Những yếu tố thử thách liên minh Mỹ - Hàn

Thứ Tư, 05/07/2017, 16:54
Quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn Quốc phát triển ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực khiến Mỹ từ lâu coi việc bảo vệ Hàn Quốc là một lợi ích căn bản của chính mình.

Mặc dù trong chuyến công du đầu tiên tới Mỹ, Tổng thống Moon Jae In cam kết sẽ sát cánh cùng Tổng thống Donald Trump trong việc chống lại những nỗ lực hạt nhân của Bình Nhưỡng, một động thái được cho là khác hẳn với chủ trương trước đây của ông là áp dụng chính sách mềm mỏng với Triều Tiên, song liên minh Mỹ - Hàn được dự báo sẽ còn nhiều thách thức do có quá nhiều khác biệt giữa hai chính phủ.

Giới phân tích cho rằng trong chuyến thăm làm việc chính thức (29-30/6) tới Mỹ, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in mang theo sứ mệnh hết sức nặng nề khi phải hóa giải những vấn đề còn khá nhiều khác biệt giữa hai chính phủ.

Vấn đề quốc phòng được cho là chủ đề khó trong chuyến xuất ngoại lần này của ông Moon Jae-in. Mặc dù Mỹ- Hàn là đồng minh lâu đời nhưng vẫn có rủi ro gây ra sự rạn nứt trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước. Ông Moon Jae-in là cựu chiến binh dưới thời cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, có cách nhìn khác đối với tương lai quân đội Hàn Quốc và cũng khác với cách nhìn nhận về quan hệ đối tác Mỹ- Hàn của người đồng cấp Mỹ.

Giống như người tiền nhiệm Roh Moo-hyun, ông Moon Jae-in có thể hướng tới ưu tiên phát triển năng lực quân đội Hàn Quốc nhiều hơn. Bằng cách này, Hàn Quốc có thể đóng vai trò chủ động hơn trong các chính sách quốc phòng và do đó ít lệ thuộc vào quân đội Mỹ hơn. Mục tiêu lâu dài đó là chuẩn bị cho tình huống Mỹ giảm sự hiện diện tại Bán đảo Triều Tiên hoặc Hàn Quốc muốn bảo vệ các lợi ích an ninh của mình bên ngoài đường biên giới phía Bắc.

Hàn Quốc có lẽ cũng tính đến tình huống đủ mạnh về quân sự và không cần sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại các cảng biển Hàn Quốc.

Tuy nhiên, quan điểm của Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề Triều Tiên ngày càng có nhiều khác biệt. Chính quyền Mỹ không hài lòng về quyết định của ông Moon Jae-in trong việc tạm ngừng triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) cho tới khi có những đánh giá về môi trường.

Bất kể rằng ông Moon Jae-in cam kết sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận mà người tiền nhiệm đã ký với Mỹ, cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại Hàn Quốc, song Tổng thống Hàn Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực từ phía các cử tri đã bỏ phiếu cho ông và ít nhất ông cũng phải có biểu hiện chống lại THAAD. Theo quan điểm của Washington, điều này sẽ làm suy yếu tính răn đe của THAAD trong việc đối phó với Triều Tiên và Bình Nhưỡng có thể khai thác sự khác biệt này.

Tổng thống Moon Jae-in cam kết sát cánh cùng Tổng thống Donald Trump.

Mục tiêu chính của ông Moon Jae-in đối với Triều Tiên đó là làm dịu căng thẳng với Bình Nhưỡng và hướng tới thuyết phục Bình Nhưỡng tuân thủ các quy định cấm thử tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, có thể Mỹ sẽ không ủng hộ giải pháp tạm thời này. Kết quả là, sau gần 25 năm kể từ khi khủng hoảng hạt nhân diễn ra, Bình Nhưỡng dường như ngày càng gần hơn với mục tiêu phát triển vũ khí hạt nhân tầm xa.

Do đó, thách thức của ông Moon Jae-in đó là làm thế nào để thuyết phục được ông Trump rằng họ vẫn còn thời gian để đàm phán trước khi chuyển sang sử dụng các biện pháp quân sự. Gần đây, Tổng thống Mỹ đã đăng trên Twitter rằng Trung Quốc đã thất bại trong việc thay đổi hành vi của Triều Tiên, điều này cho thấy trong khi nỗ lực của Bắc Kinh đã thất bại thì khả năng Seoul thuyết phục được Washington là vô cùng khó khăn.

Trong môi trường chính trị hiện nay, đối với quan hệ liên Triều và Mỹ-Hàn, con đường phía trước sẽ không dễ đi. Những hành động khiêu khích liên tục từ phía Triều Tiên và những chia rẽ ngày càng tăng trong các vấn đề an ninh Mỹ-Hàn sẽ thử thách sức mạnh của liên minh này trong tương lai gần.

Sau gần 10 năm quan hệ liên Triều căng thẳng dưới thời các chính phủ theo đường lối bảo thủ ở Hàn Quốc, Tổng thống Moon đã tuyên bố trong bài diễn văn nhậm chức của mình: “Tôi sẵn sàng đi đến bất cứ đâu vì hòa bình của bán đảo Triều Tiên - nếu cần, tôi sẽ ngay lập tức bay tới Washington. Tôi sẽ tới Bắc Kinh và tôi sẽ tới Tokyo. Nếu các điều kiện được cải thiện, tôi sẽ tới Bình Nhưỡng”.

Sự lạc quan là rõ ràng trong giới chính sách đối ngoại theo đường lối tự do ở Seoul: Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Moon Jae-in và ông Kim Jong-un sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ liên Triều. Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều gần đây nhất diễn ra vào năm 2007, giữa ông Kim Jong-il và ông Roh Moo-hyun, người bạn thân nhất của Tổng thống Moon.

Tuy vậy, bất chấp sự lạc quan của Hàn Quốc, ở Mỹ có nhiều sự bi quan về nghị trình của ông Moon, khi giới phân tích bày tỏ mối quan ngại rằng lập trường ủng hộ sự can dự của ông Moon đối với Bình Nhưỡng xung đột với nhịp độ và chính sách mà Washington ưu tiên, và không có khả năng thành công khi xét tới những hành động khiêu khích liên tục của Triều Tiên.

Với việc Triều Tiên có khả năng tiếp tục thử tên lửa hoặc tiến hành các vụ thử hạt nhân tiếp theo, những nhận xét của ông Moon ủng hộ một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều giữa 2 nhà lãnh đạo có thể đẩy chính quyền Trump, vốn được thúc đẩy bởi các biện pháp trừng phạt, vào một đường lối xung đột với ban lãnh đạo ở Seoul.

Bảo Trân (tổng hợp)
.
.