẫn băn khoăn, liệu lần này ông sẽ lại do dự rồi từ bỏ ý định như hai lần trước hay không?

Hank Sheinkopf, nhà quản lý chiến dịch tranh cử kỳ cựu của đảng Dân chủ đưa ra một số dữ liệu phân tích để khẳng định rằng Bloomberg có vẻ nghiêm túc với ý định tranh cử năm 2020. Theo ông Sheinkopf, một trong những dấu hiệu của sự nghiêm túc đó chính là việc ông Bloomberg tích cực tham gia hỗ trợ các ứng cử viên nghị sĩ của đảng Dân chủ chuẩn bị cho kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018, bao gồm việc chi đến 80 triệu USD cho nỗ lực lật ngược tình thế kiểm soát Hạ viện hiện đang nằm trong tay đảng Cộng hòa.

Đáng chú ý, với tài sản trị giá 51 tỉ USD, tỷ phú Bloomberg không chỉ mạnh tay ủng hộ ứng cử viên đảng Dân chủ mà cả ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng có thể nhận được sự hỗ trợ của ông nếu người đó đáp ứng quan điểm lưỡng đảng của ông trong các vấn đề như kiểm soát an toàn súng đạn, cải cách về quản lý người nhập cư và bảo vệ môi trường.

Trong số các ứng cử viên từng được ông Bloomberg hỗ trợ có Pat Toomey, thành viên đảng Cộng hòa bang Pennsylvania. Ông Toomey nhận được sự ủng hộ của tỷ phú Bloomberg do đồng tác giả cùng một thành viên đảng Dân chủ soạn thảo dự luật nhằm bịt một lỗ hổng trong công tác kiểm soát súng. Tuy nhiên, sau gần 2 năm đảng Cộng hòa kiểm soát cả hai viện Quốc hội, tỷ phú Bloomberg thất vọng vì đảng này đã không đáp ứng được những điều ông mong mỏi. Vì vậy, ông Bloomberg chuyển hẳn sang ủng hộ đảng Dân chủ.

Những gương mặt còn lại

Cũng theo Sheinkopf, ngoài bà Kamala Harris và ông Bloomberg, hiện trong đảng Dân chủ còn khá nhiều người có tiềm năng ra ứng cử, trong đó bao gồm cựu Phó Tổng thống Joe Biden, Thống đốc bang New York Andrew Coumo, các Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (bang Massachusetts), Bernie Sanders (bang Vermont) và Cory Booker (bang New Jersey).

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Ngoài ra còn phải kể đến Thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand và nghị sĩ bang New York Luis Gutierrez. Mỗi người trong số họ đều có những chủ trương giống nhau và khác nhau, chung quy họ đều là những người chống lại những chủ trương hiện tại của Tổng thống Donald Trump. Họ cũng có những bộ phận cử tri ủng hộ riêng và đều có khả năng vận động tài chính gây quỹ tranh cử.

Tuy nhiên, trong cái nhìn của Sheinkopf, không ai trong số họ, kể cả bà Kamala nêu trên, có khả năng đấu lại ông Bloomberg để giành vé tranh cử chính thức đại diện đảng Dân chủ. Khả năng cao nhất có thể là bà Kamala, với quan điểm tự do cấp tiến mạnh mẽ nhất trong số các ứng cử viên tiềm năng.

Nhưng bà Kamala sẽ gặp nhiều khó khăn khi đương đầu với một tỉ phú giàu có như ông Bloomberg, người sẵn sàng chi bạo để giành ưu thế tranh cử. Rốt cuộc, Sheinkopf cho rằng chỉ những người có hầu bao sâu đáy giống ông Bloomberg mới có thể xứng tầm đối thủ của ông trong cuộc đọ sức sơ bộ năm 2020.

Trong số này, ông Sheinkopf đưa ra 3 cái tên đáng chú ý, gồm doanh nhân Mark Cuban, cựu chủ tịch tập đoàn cà phê Starbucks Howard Schultz và tỉ phú hoạt động tự do Tom Steyer. Nhưng ông Sheinkopf cũng khẳng định tất cả những người này không thể sánh với ông Bloomberg do ông không chỉ là doanh nhân giàu có mà còn là một chính khách có kinh nghiệm, nhất là trong việc vận động tranh cử.

Có thể nói rằng, tỷ phú Bloomberg khá tương đồng với ông Trump ở khía cạnh tiền bạc và quan điểm kinh doanh, nhưng ông được đánh giá cao hơn ông Trump ở khía cạnh kinh nghiệm chính trị lẫn tư cách một chính khách.

Nhưng giới phân tích cũng đặt câu hỏi: Liệu một chính khách độc lập như Bloomberg có khả năng thống nhất đảng Dân chủ hay không? Hiện tại, trong đảng này diễn ra một cuộc đấu tranh quyết liệt giữa thành phần cấp cao, lãnh đạo đảng với những thành viên cấp thấp, những nhà hoạt động.

Nữ Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren.

Hồi tháng 6-2018 vừa qua, Alexandria Ocasio-Cortez, người tự xưng quan điểm xã hội chủ nghĩa trong đảng Dân chủ, đã gây chấn động khi đánh bại ông Joseph Crowley, một nghị sĩ Dân chủ kỳ cựu 10 nhiệm kỳ, trong cuộc tranh cử sơ bộ ở quận Bronz, thành phố New York. Người ta nhận xét, khoảng cách giữa hai người đó với tỉ phú Bloomberg có vẻ khá lớn. Vì vậy, khả năng ông Bloomberg có vận động được sự ủng hộ của họ hay không là điều chưa ai dám bảo đảm.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 đang đến gần, và người ta đang chờ đợi sự xuất hiện của những gương mặt mới từ phía đảng Dân chủ. Đương nhiên bên đảng Cộng hòa sẽ không ai khác ngoài đương kim tổng thống ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.

Có thể, một “phiên bản nữ” của cựu Tổng thống Obama ra quyết đấu với ông Trump để giành lại quyền làm chủ Nhà Trắng, nhưng cũng không loại trừ khả năng cuộc bầu cử năm 2020 sẽ là cuộc đua giữa các tỉ phú, từ vòng sơ bộ cho đến vòng toàn quốc tháng 11. Với quan điểm chính trị trung dung, người ta tin rằng ông Bloomberg có khả năng tạo ra kịch bản đó.

An Châu (tổng hợp)
.
.