Những vấn đề nóng tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc

Thứ Năm, 26/09/2013, 16:35

Giới quan sát đặt câu hỏi: Dư luận thế giới mong đợi gì trong 7 ngày tranh luận này? Ngoài các phiên họp chuyên đề, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) khoá 68 sẽ bắt đầu phiên họp tranh luận toàn thể từ ngày 24/9 đến ngày 1/10. Tại phiên họp thường niên này, giới phân tích dự báo sẽ có nhiều vấn đề gay cấn được mang ra diễn đàn và chắc chắn các cuộc tranh luận sẽ rất căng thẳng.

Bế tắc trong đàm phán hòa bình Trung Đông

Vấn đề hòa bình giữa Israel và Palestine vẫn gây chú ý mạnh mẽ tại diễn đàn Đại hội đồng LHQ năm nay. Tại phiên họp toàn thể năm ngoái, Palestine đã làm nóng diễn đàn với việc nộp đơn xin công nhận "nhà nước độc lập", đơn phương thành lập nhà nước mà không qua đàm phán với Israel.

Vấn đề mấu chốt là sự bế tắc trong đàm phán giữa Palestine với Israel, trong đó Israel luôn luôn tạo ra các trở ngại trong đàm phán, nhất là việc Israel tiếp tục xây dựng các khu định cư trên phần đất chiếm đóng của người Palestine sau cuộc chiến Trung Đông năm 1967. 138 quốc gia đã đồng ý thông qua Nghị quyết số 67/19 nâng quy chế Nhà nước quan sát viên phi thành viên cho Palestine. Đây cũng là bước mở đầu cho việc một loạt tổ chức quốc tế và các định chế của LHQ công nhận, kết nạp Palestine làm thành viên.

Sự kiện này đã giáng cho Israel một đòn bất lợi về mặt chính trị. Tuy nhiên, với sự hậu thuẫn vô điều kiện của Mỹ, Israel vẫn cương quyết không chịu nhượng bộ trong vấn đề các khu định cư Do Thái trên đất Palestine.

Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ có bài phát biểu được dự báo là mang nhiều thông điệp tích cực nhất từ trước đến nay.

Đầu năm 2013, chính quyền Obama nhiệm kỳ II đã có những nỗ lực mạnh mẽ nhằm kéo 2 bên trở lại bàn đàm phán, bằng cách thuyết phục mỗi bên chịu nhượng bộ một chút để "dễ nói chuyện". Thế nhưng, rốt cuộc chỉ có người Palestine chấp nhận hoán đổi những phần đất đã bị chiếm và xây cất nhà ở lấy những phần đất khác, mục đích là tạo thuận lợi hơn cho Israel khi thực hiện điều mà họ buộc phải làm là trả lại đất cho người Palestine.

Kế hoạch dự kiến năm nay, Đại hội đồng LHQ sẽ xem xét vấn đề "chủ quyền vĩnh viễn của nhân dân Palestine và lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem, và quyền lợi của người Palestine ở phần lãnh thổ bị chiếm đóng trên cao nguyên Golan đối với tài nguyên thiên nhiên".

Liệu vấn đề quy chế Nhà nước và lãnh thổ của người Palestine sẽ được quyết định trong phiên họp năm nay hay đó sẽ là cuộc đấu tranh giằng co, dai dẳng, trong đó người Palestine tiếp tục chịu cảnh bị Israel ức hiếp, chiếm đất và bắt bớ, oanh kích bất kể ngày đêm?

Nội chiến Syria vẫn là đề tài nóng nhất tại khóa họp.

Động thái thiện chí từ Iran

Ngày 24/9, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã đăng đàn diễn thuyết tại Đại hội đồng LHQ khóa 68 để tiếp tục đưa ra cành ôliu về phía các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Theo nghị trình dự kiến, cả Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Iran Rouhani đều có bài phát biểu tại phiên tranh luận toàn thể.

Giới quan sát cho rằng, động thái tích cực của Tổng thống Iran là điểm mới nhất tại khóa họp năm nay, mở ra cơ hội giải quyết rốt ráo những vấn đề lấn cấn xung quanh chương trình hạt nhân của Iran. Vài ngày trước khi dự khóa họp, Tổng thống Rouhani cũng đã có một số động thái tích cực, như trao đổi thư từ đầy thiện chí với Tổng thống Mỹ Obama, thả 80 tù nhân chính trị,…

Syria - cuộc đấu trên bàn hội nghị giữa các nước lớn

Vấn đề nổi cộm nhất, có khả năng bao trùm diễn đàn Đại hội đồng LHQ, chính là cuộc khủng hoảng tại Syria. Giờ đây, đó không còn là nội chiến đơn thuần giữa quân đội chính phủ Syria với lực lượng phiến quân nổi dậy phức tạp, mà còn là cuộc đấu cân não giữa 2 "siêu cường" Nga và Mỹ.

Cho đến nay, Chính phủ Syria đã tiến những bước dài, đã nghiêm chỉnh thực thi những điều khoản mà các lãnh đạo ngoại giao Nga và Mỹ đã ký. Ngày 20/9, nước này đã nộp bản liệt kê chi tiết các kho vũ khí hóa học cho Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) như đã ghi trong thỏa thuận Nga - Mỹ. Trên chương trình truyền hình quốc gia Trung Quốc sáng ngày 23/9, Tổng thống Assad tiếp tục khẳng định Syria sẵn sàng để cho các chuyên gia quốc tế tiếp cận các kho vũ khí hóa học của mình.

Tuy nhiên, ông Assad cảnh báo việc tiếp cận các kho vũ khí đó có thể sẽ gặp phải sự cản trở quyết liệt của phiến quân nổi dậy, bởi vì việc đó sẽ tạo thêm bằng chứng chính đáng cho Chính phủ Syria, đồng nghĩa với những bất lợi ngày càng lớn cho phe phiến quân. Cũng trong ngày 23/9, lãnh đạo phiến quân đối lập tại Syria đã ra tuyên bố không chấp nhận đàm phán hòa bình với chính phủ của Tổng thống Assad. Điều này đang đặt ra nguy cơ nội chiến sẽ kéo dài

Văn Trương (tổng hợp)
.
.