Nicola Calipari - điệp viên anh hùng của tình báo Italia tại Iraq

Chủ Nhật, 10/04/2005, 07:57
Nhà báo Giuliana Sgrena về điệp viên Nicola Calipari như sau: “Khi những người lính bộ binh Mỹ xả đạn, Nicola đẩy tôi ngã xuống sàn xe và lấy thân mình đỡ đạn cho tôi. Trong lúc cố gắng giơ tay lên ra hiệu cho lính Mỹ, Nicola đã dính một viên đạn vào trán”.

Từ một con người vô danh với công chúng, Nicola Calipari đã trở thành người hùng của Italia sau khi hoàn thành điệp vụ cuối cùng của mình.

Nicola Calipari sinh ngày 23/6/1953 tại thành phố cảng Cantobonari ở miền Nam Italia. Năm 19 tuổi, Nicola Calipari tham gia đội hiến binh của thành phố Cantobonari và nhiều lần được cấp trên biểu dương vì những thành tích nổi bật khi thực hiện nhiệm vụ.

Năm 1983, Nicola Calipari được điều chuyển đến nhận nhiệm vụ phụ trách đội đặc nhiệm phản ứng nhanh thuộc lực lượng hiến binh thành phố Cencha. Sau những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tội phạm năm 1999, Nicola Calipari lại tiếp tục được điều về thủ đô Roma nhận chức đại đội phó đại đội cảnh sát đặc nhiệm và sau đó là đội trưởng đội đặc nhiệm hiến binh Roma, chuyên phá những vụ án nghiêm trọng như cướp giật, bắt cóc con tin, chống khủng bố.

Đầu năm 2002, Nicola Calipari  được chuyển sang phụ trách đơn vị tình báo hoạt động ngoài nước của đội hiến binh Italia. Khi cuộc chiến tranh Iraq nổ ra, tiếng tăm của điệp viên Nicola Calipari được nhắc đến với sự nể trọng và khâm phục trong lực lượng tình báo đối ngoại Italia vì anh là nhân vật chính góp phần thành công trong các chiến dịch giải cứu con tin người Italia bị bắt cóc ở Iraq.

Giuliana Sgrena - một trong những con tin được Nicola cứu thoát.

Bằng tài năng đàm phán ngoại giao, các mối quan hệ nghiệp vụ sâu rộng, chắc chắn và quan trọng là uy tín cao, điệp viên Nicola Calipari chính là người chủ trì chiến dịch vận động giải cứu thành công hai nữ con tin người Italia là Simona Pari và Simona Torretta đang làm sứ mệnh nhân đạo tại Iraq bị các nhóm du kích Iraq bắt cóc.

Hoạt động âm thầm nên ngoài những đồng đội và chỉ huy trực tiếp ra, không một ai biết Nicola Calipari làm gì và với người dân Italia. Là người rất có kinh nghiệm trong hoạt động tình báo hỗ trợ giải cứu con tin nên sau khi nữ phóng viên Giuliana Sgrena của tờ tuần báo “Il Manifesto”, bị bắt cóc tại Iraq, ngay lập tức cái tên Nicola Calipari được nhắc tới.

Trải qua những nỗ lực tuyệt vời, cuối cùng điệp viên Nicola Calipari đã đưa nữ con tin Giuliana Sgrena từ cõi chết trở về. Tuy nhiên, chính điệp viên này không ngờ rằng, đoạn cuối của điệp vụ tưởng như đã thành công mỹ mãn thì anh đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình vì những viên đạn không biết là “vô tình hay hữu ý” từ chính họng súng của lính Mỹ, những người mà nước Italia xem là đồng minh của mình.

Trong phóng sự được viết ngay sau khi trở về Italia, nhà báo Giuliana Sgrena đã viết về ân nhân của mình như sau: “Nicola Calipari là một con người rất vui tính và có cách nói chuyện hấp dẫn, ở anh không hề có vẻ lạnh lùng, thâm thúy của một điệp viên.

Ngay sau khi có cơ hội tiếp xúc với tôi, Nicola đã nhanh chóng xoa dịu tâm trạng đang khủng hoảng trầm trọng lúc đó của tôi bằng một câu chuyện hài hước. Nicola còn nói với tôi rằng, lúc này người dân Italia nào cũng biết đến tên tôi và cầu mong tôi sẽ bình yên trở về nhà”.

Trong buổi lễ truy điệu Nicola Calipari, Gianlluca Moratti, cấp trên trực tiếp của điệp viên này đã không kìm nổi những giọt nước mắt xúc động, kể lại:

"Nicola Calipari là con người thẳng thắn bộc trực, những việc qua tay anh đều không hề xảy ra sơ suất. Trong cuộc điện thoại cuối cùng gọi về Trung tâm chỉ huy ở Roma, Nicola Calipari phấn khởi thông báo rằng, con tin Giuliana Sgrena đã được giải cứu và hiện đang ngồi cùng xe với anh ra sân bay để bay về Italia. Nicola Calipari còn hẹn khi nào con tin lên máy bay sẽ gọi điện thông báo tiếp. Và đó là cú điện thoại cuối cùng trong đời của anh".

Bạn trai của nhà báo Giuliana Sgrena là Pier Scolari, người từng đến Baghdad tham gia công tác giải cứu con tin cho biết, ngay lần đầu tiên nhìn thấy Nicola Calipari anh ta đã tin rằng bạn gái mình sẽ được cứu thoát và trở về Italia một cách bình an. Simona Pari và Simona Torretta, hai con tin từng được điệp viên Nicola Calipari giải cứu thành công hồi giữa năm 2004 cũng không thể tin nổi ân nhân của mình đã bị lính Mỹ sát hại.

Lúc còn sống, Nicola Calipari sống cùng vợ và con gái 17 tuổi tại một chung cư yên tĩnh ở ngoại ô thành phố Roma. Mặc dù đã yên nghỉ dưới lòng đất, nhưng tên tuổi anh vẫn được kẻ trang trọng dưới chuông cửa nhà anh và đúng 14h chiều hàng ngày, giờ mà Nicola Calipari bị sát hại tại Iraq lại có một bó hoa hồng vàng của ai đó đặt trước cầu thang nhà anh để tưởng nhớ đến điệp viên, người hùng của họ

Quốc Long (theo Thời báo Hoàn cầu)
.
.